PHÂN TÍCH: Hoa Kỳ dự định thành lập các trung tâm tiếp vận hải quân ở Ấn Độ nhằm thúc đẩy nỗ lực đương đầu với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương
NEW DELHI — Hoa Kỳ đang dự định thiết lập nhiều trung tâm tiếp vận hải quân ở Ấn Độ để tiếp tế và bảo dưỡng các tàu hải quân của mình ở khu vực Nam Á. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ tăng cường sự thống trị trên biển của Hoa Kỳ, và giúp đương đầu với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Trả lời câu hỏi về thỏa thuận cho phép Hải quân Hoa Kỳ tiến hành sửa chữa ở Ấn Độ tại một cuộc họp báo hôm 22/06, Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Không quân Patrick Ryder cho biết, “Chúng tôi sẽ còn nhiều việc phải làm trong tương lai gần, nhưng mục tiêu ở đây là biến Ấn Độ thành một trung tâm tiếp vận cho Hoa Kỳ và các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.”
Hành động này cũng được xem là sự giúp đỡ của Hoa Kỳ đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải và được công bố ngay sau khi hai nước tạo ra Hệ sinh thái Tăng tốc Quốc phòng Ấn Độ–Hoa Kỳ (INDUS-X) hồi cuối tháng Sáu — trùng với thời điểm chuyến thăm cấp quốc gia đầu tiên tới Hoa Thịnh Đốn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Chuẩn Tướng Ryder nói, “Và vì vậy, chúng tôi dự định giúp đỡ Ấn Độ trong việc tạo ra cơ sở hạ tầng tiếp vận, sửa chữa, và bảo trì cho phi cơ và chiến hạm.”
Phó Đô đốc đã về hưu Shekhar Sinha, cựu Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Liên hợp của Ấn Độ, nói với The Epoch Times trong một thông điệp bằng văn bản rằng hải quân Hoa Kỳ trước đây đã ký một thỏa thuận với nhà máy đóng tàu Larsen và Toubro gần thành phố cảng Chennai, miền nam Ấn Độ, và rằng các chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ đã được cập bến và sửa chữa tại cơ sở này.
Phó Đô đốc Sinha cho biết: “Trong chuyến thăm mang tính bước ngoặt của Thủ tướng [Ấn Độ] tới Hoa Kỳ, thêm nhiều thỏa thuận sửa chữa và tân trang đã được ký kết. Trong những đợt tân trang này, một số linh kiện/bộ phận được bảo dưỡng hoặc thay thế.” Ông cho biết những vật thay thế có thể khác nhau từ vật tư tiêu hao cho đến các linh kiện chính tùy vào yêu cầu.
Đối với việc tân trang chiến hạm, ông nói rằng trong sách hướng dẫn bảo trì của Hoa Kỳ có danh sách tiêu chuẩn các bộ phận cần được thay thế dựa trên tình trạng của chúng hoặc tuổi thọ của chúng, vốn được quyết định bởi thời gian sử dụng hoặc số giờ hoạt động.
“Các chiến hạm giống như các thành phố,” Phó đô đốc Sinha nói, “nơi con người sinh sống và cũng điều khiển vũ khí và hệ thống điện tử để có thể chiến đấu. Hoạt động tiếp vận trợ giúp về mặt kỹ thuật, đồng thời các kho hải quân đòi hỏi lượng hàng dự trữ lớn [vốn phải] được lưu trữ trong điều kiện khí hậu được kiểm soát. Do đó, cần có những nhà chứa phi cơ lớn với các khoang máy lạnh.”
Ông cho biết, ngoài ra, những hàng dự trữ này là dành riêng cho các loại chiến hạm dự kiến sẽ được trang bị lại và sửa chữa, và như thế chúng bao hàm mọi khía cạnh và phải được nhân viên chuyên trách quản lý tiếp vận duy trì.
Marine Insight, một hãng thông tấn hàng hải có trụ sở tại Ấn Độ, đưa tin rằng có thể Hải quân Hoa Kỳ sẽ sớm ký hợp đồng với hai công ty đóng tàu khác ở Mumbai và Goa. Tuy nhiên, The Epoch Times không thể xác thực điều này một cách độc lập.
Chuẩn Tướng Ryder cho biết kế hoạch này nằm trong một mối liên kết đối tác chiến lược sâu rộng giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, trong đó hợp tác quốc phòng và an ninh đã trở thành trọng tâm của mối liên kết chiến lược này.
Ông nói: “Và trọng tâm ở đây thực sự là một cam kết tiếp tục hợp tác quốc phòng, nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định trong khu vực, không chỉ ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu.”
