Khinh khí cầu do thám Trung Quốc phơi bày âm mưu rành rành của ĐCSTQ nhắm vào Hoa Kỳ
Các chiến dịch quân sự, gián điệp sâu rộng của Trung Quốc cộng sản đã nhắm vào Mỹ quốc từ rất lâu trước cả vụ xâm nhập bằng khinh khí cầu này
Trong tám ngày dài, một khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã bay lơ lửng trên bầu trời Hoa Kỳ và Canada.
Đầu tiên, khí cầu này dường như đang hướng về phía bắc ngoài khơi Quần đảo Aleutian của Alaska, sau đó tiến về phía đông tới British Columbia, rồi đột ngột chuyển hướng một lần nữa về phía nam và phía đông theo một lộ trình mà vật thể này sẽ đến một số cơ sở quân sự quan trọng nhất của Hoa Kỳ.
Cho đến nay, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã từ chối nêu rõ khí cầu Trung Quốc này đã giám sát những địa điểm nào, nhưng có thể thấy rõ vật thể này đã di chuyển gần ít nhất ba căn cứ quân sự chịu trách nhiệm giám sát kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
Ở Montana, khinh khí cầu do thám này nán lại trên Căn cứ Không quân Malmstrom, nơi có 150 hầm chứa nhiều hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của đất nước.
Ở Nebraska, quả cầu này bay lơ lửng gần Căn cứ Không quân Offutt, nơi Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ giám sát việc bảo trì và khai triển vũ khí hạt nhân của quân đội.
Ở Missouri, vật thể này di chuyển xung quanh Căn cứ Không quân Whiteman, nơi vận hành oanh tạc cơ tàng hình B-2 có khả năng mang hạt nhân của Lực lượng Không quân.
Tòa Bạch Ốc đã chỉ trích sự hiện diện của khí cầu này là một sự vi phạm chủ quyền Hoa Kỳ, với việc các nhà lãnh đạo quốc gia đều đang phàn nàn về mối đe dọa mà quả cầu màu trắng này gây ra khi di chuyển qua Hoa Kỳ lục địa.
TT Joe Biden nói rằng ông đã muốn ra lệnh cho quân đội bắn hạ khinh khí cầu này khi lần đầu tiên được thông báo về vụ xâm nhập hôm 01/02. Nhưng Ngũ Giác Đài muốn bảo đảm rằng không có mảnh vỡ nào làm những người ở bên dưới bị thương và vì vậy hãy để quả cầu này tiếp tục hành trình của nó trên không phận của Hoa Kỳ cho đến khi bay đến vùng biển Đại Tây Dương hôm 04/02. Và cuối cùng vật thể này đã bị chặn đứng hoàn toàn khi một chiến đấu cơ Hoa Kỳ bắn một quả hỏa tiễn Sidewinder.
Khi quân đội tiếp tục các nỗ lực khôi phục những gì còn sót lại của thiết bị bị bắn rơi này, thì Ngũ Giác Đài và FBI chỉ mới bắt đầu phân tích các mảnh vỡ và ý định của khí cầu này.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc Cộng sản trong việc sử dụng hoạt động gián điệp và cưỡng chế quân sự để làm suy yếu và làm mất tinh thần Hoa Kỳ đã được thực hiện từ lâu. Trong khi đó, lãnh đạo Quốc hội vẫn còn sửng sốt khi chính phủ ra quyết định cho phép một khí cầu của địch thủ tùy ý di chuyển ngang qua không phận Hoa Kỳ.
Hôm 06/02, Tướng Không quân Glen VanHerck, người giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ, cho biết vụ việc này đã mang lại cho Hoa Kỳ “các cơ hội độc nhất vô nhị” để tiến hành phản gián đối với vụ khinh khí cầu này, nhưng từ chối bình luận về vũ khí gì đã được khai triển để bí mật khảo sát quả khí cầu.
Ông VanHerck cho rằng việc thu thập thông tin tình báo và cách thức hoạt động của khí cầu này là “rất đáng” để trì hoãn bắn hạ khí cầu. Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động phản gián để ngăn khinh khí cầu này thu thập thông tin hữu ích, nhưng không nêu chi tiết những biện pháp cụ thể.
Đối với hai Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) và Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), tương ứng là chủ tịch và thành viên cao cấp của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về việc cạnh tranh với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vụ việc này không gì khác hơn là một thất bại mà họ tin rằng chứng tỏ Hoa Thịnh Đốn tiếp tục không thể nhận ra rằng Trung Quốc cộng sản là một quốc gia đối địch.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc không được có quyền tùy ý tiếp cận không phận Mỹ,” ông Gallagher và ông Krishnamoorthi cho biết trong một tuyên bố chung hôm 02/02. “Đây không chỉ là một hành vi vi phạm chủ quyền của Mỹ … mà còn cho thấy rõ ràng rằng các đề nghị ngoại giao mới đây của ĐCSTQ không thể hiện một sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách.”
