Nhà soạn nhạc Brahms đi ngược lại xu hướng của thời đại
Ngài Johannes Brahms là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất. Và mặc dù ông có những điểm không hoàn hảo của mình, nhưng ông cũng sở hữu nhưng đức hạnh cao quý.
Bộ ba tam kiệt âm nhạc cổ điển gồm có Bach, Beethoven và Brahms lần lượt sống trong các thời đại âm nhạc Baroque, Cổ điển và Lãng mạn. Mặc dù âm nhạc của Ludwig von Beethoven đã tạo nên thành công trong suốt cuộc đời ông, nhưng ông không thể thực sự tận hưởng được thành công vì khi kết thúc sự nghiệp, ông hoàn toàn bị điếc. Âm nhạc của Johann Sebastian Bach đã bị lãng quên trong nhiều năm sau khi ông qua đời cho đến khi Felix Mendelssohn phục hưng lại. Âm nhạc của Johannes Brahms không phải lúc nào cũng được chấp nhận nhưng về cuối đời, ông đã là một người nổi tiếng ở Vienna và ông biết rất rõ về điều đó. Ông có thể tản bộ xuống phố và dễ dàng được người hâm mộ nhận ra.
Nền giáo dục ban sơ của Brahms
Nhà soạn nhạc Johannes Brahms (1833-1897) lớn lên trong một gia đình bình dị. Cha của ông, Johann Jakob Brahms, là một nhạc sĩ không gặp thời và mẹ ông là một thợ may. Ông là con cả trong gia đình có ba người con.
Từ thủa ấu thơ khi học piano với người thầy đầu tiên Otto Cossel, Brahms đã có nguyện vọng sáng tác. Cossel không có kỹ năng giảng dạy sáng tác nên đã giới thiệu Johannes với giáo viên của mình, Eduard Marxsen. Marxsen nhìn thấy tài năng của Brahms nhưng muốn ông tập trung vào piano, và việc sáng tác sẽ đến vào thời điểm thích hợp. Nhưng Brahms không nao núng. Ông liên tục hối thúc thầy Marxsen về việc này cho đến khi cuối cùng Marxsen đành phải nhượng bộ.
Brahms, Nhà soạn nhạc
Theo cuốn sách, “Brahms: A Biography” (“Brahms: Một tiểu sử”) của tác giả Jan Swafford, Brahms được biết đến là người luôn đặt mình lên hàng đầu khi sáng tác. Ông sáng tác cho chính mình đầu tiên, thứ hai là cho bạn bè, và cuối cùng là cho khán giả của ông.
Ông đã sống trong một thời đại mà âm nhạc đang thay đổi mạnh mẽ. “Trường phái âm nhạc mới của Đức” tin rằng âm nhạc nên truyền tải một câu chuyện. Họ cảm thấy rằng Beethoven thật tuyệt, nhưng âm nhạc không nên ngừng phát triển ngoài Beethoven. Những nhân vật đứng đầu của trường phái này là Franz Liszt và Richard Wagner. Một số tác phẩm sau này của Liszt tiếp cận với chủ nghĩa vô điệu tính, vì Trường phái Đức mới mở đường cho các nhà soạn nhạc theo trường phái ấn tượng như Claude Debussy.
