Phân tích chuyên sâu: Hành lang thương mại nối châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ đối lập với chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Âu Châu sẽ giúp các nước vùng Vịnh phụ thuộc vào dầu mỏ đa dạng hóa nền kinh tế của mình.
NEW DELHI—Trong hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 20 ở New Delhi, một hành lang kinh tế và kết nối đa phương thức mới có tên IMEC đã được công bố. Hành lang này kết nối Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan, Israel, và Liên minh Âu Châu thông qua một loạt cảng vận chuyển và các tuyến đường sắt.
Theo các chuyên gia về vấn đề này, đây là một dự án mang tính biến đổi trong khuôn khổ Đối tác Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu. Dự án này không chỉ vượt qua các đường đứt gãy địa chính trị mà còn được coi là sự cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Tiến sĩ Kaush Arha, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương và Trung tâm Công nghệ và Ngoại giao tại Purdue, nói với The Epoch Times qua điện thoại: “IMEC là sự kết nối nhiều phương hoặc đa phương trái ngược với các dự án BRI Đơn phương hoặc Song phương.”
Chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa đơn phương
Chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa đơn phương mang những ẩn ý địa chính trị quan trọng bởi vì việc tăng cường kết nối liên khu vực liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm tài chính, phát triển, chính sách, và an ninh. Việc kết nối đa phương hay đơn phương sẽ quyết định kết quả trung gian và lâu dài. Theo các chuyên gia, ngày càng có nhiều người lo ngại về việc Trung Quốc vũ khí hóa BRI.
Ông Harsh Pant, Phó Chủ tịch Nghiên cứu và Chính sách đối ngoại của Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử rằng: “Chắc chắn là sự mập mờ và kiểm soát của Trung Quốc đối với BRI hoàn toàn trái ngược với sự tham gia của nhiều bên liên quan và các nguồn tài trợ ở IMEC.”
Trên thực tế, các dự án đa phương là chuẩn mực mới trong kết nối toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021, các nhà lãnh đạo đến từ Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ đã đồng thuận về một ‘mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng hướng tới giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch’ toàn cầu được gọi là sáng kiến ‘Xây dựng Lại Thế giới Tốt đẹp Hơn’ (B3W).
Mặt khác, BRI của Trung Quốc thường xuyên có vấn đề, với 14% các dự án thuộc sáng kiến này, tính về mặt số lượng và 32% tính về mặt giá trị, đã vấp phải vấn đề này hay vấn đề nọ.
Tiến sĩ Arha giải thích rằng Trung Quốc sở hữu BRI và đầu tư vào các nền kinh tế nghèo, dẫn đến bẫy nợ. Trong khi IMEC, ngay từ đầu đã có sự tham gia của các nền kinh tế giàu có và đang phát triển. Điều này có nghĩa là IMEC có nhiều cơ hội để hợp tác hơn giữa các bên liên quan vì dự án này có sự tham gia bình đẳng của mỗi bên.
Đây là lý do tại sao ông Pant nói rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả IMEC là “một ngọn hải đăng của sự hợp tác, đổi mới, và tiến bộ chung” trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi đây là một khoản đầu tư thay đổi cuộc chơi.
Trên thực tế, một vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh G20, ông Modi đã chia sẻ kế hoạch 12 điểm nhằm nâng cao mối bang giao Ấn Độ-ASEAN và kêu gọi thiết lập một hành lang nối Đông Nam Á với Trung Đông và châu Âu thông qua Ấn Độ trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta hôm 07/09.
Ông Joseph Kéchichian, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo King Faisal ở Riyadh, Saudi Arabia, nói với The Epoch Times rằng việc công bố IMEC không có nghĩa là BRI của Trung Quốc đã thất bại ngay từ thuở ban đầu mà đúng hơn là các sáng kiến kết nối mới “bây giờ phải cân nhắc đến những lợi ích không dành cho Trung Quốc.”
Ông Kéchichian cho biết: “Như vậy, đây là một sáng kiến tập thể khá là khác biệt với BRI vì BRI vấp phải sự phản đối ở các nước Âu Châu chủ chốt chẳng hạn như Ý,” đồng thời nói thêm rằng Ấn Độ cũng có những khác biệt thật sự với Trung Quốc và không phải là một phần của BRI.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, trong hội nghị thượng đỉnh G20 vừa kết thúc, đã thông báo về việc đất nước bà bất ngờ rút khỏi BRI, sáng kiến mà Rome đã tham gia hồi năm 2019 và dự kiến sẽ được gia hạn trong năm nay. Bà Meloni đã gọi IMEC là “cầu nối Ấn Độ-Địa Trung Hải tới Đại Tây Dương,” và từng thể hiện sự phản đối BRI ngay cả trong chiến dịch bầu cử mùa hè năm 2022 của bà.