“Thật vậy, vụ việc này chứng tỏ rằng mối đe dọa của ĐCSTQ không chỉ giới hạn ở những bờ biển xa xôi — mà ở ngay tại quê nhà và chúng ta phải hành động nhằm đương đầu với mối đe dọa này.”
Mối đe dọa dai dẳng từ Trung Quốc Cộng sản
Sự hiện diện của một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc cộng sản bay lơ lửng trên các ngôi nhà và các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ là đủ đáng báo động đối với hầu hết người dân.
Đối với ông Paul Crespo, một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng và hiện là chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hoa Kỳ, thì từ đây, câu chuyện này chỉ ngày càng trở nên u ám hơn.
Ngoài việc thu thập thông tin tình báo về các cơ sở hạt nhân của Hoa Kỳ và quá trình ra quyết định quân sự, ông Crespo tin rằng cuộc tấn công bằng khinh khí cầu của Trung Quốc có thể là một cuộc tập dượt cho một cuộc tấn công vốn có thể sẽ diễn ra trong một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vì Đài Loan.
Ông Crespo lo ngại rằng chính quyền này có thể sử dụng các khinh khí cầu tầm cao tương tự để tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí xung điện từ (EMP) nhằm vào các căn cứ và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ.
Ông Crespo nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Mối đe dọa lớn nhất là gửi một hoặc nhiều khinh khí cầu tầm cao như thế này qua Hoa Kỳ với một thiết bị bom xung điện từ (EMP) hạt nhân nhỏ.”
“Được kích nổ ở độ cao rất lớn, EMP có thể làm cúp điện và sập hệ thống thông tin liên lạc trên khắp Hoa Kỳ, gây ra sự tàn phá trên diện rộng trong một năm trở lên mà không cần bắn một phát súng nào trên mặt đất.”
EMP là sự nổ năng lượng điện từ làm gián đoạn các liên lạc và làm hỏng thiết bị điện tử. Một EMP có thể do các hỏa tiễn hạt nhân, vũ khí tần số vô tuyến, và hiện tượng tự nhiên như bão địa từ tạo ra.
Mặc dù bất kỳ vũ khí hạt nhân nào cũng có thể tạo ra một EMP, nhưng những vũ khí EMP chuyên dụng như cái gọi là bom siêu xung điện từ tạo ra bức xạ gamma đặc biệt mạnh, nhân lên hiệu ứng của xung điện, mở rộng sự hủy diệt trên một phạm vi rộng hơn.
Từ lâu, người ta tin rằng ĐCSTQ đang phát triển các loại vũ khí như vậy cho một cuộc xung đột tiềm ẩn với Hoa Kỳ.
Trong hầu hết các tình huống, một EMP sẽ cần phải được kích nổ ở độ cao cao hơn nhiều so với độ cao của khinh khí cầu do thám Trung Quốc để gây ra sự hủy diệt hàng loạt trên một vùng lãnh thổ rộng lớn.
Tuy nhiên, nếu mục đích của EMP là hạ gục một mục tiêu nhỏ hơn, chẳng hạn như một cơ sở chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Hoa Kỳ, thì một khí cầu giống như quả khí cầu vừa bị bắn hạ vào cuối tuần qua sẽ là một thiết bị vận chuyển gần như hoàn hảo.
Đối với ông Crespo, việc chính phủ TT Biden quyết định cho phép khinh khí cầu này tiếp tục chuyến phiêu lưu thâm hiểm chỉ làm tăng khả năng gây ra một mối đe dọa như vậy.
Ông Crespo cho rằng, bằng cách không thực hiện hành động quyết đoán ngay tức thì nhằm chống lại cuộc xâm nhập này, chính phủ đã gửi cho Bắc Kinh tín hiệu rằng họ sẵn sàng chấp nhận các hành vi vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Crespo cho hay: “Mặc dù có những người tuyên bố khác đi, nhưng chiếc khí cầu giám sát di chuyển chậm và đầu tiên của Trung Quốc bay qua toàn bộ Hoa Kỳ đã cung cấp cho Trung Quốc thông tin tình báo mà họ không thể có được về các mục tiêu hạt nhân, các thông tin liên lạc, cũng như các mục tiêu quan trọng khác.”
“Khinh khí cầu này đã kiểm tra khả năng giám sát và chống giám sát của Hoa Kỳ cũng như các phản ứng của nước này. Nhưng, quan trọng nhất, khí cầu này đã kiểm tra ý chí chính trị, và việc ông Biden sẵn sàng để quả cầu này bay ngang qua Hoa Kỳ trước khi bắn hạ nó là một sự thất bại trong phép thử này.”
