Về quê nhà Ireland để tìm lại truyền thống hạc cầm đã mất
Nhạc sĩ Sylvia Crawford và đàn hạc Ireland thời sơ khai
Một trong những thanh âm bền bỉ tựa như tên gọi “the Emerald Isle” (nghĩa là Hòn ngọc Lục bảo — một tên gọi khác của đất nước Ireland do ở đây mưa nhiều nên cây cối luôn xanh tươi), là âm thanh êm dịu của cây hạc cầm Ireland. Tuy nhiên, đàn hạc Ireland như nhiều người biết đến hiện nay là một nhạc cụ tương đối hiện đại. Trước cuối thế kỷ 19, đất nước Ireland có truyền thống phong phú về chế tác và chơi một loại đàn hạc khác, hiện nay được biết đến là đàn hạc Ireland thời sơ khai, hoặc đàn hạc Ireland cổ.
Nhạc sĩ Sylvia Crawford chia sẻ trong một cuộc trò chuyện trực tuyến rằng loại đàn hạc mới đã du nhập vào Ireland dựa theo truyền thống chơi đàn hạc của người Anglo. Dần dần, khi các nghệ nhân chế tác đàn hạc cổ và các harper — thuật ngữ mô tả những người chơi đàn hạc cổ — qua đời, kiến thức truyền thống về hạc cầm cổ cũng theo họ rời đi.
Cô Crawford là một trong những chuyên gia và những người say mê đàn hạc Ireland cổ, người đang hồi sinh truyền thống chơi nhạc cụ này. Vào năm 2019, cô đã hoàn thành bằng thạc sĩ về âm nhạc dân tộc (ethnomusicology), đề tài tập trung vào nghệ sĩ chơi đàn hạc cổ người Ireland vào thế kỷ 18 Patrick Quin.
“Mục đích của tôi là nghiên cứu bằng chứng về truyền thống cổ xưa. … Nhưng cũng là để nhớ rằng đây là âm nhạc truyền thống, để tôn vinh điều đó, và nhớ rằng đây là một loại âm nhạc không được ghi chép lại và là một truyền thống được thầy truyền miệng cho học trò,” cô Crawford chia sẻ.
Khi các nghệ sĩ chơi đàn hạc cổ cuối cùng đã qua đời và truyền thống thầy truyền thụ cho học trò cũng không còn, cô Crawford đã phải nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu lịch sử để tìm hiểu và khôi phục truyền thống này. Đó là một quá trình dài mà cô ví von như là miệt mài ráp nối 1,000 mảnh ghép mà không có ảnh mẫu.
Cuộc hội ngộ với đàn hạc
Cô Crawford nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy những cây đàn hạc trong nhà hàng xóm của cô tại thị trấn Portadown, Bắc Ireland, khi đó cô khoảng 6 hoặc 7 tuổi. Đó là vào những năm 1970. Một ngày nọ, khi đang chơi ngoài phố, cô đã nhìn thấy những người hàng xóm của cô mang đàn hạc từ xe hơi của họ vào trong nhà. “Đó là cuộc gặp đầu tiên của tôi với đàn hạc, và trên thực tế một người trong gia đình đó là nghệ nhân chế tác đàn hạc,” cô chia sẻ.
Nhiều năm sau đó, cô đã tình cờ gặp lại gia đình này, nhưng không phải trên con đường nhà cô mà là trong một video từ kho lưu trữ của RTE (kênh truyền thông quốc gia của Ireland), lúc đó cô đang theo học bằng thạc sĩ. “Bên trong ngôi nhà đó là một căn phòng đầy những bạn nhỏ đang học chơi hạc cầm: Có rất nhiều tông màu nâu và cam … Đó là vào những năm 1970,” cô chia sẻ.
Vào cuối những năm 1990, cô Crawford đã lần đầu tiên nghe thấy tiếng đàn hạc Ireland cổ tại thành phố Galway nằm ở bờ tây của Ireland. Bậc thầy chơi đàn hạc Paul Dooley đang diễn tấu giai điệu đó.
