Chuyên gia: Khinh khí cầu do thám Trung Quốc có thể đã được sử dụng để chuẩn bị tấn công EMP vào các cơ sở hạt nhân Hoa Kỳ
Khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua không phận Hoa Kỳ và Canada trong một tuần trước khi bị bắn hạ có thể đang tiến hành trinh sát cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Hoa Kỳ, mặc dù các chuyên gia tin rằng người ta chỉ mới bắt đầu hiểu về nhiệm vụ của vật thể này.
Khi khinh khí cầu do thám này lần đầu tiên tiến vào không phận Hoa Kỳ trên Quần đảo Aleutian của Alaska hôm 28/01, các quan chức Mỹ tin rằng quả cầu sẽ tiếp tục di chuyển trên quỹ đạo phía bắc qua các khu vực dân cư thưa thớt.
Tuy nhiên, hai ngày sau, khinh khí cầu này di chuyển chậm lại khi bay qua Canada rồi đột ngột thay đổi hướng đi, và hướng về phía nam trên một quỹ đạo mới vốn sẽ đưa vật thể này bay qua phần lớn Hoa Kỳ lục địa.
Trong vài ngày sau đó, khinh khí cầu này đã bay qua một số địa điểm quân sự nhạy cảm nhất của Hoa Kỳ, tiến hành giám sát và, có khả năng, diễn tập cho một cuộc tấn công trong tương lai.
Chính phủ Tổng thống Biden đã từ chối nêu rõ các địa điểm mà khinh khí cầu Trung Quốc này đã khảo sát, nhưng rõ ràng là khí cầu này đã di chuyển gần với ít nhất ba địa điểm quan trọng đối với năng lực hạt nhân của Hoa Kỳ.
Những địa điểm này bao gồm Căn cứ Không quân Malmstrom ở Montana, nơi giám sát 150 hầm chứa hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân; Căn cứ Không quân Offutt ở Nebraska, nơi có Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ; và Căn cứ Không quân Whiteman ở Missouri, nơi vận hành oanh tạc cơ B-2 của Lực lượng Không quân.
Ông Paul Crespo, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ, nói rằng quỹ đạo của khinh khí cầu này “hoàn toàn” có thể gợi ý rằng Trung Quốc cộng sản đang tiến hành một cuộc diễn tập (dry run) bằng các vũ khí gắn trên khinh khí cầu.
Đặc biệt, ông Crespo đã cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các khinh khí cầu tầm cao để tiến hành các cuộc tấn công xung điện từ (EMP) vào các căn cứ và cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.
Ông Crespo đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Mặc dù trước đây Trung Quốc đã thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh được phóng từ khinh khí cầu, nhưng loại vũ khí đó không có khả năng được sử dụng cho những khí cầu này.”
“Mối đe dọa lớn nhất là gửi một hoặc nhiều khinh khí cầu ở độ cao lớn này qua Hoa Kỳ với một thiết bị EMP hạt nhân nhỏ.”
Mối đe dọa EMP
EMP là sự bùng nổ năng lượng điện từ làm gián đoạn các liên lạc và làm hỏng thiết bị điện tử. Một EMP có thể do hỏa tiễn hạt nhân, vũ khí tần số vô tuyến, và hiện tượng tự nhiên như bão địa từ tạo ra.
Mặc dù bất kỳ vũ khí hạt nhân nào cũng có thể tạo ra một EMP, nhưng những vũ khí EMP chuyên dụng như cái gọi là bom siêu EMP tạo ra bức xạ gamma đặc biệt mạnh, nhân lên hiệu ứng của xung, mở rộng sự hủy diệt trên phạm vi rộng hơn.
Từ lâu, người ta tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc như một quốc gia độc đảng, đang phát triển các loại vũ khí như vậy cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Hoa Kỳ.
Ông Crespo cho biết: “Được kích nổ ở độ cao rất lớn, EMP có thể làm cúp điện và mất thông tin liên lạc trên khắp Hoa Kỳ, tàn phá trên diện rộng trong một năm trở lên mà không cần bắn một phát súng nào trên mặt đất.”
Trong hầu hết các tình huống, một vụ nổ như vậy cần phải xảy ra ở một độ cao cao hơn so với độ cao của khinh khí cầu do thám Trung Quốc nói trên mới có thể gây ra sự phá hủy trên một vùng lãnh thổ rộng lớn.
Tuy nhiên, nếu mục đích của EMP là hạ gục một mục tiêu nhỏ hơn, chẳng hạn như một cơ sở chỉ huy và kiểm soát hạt nhân, thì một khí cầu giống như quả khí cầu vừa bị bắn hạ vào cuối tuần qua sẽ là một thiết bị vận chuyển gần như hoàn hảo.
Ông Crespo, người trước đây từng là một sĩ quan Thủy quân lục chiến của Cơ quan Tình báo Quốc phòng, nói rằng khinh khí cầu gián điệp này cũng có khả năng cung cấp cho ĐCSTQ thông tin tình báo chưa từng có về các cơ sở hạt nhân Hoa Kỳ.
Ông Crespo nói: “Mặc dù có những người tuyên bố ngược lại, nhưng khinh khí cầu giám sát di chuyển chậm chưa từng thấy của Trung Quốc bay qua toàn bộ Hoa Kỳ đã cung cấp cho Trung Quốc thông tin tình báo mà họ không thể có được về các mục tiêu hạt nhân, các thông tin liên lạc, cũng như các mục tiêu quan trọng khác.”
