Nhà kinh tế bị kiểm duyệt vì giải thích lý do tại sao nền kinh tế Trung Quốc suy thoái
Trong một hành động khiến các nhà quan sát Trung Quốc lo ngại, Bắc Kinh đang tiến hành trấn áp ngôn luận chỉ trích về nền kinh tế Trung Quốc. Năm ngoái đã có sự gia tăng đáng chú ý trong việc kiểm duyệt các bài báo tin tức tài chính, và sự đàn áp này đã mở rộng vào năm 2024, với việc trong một loạt bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc yêu cầu công dân không nghe theo “những câu chuyện sai sự thật” về nền kinh tế Trung Quốc và cảnh báo về những nỗ lực ngày càng tăng của các cơ quan an ninh để ngăn chặn những tin đồn tiêu cực về nền kinh tế.
Trong số những người lên tiếng nói lên thực trạng về nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc và bị kiểm duyệt vì làm như vậy có ông Trần Thủ Hồng (Chen Shouhong), một nhà kinh tế Trung Quốc nổi tiếng với những hiểu biết sâu sắc về xu hướng đầu tư toàn cầu. Thường được biết đến với cái tên “Ge Long” (Cách Long), ông Trần là người sáng lập “Gelonghui” (Cách Long Hội), một nền tảng trực tuyến cung cấp thông tin đầu tư toàn cầu. Trong một video trên Twitter vào mùa thu năm ngoái, ông đã nêu bật ba lý do khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp khủng hoảng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đoạn video này nhanh chóng bị cơ quan kiểm duyệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gỡ bỏ.
Một cuộc kiểm tra thực tế hôm 23/02 của The Epoch Times cho thấy tài khoản weibo của ông Trần, với 377,000 người theo dõi, đã bị đình chỉ. Lời giải thích do weibo đưa ra chỉ đơn giản là: “Người dùng này hiện đang bị cấm do vi phạm pháp luật và các quy định liên quan.”
Ông Trần có nền tảng uy tín vững chắc. Tốt nghiệp tiến sĩ tài chính tại Đại học Tài chính Kinh tế và Luật Trung Nam (ZUEL), ông hiện đang giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Tập đoàn Công nghệ Thông tin Cách Long Hội. Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư ở trong và ngoài nước, quan điểm của ông có sức ảnh hưởng đáng kể trong giới kinh tế.
Ông Trần đã xem xét tình hình kinh tế Trung Quốc từ ba khía cạnh, dựa trên chính sách kinh tế “lưu thông kép” của ĐCSTQ. “Ông bày tỏ lo ngại về viễn cảnh Trung Quốc áp dụng con đường “đóng cửa, cô lập giữa bên trong và bên ngoài.” Ông đã cảnh báo rằng một quỹ đạo như vậy có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc trở thành một “nền kinh tế ốc đảo và buộc phải chỉ dựa vào lưu thông bên trong.”
Vào cuối năm 2023, một cuộc thảo luận về việc kiểm duyệt video của ông Trần đã nổ ra trong cộng đồng trực tuyến. Được phát hành trên kênh truyền thông cá nhân của ông, “Talking About Stocks Today”, đoạn video đã thảo luận về ba khía cạnh quan trọng về “lưu thông bên ngoài” của nền kinh tế Trung Quốc, hay sự lưu thông nhờ thương mại và đầu tư quốc tế. Những khía cạnh đó là khách du lịch, các chuyến bay, và dòng vốn.
Theo giải thích của ông Trần, lưu thông bên ngoài là sự lưu thông giữa cung và cầu trong chuỗi công nghiệp quốc tế. Lưu thông bên trong là vòng tuần hoàn lưu thông giữa cung và cầu trong nước.
Khách du lịch tránh xa
Phân tích của ông Trần tập trung vào sự sụt giảm trong số lượng du khách ngoại quốc đến thăm Trung Quốc. Ông lưu ý rằng trong quý 1 năm 2019 (trước khi xảy ra dịch bệnh), số lượng du khách ngoại quốc đến Trung Quốc là 3.7 triệu người, trong khi vào cùng thời kỳ năm 2023, con số này đã giảm mạnh xuống chỉ còn 52,000 — một mức giảm đáng kinh ngạc 98.6%.