“Ông ấy là người chơi đàn tuyệt vời, tuyệt vời. … Và tôi đã nghe thấy thanh âm đó, tôi nhìn thấy ông lặng lẽ ngồi gảy đàn trên phố; điều này rất phổ biến tại thành phố Galway vào thời đó. Có điều gì đó ở trong tiếng đàn này, tôi nghĩ: Thật khác biệt; đó là một âm thanh khác hẳn với những gì mà tôi đã từng nghe trước đây,” cô chia sẻ.
Ông Dooley chơi đàn hạc đã khơi dậy niềm hứng thú của cô Crawford dành cho loại nhạc cụ này. Là nghệ sĩ chơi dương cầm cổ điển được đào tạo bài bản và cũng là một nghệ sĩ chơi vĩ cầm truyền thống của Ireland, cô Crawford vốn đã thông thạo cả hai di sản âm nhạc cổ điển và truyền thống này của Ireland.
“Tôi đã đặt hết tâm trí vào khung cảnh âm nhạc thời sơ khai đó ở thành phố Galway và tôi đã chơi những giai điệu đơn giản của đàn hạc Ireland cổ. Tôi đã chơi giai điệu đó trên cây vĩ cầm của mình, rồi cả trên đàn dương cầm, tôi thầm nghĩ: ‘Mình muốn một trong những cây đàn hạc đó và chơi bản nhạc này … bằng nhạc cụ thực sự dành cho bản nhạc đó,’” cô chia sẻ.
Học cách chơi đàn hạc Ireland cổ
Đàn hạc Ireland thời sơ khai là một nhạc cụ dựa trên 7 nốt cơ bản và không có bộ khí cơ (các tông nhạc hay bàn đạp) để điều chỉnh cao độ. Bên cạnh dây đàn làm bằng kim loại, nhạc cụ này có ba bộ phận căn bản: hộp đàn, cổ đàn, và trụ đàn. Đàn hạc được nối kết với nhau bằng độ căng của dây đàn kim loại. Không có vết keo kết nối các bộ phận lại với nhau. Hộp đàn của đàn hạc Ireland cổ được đẽo từ một khối gỗ, thường là gỗ liễu.
“Có rất nhiều lực căng trong cấu trúc [đàn hạc], và bạn có thể thấy rất nhiều đàn hạc cổ có những que sắt lớn chung quanh để giữ [các bộ phận] với nhau nơi dễ bị bung ở chính giữa do độ căng của dây đàn,” cô Crawford chia sẻ.
Vào năm 2006, cô Crawford đã mua cây đàn hạc Ireland cổ đầu tiên của mình. Cô nghĩ rằng chơi loại đàn hạc này không khác so với chơi đàn dương cầm. Cô đã nhầm. Cô đã sớm nhận ra bản sắc độc đáo của nhạc cụ này khiến loại đàn đó không dễ chơi chút nào. Khi một sợi dây kim loại được gảy lên, nó sẽ ngân lên không dứt, vì vậy khi sợi dây đàn tiếp theo được gảy lên, hai sợi dây đàn sẽ cùng ngân lên. Nếu sợi dây đàn thứ ba được gảy lên, thì sẽ xảy ra xung đột, cô Crawford chia sẻ. “Điều này khó khăn hơn nhiều so với vẻ bề ngoài bởi vì tôi phải học cách kiểm soát sự cộng hưởng,” cô cho biết.
Cô Crawford phát hiện một số người chơi đàn hạc đã cố gắng mượn kỹ thuật chơi đàn trong lịch sử và một số người khác đang phỏng theo kỹ thuật chơi đàn hạc đương đại.
Mặc dù cô đã học cách chơi nhạc cụ này từ một số người, nhưng cô cảm thấy có điều gì đó không đúng. “Tôi đã chơi những giai điệu buồn bã tiếc thương và những giai điệu Ireland cổ xưa này trên một nhạc cụ cổ xưa … nhưng đối với tôi, điều này nằm ngoài thế giới của âm nhạc truyền thống,” cô chia sẻ.
Một kỹ thuật mà cô Crawford đã sử dụng khi bắt đầu học chơi đàn này là đánh mã màu cho các sợi dây để quan sát những điều mà cô đang làm. Tuy nhiên, cô sớm nhận ra rằng các nghệ sĩ chơi đàn hạc cổ sẽ không chơi nhạc cụ này theo cách đó; trên thực tế, nhiều người trong số họ bị khiếm thị. Và bản thân đàn hạc cũng không có bất kỳ dấu vết trực quan nào cho thấy vị trí mà người nghệ sĩ đang chơi đàn, cô chia sẻ. Một nốt cụ thể có hai sợi dây đàn, vì vậy những người chơi đàn hạc cổ chỉ có thể định hướng bản thân theo âm thanh.
