BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Nga, Miến Điện tăng cường bang giao với thỏa thuận năng lượng hạt nhân
Mới đây, Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga, Rosatom, đã ký một số biên bản ghi nhớ với Chính quyền quân phiệt Miến Điện. Điều này bao gồm một thỏa thuận hồi tháng Sáu để thăm dò tính khả thi của việc xây dựng các trang trại phong năng 372 MW và khánh thành một trung tâm thông tin điện hạt nhân vào tháng Hai năm sau như một bước tiến tới phát triển năng lượng nguyên tử.
Cả Nga và Miến Điện (còn gọi là Myanmar), một quốc gia đang bị xung đột, đều hiện đang phải chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, và các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng trước đây hai quốc gia chỉ là bằng hữu tốt, nhưng việc quân đội tiếp quản ở Miến Điện và cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã kéo cả hai gần gũi hơn trong hợp tác chiến lược.
Vào ngày 01/02/2021, quân đội Miến Điện, được gọi là Tatmadaw, đã chiếm quyền lực từ một chính phủ được bầu cử dân chủ và bắt giữ các nhà lãnh đạo chính phủ, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Đáp trả lại hành động đó, đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với sáu cá nhân và ba tổ chức của chính quyền quân phiệt Miến Điện, bao gồm lãnh đạo cao cấp của Bộ Năng lượng Miến Điện, Doanh nghiệp Dầu khí Myanmar (MOGE), và Lực lượng Không quân Miến Điện, cũng như một đại lý vũ khí, và một thành viên gia đình của một đối tác kinh doanh được chỉ định trước đây của quân đội.
“Chính quyền quân phiệt này có một số lượng hạn chế các đối tác trên trường thế giới, và do đó, đang dựa vào số ít đó để phóng chiếu bản thân với một vai trò trong khu vực,” ông Akhil Ramesh, một thành viên thường trú cao cấp tại Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Honolulu đã chia sẻ với The Epoch Times trong một thư điện tử. “Mặc dù tuyên bố trung tâm hạt nhân này là dành cho các sáng kiến hạt nhân dân sự, nhưng chính quyền quân phiệt này cũng muốn tận dụng lợi thế của việc sở hữu một trung tâm thông tin hạt nhân.”
Theo Global New Light, một cơ quan truyền thông nhà nước Miến Điện, người đứng đầu chính phủ quân sự, Đại tướng Min Aung Hlaing, đã gặp ông Alexey Evgenievich Likhachev, Tổng giám đốc Rosatom, tại Trung tâm Thông tin Công nghệ Hạt nhân mới khai trương ở thành phố lớn nhất Miến Điện, Yangon, vào ngày 06/02.
Hai nhà lãnh đạo đã ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Trước đó, Miến Điện và Rosatom đã ký một thỏa thuận sơ bộ vào năm 2015, và quốc gia Đông Nam Á này hy vọng sẽ xây dựng và vận hành một lò phản ứng hạt nhân theo thỏa thuận này.
Hôm 11/07, hai bên cũng đã ký các biên bản ghi nhớ tại Moscow về năng lượng hạt nhân, đào tạo và thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về năng lượng nguyên tử. Rosatom cũng đã tổ chức lễ hội khoa học đầu tiên của Miến Điện cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ Miến Điện từ ngày 28/06 đến 30/06 tại Trung tâm Thông tin Công nghệ Hạt nhân và Đại học Công nghệ Yangon.
Tiến sĩ Nishakant Ojha, một nhà phân tích địa chính trị ở New Delhi, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng chính quyền quân phiệt Miến Điện đã thu hút sự chú ý với tư cách là đối tác trung thành nhất của Nga ở châu Á sau cuộc xâm lược của Nga [vào Ukraine.]
“Đồng thời, Nga đã sẵn sàng trợ giúp chế độ độc tài của Miến Điện trong nhiều bối cảnh khác nhau, cả về mặt ngoại giao và, quan trọng nhất là cung cấp vũ khí cho chế độ này.”
Theo một báo cáo của ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Miến Điện, kể từ khi tiến hành một cuộc đảo chính hồi tháng 02/2021, quân đội Miến Điện đã nhập cảng ít nhất 1 tỷ USD vũ khí và các vật liệu khác chủ yếu từ Nga và Trung Quốc.
Theo ông Andrews, các mặt hàng nhập cảng từ Nga bao gồm trực thăng Mi-35 do Nga sản xuất, chiến đấu cơ MiG-29, và Yak-130, và những chiếc phi cơ này đã được sử dụng trong các cuộc không kích thường xuyên tàn phá trường học, cơ sở y tế, nhà cửa và các địa điểm dân sự khác.
Tiến sĩ Ojha cho biết Nga và chính quyền quân phiệt Miến Điện hiện đang sẵn sàng để giao thiệp chặt chẽ hơn về kinh tế và thương mại.
“Giữa cuộc chiến của Naypyitaw nhằm trấn áp sự nổi dậy trong nước và thiết lập tính hợp pháp quốc tế, Nga đã trao cho thành phố Naypyitaw [thủ đô của Miến Điện] một tuyến đường huyết mạch, đối kháng với các quốc gia đang ủng hộ Myanmar trở lại chế độ dân chủ. Phương Tây lo ngại rằng chính phủ Moscow có thể sử dụng nước đi này như một lợi khí cho mục đích định hướng sai các lệnh trừng phạt,” tiến sĩ Ojha nói.
Theo Tiến sĩ Ojha, việc mở một trung tâm thông tin hạt nhân và ký kết một thỏa thuận hợp tác liên chính phủ rất có thể là một phần trong nỗ lực của chính quyền quân phiệt này nhằm thúc đẩy bang giao với Nga.