Hậu quả chính trị
Mặc dù có lẽ không đáng sợ bằng một cuộc tấn công điện từ vào các cơ sở hạt nhân của Hoa Kỳ, nhưng ông Crespo nói rằng biến cố khinh khí cầu gián điệp này đã mang lại cho ĐCSTQ một điều quan trọng không kém: Một chiến thắng về mặt tuyên truyền nhằm làm suy yếu ý chí của Hoa Kỳ và các nước đồng minh của họ.
“Khinh khí cầu này đã thử thách khả năng giám sát và chống giám sát của Hoa Kỳ cũng như các phản ứng của nước này”, ông Crespo nói. “Nhưng, quan trọng nhất, biến cố này đã thử thách ý chí chính trị, và việc ông Biden sẵn sàng để quả cầu này bay ngang qua nước Mỹ trước khi bắn hạ nó đã thất bại trong thử thách này.”
“Phản ứng yếu ớt của ông Biden đã mang lại cho Trung Quốc một chiến thắng to lớn về mọi mặt.”
Ông Crespo không phải là người duy nhất đã bày tỏ sự phẫn nộ về phản ứng có vẻ chậm chạp của Tổng thống Joe Biden đối với hành vi vi phạm chủ quyền của Hoa Kỳ nói trên.
Dân biểu Tom Tiffany (Cộng Hòa-Wisconsin) cho biết trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times: “Hành vi vi phạm chủ quyền của Mỹ một cách trơ trẽn và không thể biện hộ hồi tuần trước cho thấy ĐCSTQ chẳng hề tôn trọng chính phủ Tổng thống Biden như thế nào.”
“Trung Quốc Cộng sản là mối đe dọa số một đối với an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của Mỹ, và đã đến lúc bắt đầu đối xử với họ theo cách đó.”
Tương tự, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao tại Hạ viện Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) nói rằng chính phủ Tổng thống Biden lẽ ra không bao giờ nên cho phép khinh khí cầu do thám này tiến vào không phận Hoa Kỳ.
Ông McCaul nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Chính phủ nên quan tâm đến vấn đề này trước khi vấn đề này trở thành một mối đe dọa an ninh quốc gia.”
“Tôi hy vọng chúng ta có thể phục hồi những mảnh vỡ đó để giúp xác định những thông tin tình báo mà ĐCSTQ đã thu thập được khi khinh khí cầu do thám của họ bay trên đất nước chúng ta trong nhiều ngày.”
Phát ngôn viên của Ủy ban Ngoại giao tại Hạ viện cho biết ủy ban này đã yêu cầu cả hai cuộc họp cơ mật và không cơ mật về vụ việc này để thông báo cho các thành viên và nhân viên về lý do tại sao quả khinh khí cầu này đã được phép bay qua nhiều nơi trên nước Mỹ trước khi bị bắn hạ.
Việc chính phủ Tổng thống Biden đã có ý định rõ ràng sẽ tiến hành công việc như thường lệ với Trung Quốc làm cho hậu quả chính trị này trở nên trầm trọng hơn.
Thật vậy, ban đầu chính phủ Tổng thống Biden đã quyết định không tiết lộ cho công chúng Mỹ về sự tồn tại của khinh khí cầu do thám này, vì sợ rằng việc vụ xâm phạm chủ quyền Hoa Kỳ này mà bị biết đến thì sẽ làm lỡ dở chuyến công du Bắc Kinh đã được sắp xếp lúc đó của Ngoại trưởng Antony Blinken.
Tuy nhiên, các dự định che giấu vụ việc của chính phủ đã bị cản trở, khi những hình ảnh về quả khinh khí cầu này do các nhiếp ảnh gia Larry Mayer và Chase Doak ở Montana chụp và đăng trên tờ Billings Gazette đã làm tin tức bùng lên cho cả thế giới biết.
“Đây chính xác là mục đích của báo chí,” ông Doak nói trong một tweet. “Người Mỹ có quyền được biết rằng một chính phủ ngoại quốc đang theo dõi họ. Tôi thấy rất vui vì đã là một trong những người đưa việc đó ra ánh sáng.”
Dân biểu Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama), Chủ tịch Ủy ban Quân vụ tại Hạ viện, nói rằng việc chính phủ quyết định che giấu sự tồn tại của khinh khí cầu này là mối lo ngại nghiêm trọng, và gọi toàn bộ vụ việc này là một thất bại về an ninh quốc gia.
Ông Rogers nói trong một tuyên bố được soạn sẵn, “Tôi vẫn vô cùng lo ngại về việc chính phủ Tổng thống Biden quyết định cho phép khinh khí cầu do thám này đi ngang qua Hoa Kỳ.”
“Rõ ràng là chính phủ Tổng thống Biden đã hy vọng che giấu được thất bại an ninh quốc gia này với Quốc hội và người dân Mỹ. Giờ thì, Tòa Bạch Ốc phải đưa ra câu trả lời về lý do tại sao họ quyết định cho phép khinh khí cầu do thám của ĐCSTQ bay ngang qua nước Mỹ và những thiệt hại đối với an ninh quốc gia của chúng ta do quyết định này gây ra.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times