Nhà tâm lý học chia sẻ cách áp dụng vô vi trong cuộc sống
Hàng nghìn năm nay, chủ trương vô vi của Đạo gia đã ảnh hưởng đến cách đối nhân xử thế của mọi người trong cuộc sống thường ngày. Ngay cả trong xã hội công thương nghiệp hiện nay, khái niệm vô vi vẫn luôn có chỗ đứng. Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Hoa khuyên rằng để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, mọi người nên dùng tâm thái vô vi đối diện với các vấn đề khác nhau trong cuộc sống.
Chuyên gia tư vấn tâm lý người Mỹ gốc Hoa Tào Quân Hồng (Cao Junhong) đã viết trên trang web của CNBC rằng, là một nhà tâm lý học có hơn mười lăm năm kinh nghiệm, bà đã nhìn thấy “văn hóa phấn đấu” (hustle culture, một loại văn hóa khuyến khích nhân viên làm thêm giờ) tác động tiêu cực đến mọi người như thế nào.
Tuy nhiên, quan niệm vô vi của người Trung Hoa cổ xưa có thể giúp mọi người sống một cuộc sống cân bằng, thành công hơn và có thể thưc hiện khát vọng của mình.
Chuyên gia Tào Quân Hồng cho rằng, vô vi không phải là không làm việc gì hoặc lười biếng, mà là để sự việc phát sinh một cách tự nhiên, không cần bài trừ hay kiểm soát. Nó nhấn mạnh chỉ hành động khi cần thiết, nhưng không thôi thúc bản thân quá mức, không tạo áp lực cho chính mình.
Bà nói rằng, bà luôn luôn áp dụng “vô vi” vào trong công việc, bởi vì đã có nghiên cứu cho thấy, vô vi có thể giúp giảm căng thẳng và lo âu, đồng thời gia tăng cảm giác hài lòng và hạnh phúc tổng thể.
Dưới đây là phương pháp áp dụng vô vi vào trong cuộc sống hàng ngày:
1. Đón nhận hiện thực
Bà Tào Quân Hồng đưa ra một ví dụ, khi bạn đang tổ chức một bữa tiệc, tâm thái vô vi cho bạn biết rằng sự việc có thể sẽ không như mong đợi, vì vậy đừng quá bận tâm đến từng chi tiết.
Cũng tương tự, khi bạn không được thăng chức trong công việc như mong đợi, bạn vẫn nên bình chân như vại. Bà thích nói với chính mình: “Tôi không thể kiểm soát mọi thứ, nhưng bất kể xảy ra chuyện gì, tôi đều có thể tận dụng nó thật tốt.”
2. Bao dung khuyết điểm
Bà Tào Quân Hồng nói rằng, hãy để sự việc phát triển theo tự nhiên, không nên đòi hỏi thành công tức thì. Cần biết rằng, không có bất kỳ việc gì là hoàn mỹ.
Bà đề cập rằng nếu bạn lần đầu tiên học ngoại ngữ hoặc nhạc cụ, bạn cần chuẩn bị tâm lý phạm sai lầm. Bạn sẽ học được kinh nghiệm từ trong chính những sai lầm ấy.
3. Nhận thức chính niệm
Bà Tào Quân Hồng viết rằng, chính niệm(mindfulness) có nghĩa là tập trung vào những suy nghĩ và tình cảm trong thời điểm hiện tại mà không phán xét.
Bạn có thể ghi lại những chi tiết nhỏ xung quanh trong cuộc sống của mình. Ví dụ: Làn da có cảm giác như thế nào khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời? Bạn cũng có thể lắng nghe những âm thanh của thiên nhiên, như tiếng chim hót líu lo, tiếng lá rơi xào xạc, hoặc quan sát hình dáng, màu sắc của hoa lá cỏ cây.
Mạt Lệ biên tập
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