ĐCSTQ kiến tạo một xã hội mới để kiểm soát ý chí của người dân thông qua dữ liệu
Theo các ký giả Lý Triệu Hoa (Josh Chin) và Lâm Hòa (Liza Lin), đồng tác giả của một cuốn sách mới có nhan đề “Nhà Nước Giám Sát, Nội Tình Cuộc Tầm Cầu Mở Ra Tân Kỷ Nguyên Kiểm Soát Xã Hội Của Trung Quốc” (“Surveillance State, Inside China’s Quest to Launch a New Era of Social Control”), chính quyền Trung Quốc đang sử dụng các công cụ kỹ thuật vị lai, trong đó có việc giám sát kỹ thuật số, để định hình ý chí của người dân và kiểm soát hành vi xã hội.
Hôm 12/09, trong buổi ra mắt quyển sách tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), các tác giả cho biết, hoạt động giám sát có hệ thống ở Trung Quốc không chỉ để quản trị mà còn để tái kiến thiết hành vi của người dân, đặc biệt là ở những cộng đồng xã hội như Tân Cương, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thiết lập một mạng lưới giám sát phức tạp — điều đáng lo ngại hơn là chính quyền cộng sản này đang xuất cảng mô hình kỹ thuật này sang các chính quyền và quốc gia độc tài trên khắp thế giới.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hồi sinh các kỹ xảo toàn trị trong quá khứ và pha trộn chúng với các kỹ thuật vị lai, nhưng mục đích không phải là xóa sổ một nhóm thiểu số tôn giáo mà để kiến tạo lại nhóm người ấy,” anh Lý và cô Lâm cho biết trong cuốn sách của họ.
“Chiến dịch này là một phần của việc thực nghiệm cấp tiến nhằm tái tạo sự kiểm soát xã hội thông qua kỹ thuật vốn đang buộc các nền dân chủ trên toàn thế giới phải đối đầu với cường quốc ngày càng tăng cường việc giám sát kỹ thuật số này, cũng như phải cố gắng tìm ra lời giải đáp cho những nghi vấn mới về mối tương quan giữa thông tin, bảo mật, và tự do cá nhân.”
Hai tác giả này đều là ký giả kỳ cựu của hãng thông tấn Wall Street Journal. Họ nói rằng ĐCSTQ đang kiểm soát khối lượng dữ liệu cá nhân mờ ám và họ tiếp tục thu thập ngày càng nhiều dữ liệu đó. Họ còn tiếp tục tìm ra những cách mới để sử dụng dữ liệu nhằm xây dựng cái mà các tác giả gọi là một xã hội “được kiến tạo hoàn hảo.”
Anh Lý và cô Lâm mô tả xã hội được kiến tạo hoàn hảo này, trong đó các công ty trí tuệ nhân tạo hoạt động cộng sinh với lực lượng công an và là nơi mà “chính phủ có quyền theo dõi nhất cử nhất động của quý vị bằng những chiếc camera có thể nhận ra khuôn mặt của quý vị và điệu bộ đặc thù trong dáng đi của quý vị, microphone có thể nhận dạng giọng nói của quý vị, và hệ thống GPS trên điện thoại thông minh chuyển tiếp vị trí của quý vị trong vòng vài trăm mét, trong đó các quan chức chính phủ có thể xem xét lịch sử trò chuyện riêng tư, thói quen đọc và xem, hoạt động mua sắm trên Internet cũng như lịch sử di chuyển của quý vị, đồng thời có thể thu thập dữ liệu để đánh giá xem khả năng mà quý vị có thể giúp ích hay gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng là bao nhiêu.”
Hầu hết các công cụ giám sát mà ĐCSTQ sử dụng để duy trì quyền lực đều được phát minh ra ở Thung lũng Silicon, nơi những đại công ty công nghệ như Google, Facebook, và Amazon đã áp dụng chúng để biên soạn “những chân dung hành vi” của người dùng, rồi sau đó bán cho các nhà quảng cáo. Các tác giả gọi đây là “chủ nghĩa tư bản giám sát”. Tác giả Shoshana Zuboff là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này.