Tuy nhiên, ông Pant cảnh báo không nên có xu hướng coi IMEC như một đối thủ cạnh tranh với BRI vì BRI đã đang được khai triển rồi trong khi IMEC vẫn đang trong quá trình thiết lập.
Ông nói: “Nhiều quốc gia tham gia IMEC cũng là một phần của BRI, và cho dù đó là Cảng Haifa ở Israel hay Piraeus ở Hy Lạp dọc tuyến đường IMEC, thì sự hiện diện của Trung Quốc đều quá rõ ràng.”
“Tuy nhiên, những gì IMEC chắc chắn mang lại là một giải pháp thay thế kết nối hiệu quả và đáng tin cậy hơn cho các quốc gia đang lo ngại về sự độc quyền của Trung Quốc đối với các tuyến kết nối.”
Mặc dù một nhóm chuyên trách được giao nhiệm vụ sẽ đưa ra các thông tin chi tiết về IMEC trong hai tháng tới, nhưng Tiến sĩ Arha cho rằng việc “mạng lưới thương mại hiệu quả về mặt chi phí” này có đạt được tối đa tiềm năng của chính mình hay không thì còn phải xem trong 5 năm tới.
Thiết kế dự án và vai trò của Hoa Kỳ
Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Âu Châu, trong thời gian đi vào hoạt động đầy đủ, có thể sẽ đóng vai trò là cầu nối hiệu quả và tiết kiệm chi phí giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Hành lang có thể bao gồm một tuyến đường sắt, một dây cáp điện, một đường ống hydro và một đường cáp dữ liệu tốc độ cao.
Các chuyên gia cho biết điều này sẽ giúp các quốc gia vùng Vịnh phụ thuộc vào dầu mỏ đa dạng hóa nền kinh tế, sẽ tạo ra kết nối chính trị và xã hội cho Israel và giúp châu Âu tiếp cận Ấn Độ và thị trường Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Âu Châu là một sáng kiến đáng hoan nghênh nhằm hội nhập các khu vực (Nam Á, Trung Đông, châu Âu) vốn đã có các kết nối thương mại từ xa xưa, có các mối quan hệ thương mại chặt chẽ như ngày nay, và có tiềm năng để xây dựng các liên kết kinh tế lớn hơn nữa trong tương lai,” bà Aparna Pande, nhà nghiên cứu kiêm giám đốc của Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử.
Tiến sĩ Arha ví dự án này như “dòng sông thương mại Indus thời đại mới.” Từ các cảng ở Dubai và thông qua các tuyến đường sắt xuyên Jordan, IMEC sẽ đến Israel. Từ Israel, tuyến đường có thể đi đến Hắc Hải, Hy Lạp, Ý, và đảo Mersea.
Sự hồi sinh của các mối quan hệ lịch sử là một khía cạnh khác được ông K. Siddhartha coi trọng. Ông là một nhà tư tưởng chiến lược đặc biệt hứng thú với sự hồi sinh của hoạt động kết nối giữa Ấn Độ và Hy Lạp.
Ông Pant cho rằng xét về mặt chiến lược, hành lang này sẽ đặt Ấn Độ ở vị trí cốt lõi của các dòng chảy thương mại từ Đông Nam Á đến Trung Đông và châu Âu, đồng thời giúp quốc gia đông dân nhất thế giới này vượt qua các nút thắt kết nối mà họ thường phải đối mặt ở các đường biên giới thù địch một mặt với Pakistan và mặt khác là với Trung Quốc.
Bà Pande cho biết về cốt lõi thì dự án này cũng mang tính chiến lược và sẽ bảo đảm mối liên kết kinh tế mạnh mẽ giữa những khu vực này “sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ.”
Bà nói: “Hoa Kỳ đang đóng vai trò hậu trường vì cả ba khu vực đều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ, và những khu vực này càng hội nhập thì càng tốt cho an ninh của Hoa Kỳ.”
Vai trò của Hoa Kỳ chủ yếu là đầu tư vào hành lang này và tạo điều kiện cho hoạt động lãnh đạo thông qua kết nối. Tiến sĩ Arha mô tả đây là kết quả trực tiếp của Hiệp ước Abraham.
