Không phải Bitcoin, mà là chính phủ sẽ kết thúc đồng USD
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với người chủ trì chương trình trò chuyện Seth Meyers, Tổng thống Joe Biden đã đề cập rằng Hoa Kỳ đang có nền kinh tế mạnh nhất trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức tăng trưởng GDP năm 2023 sau khi điều chỉnh theo số nợ công tích lũy đang là tệ nhất kể từ năm 1930.
Nợ quốc gia của Hoa Kỳ đã chạm mốc 32 ngàn tỷ USD hồi tháng 06/2023 và vượt mốc 33 ngàn tỷ USD hồi tháng Chín. Nợ quốc gia của Hoa Kỳ hiện ở mức trên 34 ngàn tỷ USD và cứ sau 100 ngày lại tăng thêm 1 ngàn tỷ USD. Xu hướng này là vô cùng đáng lo ngại vì hàng ngàn tỷ USD tiếp theo lại đến mỗi lúc một nhanh hơn — và toàn bộ những điều này đang diễn ra trong bối cảnh [nền kinh tế Hoa Kỳ] được cho là đang có một cuộc phục hồi với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và thu nhập ngày càng tăng.
Nợ là một vấn đề quan trọng, và có lý do đằng sau việc người dân Hoa Kỳ không thấy một bức tranh tích cực như vậy. Tăng trưởng tiền lương thực tế âm, sức mua của tiền lương và tiền tiết kiệm suy giảm đang đồng thời khiến các gia đình gặp khó khăn hơn nhiều trong việc trang trải chi tiêu.
Những người ủng hộ Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại (MMT) biện minh rằng chính phủ có thể chịu những khoản thâm hụt lớn nếu cần, và hạn chế duy nhất đối với chính phủ là lạm phát. Thực tế cho thấy chính phủ vẫn tiếp tục chi tiêu bất kể lạm phát tích lũy chính thức là 20% trong vòng bốn năm, và chính phủ sẽ chỉ viện ra bất kỳ lý do gì để chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được mặc dù doanh thu từ thuế vẫn đang tăng. Chính phủ không giảm thâm hụt khi lạm phát gia tăng mà tiếp tục đẩy gánh nặng nợ và giá cả tăng cao sang cho các gia đình. MMT chỉ đơn giản là một mưu mẹo mang tính ý thức hệ nhằm cho phép chính phủ làm những gì họ muốn bằng chính sách tài khóa — chỉ để nhận ra rằng không còn có thể quay đầu lại được nữa khi những kết quả tai hại trở nên rõ ràng.
Lạm phát là bằng chứng của việc quản lý tiền tệ yếu kém, và lạm phát dai dẳng là bằng chứng cho thấy tác nhân kinh tế cuối cùng mà chúng ta nên tin tưởng để bảo vệ đồng tiền [của mình] là chính phủ.
Không có chính phủ nào thực sự bảo vệ vị thế đồng tiền của mình trong vai trò là một phương tiện dự trữ giá trị và phương tiện thanh toán nói chung bởi vì họ sẽ luôn đổ lỗi cho bất cứ ai ngoại trừ chính mình về việc mất niềm tin vào đồng tiền. Và đến lúc mà người dân trên toàn thế giới mất niềm tin vào đồng USD trong vai trò là một đồng tiền dự trữ, thì thiệt hại đã xảy ra, và quan trọng hơn, hậu quả của nó sẽ do những công dân bình thường của Hoa Kỳ gánh chịu, chứ không phải là những nhà quản lý kém năng lực đã khiến nợ tăng cao và thâm hụt trở thành vĩnh viễn.
Đó là lý do tại sao MMT là một ý tưởng nguy hiểm để thử nghiệm. Khi việc thử nghiệm thất bại — và luôn là như vậy — thì chính quý vị là những người phải chịu toàn bộ phí tổn.
Đồng USD vẫn chưa mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ, nhưng điều đó không có nghĩa là rủi ro đó sẽ không xảy ra. Rủi ro hình thành chậm, nhưng xảy ra nhanh. Khi việc này xảy ra, thì sẽ là quá muộn.
Chủ quyền tiền tệ không phải là một tấm chi phiếu được cho không và càng không phải là một tấm chi phiếu trống để cho phép chính phủ tăng thâm hụt và nợ mãi mãi. Chủ quyền tiền tệ sẽ bị đánh mất nhanh hơn cả trong nháy mắt khi thế giới nhận ra rằng niềm tin vào tài khoản công của chính phủ Hoa Kỳ đã không còn nữa.
Thâm hụt công xoay quanh việc in tiền. Đây không phải là “dự trữ cho khu vực tư nhân” mà là nợ với các chủ nợ của quốc gia này trên toàn cầu. Khi niềm tin vào khả năng trả nợ bị xói mòn, thì sự xói món này biểu hiện qua chi phí vay cao hơn và lạm phát cao hơn. Các chính phủ luôn cho rằng lạm phát không phải lỗi của họ và bỏ qua hậu quả.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi chứng kiến Bitcoin vượt qua mốc 62,000 USD khi nợ công tăng vọt lên 34 ngàn tỷ USD. Với tỷ lệ lạm phát, lãi suất cao hơn, sức mua của tiền lương giảm và chi phí lãi vay tăng cao, đây chỉ là một hồi chuông cảnh báo khác cho chúng ta thấy rằng tình hình tài chính của Hoa Kỳ đang không bền vững. Lý do duy nhất khiến đồng USD tiếp tục tồn tại trong vai trò một đồng tiền dự trữ là tình trạng mất cân bằng tài khóa và tiền tệ của các đồng tiền cạnh tranh còn đang tệ hại hơn. Nhưng đó chỉ là một cuộc chiến giữa các loại tiền tệ pháp định, trong đó tất cả các quốc gia đều đang làm xói mòn giá trị của tiền in. Sự hủy hoại đồng USD cũng được thể hiện rõ ở mức giá vàng cao so với hầu hết các loại tiền tệ pháp định và sự mất niềm tin dần dần của người dân, những người hiểu được rằng quá trình tích lũy nợ điên cuồng này sẽ kết thúc bằng mức tăng trưởng yếu hơn nhiều, năng suất kém hơn, và sự phá hủy nghiêm trọng đối với giá trị thực của tiền lương và tiền tiết kiệm.
Bitcoin là một hồi chuông cảnh báo khác mà đám đông theo chủ nghĩa nhà nước (ủng hộ tập trung quyền lực vào tay chính quyền) bỏ qua.
Những người theo chủ nghĩa nhà nước này cho rằng thâm hụt không thành vấn đề vì chưa có chuyện gì xảy ra. Điều đó giống như nói rằng lái xe với tốc độ 200 dặm/giờ là không thành vấn đề vì quý vị chưa khiến ai thiệt mạng. Hơn nữa, những dấu hiệu thể hiện rằng tình trạng mất cân bằng tài khóa nên được loại bỏ nhanh chóng là rất dễ thấy. Người Mỹ đang gánh chịu sự mất mát về tiền lương thực tế, sự mất mát về khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, thuế cao hơn, và viễn cảnh một nền kinh tế trì trệ với những khoản nợ phình to mà có thể sớm trở thành vô giá trị, đồng thời cuốn phăng đồng USD theo đó.
Để nói rằng chưa có chuyện gì xảy ra là một sự xúc phạm đối với những gia đình phải làm hai, ba công việc để kiếm sống, những gia đình đang ngày càng gặp khó khăn trong việc mua được những mặt hàng thiết yếu hoặc mua được một căn nhà cũng như đối với các doanh nghiệp đang phải gồng mình gánh thuế.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times