Chuyên gia quân sự Nhật Bản tiết lộ tầm quan trọng của Ấn Độ trong Bộ Tứ
Một chuyên gia Nhật Bản về bang giao quốc tế và quốc phòng gần đây đã viết một bài báo thảo luận về tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong Đối thoại An ninh Tứ giác (QSD), thường được gọi là Bộ Tứ, và những gì Ấn Độ có thể mong đợi từ nhóm này.
Bộ Tứ là đối thoại an ninh chiến lược giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo của bốn quốc gia này đã tăng cường hợp tác trong ba năm qua. Họ đã trở nên đoàn kết hơn trong những mối lo ngại chung về hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc Cộng sản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giáo sư Toru Ito của Học viện Quốc phòng Nhật Bản, tác giả cuốn sách “India’s True Identity” (Bản sắc Thật của Ấn Độ), gần đây đã viết một bài báo cho tờ báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun, trong đó phân tích vị trí chiến lược của Ấn Độ với vai trò là một quốc gia đang phát triển và tầm quan trọng của Bộ Tứ khi đối mặt với cuộc đối đầu ngày càng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Phương Tây tìm cách tăng cường liên minh với Ấn Độ
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói trong bài diễn văn hôm 20/03 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã khẳng định quốc gia này là đối tác tất yếu của Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ông Ito đưa ra phân tích của mình về lý do tại sao ông lại nói như vậy, lưu ý rằng Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, có GDP lớn thứ năm trên thế giới cũng như cùng chia sẻ các giá trị dân chủ với Hoa Kỳ và Nhật Bản, khiến quốc gia này trở thành một thành trì trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ góc nhìn địa chính trị. Thêm vào đó, sức mạnh kinh tế và quân sự của Ấn Độ đang tăng lên nhanh chóng.
Ông Ito viết, “Giờ đây, khi các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh tầm quan trọng của quốc gia này, chắc chắn họ đã nghĩ đến sự hiện diện của một Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng quyết đoán, ngay cả khi họ không nói ra điều đó một cách công khai. Một Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng đang bắt đầu làm lung lay Hoa Kỳ và trật tự hiện có.”
Ông viết tiếp, “Để đối mặt với thách thức này, chỉ riêng Hoa Kỳ và Nhật Bản là không đủ. Do đó, hãy lôi kéo một cường quốc mới nổi khác bên cạnh Trung Quốc, đó là Ấn Độ. Những ý tưởng kiểu như vậy tồn tại trong mối bang giao chiến lược song phương với Ấn Độ, trong khuôn khổ Bộ Tứ, hoặc trong G-7.”
Năm 2006, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người đầu tiên đưa ra đề nghị về việc thành lập đối thoại chiến lược Bộ Tứ.
Đối với Ấn Độ mà nói, quốc gia này xem Trung Quốc là một mối đe dọa và có mối liên hệ chủ yếu là đối nghịch với Bắc Kinh, đặc biệt là về các tranh chấp chưa được giải quyết ở biên giới. Năm 1962, Ấn Độ thua trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc và các cuộc đàm phán sau đó đã không giải quyết được tranh chấp này. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, các hành động gây hấn của quân đội Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ ngày càng trở nên hung hãn.
Trong bài viết của mình, ông Ito kể lại những kết cục thảm hại sau cuộc đụng độ biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vào tháng 06/2020 tại thung lũng Garhwal của Ấn Độ, khi binh lính Trung Quốc dùng gậy gộc và dùi cui tấn công binh lính Ấn Độ, khiến 20 người thiệt mạng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau đó đã cấm sử dụng các Ứng dụng của Trung Quốc ở Ấn Độ, áp đặt các hạn chế đối với hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Ấn Độ, và tiến hành điều tra thuế đối với các công ty Trung Quốc.
Theo một cuộc thăm dò do India Today thực hiện hồi tháng Một, 78% người dân ở Ấn Độ ủng hộ chính sách của chính phủ ông Modi đối với Trung Quốc, trong khi 55% tin rằng sẽ có một cuộc chiến khác với chính quyền Trung Quốc.
Ấn Độ đã ngừng cấp và gia hạn thị thực cho các ký giả Trung Quốc, và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách thực hiện chính sách tương tự với Ấn Độ. Đến tháng Sáu, không còn ký giả thường trú nào của Trung Quốc tại Ấn Độ và ngược lại.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang cảnh giác với ảnh hưởng kinh tế, chính trị, và quân sự ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Nam Á và Ấn Độ Dương trong những năm gần đây. Xu hướng này thậm chí còn được khuếch đại hơn kể từ khi Trung Quốc khai triển Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tại Sri Lanka, Trung Quốc đã được thuê Cảng Quốc tế Hambantota, cảng nước sâu có tầm quan trọng chiến lược về thương mại, trong 99 năm. Ở Bangladesh, hầu hết vũ khí ở quốc gia này đều có xuất xứ từ Trung Quốc; ở Maldives, chương trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn của cựu nhà độc tài Abdulla Yameen được xây dựng dựa trên các khoản vay từ chính quyền Trung Quốc và thường không tiếp nhận các công ty và viện trợ quân sự của Ấn Độ.
Đối với Ấn Độ, giành lại sự thống lĩnh trong khu vực là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của quốc gia này.