Ông chia sẻ: “Theo tôi, khi đất nước này hầu như không có đủ điện, việc thực hiện kế hoạch này chỉ là một chiến lược kinh tế và địa chính trị được dàn dựng nhằm mở rộng phạm vi hợp tác giữa Nga và Miến Điện. Và tôi nghĩ việc này là không nên.”
Theo Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế, Miến Điện đã phải đối mặt với tình trạng mất điện trên diện rộng kể từ tháng 09/2022 trên khắp đất nước, trong đó có cả Yangon và Mandalay, các trung tâm kinh doanh lớn, và sản lượng điện đã giảm từ 3,711 MW vào tháng 10/2021 xuống còn 2,665 MW vào tháng 032/2022.
Vị trí địa chiến lược của Miến Điện
Các chuyên gia cho biết lợi ích cốt lõi của Nga là vị trí địa chiến lược của Miến Điện ở Ấn Độ Dương. Đây cũng là nguyên nhân giúp tăng cường bang giao giữa hai quốc gia vốn đang đối đầu với các lệnh trừng phạt, và bối cảnh hiện tại đã mở ra nhiều cơ hội cho cả hai.
Tiến sĩ Ojha cho biết: “Vai trò của đối tác chiến lược này có thể bị khai thác về mặt kinh tế và địa chính trị — vị trí của quốc gia này [Miến Điện] — là điểm quan tâm hợp lý nhất đối với đối tác Nga.”
“Điều này là do Miến Điện nằm ở Đông Nam Á. Khi cả hai quốc gia đều phải chịu các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, sự hợp tác của họ sẽ không chỉ giới hạn ở công nghệ hạt nhân; thay vào đó, họ sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm thương mại, du lịch, và các lĩnh vực khác.”
Tờ Global New Light đưa tin Bộ trưởng Công nghiệp Miến Điện đã gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Nga hôm 11/07 trong một Triển lãm Công nghiệp Quốc tế tại thành phố Yekaterinburg của Nga và thảo luận về hợp tác Nga-Miến Điện trong sản xuất thép, sản xuất dược phẩm, sợi và sản xuất vải, sản xuất xi măng, và sản xuất thiết bị trợ giúp y tế.
Theo ông Ojha, điều này được hiểu rằng về mặt chiến lược, phạm vi của Trung tâm Thông tin Công nghệ Hạt nhân ở Yangon sẽ được tận dụng trong các lĩnh vực ứng dụng khác nhau, và sớm hay muộn, quân đội sẽ là trọng tâm ở nơi này.
Ông cho biết sau 10 năm phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc vốn là quốc gia cung cấp vũ khí chính, Miến Điện rất mong muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp để đáp ứng chiến tranh đang leo thang.
Các thỏa thuận năm nay cũng đã đặt ra câu hỏi liệu Miến Điện có biến thành một Bắc Hàn tiếp theo và đe dọa an ninh khu vực hay không, và liệu Nga có nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc cho các thỏa thuận mới hay không. Các chuyên gia không đồng ý về cả hai luận điểm này.
Nói về những lo ngại liên quan đến việc Miến Điện trở thành một Bắc Hàn tiếp theo, ông Ramesh cho rằng, “Điều đó là khiên cưỡng.”
Tiến sĩ Ojha nói rằng Bắc Hàn và Miến Điện là hai trong số mười bốn quốc gia có chung đường biên giới với Trung Cộng, nhưng cả hai đều có thế cân bằng khác nhau với chính quyền Bắc Kinh. Bắc Hàn hoàn toàn phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc và điều này cho phép Trung Quốc tiếp tục trợ giúp cho nền kinh tế non trẻ của họ mà không lo bị cộng đồng toàn cầu bỏ rơi.
Ông Ojhanói: “Rõ ràng là ảnh hưởng cân xứng của Bắc Hàn đối với Trung Quốc quan trọng hơn nhiều so với Miến Điện.
Theo ông Ojha, Miến Điện mang lại cho Trung Quốc quyền tiếp cận quan trọng tới Ấn Độ Dương, không chỉ trong việc vận chuyển hàng hóa từ các khu vực phía nam không giáp biển của Trung Quốc mà còn có khả năng thiết lập các tiền đồn quân sự hoặc các trạm nghe lén trong nước. Tuy nhiên, Miến Điện không có ảnh hưởng chiến lược tương tự đối với Trung Quốc như Bắc Hàn.
“Do đó, chính quyền Miến Điện có quan điểm rằng họ buộc phải nghiêng về các lực lượng Tây phương để không biến quốc gia của mình trở thành tỉnh thứ 23 của Trung Quốc,” ông nói.
Ông Ramesh tin rằng vai trò của Trung Quốc trong tham vọng hạt nhân của Miến Điện là khá hạn chế mặc dù Bắc Kinh đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và thương mại của Miến Điện.
Ông Ramesh nói: “Chính quyền quân phiệt này chủ yếu dựa vào Nga về quốc phòng, an ninh và tham vọng hạt nhân.”
Ông Ojha nói rằng khi một chính quyền dân sự cai trị Miến Điện, không có gì bảo đảm rằng họ sẽ tuân thủ các nghị trình của Trung Quốc mà chính quyền quân phiệt trước đó đã ủng hộ và rất có thể chính quyền cộng sản Trung Quốc vốn nổi tiếng với việc dập tắt các phong trào dân chủ ở Đại lục sẽ ủng hộ điều tương tự diễn ra ở Miến Điện.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times