Nguy cơ khủng hoảng nợ quốc gia trước mắt: Sự nguy hiểm của lãi suất cao đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu
Sau cuộc họp chính sách hôm 25/01, Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao lịch sử. Với tình trạng lạm phát như hiện nay, đây là một bước đi có thể hiểu được. Tuy nhiên, quyết định này cũng mang lại nhiều rủi ro cho tình hình kinh tế. Liệu cuộc khủng hoảng nợ quốc gia có sớm quay trở lại?
Giới kinh doanh và tài chính đã hồi hộp chờ quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB). Nền kinh tế Đức đang suy thoái, mức thịnh vượng trung bình trên dân số của quốc gia này đang suy giảm và các nhà đầu tư hiện đang rất thận trọng. Do đó, nền kinh tế đang hy vọng từ Frankfurt những tín hiệu hướng tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đã không có tín hiệu nào được bật lên. Hôm thứ Năm vừa qua (25/01), ECB đã lần thứ ba giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao. Vì vậy, lãi suất vẫn là 4.5%. Lãi suất tiền gửi đối với thanh khoản dư thừa của ngân hàng là 4%. Đây vẫn là mức cao nhất trong lịch sử đồng euro.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB), bà Christine Lagarde, loan báo ngay sau cuộc họp là đã có sự đồng thuận rộng rãi trong Hội đồng Quản trị rằng “còn quá sớm để nói đến việc cắt giảm lãi suất.” Người đứng đầu ngân hàng trung ương của châu Âu nhấn mạnh rằng các quan chức sẽ tiếp tục theo dõi sát sao dữ liệu mới. “Chúng tôi không cố định vào bất kỳ lịch trình nào.”
Khi nào thì lãi suất mới thay đổi?
Do đó, ECB hoàn toàn không nói rõ về thời điểm điều chỉnh lãi suất. Rõ ràng là bà Lagarde muốn để ngỏ mọi cánh cửa. Lựa chọn khả dĩ nhất là cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu. Tuy nhiên, Chủ tịch Lagarde đã không phát đi bất kỳ tín hiệu nào theo hướng này tại cuộc họp báo, nơi bà giải thích chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương thêm một lần nữa sau mỗi quyết định. Các nhà phân tích hiện đang tự hỏi khi nào họ có thể dự kiến đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs nhận định rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra sớm nhất vào tháng Tư. Deutsche Bank cũng tỏ ra lạc quan tương tự: họ cũng kỳ vọng rằng ECB sẽ hạ lãi suất vào tháng Tư.
Các nhà phân tích đồng sự tại Société Générale cũng không mong đợi bất kỳ hành động giảm lãi suất nào trước tháng Sáu. Theo đánh giá thực tế, họ không kỳ vọng lãi suất cơ bản ở khu vực đồng euro sẽ giảm trước mùa thu. Còn nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng DZ Bank, ông Michael Holstein, thì có thể hình dung chắc chắn rằng thị trường sẽ phải đợi đến quý 4/2024.
Mặc dù cuộc họp Hội đồng Quản trị hôm 25/01 không có dấu hiệu nào cho thấy việc nhanh chóng cắt giảm lãi suất sẽ sớm xảy ra, nhưng bà Melanie Debono, nhà phân tích tại Pantheon Macroeconomics, vẫn giữ nguyên dự báo trước đó của mình rằng sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng Ba.
Giữ nguyên lãi suất là điều có thể hiểu được
Theo quan điểm của các chuyên gia này, việc ECB quyết định duy trì lãi suất cao là điều dễ hiểu. Tháng 11/2023, lạm phát ở khu vực đồng euro là 2.4%. Điều này là dấu hiệu lạm phát đang tiến triển theo đúng hướng. Các quan chức tiền tệ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là giảm lạm phát xuống 2%. Mục tiêu này đã gần như đạt được hồi tháng 11/2023. Sau đó vào tháng 12/2023 đã có một sự thụt lùi: lạm phát hiện đã trở lại mức 2.9%. Vì vậy, ECB phải phản ứng. Và thật đáng tiếc, không giống như Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), định hướng của ECB rất đơn nhất.Theo Đạo luật Dự trữ Liên bang, Fed Hoa Kỳ có trách nhiệm hướng đến việc tối đa hóa việc làm, ổn định giá cả, và duy trì lãi suất ở mức vừa phải trong dài hạn. Ngược lại, ECB chỉ tập trung vào sự ổn định tiền tệ. Điều này là một vấn đề lớn trong bối cảnh một bên là lạm phát cao và bên kia là nền kinh tế đang suy thoái. Chi phí chính trị và kinh tế liên quan đến lãi suất cứng nhắc là rất lớn. Vì vậy, đã đến lúc phải nói lời tạm biệt với chính sách tiền tệ mang tính đơn nhất.
Đừng chỉ tập trung vào lạm phát
Lạm phát không phải là vấn đề duy nhất mà ECB cần quan tâm. Giá cả ổn định trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm có thể làm giảm tổng cầu và khiến tình trạng suy thoái càng thêm nghiêm trọng. Dù giá cả có ổn định đến đâu đi chăng nữa, thì cuối cùng người tiêu dùng cũng phải có khả năng chi trả để có thể chịu được những mức giá đó. Ở Đức, tăng trưởng thu nhập thực tế (tức là sự tăng lương trừ đi lạm phát) đã giảm từ năm 2020 và giảm mạnh đến 4% vào năm 2022 — mức giảm mạnh chưa từng có kể từ khi bắt đầu có dữ liệu vào năm 2008.
