Tài sản của ngân hàng trung ương Trung Quốc đột ngột tăng vọt trong vòng 6 tháng, thúc đẩy suy đoán về nới lỏng định lượng
Vài năm trước, Trung Quốc cho biết sẽ không thực hiện nới lỏng định lượng, một chính sách gây tranh cãi sử dụng việc mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Giờ đây, có vẻ như họ đang làm chính xác điều đó khi bơm hàng ngàn tỷ nhân dân tệ vào nền kinh tế đang gặp khó khăn của mình để giúp đỡ các chính quyền địa phương đang nợ nần chồng chất.
Dữ liệu bảng cân đối kế toán từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy tài sản của ngân hàng trung ương này đã tăng mạnh trong nửa cuối năm 2023, tăng thêm gần 5 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 705 tỷ USD). Một chuyên gia tài chính tin rằng Bắc Kinh đang âm thầm thực hiện nới lỏng định lượng, một chiến lược mà họ rõ ràng đã công khai chối bỏ trong quá khứ.
Theo dữ liệu bảng cân đối kế toán, hồi tháng 07/2023, tài sản của ngân hàng trung ương này là 40.8 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.69 ngàn tỷ USD) và đã tăng lên hàng tháng kể từ đó. Tính đến tháng 12/2023, quy mô tài sản của POBC đã tăng lên 45.7 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.43 ngàn tỷ USD), tương đương với tăng gần 5 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 705 tỷ USD) trong vòng sáu tháng.
Việc quy mô tài sản của ngân hàng trung ương Trung Quốc mở rộng nhanh chóng đã gây ra lo ngại rộng rãi trên thị trường và làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có đang thực hiện nới lỏng định lượng hay không. Hồi tháng Mười Một năm ngoái, một bài báo của Bloomberg đã đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đang cố gắng khắc phục cuộc khủng hoảng địa ốc bằng cách sử dụng “nới lỏng định lượng kiểu Trung Quốc” hay không.
Chính sách tiền tệ không theo lẽ thường này làm tăng bảng cân đối kế toán ngân hàng trung ương của một quốc gia và bơm tiền mới vào nguồn cung tiền thông qua việc mua trái phiếu chính phủ hoặc các tài sản tài chính khác.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã chỉ trích việc nới lỏng định lượng. Tháng 12/2019, thống đốc PBOC Dịch Cương (Yi Gang) đã viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của ĐCSTQ rằng Trung Quốc nên duy trì chính sách tiền tệ “bình thường” càng lâu càng tốt và sẽ không dùng đến chính sách này, đồng thời nói rằng: “Chúng ta không nên để tiền của người dân Trung Quốc trở nên vô giá trị.”
Tuy nhiên, phân tích về thành phần tài sản chính của ngân hàng trung ương này trong sáu tháng qua cho thấy có rất ít thay đổi về quy mô ngoại hối, tiền vàng, và các tài sản nước ngoài khác, trong khi thay đổi lớn nhất đến từ “nợ phải trả đối với các tổ chức nhận tiền gửi khác.” Các nhà phân tích nói rằng điều đó cho thấy việc mua trái phiếu đã diễn ra.
Chuyển tay nợ
Chính quyền địa phương của Trung Quốc đang nợ nần chồng chất, với các bản tin cho biết công chức ở nhiều địa phương sẽ không được trả lương, một số khu vực đã không trả lương trong nhiều tháng. Cuộc khủng hoảng nợ đô thị có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng địa ốc của đất nước, vì đất đai là nguồn thu chính của địa phương theo truyền thống.
Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương bằng cách “lặng lẽ thực hiện nới lỏng định lượng thông qua bơm thanh khoản vào thị trường.” Tuy nhiên, ông cho rằng, các biện pháp của Trung Quốc sẽ chỉ nhằm mục đích chuyền qua chuyền lại các khoản nợ mà không giải quyết được vấn đề lâu dài.
Theo ông Sun, các biện pháp nới lỏng định lượng của ĐCSTQ không thực sự bơm tiền vào nền kinh tế hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thay vào đó, khi các ngân hàng thương mại mua trái phiếu từ chính quyền địa phương, chính quyền địa phương sẽ sử dụng số trái phiếu mua được làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay từ ngân hàng trung ương. Các chương trình của PBOC như chương trình cho vay bổ sung được cam kết của ngân hàng trung ương cung cấp nguồn vốn của ngân hàng trung ương cho các ngân hàng, thường thông qua việc lấy trái phiếu chính phủ làm tài sản bảo đảm.
