Nhà vận động Duy Ngô Nhĩ: Mỹ có thể đã mua các tấm quang năng Trung Quốc làm từ lao động cưỡng bức
Theo Thủ tướng Salih Hudayar của chính phủ lưu vong Đông Turkistan, trong bối cảnh các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện yêu cầu một cuộc điều tra về mối nghi ngờ rằng tiền của Bộ An ninh Nội địa đang bị chi ra để mua các tấm pin quang năng Trung Quốc làm từ lao động cưỡng bức, thì rất có khả năng lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ cũng có liên quan.
Ông Hudayar cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên NTD News, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, “Điều đó rất có khả năng xảy ra khi xét đến thực tế là trước khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch chính thức để diệt chủng và cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ hồi năm 2014, sản lượng tấm quang năng polysilicon ở Đông Turkistan chỉ chiếm 9% sản lượng toàn cầu. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên hơn 50% sản lượng toàn cầu.”
Ông nói thêm: “Hơn nữa, thực tế rằng điều này xảy ra cùng lúc với việc Trung Quốc nhốt hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và người của các dân tộc khác trong các trại tập trung và trại lao động cưỡng bức, cho chúng ta thấy rằng điều này chỉ có thể xảy ra nếu [chính quyền] Trung Quốc sử dụng lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ.”
Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương
Ông Hudayar đã chỉ ra mối liên hệ của nhiều nhà sản xuất tấm quang năng với Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC). Ông nói rằng đó là một “lực lượng bán quân sự của Trung Quốc có nhiệm vụ không chỉ chiếm đóng Turkistan, mà còn trấn áp bất kỳ người bất đồng chính kiến nào.”
Đó là một tổ chức đã bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt hồi tháng 07/2021 vì binh đoàn này đang “tiến hành cuộc diệt chủng hiện đang diễn ra.”
Hôm 31/07/2021, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các cựu quan chức và các quan chức đương nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng đầu XPCC, cũng như chính XPCC, vì vi phạm nhân quyền.
Tra tấn người Duy Ngô Nhĩ
Liên Hiệp Quốc ước tính rằng hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại giam ở khu vực Tân Cương.
Ông Hudayar khẳng định các báo cáo đáng tin cậy đã chỉ ra rằng người Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt với lạm dụng tình dục, cưỡng hiếp, và bị thu hoạch nội tạng, giống như các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập khoan thai và một bộ bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến trong những năm 1990, và vào cuối thập niên đó đã thu hút lên tới 100 triệu người theo học ở Trung Quốc. Xem điều này là một mối đe dọa, năm 1999 chính quyền Trung Quốc đã khởi động một chiến dịch toàn quốc nhằm tìm cách “xóa sổ” môn này.
Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và trung tâm giam giữ trên khắp đất nước, tại đó họ bị tra tấn, ép phải lao động như nô lệ, và bị thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Theo ông Ethan Gutmann, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản, đã có bằng chứng mới xuất hiện cho thấy tội ác thu hoạch nội tạng đang tiếp diễn của chính quyền Trung Quốc.
Theo ước tính của ông Gutmann, có từ 25,000 đến 50,000 người Duy Ngô Nhĩ đang bị sát hại để lấy nội tạng mỗi năm — một con số tương đương với các con số ước tính dành cho các học viên Pháp Luân Công.
Ông Hudayar cho biết thêm, người trong những trại này đang “bị cưỡng bức tiếp nhận tuyên truyền ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc, lên tới 14 đến 16 giờ mỗi ngày.”
Theo ông Hudayar, lao động cưỡng bức đang được sử dụng như một loại quy trình vòng lặp.
Ông giải thích: “Bởi vì chỉ riêng cho mục đích giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung, [chính quyền] Trung Quốc đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền để trả cho các lực lượng an ninh của họ, trả cho tất cả những thứ phụ trợ, [như là] thiết bị giám sát và các hệ thống khác mà họ lắp đặt tại đó.”
Ông Hudayar chỉ ra Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) mà Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật hồi tháng 12/2021 và có hiệu lực từ tháng Sáu, cấm nhập cảng từ Tân Cương trừ khi các công ty chứng minh được các sản phẩm không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Bản tin có sự đóng góp của Cathy He
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times