Hiểm họa ba bên: Ấn Độ, Nga, và Trung Quốc
Ấn Độ là quốc gia mà Hoa Kỳ và các đồng minh từng hy vọng sẽ là bức tường thành của nền dân chủ chống lại Trung Quốc, giờ lại đang trở thành một vấn đề.
Ấn Độ là quốc gia mà Hoa Kỳ và các đồng minh từng hy vọng sẽ là bức tường thành của nền dân chủ chống Trung Quốc, giờ lại đang trở thành một bài toán nan giải.
Quốc gia Nam Á này rất nghèo khó, năm 2022 GDP bình quân đầu người chỉ đạt 2,400 USD. Nhưng họ muốn khắc họa mình là một quốc gia đang vươn lên để trở thành một cường quốc kinh tế mới. Và họ ngày càng trở nên độc tài. Tuy nhiên họ muốn được xem là thân thiện đối với tất cả mọi người, kể cả các nền dân chủ. Thủ tướng nước này, ông Narendra Modi là một người kiêu hãnh, có tinh thần dân tộc cao, và có tham vọng [đưa Ấn Độ] trở thành siêu cường. Điều này khiến mối bang giao của Ấn Độ với các cường quốc có trách nhiệm hơn, gồm cả Hoa Kỳ, trở nên ngày càng căng thẳng, nhất là vì New Delhi có mối liên hệ quá mật thiết với hai nhà độc tài nguy hiểm nhất thế giới, ông Tập Cận Bình của Trung Quốc và ông Vladimir Putin của Nga.
New Delhi tham gia vào nhiều sáng kiến khác nhau do Bắc Kinh dẫn đầu và cũng đang có dính líu về mặt tài chính trong cuộc chiến chống lại Ukraine của Moscow. Ba quốc gia này hợp tác với nhau với tư cách là thành viên trong các tổ chức do Bắc Kinh lãnh đạo, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tập trung vào lĩnh vực quân sự, vốn là tổ chức mà cả ba quốc gia có hệ thống liên minh giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cả ba đều tìm thấy điểm chung trong hệ tư tưởng về lịch sử chủ nghĩa xã hội của họ, cũng như quan điểm về việc thúc đẩy một hệ thống quốc tế theo “chủ nghĩa đa phương mới” mà họ đang tìm cách khai thác để lãnh đạo các quốc gia đang phát triển chống lại “chủ nghĩa đế quốc” và “phương Tây.”
Hiểm họa ba bên đang lớn dần này không phải là một kết cục không thể vãn hồi vì Ấn Độ vẫn là một nền dân chủ giữa bầy lang sói và có thể rút lui khỏi cuộc săn mồi đó. Mặc dù Trung Quốc và Nga là những đồng minh thân thiết lâu năm của nhau, nhưng đâu đó vẫn có sự rạn nứt trong mối bang giao của họ với Ấn Độ, khi nước này vẫn đang tìm kiếm thị trường, cũng như cần sự chấp thuận và ủng hộ của Nhóm Bảy Cường quốc Kinh tế (G-7).
Tranh chấp biên giới âm ỉ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở dãy Himalaya, và sự chỉ trích đơn phương của New Delhi đối với cuộc chiến của Moscow chống lại Ukraine khiến hiểm họa ba bên này thêm phức tạp. Quyền phủ quyết của Ấn Độ trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có thể có giá trị đối với các nền dân chủ. Vị thế ngày càng suy giảm của Nga với tư cách là một quốc gia bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ đẩy nước này vào vòng tay của cả Ấn Độ và Trung Quốc, mà New Delhi thì cũng giữ khoảng cách, ở một mức độ nào đó, với Moscow. Trong hai năm qua, ông Modi đã đi xa tới mức ông đã bỏ qua các cuộc gặp gỡ trực tiếp thường niên với ông Putin.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn tiếp tay cho cuộc chiến của Nga khi cần thiết, mà điều này bắt nguồn từ việc New Delhi vi phạm các lệnh trừng phạt của G-7, trong đó cấm mua dầu Nga với giá cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng được thỏa thuận vào năm 2022. Đáng lẽ mức giá trần sẽ khiến Nga thiệt hại gần 38 tỷ USD, nhưng sự vi phạm của Ấn Độ đã đẩy giá lên mức khoảng 70 USD/thùng. Điều này làm tăng giá khí đốt trên toàn cầu và mang lại cho Điện Kremlin nhiều tiền mặt hơn để phục vụ cho việc sát hại người dân Ukraine. Thế giới này nợ New Delhi một lời ‘cảm ơn’ vì lập trường vô nguyên tắc của họ và sự đau khổ mà họ gây ra trên toàn cầu.