[Điều đáng nói là trong số đó], khách du lịch đến từ Hồng Kông và Ma Cao chiếm một tỷ lệ lớn, khiến khách du lịch đến từ phần còn lại của thế giới chiếm một tỷ lệ thậm chí còn nhỏ hơn.
Ông Trần cảnh báo rằng sự khan hiếm này không chỉ gây rắc rối cho ngành du lịch trong nước mà còn gợi lên sự tương đồng với trạng thái gần như tách biệt giống những năm 1970, khi sự giao thiệp của Trung Quốc với ngoại giới suy giảm không phải là do những giới hạn chính sách, mà là do bên ngoài thiếu sự quan tâm.
Ông Trần cho biết thêm, điều đáng lo ngại hơn là sự chuyển hướng của các nhà đầu tư ngoại quốc sang các quốc gia như Mexico, Việt Nam, Ấn Độ, và Indonesia. Hậu quả của xu hướng này là rất sâu rộng.
Một ví dụ đáng chú ý là Thượng Hải, nơi có số lượng lớn người ngoại quốc cư trú. Thành phố đã chứng kiến nhiều cư dân ngoại quốc rời đi sau khi áp dụng các đợt phong tỏa zero COVID và các biện pháp khác. Theo báo cáo của chi nhánh Thượng Hải của Phòng Thương mại Âu Châu tại Trung Quốc, thành phố này đã mất khoảng 25% dân số Đức và 20% cư dân Pháp và Ý.
Một số cư dân Thượng Hải đã trò chuyện với The Epoch Times về tác động của cuộc di cư. Một cư dân Thượng Hải, cô Trần Dĩnh (Chen Ying, bí danh), cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 21/02 rằng trước đại dịch, đôi khi cô gặp nhiều người ngoại quốc ở quận Hoàng Phố trung tâm Thượng Hải đến mức cô cảm thấy như mình đang ở ngoại quốc. Giờ đây cô than thở rằng sự hiện diện của người ngoại quốc ở thành phố này ngày càng ít. Cô cho biết, cô có một người bạn làm tài xế taxi. Hiện nay anh chỉ chở người ngoại quốc được một hoặc hai lần trong tuần, trong khi trước đại dịch, anh đã từng đón đưa họ mỗi ngày.
Một cư dân Thượng Hải khác yêu cầu ẩn danh đã nhấn mạnh những tổn thất tâm lý sâu sắc do các chính sách zero COVID của Trung Quốc mang lại. Chính sách này đã gây ra nỗi sợ hãi cho người dân địa phương cũng như người ngoại quốc.
Ít chuyến bay đến Trung Quốc
Ông Trần đã lưu ý sự sụt giảm lớn về các chuyến bay hàng không giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trước đại dịch, mỗi tháng có khoảng 1,200 chuyến bay giữa hai nước. Hiện nay, mỗi tháng chỉ có khoảng 70 chuyến bay.
Trong 70 năm qua, 70% thặng dư thương mại của Trung Quốc trong sản xuất ngoại thương đều đến từ Hoa Kỳ. Số liệu này có ý vị gì khi trong hoàn cảnh không có dịch bệnh mà chỉ có một vài chuyến bay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ mỗi ngày?
Ông Tạ Điền (Frank Xie), giáo sư kinh doanh tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học South Carolina, đã phân tích tình hình kinh tế Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 22/02. Ông cho biết, việc số lượng du khách ngoại quốc, các chuyến bay, và dòng vốn giảm đều có mối liên hệ với nhau. Các xu hướng này liên quan đến việc tách rời nền kinh tế Trung Quốc khỏi nền kinh tế của châu Âu và Hoa Kỳ, cũng như quá trình chuyển dịch toàn bộ chuỗi công nghiệp và sự rút vốn của phương Tây khỏi Trung Quốc.
“Các biện pháp đàn áp của ĐCSTQ, các phương pháp đàn áp được sử dụng ở Hồng Kông và Tân Cương, cũng đã bị khách du lịch ngoại quốc chứng kiến. Vì vậy, các doanh nhân không tới, mà khách du lịch cũng không dám tới.”
Ông Tạ lưu ý rằng ngoài các doanh nhân và khách du lịch, nhiều người qua lại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là sinh viên và những người tham gia các chương trình trao đổi học thuật. Khi các chương trình trao đổi học thuật giảm bớt do đại dịch và căng thẳng địa chính trị, thì yếu tố này cũng ảnh hưởng đáng kể đến số lượng chuyến bay.