Chương 3, bản tứ tấu piano số 3, cung Đô thứ – nhà soạn nhạc Brahms
Johannes Brahms và Robert Schumann, những nhân vật hàng đầu của âm nhạc trừu tượng (âm nhạc không gắn liền với một câu chuyện), tin rằng khán giả sẽ tự mình cảm nhận âm nhạc chứ không phải do nhà soạn nhạc quyết định. Âm nhạc nên được thưởng thức hoàn toàn vì âm nhạc. Nói cách khác, việc tiến tới trường phái ấn tượng hoặc, to gan hơn, mất đi điệu tính, là điều hoàn toàn không được chấp nhận. Brahms đánh giá cao kỹ thuật điêu luyện của Liszt; ông biết mình không bao giờ có thể sánh được với Liszt về mặt đó, nhưng ông không quá coi trọng âm nhạc của Liszt. Ông cho rằng thứ âm nhạc đó chứa đựng quá nhiều cảm xúc và thiếu [khí] chất. Đó không phải là thứ âm nhạc khiến ông cảm thấy dễ chịu. Ông cảm thấy rằng âm nhạc nên truyền tải những cảm xúc thuần khiết. “Bây giờ nếu mọi thứ trở nên tồi tệ với bạn, thì âm nhạc phải luôn là niềm an ủi lớn lao,” ông sẽ nói như thế.
Khi vợ chồng nhạc sĩ Robert và Clara Schumann gặp Brahms gặp vào năm 1853, cặp đôi này ngay lập tức có cảm tình với chàng trai trẻ khôi ngô Brahms. Brahms mà chúng ta hình dung ngày nay là Johannes Brahms đã già dặn hơn, đầy đặn hơn với bộ râu quai nón đường hoàng. Thực ra, ông có vấn đề về lông mặt khi còn trẻ. Chàng trai trẻ Brahms khi ấy nhẹ nhàng, có chút rụt rè trẻ con, và rất căng thẳng khi biểu diễn một bản nhạc do chính mình sáng tác trước một Schumann đã thành danh.
Gia đình Schumann rất yêu thích âm nhạc của Brahms và không lâu sau đó Robert Schumann đã viết về Brahms trên một tạp chí âm nhạc, trìu mến gọi ông là vị cứu tinh của âm nhạc nước Đức và là người kế vị của Beethoven. Schumann tin rằng Brahms sẽ là người dẫn dắt và là người bảo vệ những truyền thống mà Beethoven và Mozart đã để lại vì Brahms rất ngưỡng mộ hai nhà soạn nhạc này.
Có nhiều người kỳ vọng Brahms sẽ thay thế được Beethoven, và điều đó khiến ông phải suy nghĩ và nhìn nhận lại về âm nhạc của mình. Trong suốt cuộc đời của mình, Brahms luôn được so sánh với Beethoven. Bản giao hưởng đầu tiên của Brahms mà mọi người gọi là bản giao hưởng thứ 10 của Beethoven là tác phẩm mà ông đã dành hơn hai mươi năm từ khi bắt đầu đến lúc hoàn chỉnh. Sự thật là, việc Brahms dành hơn hai mươi năm để hoàn thành một tác phẩm không chỉ xảy ra một lần mà là ba lần. Và người ta cũng thường chỉ trích rằng ông đang cố gắng sao chép Beethoven. Một người đánh giá đã nói: “Một trong những chủ đề của bạn rất giống với một trong những chủ đề của Beethoven!” Và câu trả lời nổi tiếng của Brahms là, “Tất nhiên là như vậy. Mọi người đều đang đánh cắp – nhưng quan trọng là ai làm điều đó xuất sắc.”
Brahms, một hiền sĩ
Khi Robert Schumann bị bệnh, ông xuất hiện ảo giác và đã gieo mình xuống dòng sông Rhine. Sau khi được cứu, ông được gửi đến một dưỡng trí viện và ông đã qua đời một năm sau đó. Trong thời gian này, Brahms dành nhiều thời gian hơn cho Clara và các con của bà. Họ yêu nhau nhưng không bao giờ cưới. Cả đời Brahms phải vật lộn với tình cảm của mình bên những người phụ nữ tài năng nhưng ông lại không thể dành cả cuộc đời mình cho người khác.