Là nghệ sĩ chơi vĩ cầm có kinh nghiệm, cô hiểu rằng một trong những điều khiến cho tiếng vĩ cầm mang âm hưởng đặc trưng Ireland chính là kỹ thuật kéo vĩ. Có rất nhiều phong cách khác nhau và sự khác biệt giữa các vùng miền, cô Crawford chia sẻ, tuy nhiên kỹ thuật kéo vĩ trôi chảy liền mạch cùng nhịp điệu là một trong những nét đặc trưng tiêu biểu trong âm thanh vĩ cầm của Ireland.
Cô đã bắt đầu tự hỏi liệu có sự tương đồng giữa kỹ thuật kéo vĩ của vĩ cầm và gảy ngón tay của hạc cầm hay không, mỗi kỹ thuật đều giúp nhạc cụ mang đến âm thanh đặc trưng Ireland.
Cuộc hội ngộ với nghệ sĩ Patrick Quin
Hai người đã giúp cô Crawford tìm hiểu thêm về đàn hạc Ireland cổ, bao gồm các kỹ thuật gảy ngón tay đặc trưng, là những người đến từ thế kỷ 18: nghệ sĩ chơi đàn hạc cổ Patrick Quin và nhạc sĩ Edward Bunting.
Cô Crawford vốn đã quen thuộc với các tác phẩm của ông Bunting. Nhưng cô đã “hội ngộ” với ông Quin vào khoảng sáu hoặc bảy năm trước tại “Trường học mùa hè về đàn hạc Ireland cổ” do Hiệp hội Đàn hạc Lịch sử Ireland tổ chức, tại thành phố Kilkenny, miền đông nam Ireland. Đó là sự kiện thường niên dành cho những người yêu đàn hạc Ireland cổ.
Trong buổi thuyết trình, có một trang thể hiện bản nhạc viết tay soạn lại cho đàn dương cầm của ông Bunting từ một giai điệu của ông Quin, hiện đang lưu giữ tại trường Đại học Queen’s Belfast.
Trường đại học này có một bộ sưu tập những cuốn sổ tay của ông Bunting kể từ khi ông viếng thăm những người chơi đàn hạc cổ và thu âm tác phẩm âm nhạc của họ vào cuối thế kỷ 18. Cô Crawford cho biết điều quan trọng cần lưu ý là khi ông Bunting thu thập bản nhạc này, ông ấy ở ngoài lĩnh vực âm nhạc truyền thống của Ireland: Ông ấy không chơi hạc cầm. Ông ấy không phải là người nói tiếng Gaelic (ngôn ngữ của người Gael ở Scotland). Mục đích của ông Bunting không phải là để bảo tồn truyền thống hạc cầm mà là để thu âm những giai điệu này trước khi các nghệ sĩ chơi đàn hạc cổ cuối cùng qua đời.
Tại phần dưới cùng của trang trình bày đó, cô Crawford đã nhìn thấy một dòng ghi chú về điều gì đó như là Patrick Quin, Quận Armagh, gần Blue Stone. “Tôi nghĩ, ‘Mình biết chính xác nơi ông ấy đang nói đến,’” cô chia sẻ. Cô Crawford đã lớn lên ở chính nơi đó trên con đường tên là Drumnacanvy, dẫn tới đường Bluestone.
Đột nhiên, cô Crawford có thể hình dung ra cảnh tượng ông Bunting ngồi bên cạnh ông Quin, ở trong một ngôi nhà thôn quê cổ xưa nằm dọc theo con đường đó — ông Bunting cầm cuốn sổ tay và ông Quin đang chơi giai điệu của mình. “Khung cảnh này đột nhiên trở nên sống động trong trí tưởng tượng của tôi. Nhưng tôi cũng nghĩ, ‘Không ai biết Blue Stone là ở nơi nào. Tôi biết là bởi vì nó ở ngay con đường nhà tôi. Ông ấy là nghệ sĩ chơi đàn hạc của tôi. Tôi cần tập trung vào ông ấy,” cô chia sẻ.