Ấn Độ chi nhiều tiền hơn để tài trợ cho việc nhập cảng dầu, vũ khí, [công nghệ] nhà máy điện hạt nhân từ Nga. Hai quốc gia có kế hoạch cùng sản xuất vũ khí, điều đó có nghĩa là Ấn Độ đang nhập cảng công nghệ quân sự của Nga mà có thể dùng trong các cuộc xung đột ở biên giới với Trung Quốc. Điều này chắc chắn khiến Bắc Kinh khó chịu, nhưng dù sao có lẽ Trung Quốc cũng muốn Ấn Độ phụ thuộc vào vũ khí của Nga hơn là của Hoa Kỳ. Ít nhất thì khi đó, nếu cuộc chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra, thì Bắc Kinh có thể nhờ Moscow giúp đình chỉ hoạt động xuất cảng vũ khí sang Ấn Độ, bao gồm cả những loại phụ tùng thay thế quan trọng.
Các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Nga theo sau cuộc chiến Ukraine đã chuyển hướng dòng xuất cảng của nước này sang phương Đông. Hiện nay, khoảng 90% lượng dầu xuất cảng của Nga là sang Trung Quốc và Ấn Độ, trong đó Trung Quốc chiếm 50% và Ấn Độ 40%. Nếu Ấn Độ không mua, thì Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng thương mại lớn hơn rất nhiều đối với Nga. Do đó, New Delhi đóng vai trò gây trở ngại đối với Bắc Kinh trong sự thống trị kinh tế ngày càng tăng của nước này.
Nga càng bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ bao nhiêu, thì Moscow càng phải nhờ cậy vào sự giúp đỡ của New Delhi để kiềm chế quyền lực của Bắc Kinh bấy nhiêu, điều này khiến cả ba quốc gia xích lại gần nhau hơn thành một mối đe dọa mang tính thường trực đối với các nền dân chủ. Nên việc tách Ấn Độ khỏi Trung Quốc và Nga là một mục tiêu chính sách ngoại giao quan trọng của Hoa Kỳ, đó là lý do mà Hoa Thịnh Đốn không chỉ trích quá công khai đối với quốc gia Nam Á này. Nhưng có rất nhiều việc cần phải làm bởi Ấn Độ từ lâu đã “bài xích phương Tây,” đang ngày càng trở nên độc tài, và các doanh nghiệp Mỹ có nhiều rủi ro do phụ thuộc vào lao động giá rẻ trong quá trình chuyển trục khỏi Trung Quốc. Điều đó có nguy cơ làm gia tăng ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ ở Hoa Thịnh Đốn bằng cách thâu tóm giới tinh hoa tương tự mà trước đây đã giúp Bắc Kinh tránh được những lời chỉ trích.
Để giảm thiểu những rủi ro này, Hoa Kỳ và các quốc gia G-7 phải áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Ấn Độ, vì nhiều ưu đãi trước đây, bao gồm cả viện trợ phát triển trực tiếp, đã bị xem thường. Những nỗ lực mà chúng ta thực hiện để mua lấy tình hữu nghị [của Ấn Độ] giường như đã thất bại và cuối cùng chúng ta thấy được rằng Ấn Độ chỉ là một người bạn ‘đồng cam’ nhưng không ‘cộng khổ.’ Các biện pháp trừng phạt và thuế quan sẽ là điều cần thiết để tách Ấn Độ ra khỏi Nga và Trung Quốc. Không quốc gia G-7 nào, kể cả Vương quốc Anh, nên ký kết các hiệp định thương mại tự do mới với Ấn Độ.
Cách tiếp cận vừa cứng rắn và vừa mềm mỏng này đối với một nền dân chủ anh em không nên chỉ nhắm vào riêng Ấn Độ. Thay vào đó, những chính sách mới như vậy nên áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào không hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ và các nước đồng minh để chống lại các mối đe dọa hiện hữu từ Nga và Trung Quốc, chưa kể đến hiểm họa ba bên xuất phát từ sự đồng lõa của các nước thứ ba như Ấn Độ.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times