Chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn của ông Modi thúc đẩy bang giao Hoa Kỳ-Ấn Độ, Trung Quốc tỏ ý khó chịu
NEW DELHI – Mặc dù trước đây ông Narendra Modi đã từng đến thăm Hoa Kỳ với tư cách là thủ tướng Ấn Độ, nhưng lần này ông sẽ được chào đón trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, hình thức tiếp đón trọng thể nhất của Hoa Kỳ.
Chuyến công du kéo dài ba ngày này dự kiến sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác quốc phòng và công nghệ giữa hai nước, khi ông Modi tìm cách củng cố vị trí của Ấn Độ trên bảng xếp hạng hàng đầu thế giới.
Ông Modi chính là nhà lãnh đạo thuộc thế giới thứ ba (các quốc gia đang phát triển) được vinh danh trong chuyến thăm cấp nhà nước dưới thời Tổng thống Joe Biden, sau ông Emmanuel Macron của Pháp và ông Yoon Suk Yeol của Nam Hàn.
Sự kiện này đang thu hút sự chú ý ở Trung Quốc, nơi các nhà lãnh đạo cộng sản cũng như các phương tiện truyền thông có truyền thống xem nhẹ mối bang giao Hoa Kỳ-Ấn Độ — và hiện cũng đang cáo buộc Hoa Kỳ kích động mối bất hòa sâu sắc hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trước khi khởi hành với The Wall Street Journal ông Modi cho biết bất kỳ sự cải thiện nào trong mối bang giao Ấn Độ-Trung Quốc sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tại đường biên giới chung có tranh chấp gay gắt ở dãy Himalayas.
Những hoạt động nổi bật trong hai ngày đầu tiên của chuyến thăm cấp nhà nước của ông Modi bao gồm một loạt các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ, các tổ chức tư vấn, các thành viên của cộng đồng người Ấn Độ ở Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp Hoa Kỳ, và các Giám đốc điều hành (CEO) — bao gồm cả Giám đốc điều hành công ty Micron Technology Sanjay Mehrotra cũng như tổng giám đốc của Tesla và Twitter Elon Musk.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ này cũng đã gặp mặt nam diễn viên Richard Gere tại một sự kiện yoga được tổ chức trong trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 21/06. Ông Gere đã bị cấm đến Trung Quốc — và thậm chí hồi năm 1993 còn bị cấm tham dự lễ trao giải Oscar ở Hollywood trong 20 năm — chỉ vì ông đã lên tiếng phản đối những vi phạm nhân quyền tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tây Tạng.
Cũng trong ngày 21/06, ông Modi được mời tới dự buổi quốc yến thân mật tại Tòa Bạch Ốc do Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden trọng đãi. Những vị khách khác bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval.
Đã có suy đoán rằng các thông báo quan trọng về việc hợp tác có thể được đưa ra hôm 22/06 trước khi ông Modi có bài diễn văn tại phiên họp chung của Quốc hội Hoa Kỳ vào buổi tối cùng ngày.
Tầm quan trọng của Ấn Độ
Trong các cuộc phỏng vấn và buổi diễn thuyết liên quan đến chuyến thăm Hoa Kỳ của mình, ông Modi đã rất nỗ lực để làm nổi bật tầm quan trọng của Ấn Độ trên trường quốc tế, cũng như cho thấy sức mạnh và chiều sâu của mối bang giao giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ — bao gồm cả về mối tương quan giữa con người và “một sự tin cậy chưa từng có” giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
Ông Modi ca ngợi sự hợp tác quốc phòng ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ là “một trụ cột quan trọng trong liên kết đối tác của chúng ta,” điều mà ông cho biết sẽ mở rộng hơn nữa sang thương mại, công nghệ, và năng lượng.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, và thương mại song phương giữa hai nước đã tăng hơn 7.65% trong giai đoạn 2022-23, đạt mức kỷ lục 128.55 tỷ USD. Sự gia tăng này xảy ra vào thời điểm thương mại song phương của Ấn Độ với Trung Quốc giảm 1.5% xuống còn 113.38 tỷ USD.
