Rắc rối ở thiên đường tiền tệ? Fed và các ngân hàng trung ương thua lỗ hàng tỷ USD mỗi năm
Khoản lỗ ngày càng tăng của Hệ thống Dự trữ Liên bang đồng nghĩa với việc có ít tiền hơn để bù đắp thâm hụt ngân sách cho chính phủ Hoa Kỳ.
Hệ thống Dự trữ Liên bang và các đối tác hoạch định chính sách tiền tệ trên toàn thế giới của ngân hàng trung ương này đã ghi nhận những mức thua lỗ to lớn khi họ tăng lãi suất để chống lạm phát. Bất chấp các khoản thâm hụt khá lớn hiển thị trên sổ sách, các chủ tịch ngân hàng trung ương không tin rằng những vấn đề này sẽ thay đổi cách thức họ tiến hành chính sách tiền tệ.
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ được tài trợ từ tiền lãi thu được từ việc nắm giữ chứng khoán của họ, vốn được mua từ hoạt động thị trường mở để tác động đến lãi suất trên thị trường nợ.
Các khoản thu nhập từ lãi nắm giữ chứng khoán này được chuyển đến Bộ Ngân khố, được gọi là các khoản chuyển trả (remittance). Từ tháng 01/2011 đến tháng 09/2022, Fed đã gửi cho Hoa Thịnh Đốn khoảng 1 ngàn tỷ USD các khoản chuyển trả tích lũy. Số tiền này đã giúp chính phủ liên bang thanh toán một số hóa đơn và bù đắp được một phần nhỏ thâm hụt ngân sách đang tăng cao.
Trong 19 tháng, Fed đã chìm sâu trong thua lỗ, tích lũy khoảng 1 ngàn tỷ USD tiền lỗ chưa thực hiện. Fed đã phải chịu sự sụt giảm hoạt động lớn vì Fed phải trả lãi suất cho các ngân hàng ở mức 5.5%, nghĩa là chi phí lãi vượt quá thu nhập lãi. Khi lãi suất phải trả ở mức gần bằng 0, thì những chi phí này từng là rất nhỏ.
Sự thua lỗ của Fed cũng có nghĩa là Bộ Ngân khố không còn nhận được tiền miễn phí nữa, với dữ liệu H.4.1 cho thấy lượng chuyển tiền âm của ngân hàng trung ương là 151 tỷ USD trong tuần lễ kết thúc hôm 21/02. Kết quả là, dòng doanh thu của Hệ thống Dự trữ Liên bang không những bị xóa sạch mà còn làm tăng thêm vào khoản nợ và thâm hụt của liên bang.
Nghiên cứu của các nhà kinh tế đến từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis cho thấy rằng có thể mất gần 4 năm để ngân hàng trung ương bù đắp khoản lỗ thu nhập và gửi lại lợi nhuận cho Bộ Ngân khố.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Fed có thể bắt đầu gửi lợi nhuận vào Bộ Ngân khố vào đầu năm tới.
Cho đến lúc đó, Fed sẽ tránh được một thảm họa tài khóa và tránh được sự hoảng loạn ở Wall Street vì các nhà quản lý tiền tệ đã định nghĩa lại các khoản nợ tiêu cực là tài sản trả chậm.
Nhân viên của ngân hàng trung ương khu vực này viết: “Một khi Fed quay trở lại có thu nhập ròng dương, họ sẽ thanh toán cho tài sản bị trả chậm cho đến khi trả hết, lúc đó Fed sẽ tiếp tục chuyển trả cho Bộ Ngân khố.”
“Tài sản bị trả chậm này được tích lũy cho đến khi Fed thấy thu nhập ròng là dương, tình huống này sẽ xảy ra một khi lãi suất của các tài sản dài hạn mà họ sở hữu bắt đầu vượt quá lãi suất trả cho tiền gửi dự trữ của các ngân hàng và các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo).”
Nhân viên của Fisher Investments ví tài sản trả chậm này với “tình trạng thua lỗ hầu như là trên giả định” vì Fed không duy trì các yêu cầu về vốn như các ngân hàng thương mại.
“Ngân hàng trung ương không phải là một công ty. Họ không thể tuyên bố phá sản, họ không phải chịu những đợt rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng, và họ không phải lo lắng về việc bảo đảm hoàn trả được tiền cho các chủ nợ và nhà đầu tư,” công ty tư vấn đầu tư này viết trong một ghi chú.
