Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang khi New Delhi trở thành kẻ cản trở khối BRICS
JOHANNESBURG — Mặc dù Trung Quốc, Nga, và Nam Phi đã giành chiến thắng trong cuộc chiến mở rộng khối các nền kinh tế thị trường mới nổi BRICS, nhưng kế hoạch của họ nhằm thiết lập một loại tiền tệ mới được bảo đảm bằng vàng để cạnh tranh với đồng dollar Mỹ đã bị đình trệ.
Các thành viên hiện tại của khối BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Khối này đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 15 tại Johannesburg từ ngày 22/08 đến ngày 24/08.
Bắc Kinh, Moscow, và Pretoria muốn BRICS trở thành lực lượng “đối trọng” với phương Tây như một phần của “Trật tự Thế giới Mới.”
Hôm 24/08, các nhà lãnh đạo của khối BRICS thông báo rằng sáu thành viên mới, bao gồm cả Iran, sẽ gia nhập khối này vào tháng Một tới.
Năm quốc gia còn lại là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Cô Sanusha Naidoo, một nhà phân tích độc lập về chính sách ngoại giao làm việc tại Johannesburg, cho biết: “Việc kết nạp chế độ độc tài Hồi Giáo của Iran, vốn đang mưu toan trở thành cường quốc hạt nhân, rõ ràng là đang có ý xúc phạm Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này.”
Cô nói với The Epoch Times, “Điều đó, cùng với tư cách thành viên đang chờ đến ngày có hiệu lực của quốc gia xuất cảng dầu lớn Saudi Arabia và nước UAE vô cùng giàu có, nơi mà phần lớn hoạt động kinh doanh của thế giới hiện đang được tiến hành, là một thông điệp mạnh mẽ báo hiệu rằng BRICS hoàn toàn có ý định đối chọi với phương Tây về mặt kinh tế, chính trị và thậm chí có thể là về mặt quân sự.”
Các quốc gia thành viên hiện tại trong khối BRICS cho biết các nhóm như G-7, G-20, Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và Ngân hàng Thế giới đều “ủng hộ phương Tây” và không đại diện cho lợi ích của khu vực Nam Toàn cầu (Global South*).
Trong khi chào đón các thành viên mới, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gọi sự mở rộng lần này của BRICS là một dấu mốc quan trọng “mang tính lịch sử.”
“Hành động này thể hiện quyết tâm của các quốc gia thuộc khối BRICS trong việc liên kết và hợp tác với các nước đang phát triển rộng lớn hơn.”
“Điều này đáp ứng được sự mong đợi của cộng đồng quốc tế và lợi ích chung của các quốc gia có nền kinh tế thị trường mới nổi cũng như các quốc gia đang phát triển.”
Ông Tập nói: “Điều này sẽ mang lại sức sống mới cho cơ chế hợp tác của khối BRICS, đồng thời củng cố hơn nữa lực lượng bảo vệ cho nền hòa bình và sự phát triển của thế giới.”
Lãnh đạo Brazil, ông Lula da Silva, cho biết với việc bổ sung thêm sáu thành viên mới, BRICS sẽ đại diện cho 46% dân số toàn cầu và chiếm 37% GDP thế giới.
Một quan chức Nam Phi tại hội nghị thượng đỉnh nói với The Epoch Times rằng sự mở rộng gấp gáp này “chủ yếu” được Trung Quốc thúc đẩy, còn Nga và Nam Phi đã bày tỏ sự ủng hộ “mạnh mẽ.”
Ông cho biết Ấn Độ và Brazil “do dự” trong việc kết nạp thêm “một số” thành viên mới tiềm năng, đồng thời lo ngại rằng Bắc Kinh và Moscow muốn sử dụng BRICS để “đấu” với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này.
Tuy nhiên, ông nói thêm, Tổng thống Da Silva và Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ cuối cùng đã đồng ý mở rộng khối, sau khi nhận được những lời cam kết rằng một khối BRICS lớn mạnh hơn sẽ “giúp các quốc gia nghèo hơn trở nên phát đạt” thay vì “được vũ khí hóa.”
Nhà phân tích chính trị Nam Phi, ông Moeletsi Mbeki, cho biết “căng thẳng” giữa Trung Quốc và Ấn Độ nói riêng đã thể hiện “rõ ràng” tại hội nghị thượng đỉnh.
“Tôi nghĩ Ấn Độ đã trở nên gần gũi hơn với các cường quốc phương Tây, chủ yếu là do tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Vì vậy, điều đó đang đẩy Ấn Độ vào vòng tay của phương Tây,” ông nói với The Epoch Times.
