Nhà vận động nhân quyền: Các nguyên lý của Pháp Luân Công là các giá trị nhân văn phổ quát mà ai cũng có thể thực hành
Ông Benedict Rogers bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các giá trị chân, thiện, và nhẫn. Ông cho rằng cuộc bức hại nhắm vào các học viên Pháp Luân Công “thật thương tâm.”
Nhà đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo Thủ Benedict Rogers nói rằng các nguyên lý của Pháp Luân Công là giá trị phổ quát chung của nhân loại mà ai cũng có thể áp dụng và thực hành cũng như nên áp dụng và thực hành.
Ông Rogers là một người theo Công giáo. Hôm thứ Bảy (11/05), ông đã đưa ra bình luận này trước một sự kiện được tổ chức thường niên, nơi hàng trăm học viên Pháp Luân Công tại London kỷ niệm 32 năm môn tu luyện này được truyền ra công chúng kể từ ngày 13/05/1992, một ngày được lựa chọn làm “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới.”
Chính phủ Vương quốc Anh gửi tặng “những lời chúc tốt đẹp nhất” trong một bức thư trong đó bày tỏ rằng họ “vẫn vô cùng lo ngại về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công và những người khác vì tôn giáo và tín ngưỡng của họ ở Trung Quốc.”
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tĩnh tại gồm các bài tập khoan thai và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Môn tu luyện do Đại sư Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng này đã thu hút hàng chục triệu học viên ở Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên vào năm 1999, lãnh đạo đương thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đã sử dụng bộ máy nhà nước chống lại nhóm người này, phát động một chiến dịch ‘xóa sổ’ mà cho đến nay đã kéo dài 25 năm.
Các học viên Pháp Luân Công từ chối từ bỏ đức tin của mình phải chịu đựng sự sách nhiễu, phân biệt đối xử, đuổi học hoặc đuổi việc, giam giữ tùy tiện, tra tấn, và sát hại, trong đó có việc trở thành nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập do luật sư kiêm thẩm phán lỗi lạc người Anh Sir Geoffrey Nice, KC (hay Luật sư của Nhà vua) chủ trì đã phát hiện ra rằng các học viên Pháp Luân Công đã và đang tiếp tục trở thành nhóm nạn nhân chính bị sát hại để lấy nội tạng. Bằng chứng cũng cho thấy nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức xảy ra đối với nhóm người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác trong những năm gần đây.
Ông Rogers cho biết trong một bài viết ủng hộ lễ kỷ niệm thường niên và sự kiện nâng cao nhận thức về nhân quyền này: “Cuộc bức hại này thật thương tâm, đặc biệt là khi tôi biết rằng các học viên Pháp Luân Công thực hành đức tin của mình một cách hoàn toàn ôn hòa.”
Ông Rogers cho biết, các nguyên tắc của Pháp Luân công là “những giá trị phổ quát, giá trị nhân văn mà con người thuộc bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào đều có thể áp dụng và thực hành theo.”
Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các học viên mà ông đã gặp trong nhiều năm qua, rằng họ là “những người hiếu khách, hào phóng, tốt bụng, thông minh, ôn hòa và tử tế,” những người thực hành theo các giá trị “tốt đẹp và cao cả.”
“Chúng ta hãy tiếp tục lên tiếng vì tất cả những người dân Trung Quốc: các học viên Pháp Luân Công, những người theo Cơ Đốc Giáo, Phật giáo Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, và những người Hồi Giáo, Đạo Giáo, cũng như quyền thực hành tôn giáo và tín ngưỡng cho tất cả mọi người,” ông cho biết.
“Chúng ta hãy tiếp tục sống chiểu theo các giá trị chân, thiện, và nhẫn.”
Chính phủ Anh viết trong một bức thư gửi Giám đốc Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Anh quốc Lưu Vĩ (Wei Liu) rằng tất cả mọi người nên được hưởng quyền tự do thực hành, thay đổi, hoặc giới thiệu đức tin hay tín ngưỡng của mình mà không bị phân biệt đối xử hay bị phản đối bằng bạo lực.
Ông Brendan O’Hara, phát ngôn viên ngoại giao của Đảng Quốc gia Scotland (SNP), cũng gửi “những lời chúc tốt đẹp nhất” và “cam kết tiếp tục ủng hộ [của SNP].”
Ông O’Hara cho biết ông đã “nhắc lại nhiều lần tại Hạ viện rằng: [Những vấn đề] như mức độ tàn bạo, tội ác, những mối lo ngại về việc làm mất lòng các đồng minh hùng mạnh, hay những e ngại về việc làm tổn hại đến các mối quan hệ thương mại không thể và không bao giờ được phép khiến chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như vậy.”
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times