Mặc dù phần lớn hệ thống giám sát này là “mang tính tham vọng”, nhưng ĐCSTQ đã bắt đầu nhận ra một số trong đó và nhận thức rằng một số có thể không bao giờ thành hiện thực. Anh Lý và cô Lâm viết trong cuốn sách của họ rằng “những mảnh ghép quan trọng” của hệ thống toàn trị này đã bắt đầu hình thành ở một số thành phố trên khắp Trung Quốc do những bước tiến vượt bậc trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc sắp tổ chức Đại hội Đảng tiếp theo vào ngày 16/10, nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba. Nếu đạt được một nhiệm kỳ nữa, ông ấy có thể sẽ thúc đẩy để thoả mãn tham vọng của ông về một kiểu chính quyền mới được “dữ liệu và giám sát kỹ thuật số hàng loạt trao cho quyền lực, có thể sánh ngang với nền dân chủ trên toàn cầu,” anh Lý và cô Lâm viết trong một bài báo trên Wall Street Journal hôm 02/09.
“Ông Tập đang theo đuổi viễn cảnh này vì hoàn cảnh bắt buộc. Trong khoảng ba thập niên sau cái chết của Mao Trạch Đông vào năm 1976, ĐCSTQ đã rút lui khỏi cuộc sống cá nhân của người dân, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tạo ra làn sóng tăng trưởng kinh tế mang tính lịch sử đưa Trung Quốc từ nghèo đói đến mức sung túc với thu nhập trung bình,” họ viết, thêm rằng khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, đại dịch hoành hành, và tình hình nhân khẩu học trở nên tồi tệ hơn. Ông Tập Cận Bình đang cố gắng viết một giao ước xã hội mới với các công dân của mình.
“Thay vì lôi kéo công dân bằng khả năng giàu có, ông ta mang đến cho họ sự an toàn và tiện nghi — một thế giới có thể dự đoán được, trong đó hàng ngàn thuật toán vô hiệu hóa các mối đe dọa và xóa bỏ những va chạm trong cuộc sống thường nhật.”
Thành Quản và AI
Mỗi thành phố của Trung Quốc đều có một Thành Quản (Chengguan), tức là Cục Hành chính Đô thị và Chấp pháp, một cơ quan chấp pháp của chính quyền thường là một phần của khu tự quản của thành phố chứ không phải cảnh sát thành phố. Một trong số nhiều việc mà cơ quan này thực hiện là chăm sóc diện mạo của thành phố. Trong buổi ra mắt cuốn sách, cô Lâm đã kể về chuyến thăm của cô đến một chương trình ở thành phố Hàng Châu (Hangzhou), nơi các công cụ AI được một chi nhánh Thành Quản ở địa phương sử dụng.
Theo các tác giả, Hàng Châu là trung tâm của nền kinh tế hiện đại của Trung Quốc và là nơi đặt trụ sở của các công ty kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và công ty Hikvision, nhà sản xuất camera giám sát hàng đầu thế giới. Thành phố này là một trong những thành phố “thông minh” hàng đầu ở Trung Quốc và hàng ngày thu thập một lượng lớn dữ liệu mà họ sử dụng để quản lý các hoạt động thường nhật.
“Một sáng kiến đặc biệt đáng chú ý có tên là City Eye, trong một khu phố nhỏ ở Hàng Châu được gọi là Phố Tiểu Hà (Little River Street). Chương trình đã đặt các công cụ hỗ trợ AI vào tay của chi nhánh Thành Quản ở địa phương … đuổi những người bán rong trên đường, trừng phạt những người đổ rác trái phép, theo dõi những kẻ phá hoại, và giao vé đậu xe,” các tác giả viết trong bài báo trên Wall Street Journal.
City Eye bắt đầu vào năm 2017 với việc công ty Hikivision lắp đặt 1,600 camera giám sát của cảnh sát ở Tiểu Hà Khu và công ty Alibaba cung cấp nền tảng hỗ trợ AI. Ngày nay, chương trình này cho phép cơ quan quản lý theo dõi [người dân] 24 giờ trên đường phố.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times