Xung đột ở Hồng Hải cản trở chiến lược của Hoa Kỳ nhằm đối phó với sáng kiến Vành đai và Con đường
Ảnh hưởng của Trung Quốc và căng thẳng trong khu vực Hồng Hải làm suy yếu chiến lược ngăn chặn của Mỹ
Chiến lược của Hoa Kỳ nhằm đối phó với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) đầy tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gặp phải những trở ngại đáng kể do các cuộc tấn công của Houthi leo thang ở Hồng Hải. Những diễn biến này cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, có tác động đến cán cân quyền lực.
Trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ là Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-Châu Âu (IMEC), một dự án nhằm cung cấp giải pháp thay thế cho mạng lưới cơ sở hạ tầng bành trướng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas, cùng với những hành động gây rối của lực lượng Houthi ở Yemen trên các tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Hồng Hải, đã cản trở nghiêm trọng tiến độ của IMEC.
Các bên ký kết cao cấp gồm Saudi Arabia, Liên minh Âu Châu, Ấn Độ, UAE, Pháp, Đức, và Ý, đã liên kết với Hoa Kỳ, cam kết thực hiện một nỗ lực phối hợp trong dự án này.
IMEC được thiết kế nhằm mục đích làm nổi bật hai hành lang chính: Hành lang phía Đông, nối Ấn Độ với Vịnh Ả Rập, và Hành lang phía Bắc, nối Vịnh Ả Rập với châu Âu. Dự án này cho thấy hình ảnh được kỳ vọng của một mạng lưới vận tải đường sắt-đường thủy mạnh mẽ bổ sung cho các tuyến đường biển và đường bộ hiện có, tạo thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa liền mạch trên khắp Ấn Độ, UAE, Saudi Arabia, Jordan, Israel, và châu Âu. Việc hoàn thành công trình này dự kiến sẽ tăng cường an ninh chuỗi cung ứng khu vực và nâng cao hiệu quả thương mại.
Hoa Kỳ xem IMEC là một tài sản chiến lược đa mục đích. Hành lang này không chỉ là cán cân đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực “Nam Toàn cầu” mà còn là chất xúc tác thúc đẩy mối bang giao thân thiết hơn giữa Israel và Saudi Arabia.
“Nam toàn cầu” gồm một loạt các khu vực, trong đó gồm toàn bộ châu Phi, châu Mỹ Latinh, Caribe, và châu Á, ngoại trừ Israel, Nhật Bản, và Nam Hàn. Khu vực này cũng gồm Châu Đại Dương, ngoại trừ Úc và New Zealand.
Bà Romana Vlahutin, cựu đặc phái viên EU về kết nối và hiện là nhà nghiên cứu ưu tú tại Quỹ Marshall của Đức, đã nhấn mạnh ý nghĩa địa chính trị của dự án này.
“Đây là một dự án khiến Iran, Trung Quốc, Nga, thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại,” bà nhận xét. “Có lẽ đó là bằng chứng tốt nhất về tầm quan trọng chiến lược của dự án.”
Tuy nhiên, bối cảnh địa lý và chính trị mà IMEC trải qua đặt ra những thách thức cố hữu đối với khả năng trở thành hiện thực và tính bền vững của kế hoạch này.
Những thách thức đối với sáng kiến IMEC
Ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đã nêu ra những rào cản hậu cần của dự án trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
Được kỳ vọng trở thành một hành lang hàng hải kéo dài từ Saudi Arabia đến Ấn Độ, tuyến đường này đòi hỏi [tàu thuyền] phải di chuyển qua Eo biển Hormuz do Iran thống trị hoặc Eo biển Bab el-Mandeb, gần các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen và Eritrea. Ông Schuster cho biết, tuyến đường sắt đi qua Iraq được đề xướng sẽ cần có sự phối hợp với Iran và Pakistan để đến được Ấn Độ.
Ông Schuster giải thích: “IMEC là một dự án [trong đó] yêu cầu Iran và Pakistan hợp tác với Ấn Độ, để cho Saudi Arabia, Jordan, và Iraq hợp tác với nhau, và tất nhiên, để cho Jordan và Saudi Arabia hợp tác với Israel.”
Ông Schuster bày tỏ sự lạc quan dè dặt về tiềm năng hợp tác giữa Jordan, Saudi Arabia, và Israel nhưng vẫn hoài nghi về triển vọng vượt qua sự phản đối từ Hamas và Iran.
“Tôi rất lạc quan về việc Jordan và Saudi Arabia hợp tác với Israel, nhưng luôn có khả năng cao Hamas và Iran sẽ làm tất cả những gì có thể để phá hoại nỗ lực này.”
Vào tháng Mười Một năm ngoái (2023), Tổng thống Israel Isaac Herzog đã công khai cáo buộc Iran chủ mưu vụ tấn công khủng bố ngày 07/10 của Hamas nhằm phá hoại IMEC. Hành lang này không chỉ tượng trưng cho hội nhập kinh tế mà còn là một bước tiến tới hòa bình ở Trung Đông.