Sau khi Brahms thành danh ở Vienna, ông hoàn toàn có đủ khả năng để sở hữu một ngôi nhà tiện nghi và xa hoa cho riêng mình. Một nhà soạn nhạc tầm cỡ như Brahms hoàn toàn có thể có cuộc sống chìm trong nhung lụa với những ngôi nhà được trang trí bằng lông công và nhiều đồ đạc nội thất thời thượng. Nhà soạn nhạc lẫy lừng Richard Wagner được cho là một người rất ngưỡng mộ phong cách trang trí này. Tuy nhiên, căn hộ của Brahms tài ba lại trông như căn hộ của một chàng sinh viên, như Max Kalbeck, người viết tiểu sử được Brahms chọn, đã mô tả. Đồ đạc trong nhà của ông là do bà chủ nhà kiêm quản gia của ông cho, mà hầu hết là cũ kỹ và tồi tàn.
Nhưng nhạc sĩ Brahms không túng thiếu. Trên thực tế, ông có thể được coi là một trong những nhà soạn nhạc có tài chính ổn định nhất trong lịch sử. Ông sáng tác khi ông muốn và ông không phải ràng buộc mình với một đơn đặt hàng nào đó như nhiều nhà soạn nhạc khác trước đó. Ông cũng không phải là một người tham lam. Và có thể chính là sự độc lập tài chính của ông có liên quan trực tiếp đến tình trạng độc thân cả đời của ông. Ông không có vợ con để chu cấp, vì thế mà ông có thể sử dụng tiền bạc của mình theo những hướng khác.
Sau khi chồng là nhạc sĩ Robert Schumann qua đời*, bà Clara Schumann phải một mình nuôi con. Bà Clara là một nghệ sĩ dương cầm tài hoa và chu toàn. Bà đã nuôi dưỡng các con, lo toan cho chồng khi ông đang điều trị ở dưỡng trí viện bằng thù lao biểu diễn ở các buổi hòa nhạc. Bà cũng là một phụ nữ tinh tế. Sau trận bệnh và cơn đau ở tay khiến Clara không thể tiếp tục biểu diễn, đôi khi Brahms sẽ kín đáo chuyển cho bà một số tiền. Họ luôn là những người bạn tốt như vậy và Clara sẽ rất ngại ngùng khi hỏi Brahms về tài chính nên sự hào phóng của Brahms được Clara rất trân trọng.
Có lẽ sự lựa chọn không gian sống của nhạc sĩ Brahms cũng liên quan đến sở thích của ông về một cuộc sống rất riêng tư. Sau khi đọc tiểu sử về những nhà soạn nhạc đi trước ông, đặc biệt là Beethoven, ông nhận thức sâu sắc và có lẽ ông cũng lo sợ rằng tên tuổi và cuộc đời của mình cũng sẽ rơi vào số phận tương tự. Bí mật của ông thực sự sẽ là một cuốn sách mở cho mọi độc giả. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu sáng tác, nếu không hài lòng với điều gì đó mình đã viết, ông sẽ hủy đi và làm lại.
Khi Brahms tặng các tác phẩm của mình cho một người bạn, có vài lần ông cũng yêu cầu họ trả lại. Sau đó ông cũng sẽ hủy những sáng tác đó. Những lá thư của ông cũng chịu chung cảnh ngộ như vậy. Gần cuối đời, ông đã hủy những bức thư được gửi cho mình, những lá thư ông viết thư cho bà Clara Schumann yêu cầu bà hủy những bức thư của ông. Có lẽ Clara đã từ chối, hoặc có thể bà đã quên, vì một phần thư từ của họ vẫn còn sót lại.
Ông biết rất rõ điểm thiếu sót của mình. Chẳng hạn, ông biết mình không giỏi trong việc viết đối âm nên đã nghiền ngẫm âm nhạc của Bach để học hỏi từ bậc thầy vĩ đại này. Nhạc sĩ Brahms đã từng nói, “Hãy học Bach, ở đó bạn sẽ tìm thấy mọi thứ.” Và ông biết rằng ông không thể chạm vào một người phụ nữ cao quý nhưng ông đã vật lộn với cảm xúc của mình.
Hoàng Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times