Mặc dù cô đã có một số nghiên cứu về ông Quin, nhưng không có nhiều thông tin về ông ấy như vậy, cô chia sẻ.
Càng tìm hiểu về ông Quin, cô Crawford càng nhận ra cuộc đời của cô tương đồng với những khía cạnh trong cuộc đời của ông ấy dù cách biệt ông Quin hàng thế kỷ. Chẳng hạn như, ông Quin đã từng sống ở thị trấn Portadown, Quận Armagh, nơi cô Crawford đã lớn lên; cả hai đều chơi vĩ cầm, và tất nhiên họ cũng có điểm tương đồng về hạc cầm.
Vào thời điểm đó, cô Crawford đang sống ở vùng Brittany, Pháp quốc, tuy nhiên cô đã quyết định chuyển nhà về Quận Armagh, để tập trung nghiên cứu tối đa về ông Quin.
Học hỏi từ bậc thầy tiền bối
Ông Quin “là một bậc thầy thực thụ trong nghệ thuật của ông ấy. Một người nọ đã mô tả cách ‘ông ấy rải các ngón tay trên dây đàn với đầy đủ năng lực của một bậc thầy,’” cô Crawford chia sẻ.
Đào sâu hơn vào nghiên cứu của mình, cô Crawford đã phát hiện rằng ông Quin có mối quan hệ với xứ Fews, một vùng ở South Armagh có một truyền thống lâu đời về văn học và thơ ca. “Vì vậy, ông Patrick Quin không chỉ đơn thuần là một nghệ sĩ chơi đàn hạc đến từ thị trấn Portadown. Ông ấy đã có sự kết nối với văn hóa âm nhạc cũng như nền văn chương Gaelic thực sự quan trọng này,” cô chia sẻ.
Trong số những giai điệu mà ông Bunting thu thập từ ông Quin, ba giai điệu đầu tiên thường được truyền dạy cho những người chơi đàn hạc trẻ tuổi. Ông Bunting đã thu thập các phiên bản của những giai điệu cụ thể đó từ những người chơi đàn hạc cổ khác nhau, tuy nhiên ông Patrick Quin là nghệ sĩ chơi đàn hạc cổ duy nhất cung cấp [thông tin] cho cả ba giai điệu này. Nhìn từ góc độ cố gắng khôi phục truyền thống âm nhạc, có được những thông tin đó thật là điều tuyệt vời, cô Crawford chia sẻ.
Cô cũng phát hiện một bức tranh sơn dầu của ông Quin trong một bộ sưu tập cá nhân; chưa từng được biết đến trước đây. Trong bức tranh này, ông Quin được khắc họa sống động khi đang ngồi chơi cây hạc cầm Castle Otway mà hiện nay thuộc sở hữu của trường Đại học Trinity College Dublin.
Bằng cách quan sát kỹ lưỡng bức tranh này, cô Crawford có thể nhìn thấy cách ông Quin ngồi khá thấp, và ông ấy tựa cây hạc cầm Castle Otway vào vai trái của mình. Đàn hạc đương đại tựa vào vai phải. Cô cũng có thể nhìn thấy ông Quin giữ cây hạc cầm ở giữa hai chân và cách mà ông ấy cố định cây đàn bằng hai đầu gối.
Điều khiến cô thích thú nhất trong bức tranh này là các ngón tay của ông Quin. “Bạn có thể nhìn thấy các ngón tay ở bàn tay trái của ông ấy đặt trên những sợi dây đàn và bàn tay phải đặt ở vị trí thấp so với tay trái, thế tay phải thấp đó là để gảy đàn hạc cổ. Bạn có thể nhìn thấy nhiều thông tin hơn nữa; bạn có thể nhìn thấy chính xác hình dạng các ngón tay của ông ấy đặt trên dây đàn. Và bạn có thể nhìn thấy bàn tay chơi âm trầm (bass) của ông có hình dạng xòe ra với ngón tay thứ tư duỗi ra,” cô chia sẻ.