“Xét về các vấn đề biên giới và sự thâm nhập ảnh hưởng của Trung Quốc ở các quốc gia lân bang của Ấn Độ, theo quan điểm của tôi, kỳ vọng của Ấn Độ đối với Bộ Tứ đang chuyển sang vấn đề thứ hai,” ông Ito viết. “Bộ Tứ không phải là một ‘liên minh quân sự,’ và ba ‘quốc gia ven biển’ ngoài Ấn Độ, là Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Úc sẽ không muốn dính líu vào tình huống khẩn cấp ở biên giới đất liền của Ấn Độ. Ấn Độ nhận thức rõ rằng Bộ Tứ sẽ đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Sau đó, ông Ito cho là Ấn Độ đang cố gắng cho Trung Quốc biết rằng họ có thể ủng hộ phương Tây trong việc ngăn chặn chế độ Trung Quốc về mặt chính trị và ngoại giao. Trung Quốc sẽ có lợi thế khi chỉ chống lại một mình Ấn Độ, nhưng nếu Ấn Độ liên minh với Hoa Kỳ và Nhật Bản, chính quyền Trung Quốc sẽ cảm thấy bị đe dọa và sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn liên minh này.
Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima
Ấn Độ đã tham gia hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ vào tháng Ba trong bối cảnh các cuộc đàm phán với chính quyền Trung Quốc về việc rút quân vẫn đang tiếp diễn, Ấn Độ đã ra dấu cho Trung Quốc rằng họ sẽ tăng cường cơ chế đối thoại bốn bên. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không có hành động gì. Do đó, đã có những nghi ngờ về tính hiệu quả của Bộ Tứ như là một lực lượng răn đe chính trị và ngoại giao đối với hành động gây hấn quân sự của Trung Quốc đối với Ấn Độ, và cũng có những lo ngại rằng chiến lược của Bộ Tứ sẽ càng khiến ĐCSTQ thêm tức giận và có khả năng làm tăng thêm tham vọng bành trướng của quốc gia này.
Sau các cuộc giao tranh tại biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2020, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ấn Độ thông tin về các hoạt động của quân đội Trung Quốc. Do đó, ông Ito tin rằng trong tương lai, để tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội Ấn Độ trong trường hợp khẩn cấp, Hoa Kỳ có thể gửi vũ khí cho Ấn Độ hoặc thậm chí là cùng phát triển và sản xuất vũ khí, nhưng điều này sẽ không được thực hiện trong khuôn khổ của Bộ Tứ vì đó là điều sẽ phải được giới hạn ở hai quốc gia.
Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Úc hoàn toàn nhận thức được sự cần thiết phải chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ tại các quốc gia lân bang của Ấn Độ. Ông Ito nói rằng điều đặc biệt đáng lo ngại là chính quyền Trung Quốc đang thông đồng với quân đội và các chế độ độc tài ở các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để xây dựng các cảng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, điều này có thể đe dọa đến an ninh của các tuyến đường vận chuyển chính. Khi ngày càng nhiều quốc gia, chẳng hạn như Sri Lanka, không trả được khoản nợ khổng lồ cho Trung Quốc, thì thế giới phương Tây đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng.
Trong hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Hiroshima hồi tháng Năm năm nay, các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã quyết định cung cấp hơn 50 tỷ USD tiền viện trợ và đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong 5 năm tới và hợp tác để tăng cường năng lực cho các quốc gia đang có nhu cầu giải quyết các vấn đề nợ nần của họ.
Tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghiệp
Ông Ito cho biết trong đại dịch COVID-19 và cuộc đối đầu quân sự với ĐCSTQ, chính phủ ông Modi đã bộc lộ nhiều hy vọng cao hơn vào khuôn khổ của Bộ Tứ.
Bất chấp những lo ngại ngày càng lớn của Ấn Độ về Trung Quốc sau xung đột biên giới, nhập cảng từ Trung Quốc vào năm 2021 và 2022 luôn ở mức cao nhất mọi thời đại. Điều này là do đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai tấn công Ấn Độ vào mùa xuân năm 2021 và hệ thống y tế của nước này không thể gồng gánh được. Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào máy tạo oxy do Trung Quốc sản xuất.
Ngoài ra, mặc dù Ấn Độ đã áp thuế đối với một số thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất như điện thoại thông minh, nhưng hầu hết chất bán dẫn, màn hình, cảm biến và các vật liệu và linh kiện khác vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Do đó, chính phủ ông Modi bắt đầu thực hiện những nỗ lực nghiêm túc để xây dựng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Cả G-7 và Bộ Tứ đều công nhận đây là vấn đề quan trọng nhất, mặc dù quan điểm này đã được thay thế bằng ‘giảm thiểu rủi ro’ thay vì ‘tách rời’ kể từ hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima, và các nỗ lực đó đang được tiến hành. Đặc biệt, về chuỗi cung ứng cho các công nghệ quan trọng và mới nổi, một nhóm làm việc chung đã được thành lập trong Bộ Tứ,” ông Ito viết.
Tại hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ ở Tokyo vào tháng 05/2022, ông Modi tuyên bố tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (gọi tắt là IPEF), một chương trình được Tổng thống Joe Biden ủng hộ, và nói rằng ông mong muốn hình thành các chuỗi công nghiệp hùng mạnh.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times