Với Hoa Kỳ làm trung gian, Hiệp định Abraham được ký hồi tháng 09/2020 giữa UAE, Bahrain, và Israel, là thỏa thuận hòa bình Ả Rập-Israel đầu tiên sau 26 năm, trong khi nhóm QUAD Trung Đông được thành lập vào tháng 10/2021. Cuộc họp đầu tiên của các cố vấn an ninh quốc gia của nhóm QUAD này đã diễn ra ở Saudi Arabia hồi tháng Sáu năm nay.
“Người Ấn Độ và người Mỹ đã hoàn thành công việc của mình. Ấn Độ có thể có các khoản đầu tư chung với Riyadh vào các cảng của Saudi giống như khoản đầu tư của Ấn Độ vào cảng Haifa của Israel,” Tiến sĩ Arha cho biết, và nói thêm rằng ở một số nơi hành lang này đã tồn tại rồi, còn những nơi khác thì cần phải thiết kế và thi công thêm.
Ông nói: “Hệ thống đường sắt đã đang hoạt động từ rất sớm ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, mạng lưới đường sắt chưa được phát triển đến mức đáp ứng nhu cầu về thương mại. Nhưng Saudi Arabia có tiền, và họ có thể thuê bất kỳ ai.”
Ông Kéchichian nhắc lại rằng Riyadh, cầu nối đất liền quan trọng trong hành lang này, đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng hạng nhất rồi.
Ông nói: “Một cơ sở hạ tầng được xây dựng trên những điều kiện hiện có, mặc dù điều quan trọng đối với các biện pháp mới này là mức tăng trưởng theo hàm số mũ mà người ta có thể hình dung.”
Theo ông Kéchichian, điều quan trọng hơn nhiều so với những tuyến đường sắt này là cơ sở hạ tầng để vận chuyển hydro, vốn sẽ cần những đường ống đặc biệt, và ông cho rằng Saudi có chuyên môn sâu sắc trong lĩnh vực này. Một số tuyến đường sắt đã đang tồn tại rồi.
Ông Kéchichian nói: “Đã có một vài tuyến đường sắt khá phổ biến, đặc biệt là giữa Makkah và Madinah và giữa Khobar và Riyadh, ngay cả khi các tuyến vận chuyển hàng hóa (đường ray) được dự tính sẽ bổ sung thêm hàng nghìn dặm mới vào mạng lưới.”
Hành lang kỹ thuật số là một khía cạnh quan trọng khác của dự án này và Tiến sĩ Arha cho biết nếu như “dữ liệu là nguồn dầu mới,” thì hành lang kỹ thuật số cũng sẽ thúc đẩy nền kinh tế rất nhiều.
Ông nhấn mạnh rằng “Hệ thống cáp Blue-Raman,” một hệ thống cáp quang thông tin liên lạc dưới biển liên lục địa sẽ kết nối Pháp với Ấn Độ thông qua Ý, Hy Lạp, Israel, Jordan, Saudi Arabia, Djibouti, và Oman, đã được đề xướng rồi.
Hệ thống cáp dưới biển này bao gồm 2 tuyến cáp: Hệ thống Cáp Dưới Biển Xanh nối Ý, Pháp, Hy Lạp, và Israel, và Hệ thống Cáp Dưới Biển Raman kết nối Jordan, Saudi Arabia, Djibouti, Oman và Ấn Độ.
Đây là một trong 18 khoản đầu tư của Google vào cáp ngầm dưới biển.
Hành lang và sự thay đổi địa chính trị
Phương trình địa chính trị mới nổi và đầy hứa hẹn giữa thế giới Ả Rập và Israel nhờ Hiệp định Abraham và QUAD Trung Đông đã mang lại nhiều hứng thú về những cơ hội mà IMEC đưa ra. Theo các chuyên gia, kết quả là hành lang này hứa hẹn sẽ có nhiều biến đổi địa chính trị hơn trong tương lai.
Ông Pant gọi đó là “sự biến đổi” vì ông cho rằng hành lang này vượt qua một số đường đứt gãy địa chính trị nghiêm trọng ở trong và ngoài khu vực.”
Ông Akhil Ramesh, một thành viên cao cấp thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Honolulu, nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử rằng: “Đối với các quốc gia ở MENA [Trung Đông và Bắc Phi], thì đó là về việc duy trì sự thích ứng trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Saudi có các kế hoạch lớn nhằm cải biến toàn bộ khu vực thành một châu Âu tiếp theo.”