“Đối với khối BRICS, đây chỉ là một vấn đề. Nhưng đối với Ấn Độ, nếu xét đến bản chất của mối đe dọa, thì đây là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia. Trung Quốc là một cường quốc quân sự lớn hơn nhiều so với Ấn Độ, vì vậy Ấn Độ đang quay sang các nước phương Tây để mua thiết bị quân sự — chủ yếu là Hoa Kỳ và Pháp.”
Ông Mbeki cho biết điều này cũng làm dấy lên căng thẳng giữa New Delhi và Moscow.
“Nga đã cung cấp vũ khí cho Ấn Độ trong nhiều thập niên. Nhưng hiện nay Điện Kremlin đang mất dần các hợp đồng vũ khí của Ấn Độ.
“Ấn Độ nói rằng nước này không chọn bên trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng gần đây họ trở nên công khai hơn khi chỉ trích hành động xâm lược và sự thiếu thiện chí với việc đàm phán hướng tới hòa bình của [Tổng thống Nga] Vladimir Putin.”
“Vì vậy, Ấn Độ dường như đang từ bỏ mối bang giao khăng khít trước đây với Nga.”
Cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với hàng ngàn dặm đất thuộc dãy Himalaya, nằm ở biên giới của hai quốc gia đông dân nhất thế giới này. Trong những năm gần đây, quân đội hai nước đã có một số cuộc đụng độ chí mạng.
Hồi tháng Sáu, khi Thủ tướng Modi đến thăm Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Joe Biden đã mô tả Ấn Độ là một trong những “đối tác thân thiết nhất trên thế giới” của Mỹ.
Ông và ông Modi đã đưa ra một tuyên bố chung vốn được Bắc Kinh đón nhận rất tiêu cực.
Thỏa thuận này đặt ra các kế hoạch cho Ấn Độ sản xuất chất bán dẫn, các loại linh kiện thiết yếu có trong hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại.
Tổng thống Biden và ông Modi đã công bố Liên kết đối tác về Đổi mới và Chuỗi cung ứng Chất bán dẫn giữa Hoa Thịnh Đốn và New Delhi, “là một bước quan trọng trong việc phối hợp các chương trình khuyến khích [sản xuất] chất bán dẫn của hai nước chúng ta.”
Tuyên bố của họ tiếp tục: “Điều này sẽ thúc đẩy các cơ hội thương mại, nghiên cứu, tài năng, và phát triển kỹ năng.”
“Các nhà lãnh đạo hoan nghênh thông báo của Micron Technology về việc đầu tư lên tới 825 triệu USD để xây dựng một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới ở Ấn Độ với sự ủng hộ của chính phủ Ấn Độ.”
“Khoản đầu tư kết hợp trị giá 2.75 tỷ USD sẽ tạo ra tới 5,000 cơ hội việc làm trực tiếp mới và 15,000 cơ hội việc làm cho cộng đồng trong năm năm tới.”
Trung Quốc là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ năm trên thế giới, nhưng bốn nhà sản xuất hàng đầu còn lại — bao gồm Nhật Bản và Đài Loan — đều là đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Biden và ông Modi cũng đã công bố các thỏa thuận cho phép chuyển giao công nghệ quân sự của Hoa Kỳ sang Ấn Độ nhiều hơn, đẩy mạnh “hợp tác công nghiệp quốc phòng,” và phối hợp sản xuất các hệ thống phòng thủ tân tiến.
Họ đã công bố một “sáng kiến mở đường” để sản xuất động cơ cho tiêm kích cơ F-414 ở Ấn Độ, đồng thời cho biết họ đã cam kết với chính phủ của mình rằng sẽ “làm việc một cách phối hợp và nhanh chóng để thúc đẩy sự tiến triển của đề nghị chuyển giao công nghệ cũng như việc hợp tác sản xuất chưa từng có này.”
Ông Mbeki cho biết Trung Quốc cũng cảm thấy “bực tức” trước tư cách thành viên của Ấn Độ — cùng với Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ — trong Đối thoại An ninh Tứ giác nhằm bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương “khỏi hành động gây hấn của Trung Quốc.”
Cựu đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc, ông Ashok Kantha, nói với The Epoch Times rằng quốc phòng đã nổi lên như “một lĩnh vực rất quan trọng” trong mối bang giao Ấn Độ-Hoa Kỳ.
Ông nói: “Họ có nhiều thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, và gần đây đã tiến hành một số cuộc tập trận quân sự chung rất quan trọng. Có một sự kiện đặc biệt khiến chính phủ Trung Quốc tức giận xảy ra vào tháng Mười Một ở khu vực biên giới tranh chấp.”
Hôm 23/08, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới đáp thành công con tàu vũ trụ của mình lên mặt trăng, và là quốc gia đầu tiên đáp xuống khu vực cực nam của mặt trăng.