Trên cơ sở tài sản bảo đảm đó, ngân hàng trung ương sẽ phát hành thêm trái phiếu. Nhờ vậy, trong ngắn hạn, các chính quyền địa phương đã có được thu nhập từ ngân hàng trung ương dưới hình thức các khoản vay. Về phần mình, ngân hàng trung ương lại có được thu nhập từ những người mua số trái phiếu chính phủ bổ sung mà ngân hàng này đã phát hành.
Tuy nhiên, về căn bản, ngân hàng trung ương đã đóng gói lại các trái phiếu chính quyền địa phương ban đầu, rồi bán dưới dạng trái phiếu chính phủ trung hạn, dài hạn, và siêu dài hạn. Ông Sun cho rằng, nhìn từ góc độ lý thuyết tài chính, khoản nợ vẫn chưa biến mất. Thay vào đó, nợ chỉ đơn giản là được chuyển sang tay một bên mua khác, cụ thể là ngân hàng trung ương. Khoản nợ mới sau đó đã được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương.
“Việc phát hành trái phiếu là không thành vấn đề, nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở ai là người mua,” ông Sun nói. “Trước đây, những trái phiếu này chủ yếu được mua bởi vốn nước ngoài và các nhà đầu tư tư nhân nhưng hiện nay đối tượng mua chính đã chuyển sang các ngân hàng thương mại.”
“Ai là người thực sự đang chi trả cho những khoản nợ này? Đó là người dân Trung Quốc,” nhà phân tích đầu tư này nói.
Nợ địa phương đạt mức cao mới
Tháng Bảy năm ngoái (2023), công ty ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính hệ thống ngân hàng Trung Quốc vào thời điểm đó đang nắm giữ khoảng 94 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 13 ngàn tỷ USD) nợ chính quyền địa phương.
Năm 2023, quy mô của nợ chính quyền địa phương đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh Trung Quốc đã phát hành hơn 9 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.28 ngàn tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương. Gần một nửa số trái phiếu đó có thể là dùng để trả nợ.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, số nợ gốc trái phiếu chính quyền địa phương đáo hạn vào năm 2023 ước tính đạt khoảng 3.6 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 510 tỷ USD), điều này gây áp lực rất lớn lên các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn vốn.
Khoảng một nửa số trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành là “trái phiếu mới”, chủ yếu sẽ được sử dụng cho các dự án phúc lợi công cộng lớn. Lượng trái phiếu mới phát hành trong năm ngoái đã giảm nhẹ. Khoảng một nửa là trái phiếu tái cấp vốn, thường được gọi là công cụ “vay nợ mới để trả nợ cũ” (tức là số tiền thu được sẽ được dùng để trả nợ gốc của trái phiếu chính phủ đáo hạn hoặc nợ chính phủ hiện có). Lượng trái phiếu tái cấp vốn đã tăng đáng kể (82% so với năm trước), một phần trong hoạt động hoán đổi nợ mà Bắc Kinh tiến hành nhằm giảm chi phí đi vay cho chính quyền địa phương.
Kể từ tháng 10/2023, hơn 20 tỉnh của Trung Quốc đã phát hành tổng cộng hơn 1.3 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 180 tỷ USD) trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt để giúp chính quyền địa phương trả nợ. Con số đó đã tăng lên từ mức 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 29.7 tỷ USD) số trái phiếu như vậy được phát hành vào năm 2022.
Trước đó trong năm 2023, nhằm hạn chế việc phát hành trái phiếu quá mức tại địa phương, Bắc Kinh đã hạn chế khả năng vay nợ mới của chính quyền địa phương ở 12 tỉnh thành mắc nợ cao nhất và đặt ra giới hạn đối với những dự án do nhà nước tài trợ mà họ có thể khai triển.
Tuy nhiên, dưới áp lực to lớn của suy thoái kinh tế, vào tháng 10/2023, ngân hàng trung ương đã có quyết định hiếm hoi là phát hành thêm 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 139 tỷ USD) trái phiếu để tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng.