Nhà phân tích: Người sáng lập JD.com của Trung Quốc đang đeo ‘xiềng xích vô hình’
Ông Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong), hay Richard Lưu, người sáng lập và chủ tịch của JD.com, gần đây đã chuyển quyền sở hữu cổ phần của mình tại hai công ty con của JD.com sau khi rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành hồi tháng Tư.
Một nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc cho rằng ông Lưu thực hiện hành động này để đáp trả chiến dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm vào giới doanh nhân tinh anh.
Những nhân vật nắm quyền lực kinh tế
JD.com, một nhà bán lẻ trực tuyến có trụ sở tại Bắc Kinh và là doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, có hơn 580.8 triệu khách hàng đang sử dụng ứng dụng và đạt được doanh thu 951.6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 148 tỷ USD) trong năm 2021, theo báo cáo năm 2022 của công ty này.
Ông Lưu thành lập công ty này vào năm 2004. Ông nằm trong danh sách “50 Nhà lãnh đạo Vĩ đại nhất Thế giới” của Tạp chí Fortune vào năm 2015. Theo Forbes, tài sản ròng của ông chạm mốc 12.3 tỷ USD tính đến ngày 21/09.
Kể từ khi ĐCSTQ siết chặt quy định chống độc quyền của mình, các công ty thương mại điện tử và công nghệ Trung Quốc — gồm cả Alibaba, Tencent, và JD.com — đã phải đối mặt với một loạt cảnh cáo kỷ luật và phạt tiền.
Hồi tháng 04/2021, cơ quan quản lý thị trường của Bắc Kinh đã triệu tập hơn 30 công ty internet Trung Quốc, bao gồm cả JD.com, và cảnh báo họ về “hình phạt nghiêm khắc” nếu họ không tuân thủ các quy tắc cạnh tranh.
Cảnh báo này được đưa ra sau khi Bắc Kinh ban hành hướng dẫn chống độc quyền mới hồi tháng 02/2021. Các quy tắc này nhắm vào những đại nền tảng internet; chẳng hạn, đại công ty thương mại điện tử Alibaba đã bị phạt 2,75 tỷ USD vào tháng 04/2021.
Sau đó, ông đã rời khỏi chức tổng giám đốc vào tháng 09/2021 và làm Giám đốc điều hành (CEO) vào tháng 04/2022. Ông vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị.
Hôm 16/09, hai công ty con của JD.com là JD Health và JD Logistics, đã thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông rằng ông Lưu đã đồng ý chuyển nhượng 45% cổ phần của mình cho Phó Chủ tịch Tập đoàn JD Mậu Khâm (Miao Qin).
Xiềng xích vô hình
Nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc Vương Hách (Wang He) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 19/09 rằng Bắc Kinh đang thanh trừng tất cả các nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc bằng cách siết chặt các quy định — vì lo sợ sự thống trị của họ trong nền kinh tế và trên chính trường — để bảo đảm quyền cai trị độc đảng của mình.
Trong những năm gần đây, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc — chẳng hạn như ông Jack Ma của Alibaba, ông Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) của ByteDance và ông Trường Hoành Tranh (Chang Huangzheng) của Pinduoduo — đã phải về hưu non.
Ông Vương nói, “Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, có rất nhiều người Trung Quốc như Lưu Cường Đông đều đang đeo xiềng xích vô hình.”
Từ năm 2019 đến ngày 30/06/2021, ông Lưu đã rút khỏi ít nhất 298 công ty với tư cách là chủ tịch, chủ tịch, và cổ đông.
Trong sáu năm, ông Lưu đã bán các khoản đầu tư trị giá tổng cộng 10 tỷ USD kể từ năm 2016, theo truyền thông Trung Quốc.
Ông Vương nói rằng hành động của ông Lưu cho thấy ông ấy đang cố gắng bảo vệ lợi ích của mình, nhưng ông ấy không thể ngăn cản ĐCSTQ. “Nếu vượt quá giới hạn, nhà cầm quyền sẽ giáng đòn mạnh lên ông ấy như họ đã từng đối xử với Didi.”
Didi, công ty gọi xe của Trung Quốc, đã nhận khoản tiền phạt 1.2 tỷ USD vì bị cáo buộc vi phạm luật bảo mật dữ liệu sau cuộc điều tra kéo dài một năm, buộc công ty này phải hủy niêm yết tại Hoa Kỳ hồi tháng Bảy.
Ông Vương cho biết lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đang siết chặt quyền lực đồng thời bắt các đối thủ chính trị và lãnh đạo doanh nghiệp vào khuôn phép trước thềm Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20. Chế độ độc tài này sẽ không bao giờ cho phép các doanh nghiệp tư nhân như những đại công ty internet phát triển một cách thiếu kiểm soát.
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times