Nhà phân tích: ‘Khinh khí cầu nghiên cứu khí tượng’ của ĐCSTQ có liên quan đến quân đội
Sau khi Hoa Kỳ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hôm thứ Bảy (04/01), Bắc Kinh đã phản đối và cho biết rằng đó là “cuộc tấn công vũ lực của Hoa Kỳ vào một khí cầu dân sự không người lái.” Nhưng các nhà phân tích Trung Quốc đồng ý rằng việc bắn hạ khinh khí cầu là cần thiết để đối phó với sự hung hăng của chính quyền Trung Quốc.
Hôm 05/02, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng đây “rõ ràng là một phản ứng thái quá và vi phạm nghiêm trọng thông lệ quốc tế” từ Hoa Kỳ, và Trung Quốc sẽ “bảo vệ các quyền và các lợi ích hợp pháp của công ty có liên quan.”
Theo một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 03/02, trước đó, Bắc Kinh thừa nhận khinh khí cầu trên có xuất xứ từ Trung Quốc, mang tính chất dân sự, và nhằm mục đích nghiên cứu khí tượng.
Các nhà phân tích nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng rõ ràng Hoa Kỳ không chấp nhận tuyên bố của Bắc Kinh về một khinh khí cầu dân sự và nghiên cứu.
Tích hợp dân sự-quân sự
Nhà văn Lý Miễn Hiên (Li Mianxuan) giải thích rằng dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chế độ này kiểm soát mọi nguồn lực, vì vậy ĐCSTQ đã sử dụng tuyên bố của một công ty dân sự vốn sở hữu khinh khí cầu đó để che đậy mục đích quân sự của mình.
Để bảo đảm chế độ chuyên chế của mình, nhà nước này luôn sở hữu một phần cổ phần dân sự. Ông nói, “Các tổ chức dân sự có nghĩa vụ phục vụ các lợi ích cao nhất của an ninh quốc gia theo Luật An ninh Quốc gia.”
Ví dụ, theo Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ, Mục 4 của Điều 77, các công dân và các tổ chức nên cung cấp “các điều kiện thuận tiện hoặc các hình thức trợ giúp khác cho công tác an ninh quốc gia.”
Theo một thông báo chung của Quốc vụ viện và Quân ủy Trung ương, ngay từ năm 1969, ĐCSTQ đã sáp nhập Cục Khí tượng Quân sự của Bộ Tổng tham mưu và Cục Khí tượng Trung ương.
Thông báo số 50 (1969) ngày 04/12/1969 cho biết, việc sáp nhập này nhằm “Thực hiện sự lãnh đạo tập trung và thống nhất đối với công tác khí tượng, cả trong thời bình và thời chiến, để tạo điều kiện cho công cuộc xây dựng quốc phòng, và xây dựng kinh tế đất nước.”
Năm 2017, ĐCSTQ tiếp tục điều chỉnh một chiến lược tích hợp quân sự và dân sự chặt chẽ (close civil-military integration, CMI) trong ngành khoa học và kỹ thuật quốc phòng.
Mục đích của việc tích hợp này là “cho phép các nguồn lực quân sự và dân sự chia sẻ và hỗ trợ và được thương mại hóa một cách hiệu quả,” theo quan điểm đã nêu của CMI.
Ông Ngô Tác Lai (Wu Zuolai), một học giả Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, là người sống sót sau vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ông cho biết việc khinh khí cầu bay vào không phận Hoa Kỳ là một hoạt động mang tính biểu tượng của ĐCSTQ. Ông nói, “Nếu hành động này được dung thứ, thì sẽ còn nhiều hành động khác sẽ theo sau, khinh khí cầu, phi cơ không người lái, bất cứ thứ gì,” cùng với thiết bị được gắn trên khinh khí cầu đó. Ông đồng ý với phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ đối với khinh khí cầu này.
Ông Trương Hiểu Cương (Zhang Xiaogang), một trong những người tổ chức Liên minh Giá trị Úc (Australian Value Alliance), cũng là một chuyên gia về khoa học điện toán, nghi ngờ rằng khinh khí cầu Trung Quốc đó đang thử nghiệm tính hiệu quả của hệ thống phòng không Hoa Kỳ.
Nhưng trên hết, ông tin rằng ĐCSTQ đang thể hiện ý định xâm lược của mình. Ông nói, “Đó là một thách thức chung đối với Hoa Kỳ, … đặc biệt là [vì] khinh khí cầu đó cũng có thể thu thập thông tin,” chẳng hạn như thông tin liên lạc và radio.
Hồi tháng 02/2022, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xuất bản một bài báo về khinh khí cầu quân sự.
Bài báo này có nhan đề “Khinh khí cầu quân sự: Lơ lửng trong những khoảng trống trên chiến trường,” nhấn mạnh đặc điểm của khinh khí cầu quân sự là “hoạt động với chi phí thấp,” tức là “có khả năng mang các tải trọng lên không trung,” “đã được sử dụng cho phòng không và oanh tạc,” và “đã được sử dụng trong các khoảng trống của chiến trường.”
Bài báo quốc phòng này kết luận: “Khinh khí cầu quân sự sẽ tiếp tục được sử dụng trong các khoảng trống của chiến trường trong một thời gian dài.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times