Lý do tại sao người Mỹ không thấy một nền kinh tế mạnh mẽ
Sự phấn khích về số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4 của Hoa Kỳ là rất vô lý. Theo Cục Thống kê Kinh tế (BES), những người ủng hộ số liệu tổng này nói rằng GDP thực đã tăng với tốc độ hàng năm là 3.3% trong quý 4 năm 2023. Nhưng GDP thực tăng 1.5 ngàn tỷ USD và nợ công tăng hơn 2 ngàn tỷ USD không phải là một nền kinh tế mạnh. Đó là một nền kinh tế bị bơm căng. Hơn nữa, tiêu dùng cũng không có gì tích cực khi tỷ lệ tiết kiệm cá nhân trên thu nhập cá nhân khả dụng chỉ ở mức 3.7% trong tháng Mười Hai và thu nhập cá nhân khả dụng năm 2017 về căn bản đã trì trệ. Người tiêu dùng Mỹ đang mua được ít thứ hơn bằng tiền lương của họ.
Chúng ta không thể quên rằng một trong những động lực lớn nhất khiến GDP thực tăng trong quý 4 là chỉ số giảm phát GDP giảm đột ngột, ở mức 1.5%, thấp hơn một nửa so với mức 3.3% trước đó. Đây là một yếu tố thúc đẩy to lớn đối với GDP thực nhờ sự suy giảm trong số liệu lạm phát ước tính mà hầu hết người Mỹ chưa từng cảm nhận thấy chút nào.
Theo báo cáo mang tên “Tỷ lệ người Mỹ gặp Khó khăn về Tài chính đã Đạt đến Mức cao” của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, nợ thẻ tín dụng đang ở mức cao nhất trong lịch sử và người Mỹ đang cần nhiều thời gian hơn để thanh toán được dư nợ của mình. Theo báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, tỷ lệ người Mỹ gặp khó khăn về tài chính do nợ thẻ tín dụng đã đạt đến mức tương tự như trong thời kỳ Đại Suy Thoái.
Bằng chứng về sự trì trệ của nền kinh tế thực cũng thể hiện rõ ràng qua con số tổng thu nhập quốc nội, cho thấy tại sao người dân Hoa Kỳ lại thấy nền kinh tế đang suy thoái khi số liệu chính thức về GDP thực cho chúng ta thấy một bức tranh khác. Số liệu mới nhất của tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội thực tế hàng năm đang ở mức -0.1%. BES sẽ không công bố quý 4 cho đến lần điều chỉnh GDP tiếp theo; nhưng nếu xu hướng trước đó tiếp tục, GDI thực có thể tiếp tục báo hiệu sự suy thoái.
Điều tương tự đang xảy ra với lạm phát.
Các bên tham gia thị trường và chính phủ có thể cho rằng dữ liệu lạm phát đo bằng chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân là rất tích cực, nhưng nếu chúng ta xét đến các dịch vụ không thể thay thế, đặc biệt là nhà ở, thì những dịch vụ này đang tăng giá trên 5%.
Những con số được đề cập ở trên có vẻ giống như một giấc mơ đối với bất kỳ công dân khu vực đồng euro nào, nơi GDP thực đang suy thoái ngay cả khi có đại quỹ “Liên minh Âu Châu Thế hệ Tiếp theo” (NGEU) và trong khi mọi quy tắc tài khóa đã được gạt bỏ. Tuy nhiên, công dân Hoa Kỳ phải hiểu rằng hướng đi của nền kinh tế châu Âu chỉ dẫn đến sự trì trệ. Nếu quý vị đi theo các chính sách của châu Âu, thì quý vị sẽ gặp phải tình trạng trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao như ở châu Âu.
Bài học ở đây là cái gọi là tiền “kích thích từ chính phủ” luôn có nghĩa là nợ nhiều hơn, từ đó có nghĩa là đánh thuế nhiều hơn, tăng trưởng thấp hơn, mức lương thực tế cho các gia đình yếu hơn, cũng như môi trường khắc nghiệt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng sáu trong số 10 người được CBS News thăm dò cho biết họ đánh giá nền kinh tế đang trong trạng thái “khá tệ” hoặc “rất tệ”. Chính sách kinh tế của Hoa Kỳ đang ngày càng xa rời thực tế đối với các doanh nghiệp nhỏ và gia đình, những bên cảm nhận được tác động tiêu cực của lạm phát và việc cắt giảm lãi suất sau đó. Trong khi quy mô của chính phủ trong nền kinh tế tăng lên, thì dường như các số liệu tổng hợp lại cách xa thực tế mà người Mỹ hiện đang sinh sống.
Ở châu Âu, tình hình cũng là tương tự: các chính phủ reo hò khi có những thay đổi về tổng GDP và lạm phát hàng năm, trong khi người dân bình thường thì nhận thấy sức mua của tiền lương giảm nhanh chóng và khả năng trang trải cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn phức tạp hơn. Các doanh nghiệp nhỏ cảm thấy lợi nhuận biên bị phá hủy khi lạm phát tăng cao và chịu thiệt hại gấp đôi khi lãi suất tăng vì toàn bộ gánh nặng của việc mở rộng và thu hẹp chính sách tiền tệ đang đè lên vai người lao động bình thường và các doanh nhân nhỏ.
Điều quan trọng cần nhớ là tình trạng thảm khốc đối với đa số người dân này xảy ra sau một chuỗi các kế hoạch kích thích tài khóa và tiền tệ chưa từng có được áp đặt dưới thông điệp tái phân phối và giúp đỡ giai tầng trung lưu, trong khi thực tế cho thấy rằng sự đàn áp tài chính, quy mô chính phủ to lớn, và nợ nần chồng chất gia tăng đang hủy hoại giai tầng trung lưu, mà các số liệu tổng hợp lại nói với họ rằng họ nên biết ơn. Các chính sách chưa bao giờ có hiệu quả hiện đang được khai triển với một tốc độ đáng kinh ngạc cùng với những mức độ in tiền và nợ to lớn, và chính phủ thì đổ lỗi cho bất kỳ ai ngoại trừ chính họ về niềm tin yếu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đây không phải là một nền kinh tế mạnh. Thâm hụt và nợ to lớn sẽ đồng nghĩa với việc đánh nhiều thuế hơn, ít cơ hội hơn, tiền lương thực tế yếu hơn, và tăng trưởng yếu hơn trong tương lai. Tôi đến từ khu vực đồng euro và tôi biết điều đó. Tôi đến từ tương lai của nước Mỹ nếu họ tiếp tục đi theo con đường này: trì trệ và thất nghiệp gia tăng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times