Theo ông Ramesh, đối với một dự án đầy tham vọng như IMEC, thì Saudi Arabia phải chuyển mình từ một quốc gia sản xuất dầu mỏ thành một nền kinh tế vô cùng đa dạng hóa, trở thành một nút then chốt trong các chuỗi giá trị công nghệ tiên tiến và quan trọng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Tiến sĩ Arha ví việc này giống như biến Dubai trở thành “Singapore” của Trung Đông.|
Đối với Ấn Độ, điều này sẽ có nghĩa là tăng cường thương mại với Trung Đông và châu Âu và có thêm những thị trường cho các đại công ty năng lượng của mình.
Ông nói: “Đối với các quốc gia Âu Châu, thì đó là sự đa dạng hóa. Họ đã [học được] bài học từ Nga-Ukraine.”
Các báo cáo tin tức cho biết hành lang Đường sắt vùng Vịnh sẽ đặc biệt giúp ích cho Ấn Độ vì nó sẽ cắt giảm 40% thời gian giao thương giữa Ấn Độ và châu Âu.
Ông Pant nói rằng Ấn Độ đã thể hiện rằng nước này không phản đối việc “sắp xếp lại trật tự địa chính trị” cũng như tiếp tục đóng vai trò là một cầu nối trên bộ giữa các vùng ngoại vi phía đông và phía tây bằng cách kết hợp chặt chẽ với Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Ramesh cũng cảnh báo về tình hình chính trị ở Miến Điện vẫn đang xung đột, và một thỏa thuận thương mại ASEAN-Ấn Độ không có lợi cho Ấn Độ, vì điều đó chỉ làm tăng thêm thâm hụt thương mại của Ấn Độ với khu vực này.
Đối với ông Kéchichian, IMEC cho thấy Saudi Arabia sẽ nổi lên như một quốc gia then chốt trong các vấn đề khu vực và quốc tế, và vẫn còn một chặng đường dài để các thỏa thuận mới nhất của nước này với Ấn Độ, Hoa Kỳ, và Liên minh Âu Châu đạt được mục tiêu đó. Ông cho biết Riyadh hy vọng vào những tiến triển tiếp theo.
“Điều đó có thể khiến Riyadh gia nhập nhóm Quad [Trung Đông] mặc dù quá trình đó sẽ cần nhiều sửa đổi vì Saudi Arabia mong muốn bảo vệ lợi ích lâu dài của mình trong Thế giới Ả Rập, điều này sẽ đòi hỏi một giải pháp thỏa đáng cho Vấn đề Palestine. Quá trình đó là chậm và sẽ mất thời gian,” ông nói.
Bản sắc và các mối liên kết lịch sử
Trong khi Trung Quốc đang cố gắng tạo ra câu chuyện của riêng mình về lịch sử thế giới theo trình tự thời gian được thúc đẩy bởi hệ tư tưởng cộng sản của mình, thì các chuyên gia nhấn mạnh rằng IMEC có thể giúp bảo tồn bản sắc và các mối liên kết lịch sử.
Ông Siddhartha gọi việc bảo tồn “các trình tự lịch sử như sửa lại ngày tháng cho đúng và sắp đặt lại chúng theo lịch và trước Công Nguyên cần sự hợp tác và đồng thuận quốc tế. IMEC sẽ mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn thông qua việc trao đổi có sự đồng thuận về mặt học thuật.”
“Ngoài ra, điều này cũng sẽ dẫn đến việc đánh giá không gian tốt hơn về thị trường của họ, về các quốc gia liên quan về mặt chia sẻ lợi nhuận cũng như bảo tồn bản sắc của các quốc gia tham gia.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng để khắc phục các vấn đề xã hội, mỗi quốc gia trong hành lang này sẽ cần tìm ra lối sống cho người dân của mình và giảm thiểu kiểu tiêu dùng các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc đang tràn lan trên thế giới.
Ông nói: “Rất dễ hiểu rằng IMEC sẽ không chỉ là một hành lang kinh tế mà còn liên quan đến tinh thần và tri thức,” đồng thời cho biết thêm rằng chất lượng của vốn xã hội và việc làm được tạo ra thông qua hành lang này sẽ là chìa khóa. Ông cũng tập trung vào việc tận dụng hành lang này để khai thác các nguồn tài nguyên chưa được khám phá của châu Phi, đặc biệt là thiên tài trí tuệ của người bản địa ở châu lục này.
Theo Tiến sĩ Christopher Abraham, Giám đốc điều hành và là người đứng đầu cơ sở ở Dubai của Trường Quản lý Toàn cầu S.P., thì các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu do Trung Quốc thống trị cũng cần các giải pháp thay thế hiệu quả và sáng tạo hơn, và nhu cầu này đã giảm bớt trong thời kỳ đại dịch.
Ông cho biết: “Hành lang này cũng sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc của các nước vùng Vịnh vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times