Đó là một đánh giá rõ ràng, nhưng là một đánh giá thu hút sự chú ý của nhiều nhân vật chính trị, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Trước khi có thông tin tiết lộ rằng TT Biden đã ra lệnh bắn hạ quả khí cầu này, ông Pompeo cho biết sự chậm trễ của tổng thống đã gửi cho ĐCSTQ tất cả dấu hiệu cần thiết để tiến hành các hoạt động thù địch hơn nữa nhằm vào Hoa Kỳ, các đồng minh, và các đối tác của Hoa Kỳ. Ông cho rằng, đặc biệt là cũng nhằm vào Đài Loan.
Hôm 03/02, ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, “Nếu chúng ta không thể bắn hạ khinh khí cầu này, nếu Tổng thống Biden không ứng phó vụ việc này một cách nghiêm túc, thì tôi không tin [lãnh đạo ĐCSTQ] Tập Cận Bình sẽ xem tuyên bố của ông Biden rằng chúng ta sẽ bảo vệ Đài Loan và giúp đỡ người dân Đài Loan là điều gì đó quan trọng.”
“Việc họ xâm nhập không phận của chúng ta, đưa một biểu tượng rất đặc trưng của đất nước họ vào không phận của chúng ta, còn chúng ta đã chẳng làm gì cả, đây là tín hiệu chiêu mời những kẻ xấu trên khắp thế giới, bao gồm cả ông Tập Cận Bình.”
Chuẩn bị một kho vũ khí
Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm theo dõi sự phát triển của quân đội Hoa Kỳ không phải là mới. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu tại sao chế độ này lại quan tâm đến các cơ sở hạt nhân của Hoa Kỳ thời gian này, và sự chuẩn bị mà chế độ này đã thực hiện cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Hoa Kỳ.
Chìa khóa cho nỗ lực đó là chương trình hiện đại hóa hạt nhân của chính ĐCSTQ, mà Ngũ Giác Đài dự kiến chương trình này sẽ cung cấp cho chế độ này một kho vũ khí gồm ít nhất 1,000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030.
Một kho vũ khí như vậy sẽ cho phép ĐCSTQ cưỡng ép cộng đồng quốc tế hiệu quả hơn, vì Hoa Kỳ không có kinh nghiệm hoặc chiến lược đồng thời đẩy lùi sự leo thang hạt nhân từ cả Trung Quốc và Nga.
Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn khi ĐCSTQ theo đuổi các công nghệ được thiết kế đặc biệt để áp đảo hoặc xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như hệ thống oanh tạc siêu thanh mà nước này đã thử nghiệm vào mùa hè năm 2021.
Theo giới lãnh đạo quân sự cao cấp, loại vũ khí này có khả năng được sử dụng như một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên vào Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra xung đột. Hơn nữa, một loại vũ khí như vậy có khả năng được sử dụng để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạt nhân của Hoa Kỳ nhằm triệt hạ các vũ khí chiến lược của nước này trong thời chiến.
Kế sách mượn đao sát nhân
ĐCSTQ không thể tự mình hoàn thành chương trình hiện đại hóa quân sự rộng lớn và vô cùng tinh vi này. Chế độ này cần có các nghiên cứu và công nghệ được phát triển đầu tiên ở Mỹ để có thể phát triển đầy đủ các hệ thống cần thiết để đánh bại Hoa Kỳ.
Đó là một lý do tại sao ĐCSTQ sử dụng các khinh khí cầu do thám bất hợp pháp để thu thập dữ liệu về các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, và là lý do tại sao các chương trình nhân tài do nhà nước Trung Quốc tài trợ lại nhắm vào việc thâm nhập và xuất cảng nghiên cứu hạt nhân của Hoa Kỳ.
Bằng cách tuyển dụng các chuyên gia và học giả từ hải ngoại để nghiên cứu tại nơi làm việc ở Trung Quốc, các chương trình nhân tài như vậy đều nhằm mục đích phát triển một thế hệ các nhà nghiên cứu mới trong các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển công nghệ và quân sự của Trung Quốc.
Trường hợp đáng chú ý nhất về hiện tượng này liên quan đến Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos (LANL), trung tâm nghiên cứu hạt nhân tiên tiến nhất của Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo năm 2022 do công ty tình báo chiến lược Strider Technologies công bố, 162 nhà nghiên cứu từ LANL, nhiều người trong số họ đã đến Hoa Kỳ theo các chương trình nhân tài của Trung Quốc và bao gồm ít nhất một người có giấy phép tiếp cận thông tin an ninh tối mật của Hoa Kỳ, hiện đang làm việc cho Trung Quốc, nơi mà nhiều người trợ giúp chính quyền này phát triển các loại vũ khí tân tiến nhất, gồm cả hỏa tiễn siêu thanh.