Tại thời điểm đó, cô Crawford đã có một bản sao đơn giản của cây hạc cầm Castle Otway mượn từ Hiệp hội Đàn hạc Lịch sử Ireland. Cô nhận ra rằng bức tranh vẽ đó không phải là một nguồn đáng tin cậy bởi vì bức tranh là tĩnh và họa sĩ có thể đã thay đổi một số sự thật để trông đẹp hơn. Tuy nhiên, cô đã kết hợp những điều cô tìm thấy trong bức tranh này với những thông tin lấy từ một chương của một trong các ấn phẩm của ông Bunting (năm 1840). Khi mô tả về cách các nghệ sĩ gảy đàn hạc, ông Bunting đã đính kèm một danh sách các đoạn giai điệu và thể hiện chính xác những ngón tay được dùng cho mỗi giai điệu.
Khi cô Crawford chơi đàn hạc bằng cách dựa vào những khám phá này, các ngón tay của cô đã trôi theo những đoạn giai điệu mà ông Bunting mô tả.
Bởi vì âm nhạc Ireland truyền thống được truyền miệng, cho nên cô đã quyết định nghiên cứu những truyền thống âm nhạc truyền miệng khác. Cô đã học được rằng những điểm đặc thù nhất định tạo nên sự khác biệt to lớn giữa truyền thống [âm nhạc] truyền miệng và [âm nhạc] thành văn. “Chẳng hạn như, những dạng thức lặp đi lặp lại sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau, ý tưởng về việc truyền dạy bằng cách học thuộc lòng và sao chép, ý tưởng kết nối giữa một thanh âm có thể nghe rõ với một động tác hoặc chuyển động của bàn tay hoặc ngón tay, và ý tưởng đặt tên cho các kỹ thuật ngón tay vô cùng đặc biệt này,” cô chia sẻ.
Khi cô tìm hiểu về những truyền thống âm nhạc truyền miệng, cô đã có góc nhìn khác về những điều mà ông Bunting ghi chép về các kỹ thuật chơi đàn, điều ông ấy thu thập từ những người chơi đàn hạc cổ. “Tôi bắt đầu nhận ra rằng ông ấy đã trao cho chúng ta rất nhiều thông tin.” Nhưng vì bản thân ông ấy không chơi hạc cầm — ông là nghệ sĩ organ, nghệ sĩ dương cầm, và nhà soạn nhạc — tác phẩm đã xuất bản của ông cần diễn giải sao cho hiểu được đầy đủ, và sau đó cần tái cấu trúc hoặc kết nối lại với nhau.
Tiếp nối truyền thống cổ xưa
Cô Crawford nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều điều để khám phá hơn nữa về đàn hạc Ireland cổ. Và mỗi khám phá này là thành quả của các chuyên gia làm việc cùng nhau dựa trên nghiên cứu của mỗi người khác. Trên hết, cô Crawford cảm thấy có trách nhiệm chia sẻ những điều mà cô đã phát hiện. “Đối với bất kỳ kiến giải sâu sắc nào tôi có, tôi thực sự mong muốn những người khác sẽ xem như một nền tảng cho sự phát triển trong tương lai,” cô chia sẻ.
Hiện nay, cô đang chấp bút cho một cuốn sách nói về những giai điệu đầu tiên được truyền dạy và các kỹ thuật chơi đàn hạc Ireland cổ, chia sẻ cách cô đã đưa ra những kết luận của mình cũng như tầm quan trọng của việc diễn giải những ghi chép của ông Bunting. Cô đặc biệt mong muốn mọi người quan tâm đến tác phẩm của ông Bunting bởi vì “nếu không có ông ấy thì chúng ta sẽ không thể nào” nghiên cứu và tìm hiểu về đàn hạc Ireland cổ.
“Ở một mức độ rất cá nhân, điều đó khiến tôi nhận ra rằng tôi không cần đến Galway để tìm lại âm nhạc truyền thống. Tôi không cần đến Brittany để tìm kiếm âm nhạc truyền thống. Điều đó hiện diện ngay trên con đường nhà tôi; âm nhạc đã đưa tôi trở về nhà,” cô chia sẻ.
Để tìm hiểu thêm về nữ nhạc sĩ Sylvia Crawford và đàn hạc Ireland cổ, vui lòng truy cập trang SylviaCrawford.net
Để tìm hiểu thêm về di sản của cố nhạc sĩ Edward Bunting, vui lòng truy cập trang RememberingBuntingFestival.com
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times