Ông Modi đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn cho Ấn Độ trên vũ đài thế giới, và mong muốn khắc họa nền dân chủ lớn nhất thế giới này như là nhà lãnh đạo đương nhiên của miền Nam bán cầu — một khu vực cũng là trọng tâm chính trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Ông Modi cho biết Ấn Độ có thể nói thay lời cho những nguyện vọng bị lãng quên từ lâu của các nước đang phát triển.
Ông nói: “Ấn Độ xứng đáng có một vị thế và vai trò cao hơn, sâu hơn, và rộng hơn.”
Bất chấp những đồn đoán về việc Ấn Độ sẽ sớm thay thế Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu, ông Modi nhấn mạnh rằng Ấn Độ không muốn bắt chước bất kỳ quốc gia nào khác, mà tìm cách tạo ra con đường đặc biệt của riêng mình để đạt được vị thế nổi bật trên toàn cầu.
“Hãy để tôi nói rõ rằng chúng tôi không thấy là Ấn Độ đang thay thế bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi xem quá trình này là Ấn Độ giành được vị trí chính đáng của mình trên thế giới,” ông Modi nói. “Thế giới ngày nay liên kết và phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết. Để tạo khả năng phụ hồi, thì cần có sự đa dạng hóa hơn trong các chuỗi cung ứng.”
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc
Cả truyền thông Ấn Độ và Trung Quốc đều đang miêu tả chuyến công du Hoa Kỳ của ông Modi là truyền tải một thông điệp thầm lặng tới Trung Quốc. Chuyến đi này đã tạo ra một cuộc chiến địa chính trị giữa hai khối truyền thông, với việc các nhà lãnh đạo chính trị của cả hai nước đều tham gia vào. Tuy nhiên, ông Modi nhắc lại rằng mối bang giao song phương giữa hai quốc gia này phụ thuộc vào việc duy trì hòa bình ở biên giới Ấn Độ-Trung Quốc.
“Để có được mối bang giao song phương bình thường với Trung Quốc, thì bầu không khí hòa bình và yên ả ở khu vực biên giới là điều cần thiết,” ông Modi nói. “Chúng tôi có niềm tin cốt lõi là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tuân thủ pháp quyền, và cách giải quyết hòa bình những khác biệt và tranh chấp. Đồng thời, Ấn Độ đã chuẩn bị đầy đủ và cam kết bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của mình.”
Một ngày trước khi ông Modi lên đường đến Hoa Kỳ, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã viết một bài bình luận cho tờ Thời báo Hoàn Cầu do nhà nước điều hành. Ông Vương nói rằng Hoa Kỳ đã “đưa ra tính toán địa chính trị” để gia tăng giao thương và thương mại với Ấn Độ. Ông tuyên bố rằng Trung Quốc đang quan sát thấy sự nghi ngại của “giới tinh hoa Ấn Độ” về mối liên hệ chặt chẽ hơn của quốc gia họ với Hoa Kỳ.
“Không khó để đọc vị các tính toán địa chính trị của Hoa Kỳ,” ông Vương viết. “Như nhiều người trong giới tinh hoa Ấn Độ lo sợ, những nỗ lực mạnh mẽ của Hoa Thịnh Đốn nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với Ấn Độ chủ yếu là để làm chậm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
“Tuy nhiên, tính toán địa chính trị này của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ thất bại, bởi vì vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu không thể bị thay thế bởi Ấn Độ hay các nền kinh tế khác,” ông Vương tuyên bố.
Tuy nhiên, trước thềm chuyến thăm của ông Modi, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết tại một cuộc họp báo rằng chuyến thăm này sẽ cho mọi người thấy được sự sẵn sàng muốn chung sức cùng với Hoa Kỳ của Ấn Độ trong việc bảo vệ và thúc đẩy “tầm nhìn chung về một trật tự toàn cầu tự do, cởi mở, và dựa trên luật lệ.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times