Một chiến dịch gián điệp toàn diện
Nỗ lực đánh cắp các công nghệ và nghiên cứu quan trọng của Hoa Kỳ là một phần của một chiến dịch lớn hơn nhiều — một chiến dịch đã được thực hiện trong nhiều thập niên — nhằm phá hoại đất nước này, trong đó vụ khinh khí cầu do thám chỉ là một phần nhỏ.
Giám đốc FBI Christopher Wray đã mô tả chế độ cộng sản này là mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ liên quan đến phản gián và an ninh mạng.
Tháng 04/2022, ông Wray cho biết, “Họ đang nhắm mục tiêu vào sự đổi mới, bí mật thương mại, [và] tài sản trí tuệ của chúng ta, ở một quy mô chưa từng có trong lịch sử.”
Trong nhiều năm qua, các nhân viên tình báo của ĐCSTQ và những người được ủy quyền của họ đã vi phạm chủ quyền Hoa Kỳ và theo dõi các công dân Mỹ, thực hiện các chiến dịch bất hợp pháp nhằm buộc những người bất đồng chính kiến Trung Quốc hồi hương, và nhúng tay vào một loạt các chiến dịch trắng trợn nhằm đánh cắp các công nghệ tiên tiến.
Chỉ riêng năm ngoái, Bộ Tư pháp đã buộc tội các đặc vụ ĐCSTQ vì vai trò của họ trong việc theo dõi một vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic Hoa Kỳ và gia đình cô, câu kết với một sĩ quan cảnh sát New York để thu thập thông tin tình báo về cộng đồng người Mỹ gốc Á, và thậm chí âm mưu tấn công một cựu chiến binh Quân đội Hoa Kỳ đang tranh cử vào Quốc hội.
Chính quyền này cũng đã sử dụng các cuộc tấn công mạng để thu thập bất hợp pháp các bí mật quốc phòng của Hoa Kỳ, chẳng hạn như khi các đặc vụ bị tình nghi do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã xâm nhập vào một cơ quan chính phủ Hoa Kỳ hồi năm ngoái và đánh cắp thông tin quốc phòng nhạy cảm.
Thông tin cá nhân nhạy cảm của người dân Mỹ cũng là một mục tiêu có giá trị, bằng chứng là nhiều vụ tấn công quy mô lớn của các tác nhân Trung Quốc trong những năm qua, bao gồm các vụ xâm nhập Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ, cơ quan báo cáo tín dụng Equifax, khách sạn Marriott, và công ty bảo hiểm Anthem. Những vụ xâm nhập này đã khiến hàng trăm triệu dữ liệu cá nhân của người Mỹ bị đánh cắp.
Trong những năm gần đây, các công tố viên liên bang đã đưa ra hàng chục vụ kiện người Trung Quốc và người Mỹ về hành vi đánh cắp công nghệ và bí mật thương mại của Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu ung thư đến bí mật hàng không đến công nghệ hạt giống.
Ông Wray cho biết gần một nửa trong số gần 5,000 cuộc điều tra phản gián của FBI trên toàn quốc đều có liên quan đến Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng trong thập niên qua, các vụ gián điệp kinh tế có liên quan đến chế độ này đã tăng khoảng 1,300%.
Một lĩnh vực khác đang thu hút sự giám sát ngày càng tăng là ứng dụng video TikTok do Trung Quốc sở hữu, mà các quan chức Hoa Kỳ cho rằng ĐCSTQ có thể sử dụng để truy cập dữ liệu của người Mỹ và thao túng dư luận thông qua thuật toán gây nghiện của trang mạng này.
Chính quyền này cũng đang nỗ lực mua đất của Hoa Kỳ, bao gồm cả những vùng đất nông nghiệp rộng lớn liền kề với các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, mà các chuyên gia tin rằng có thể được sử dụng để tiến hành hoạt động gián điệp và phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước.
Theo lời của Tướng Không quân đã về hưu Robert Spalding, tất cả những nỗ lực này là một phần trong học thuyết lớn hơn của ĐCSTQ về “chiến tranh không giới hạn,” qua đó chính quyền này đang vũ khí hóa học thuật, kinh tế, ngoại giao, truyền thông, và công nghệ để đạt được mục đích quân sự mà không cần phải mạo hiểm xung đột công khai với Hoa Kỳ.
Và, giống như việc bắn hạ một khinh khí cầu, ông Spalding tin rằng chỉ có một cách duy nhất để ngăn chặn mối đe dọa này.
“Không có cách nào để chống lại hoặc giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh không giới hạn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc có quyền tiếp cận mọi khía cạnh của xã hội Hoa Kỳ,” ông Spalding đã cho biết trước đây.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times