Đầu tư ngoại quốc giảm
Yếu tố thứ ba được ông Trần đề cập đến là việc đầu tư ngoại quốc giảm. Ông cho biết, trong quý 1/2022, vốn đầu tư trực tiếp của các công ty ngoại quốc vào Trung Quốc là 101.2 tỷ USD; tuy nhiên, vào quý 2/2023, con số đó đã giảm một cách đáng kinh ngạc xuống chỉ còn 4.9 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á năm 1998.
Một bộ dữ liệu khác cho thấy vào năm 2022, ở Trung Quốc có 114 quỹ ngoại tệ đã được huy động, giảm hơn 40% so với năm 2021. Trong nửa đầu năm 2023, chỉ có 87 trường hợp quỹ ngoại tệ đầu tư vào Trung Quốc, giảm hơn 87% về số lượng và hơn 57% về giá trị so với 2022. Trong nửa đầu năm 2023, các quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào Trung Quốc chỉ huy động được 1.4 tỷ USD.
Ông Trần nêu lên ba yếu tố cốt lõi trong phát triển kinh tế: con người, hàng hóa, và dòng vốn. Các dữ liệu quan trọng về lưu thông bên ngoài được đề cập ở trên đều đã bị thu hẹp. Nếu sự sụt giảm đó là do đại dịch thì vẫn còn có cơ hội điều chỉnh.
Tuy nhiên, nếu sự sụt giảm là do chiến tranh thương mại và địa chính trị, thì triển vọng sẽ bi quan hơn nhiều đối với thế hệ hiện tại, do sự đảo ngược cấu trúc dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhà phân tích này cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất từ toàn cầu hóa trong vài thập niên qua. Nếu Trung Quốc tiến tới “sự cô lập giữa bên trong và bên ngoài, phong tỏa giữa bên trong và bên ngoài,” và nền kinh tế của nước này lại trở thành “nền kinh tế ốc đảo” thì hậu quả sẽ là không thể tưởng tượng được. Ông nói, nếu không thực hiện được những thay đổi căn bản thì “chúng ta sẽ phải gánh chịu những tổn thất to lớn khó có thể bù đắp được.”
Ông Tạ cho rằng sự sụt giảm đầu tư ngoại quốc một phần là do ĐCSTQ đàn áp thông tin và sự bất đồng chính kiến dưới danh nghĩa an ninh quốc gia. Ông cho biết một số công ty ngoại quốc đánh giá và nghiên cứu về Trung Quốc đã bị buộc phải rút lui. Có thể nói, nếu không có thông tin từ các công ty này, thì các nhà đầu tư ngoại quốc sẽ trở nên đui mù. Do không thể đánh giá được tình trạng thực sự của xã hội và nền kinh tế Trung Quốc, nên họ sẽ ngại đầu tư.
Ông Tạ nói, “Kể từ năm 2017, Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc chiến thuế quan chống lại ĐCSTQ… Sau năm 2020 thì là một cuộc phong tỏa công nghệ. Với tư cách là nhà xưởng của thế giới, Trung Quốc đã bị cho đóng cửa.”
Ông Tạ cảm thấy rằng “các biện pháp tụt hậu của ĐCSTQ, thái độ thù địch của họ đối với các doanh nhân ngoại quốc, cùng với sự ngăn chặn của phương Tây đối với ĐCSTQ, việc phong tỏa công nghệ, và sự đối đầu tổng thể về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, và tất cả các lĩnh vực khác đã khiến ĐCSTQ trở thành đứa con rơi của cộng đồng quốc tế, một ốc đảo.”
Ông tin rằng mức độ sụt giảm kinh tế của Trung Quốc là tệ hơn nhiều so với công bố, có lẽ lên tới “-5, -6%.” Ông nói thêm, “Tôi nghĩ nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung đang thoái lui về tình trạng trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001 và sự sụt giảm kinh tế sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2025.”
Ông Tạ nói, ĐCSTQ vẫn tiếp tục “khoe khoang và lừa dối” về mức tăng trưởng kinh tế của mình trong năm ngoái, nhưng không ai — kể cả người dân Trung Quốc — tin rằng nền kinh tế Trung Quốc thực sự đã tăng trưởng 5.2%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times