Bối cảnh
Cựu Phó đô đốc Sinha cho biết kế hoạch thiết lập các trung tâm hải quân ở Ấn Độ của Mỹ là kết quả của Bản ghi nhớ về Thỏa thuận Trao đổi Tiếp vận (LEMOA) được ký hồi năm 2016 giữa các lực lượng vũ trang Ấn Độ và Hoa Kỳ. Thỏa thuận này xác định các điều khoản, điều kiện, thủ tục cơ bản cho việc trợ giúp tiếp vận, quân nhu, và dịch vụ.
Hải quân Ấn Độ và hải quân Mỹ đã bắt đầu các cuộc tập trận hải quân song phương được gọi là “Cuộc tập trận Malabar” hồi năm 1992. Hải quân Úc tham gia vào năm 2000, sau đó Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này vào năm 2015. Phó Đô đốc Sinha nói rằng vì Ấn Độ và Hoa Kỳ đã có sẵn “Malabar” và LEMOA, nên nước này thích hợp để đặt trung tâm tiếp vận trong vùng lân cận của một nhà máy đóng tàu lớn.
Ông nói: “Là đối tác của MALABAR, các chiến hạm Hải quân Hoa Kỳ sẽ hoạt động ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thật hợp lý khi lưu trữ… hàng dự trữ ở khu vực lân cận nhà máy đóng tàu [Chennai], nơi diễn ra quá trình tái trang bị — như vậy sẽ cắt ngắn chuỗi tiếp vận và cung cấp những gì cần thiết trong quá trình tái trang bị.”
Theo Phó đô đốc Sinha, Ấn Độ có một số thỏa thuận giúp đỡ tiếp vận song phương với từng quốc gia tham gia cuộc tập trận Malabar.
Đương đầu với Trung Quốc
Một phần trong kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm thiết lập các trung tâm hải quân ở Ấn Độ là nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Ông Burzine Waghmar, một thành viên Ấn Độ danh dự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia và là một hội viên của Viện Nam Á SOAS ở London, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng các thỏa thuận chiến lược gần đây giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ đại diện cho phản ứng chung của hai quốc gia này đối với hai mối đe dọa đồng thời— trên bộ và trên biển từ phía Trung Quốc.
Sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và xung quanh lãnh thổ đất liền của Ấn Độ đã diễn ra trong nhiều năm và ông Waghmar đã chỉ ra sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực này. Một ví dụ mà ông đưa ra là vụ việc gần đây khi Trung Quốc đệ trình những cái tên tiếng Hán cho chín đáy biển ở phía tây Ấn Độ Dương lên Tổ chức Thủy văn Quốc tế.
Ông cho biết: “Từ năm 1994, Trung Quốc đã thuê của Miến Điện (Myanmar) và duy trì một trạm tình báo tín hiệu (SIGINT) trên Đảo Great Coco, cách bờ biển phía nam Miến Điện ở Vịnh Bengal 180 km, và một căn cứ nhỏ của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) nằm trên Đảo Small Coco ở Eo biển Alexandra, phía bắc quần đảo Andaman.”
Khoảng cách giữa Quần đảo Coco và các đảo Andaman và Nicobar (AN) của Ấn Độ chỉ là 237 dặm (381 km), trong khi khoảng cách giữa các đảo AN và Chennai là 842 dặm (1.355 km). AN cũng là một trong những cơ sở được sử dụng trong cuộc Tập trận Malabar.
Ông Waghmar cho biết nhiều trạm SIGINT khác của Trung Quốc được đặt dọc theo bờ biển Miến Điện, bao gồm cả thành phố cảng Sittwe ở tiểu bang Arakan phía tây nước này. Những trạm này cung cấp thông tin tình báo cho Bắc Kinh từ Vịnh Bengal đến Eo biển Malacca — tất cả đều dọc theo bờ biển phía đông quan trọng của Ấn Độ.
Ông Waghmar nói: “Sự hiện diện của Trung Quốc ở Vịnh Bengal đã giám sát các vụ phóng phi đạn và các hoạt động hải quân của Ấn Độ ở quần đảo Andaman và Nicobar, cũng như hoạt động vận chuyển của Ấn Độ đến Đông Nam Á và Úc.”
Phó Đô đốc đã về hưu Sinha cho biết sự phối hợp giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương đã tồn tại. Tuy nhiên, thỏa thuận hải quân gần đây là kết quả của các thỏa thuận LEMOA và Malabar và không thể liên quan đến các hoạt động của liên minh QUAD.
Ông nói: “Mặc dù QUAD hoàn toàn có bản chất kinh tế, nhưng Malabar là để giải quyết các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống.”
“Hãy làm rõ rằng việc kết hợp Quad với Malabar là một khả năng trong tương lai, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc thúc đẩy điều này nhanh như thế nào bằng hành vi hung hăng của mình.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times