Nhưng cũng cần phải quan tâm đến nền kinh tế. Khi ngân hàng trung ương quyết định tăng lãi suất, họ chỉ có một mục tiêu duy nhất: làm chậm nền kinh tế và cũng từ đó làm giảm lạm phát.
Ở thời điểm hiện tại, việc giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là một quyết định không thích hợp. Năm ngoái, sản lượng kinh tế ở Đức đã giảm 0.3%. Các chuyên gia cũng không dự đoán bất kỳ bước nhảy vọt nào cho năm 2024. Nền kinh tế hiện cần một đòn bẩy hơn là các biện pháp được thiết kế để làm suy giảm hoạt động kinh tế. Chu kỳ đầu tư, sản xuất và tiêu dùng ở Đức cần phải được khôi phục lại. Mặt khác, nền kinh tế sẽ không thể tự thoát khỏi vòng vây của cuộc suy thoái sắp xảy ra. Điều này thực sự đòi hỏi cắt giảm lãi suất.
Rủi ro khủng hoảng nợ công gia tăng
Tuy nhiên, cũng cần phải nhớ một điểm khác trong cuộc thảo luận về lãi suất cơ bản trong khu vực đồng euro: với lãi suất cao, nguy cơ xuất hiện khủng hoảng nợ công mới cũng tăng lên. Mới đây, giáo sư tại trường đại học danh tiếng Princeton ở Hoa Kỳ, ông Markus Brunnermeier, đã nêu lên rủi ro này trong một cuộc phỏng vấn trên báo Wirtschaftswoche.
Các ngân hàng trong Liên minh Âu Châu hiện nay đang nắm giữ một lượng lớn công khố phiếu của các chính phủ. Giá trị của những công khố phiếu này giảm khi lãi suất tăng hoặc khi các chính phủ gặp khó khăn trong thanh toán. Như Giáo sư Brunnermeier đã nói, “Rủi ro là, trong quá trình đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Âu Châu phải cân nhắc đến các chính phủ và thị trường tài chính, vì nếu không, việc thanh toán nợ của các quốc gia sẽ trở nên không ổn định và thị trường sẽ sụp đổ.”
Trên thực tế, lãi suất cao có thể trở thành vấn đề đối với một số quốc gia. “Pháp là một nguyên nhân gây lo ngại; còn tình hình ở Ý đang căng thẳng,” như được nêu trong phân tích về khả năng chịu nợ của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (IW) tại Köln, dựa trên tỷ lệ nợ cao của hai quốc gia lớn trong khu vực đồng euro này.
Sau Đức, Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực đồng euro. Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (IW) tại Köln dự kiến tỷ lệ nợ chính phủ của quốc gia này sẽ tăng lên gần 130% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030. Trong một kịch bản bi quan, các chuyên gia nhận thấy mức nợ thậm chí còn có thể tăng lên gần 150%.
Các chuyên gia IW cũng không dự báo triển vọng tốt cho Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Với lãi suất cao và tăng trưởng yếu, nước này khó có thể giảm tỷ lệ nợ vốn dĩ đã cao khoảng 150% GDP vào cuối thập niên này. Trong một tình huống tiêu cực, tỷ lệ nợ trong mô phỏng của IW sẽ tăng lên hơn 168% GDP vào năm 2030.
Năm ngoái (2023), phí bảo hiểm rủi ro đối với chứng khoán của chính phủ Ý trên thị trường trái phiếu đôi khi đã tăng đáng kể — điều này chỉ có thể được hiểu là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các nhà đầu tư. Điều này khiến người ta liên tưởng đến cuộc khủng hoảng nợ công lớn vào năm 2010. Vào thời điểm đó, các chương trình giải cứu ban đầu được thiết lập ở khu vực đồng euro do tình trạng khẩn cấp về tài chính ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Ireland. Tuy nhiên, nước khiến thị trường tài chính lo lắng nhất và thậm chí đe dọa một cách cốt yếu nhất đến đồng tiền chung lúc bấy giờ là Ý.
Niềm tin vào khả năng trả nợ của Đức là rất cao
So với các quốc gia như Pháp, với mức nợ công khoảng 3.1 ngàn tỷ euro, hoặc Ý, với khoảng 2.9 ngàn tỷ euro, Đức có một mức nợ công tương đối thấp, chỉ khoảng 2.4 ngàn tỷ euro. Do đó, công khố phiếu của Đức được đánh giá rất cao trong khu vực đồng euro. Do đó, các nhà đầu tư tin tưởng vào uy tín tín dụng của Đức.
Tuy nhiên, việc xem xét các chi phí lãi suất của chính phủ Đức sẽ làm quý vị nhận ra rằng Đức cũng đang đi trên một con đường nguy hiểm. Trong năm 2021, chi phí lãi suất của chính phủ nước này chỉ là bốn tỷ euro, và theo dự đoán của IW, năm 2023 sẽ là khoảng 40 tỷ euro — tăng lên gấp mười lần chỉ trong vòng hai năm. Điều này chủ yếu do lãi suất cơ bản tăng. Vì vậy, việc lãi suất tăng lên đối với nợ công đã khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Các nhà kinh tế của IW cảnh báo trong phân tích của họ, “Nếu chính sách tài khóa được xem là quá lỏng lẻo để bảo đảm tình hình tài chính bền vững, thì một cuộc khủng hoảng nợ công có thể xảy ra — và rất có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính rộng hơn.”