Cô Naidoo nói: “Đối với Trung Quốc, cuộc đổ bộ lên mặt trăng này chính là một bằng chứng khác cho thấy Ấn Độ đang phát triển thành một siêu cường của châu Á, trong khi trước đó Bắc Kinh là kẻ bắt nạt duy nhất trong khối.”
Trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc của mình, ông Modi đã cùng Tổng thống Biden cam kết rằng Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ “đặt ra một lộ trình để đạt đến những giới hạn mới trong tất cả các lĩnh vực hợp tác không gian.”
Một đoạn tuyên bố chung của họ có nội dung: “Các nhà lãnh đạo hoan nghênh sự hợp tác ngày càng tăng của chúng tôi về khoa học trái đất và vũ trụ, cũng như công nghệ vũ trụ. Họ hoan nghênh quyết định của NASA và ISRO trong việc phát triển một khuôn khổ chiến lược phục vụ cho việc hợp tác đưa con người lên không gian vào cuối năm 2023.”
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Biden, ông Modi cam kết chống lại mọi nỗ lực “lật đổ” hệ thống đa phương này.
Tuyên bố cho biết: “Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường và cải tổ hệ thống đa phương để hệ thống này có thể phản ánh tốt hơn những thực tế thời hiện đại.”
“Trong bối cảnh này, cả hai bên vẫn cam kết thực hiện một nghị trình cải tổ toàn diện Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả việc mở rộng số lượng ủy viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”
“Cũng có quan điểm rằng quản trị toàn cầu phải mang tính toàn diện và đại diện hơn, Tổng thống Biden nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với tư cách thành viên thường trực của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã được cải tổ.”
Cô Naidoo cho biết, trước tình hình này, Ấn Độ có thể phải giải thích lý do tại sao nước này đồng ý mở rộng BRICS.
“Hoa Thịnh Đốn có thể nhìn nhận một khối BRICS mở rộng, đặc biệt là một khối BRICS bao gồm Iran, là một mối đe dọa, là một sự phá hoại đối với hệ thống đa phương hiện tại.”
Ông Harsh Pant, phó chủ tịch Chính sách Ngoại giao tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên ở Vương quốc Anh, cho biết “xung đột” giữa một bên là Ấn Độ với một bên là Trung Quốc, Nga, và Nam Phi, là kết quả của những bất đồng về định hướng tương lai của khối BRICS.
“Ấn Độ có tầm nhìn trở thành người dẫn đầu khu vực Nam Toàn cầu với tư cách là một bên tham gia có trách nhiệm hơn. Họ muốn có một vị thế lớn hơn tại các tổ chức khác nhau dành cho các nước đang phát triển, nhưng về cơ bản họ muốn đạt được điều này bằng cách hợp tác với các cường quốc truyền thống như Hoa Kỳ.”
Ông Pant nói với The Epoch Times: “Trung Quốc muốn trở thành nhà lãnh đạo không thể chối cãi của khu vực Nam Toàn cầu, nhưng với tư cách là một nước chuyên gây rối, hoàn toàn đối lập với phương Tây, cùng với đối tác lép vế hơn của họ là Nga.”
Ông cho biết Ấn Độ “rất thận trọng” với cái gọi là phi dollar hóa, cho rằng sẽ là vô trách nhiệm nếu vội vàng tạo ra một loại tiền tệ được bảo đảm bằng vàng.
“Ấn Độ có nhiều thứ để mất hơn liên quan đến vấn đề tiền tệ này,” ông Mbeki cho biết. “Nền kinh tế của Ấn Độ vẫn đang phát triển, trong khi Trung Quốc, mặc dù hiện tại đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, vẫn đang có tư thế tốt để chiếm lấy vị trí nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới của Hoa Kỳ.”
“Ấn Độ không muốn làm bất cứ điều gì gây ra sự gián đoạn trong hệ thống tài chính thế giới và một loại tiền tệ mới chắc chắn sẽ làm được điều đó.”
Cô Naidoo cho biết New Delhi buộc phải “thận trọng ở thế trung lập” trong những mối bang giao với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Ý kiến của tôi là ông Modi đồng ý mở rộng BRICS chủ yếu để xoa dịu Trung Quốc. Ông không muốn mối bang giao với Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn nữa. Nhưng đồng thời ông cũng cần phải hợp tác với Hoa Kỳ và các đồng minh vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề an ninh.”
Ông Kantha đồng ý rằng “tránh để xảy ra xung đột nghiêm trọng” với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của chính phủ ông Modi.
Nhà phân tích quân sự Nam Phi, ông Guy Martin, nói với The Epoch Times rằng việc phương Tây ủng hộ về quân sự có nghĩa là Ấn Độ “hiện là lân bang duy nhất có cơ hội đứng lên chống lại Trung Quốc, và rõ ràng là Trung Quốc không mấy hài lòng về điều này.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times