Nhạc khí thời cổ đại: Đàn Tranh – Linh khí thoát tục thiên cổ
Nước chảy róc rách, sóng biếc chập chùng, thanh âm đẹp tựa dòng suối trong vắt nơi thung lũng rộng rãi… là những lời mà nhiều người dùng để mô tả âm nhạc của “đàn tranh”. Loại nhạc khí này đã có lịch sử hơn hai ngàn năm nên còn được gọi là “cổ tranh”. Ngay từ thời Chiến Quốc, “đàn tranh” đã phổ biến ở các nước như Tần, Tề, Triệu, trong đó nước Tần là thịnh hành nhất.
Tương truyền, đương thời có một người tên là Uyển Vô Nghĩa đã tặng cây huyền cầm có 25 dây cho hai nhi nữ của mình. Tuy nhiên, ông không ngờ rằng, hai nàng mỗi ngày đều tranh cãi không ngớt về việc chơi đàn, sau đó họ đã bẻ gãy cây huyền cầm này thành hai khúc, rồi mang khúc có 13 dây đưa cho cô chị, khúc còn lại 12 dây thuộc về cô em. Tần Thủy Hoàng khi biết chuyện đã gọi nhạc khí sau khi phân chia này là “tranh”.
Trong “Sử ký – Lý Tư liệt truyện” có một thiên là “Luyện trục khách thư”, trong đó có đoạn tấu văn của Lý Tư phê bình Tần Thủy Hoàng, nội dung nói rằng: “Ôi đánh gõ chum bình, đàn tranh gõ nhịp, mà những thứ mắt thấy tai nghe lại là ca hát hô ứng, thanh âm của nước Tần thực sự là đó.” Lý Tư đã sử dụng việc lựa chọn nhạc cụ như một câu chuyện trào phúng cho chính sách dùng người “phi tần giả khứ, vi khách giả trục” (đuổinhững người không phải là người Tần, trục xuất những người là khách) của Tần Thủy Hoàng.
“Gõ chum bình, đàn tranh gõ nhịp” là chỉ nhạc khí dân gian của đất Tần, “nước Tần” chính là chỉ tỉnh Thiểm Tây hiện nay, mà những nhạc khí dân gian này, Lý Tư gọi chúng là “chân Tần chi thanh” (thanh âm chân thật của nước Tần). Vì thế điển cố này được người đời sau dùng để nói đến “tranh” hoặc “Tần tranh” (đàn tranh của nước Tần).
Hơn hai ngàn năm qua, trong lịch sử phát triển dài đằng đẵng, đàn “tranh” đã tích hợp các hình thức nhạc khí, hí khúc và hát nói dân gian ở nhiều nơi, dần dần hình thành nên nhiều phong cách mang tính bản địa sắc nét. Đặc điểm âm vận riêng biệt và kỹ thuật biểu diễn độc đáo cùng với việc văn hóa nghệ thuật cổ tranh đã được truyền bá rộng rãi khắp nơi.
Cổ tranh có thể được chia thành năm trường phái tiêu biểu dựa trên cơ sở vùng miền: Trường phái Triều Châu với phong cách ôn nhu và uyển chuyển; Trường phái Khách Gia mang phong cách cổ phác ưu mỹ; Trường phái Triết Giang khắc họa khí chất trang nhã, tinh tế; Trường phái Hà Nam thể hiện phong vận thô tháo và sống động; Trường phái Sơn Đông biểu lộ cá tính mạnh mẽ và chân thực.
Trước thời nhà Hán, nhà Tấn, đàn tranh có mười hai dây. Trong bài “Tranh phú” của Nguyễn Vũ thời nhà Ngụy nói đến “có mười hai dây đàn.” Trong tác phẩm của Sầm Tham – thi nhân thời Đường, tự thuật rằng: “Âm thanh của Tần tranh là khổ nhất, năm sắc quấn quanh mười ba trụ dây.” Điều này đã nói rõ vào thời Tùy và Đường, đàn tranh từ mười hai dây đã tăng thêm thành mười ba dây. Sau thời nhà Minh, nhà Thanh, đàn tranh dần tăng lên thành mười lăm dây. Trong “Đại Thanh hội điển” phát hành vào thời Quang Tự triều Thanh có ghi: “Tần tranh có mười lăm dây, giống như đàn sắt nhưng nhỏ hơn.”
Có thể nói, Quảng Đông và Phúc Kiến là hai tỉnh đầu tiên chế tạo dây đàn bằng thép. Chất liệu dây của đàn này vì được mượn từ dương cầm (đàn tam thập lục), cho nên thời xưa dây tơ đàn đổi thành dây tơ đồng, cuối cùng phát triển thành loại dây thép. Còn có một loại dây thép bọc nylon khác, bên trong là kim loại, bên ngoài được bọc nylon, do đó nó không những có đặc điểm sắc nét và tươi sáng của dây kim loại, mà nó cũng không mất đi âm thanh chất phác, uyển chuyển của dây tơ.
Tùy theo việc tăng giảm số lượng dây, cổ tranh hiện có nhiều loại, loại 16 dây, 21 dây, 25 dây, 26 dây, ngoài dây làm bằng thép, hầu hết các dây đều được làm bằng dây thép bọc nylon.
Đàn tranh dùng gỗ cây ngô đồng để chế tạo thành một hộp đàn hình chữ nhật, mặt đàn uốn cong, phía trên có dây và lỗ xỏ dây. Phần giữa mặt đàn có trụ hình chim nhạn có thể tự do di động, còn được gọi là tranh mã hoặc cầm mã. Bởi vì khi chúng được xếp nằm nghiêng rất giống một đàn hạc đang bay, cho nên gọi là hạc trụ (trụ hình chim nhạn). Lúc trụ nhạn di chuyển sang trái hoặc phải, cao độ của âm thanh có thể thay đổi.
Có hai cách chơi đàn tranh: bấm dây bằng tay phải và bấm dây bằng tay trái. Tay phải gảy dây bằng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, phân biệt thành thác (đỡ), phách (tách), khiêu (ngoáy), mạt (vuốt), thế (khơi), câu (móc), còn có rung, song thanh (ngón lớn và ngón giữa đồng thời gẩy hai nốt cách một quãng tám), hợp âm rải, phẩy dây v.v.
Bài viết đăng lại từ zhengjian.org
Cổ Âm thực hiện
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