Hậu quả của cuộc xung đột Israel-Hamas và các cuộc tấn công tiếp theo của Houthi ở Hồng Hải đã dẫn đến việc tạm dừng các cuộc thảo luận của IMEC, trong khi thương vong dân sự ở Gaza đã khiến các nước như UAE tiếp cận sáng kiến này một cách thận trọng hơn.
Ông Schuster lưu ý thêm về những tác động mang tính chiến lược của các cuộc tấn công của Houthi, liên kết chúng với nghị trình rộng lớn hơn của Iran nhằm làm chệch hướng các sáng kiến thương mại khu vực và cản trở việc nối lại tình hữu nghị giữa Saudi Arabia và Israel.
Bắc Kinh xem IMEC là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến BRI của mình, tạo thêm một lớp phức tạp khác cho các động lực địa chính trị đang diễn ra.
Vai trò chiến lược của IMEC: Đối phó với BRI của Trung Quốc
Vào tháng 09/2013, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động sáng kiến “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” trong chuyến thăm Kazakhstan của mình. Sáng kiến này nhanh chóng được tăng cường với dự án “Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21.” Cùng nhau, các dự án này, được gọi là BRI, tạo nên một mạng lưới kết nối Trung Quốc với các khu vực trên khắp Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, và châu Âu.
BRI đã phát triển đáng kể kể từ khi thành lập, mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu. Ảnh hưởng của sáng kiến này vượt ra ngoài phạm vi kinh tế, cho phép ĐCSTQ sử dụng đòn bẩy chính trị. Các quốc gia tham gia sáng kiến này đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ, và ĐCSTQ đã tận dụng những tình huống này bằng cách giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng và các cảng chiến lược, từ đó mở rộng ảnh hưởng của mình sang lĩnh vực quân sự.
Đáp lại, Hoa Kỳ đã khởi xướng một số biện pháp đối phó. Chính phủ cựu Tổng thống Trump đã tăng cường năng lực của Ngân hàng Xuất nhập cảng và thành lập Tập đoàn Tài chính Phát triển. Sau đó, chính phủ Tổng thống Biden đưa ra sáng kiến “Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” (B3W), hiện được đổi tên thành “Liên kết Đối tác vì Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” (PGII).
Một thành phần quan trọng của chiến lược đối phó này là IMEC, được thiết kế nhằm mục đích kết nối Ấn Độ, Vịnh Ả Rập, và châu Âu thông qua một mạng lưới tích hợp các tuyến đường sắt và vận tải biển. IMEC không chỉ nhằm mục đích tăng cường an ninh và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng mà còn kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng cường thương mại giữa các nước đồng minh của Hoa Kỳ.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã lưu ý rằng IMEC có thể giảm thiểu 40% thời gian vận chuyển thương mại giữa Ấn Độ và châu Âu.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Israel-Hamas đang diễn ra và các cuộc tấn công của Houthi ở Hồng Hải đã cản trở tiến trình hoạt động của IMEC, vô tình mang lại lợi ích cho ĐCSTQ.
Những dò xét về sự can dự được cho là của ĐCSTQ
Các cuộc điều tra gần đây đã đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của loại vũ khí mà nhóm phiến quân Houthis sử dụng. Ông Fabian Hinz, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, lưu ý rằng lực lượng Houthis đã khai triển hỏa tiễn đạn đạo chống hạm tân tiến, cụ thể là “Asef” và “Tankil,” vốn có khả năng được lắp ráp dựa trên thiết kế của Iran.
Đáng chú ý, một blogger quân sự nổi tiếng của Trung Quốc, “Korolev,” người có hơn 6 triệu người theo dõi, cho rằng vũ khí chống hạm mà phiến quân Houthis sử dụng có thể có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ông truy tìm nguồn gốc của những phi đạn này từ phi đạn đất đối không Red Flag 2A của ĐCSTQ, được xuất cảng sang Iran vào những năm 1980, và hai loại phi đạn B610 và B611 do Học viện Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thứ hai của Trung Quốc phát triển.
Thêm vào những tiết lộ này, một nhà bình luận quân sự khác của Trung Quốc, ông Trương Bân (Zhang Bin), đã bình luận trên TikTok về việc Houthi sử dụng công nghệ hỏa tiễn của Trung Quốc trong các cuộc tấn công hàng hải.
Suy đoán này được củng cố bởi một vụ việc xảy ra vào năm 2013, trong đó khu trục hạm USS Farragut của Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Tuần duyên Yemen đã chặn một chuyến hàng vận chuyển vũ khí hướng tới Yemen. Hàng hóa trên tàu gồm chất nổ C-4, đạn dược, và hỏa tiễn phòng không, có dấu hiệu cho thấy những loại vũ khí này được sản xuất bởi Tập đoàn Xuất nhập khẩu Máy móc Chính xác Trung Quốc.
Đáng chú ý, số hỏa tiễn bị thu giữ được xác định là loại “FN-6,” được quân đội ĐCSTQ sử dụng.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times