Ông Peter St. Onge, thành viên của Quỹ Di Sản và Viện Mises, cho biết “mẹo kế toán dễ thương” này cho phép Fed tránh phải thực hiện “bước đi đáng xấu hổ.”
Rắc rối tiền tệ ở châu Âu
Xu hướng tiền tệ tương tự đang hình thành trên khắp châu Âu.
Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) đã công bố khoản lỗ hàng năm đầu tiên kể từ năm 2004. Nguyên nhân của khoản lỗ này? Giống như Fed, ECB phải chịu chi phí lãi vay cao hơn đối với các khoản nợ quan trọng, và thu nhập từ lãi trên tài sản đã không theo kịp lãi vay trong bối cảnh lãi suất cao hơn và thời gian đáo hạn dài.
Các quan chức của ECB đã báo cáo khoản lỗ 1.4 tỷ USD trong năm 2023, và con số sau cùng có thể còn cao hơn, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã công bố khoảng 7 tỷ USD mà ngân hàng trung ương này đã tích lũy được trong vài năm.
Ngân hàng này dự kiến sẽ thua lỗ nhiều hơn trong những năm tới.
Tuy nhiên, ECB không tin rằng những thua lỗ này sẽ cản trở “khả năng thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả của ngân hàng.”
ECB cho biết trong một tuyên bố: “Sức mạnh tài chính của ECB được gia cố hơn nữa thông qua nguồn vốn và việc định giá lại đáng kể các tài khoản của ECB, tổng cộng lên tới 46 tỷ euro vào cuối năm 2023.”
“Sau gần hai thập niên thu về lợi nhuận đáng kể, khoản lỗ này phản ánh vai trò và các hành động chính sách cần thiết của Hệ thống Âu Châu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính là duy trì sự ổn định giá cả và không làm ảnh hưởng đến khả năng của mình trong thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả.”
Tại Đức, Bundesbank báo cáo thu nhập lãi ròng ở mức âm 15 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử gần 7 thập niên của ngân hàng này. Khi những khoản lỗ này tăng vọt lên khoảng 23 tỷ USD, các khoản dự phòng rủi ro của ngân hàng trung ương Đức đã bị xóa sổ.
Các quan chức dự đoán “gánh nặng thua lỗ sẽ lại tăng đáng kể trong năm nay.” Tuy nhiên, họ khẳng định những lỗ hổng này sẽ không ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách.
Người đứng đầu Bundesbank Joachim Nagel nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm 23/02 rằng: “Bảng cân đối kế toán của Bundesbank rất tốt. Bundesbank có thể chịu gánh nặng tài chính, vì tài sản của ngân hàng vượt lên trên đáng kể so với nghĩa vụ phải trả.”
Còn ngân hàng trung ương Hà Lan thì đã phải chịu khoản lỗ đầu tiên kể từ năm 1931, với tổng trị giá khoảng 500 triệu USD. Giống như các đối tác của họ, Ngân hàng De Nederlandsche (DNB) đang dự kiến sẽ phải chịu thêm lỗ trong những năm tới, và các khoản dự phòng tích lũy có thể sẽ bị không còn.
DNB cho biết trong một tuyên bố, “Lãi suất cao hơn khiến DNB chắc chắn phải trả lãi nhiều hơn cho số dư mà các ngân hàng thương mại nắm giữ tại DNB. Trong khi đó thu nhập từ việc nắm giữ trái phiếu chính phủ, loại tài sản đã tăng đáng kể nhờ các chương trình mua tài sản của ECB, lại không tăng cùng với lãi suất phải trả.”
Không chốn dung thân cho đồng Yên xưa
Nhật Bản đang trải qua số phận tương tự như những quốc gia khác.
Tính đến cuối tháng 09/2023, khoản lỗ chưa thực hiện của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đối với việc nắm giữ trái phiếu chính phủ đã vượt quá 71 tỷ USD, ngân hàng trung ương này xác nhận vào cuối năm ngoái.
Giá trái phiếu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lợi suất tăng do giao dịch theo xu hướng giá nghịch đảo so với lãi suất.
Các nhà hoạch định chính sách của BoJ không quá lo ngại vì nếu trái phiếu được giữ đến ngày đáo hạn, thì khoản lỗ trên sổ sách tính theo giá thị trường sẽ không ảnh hưởng đến mức thu nhập thực tế. Đồng thời, các nhà kinh tế cảnh báo rằng nguồn tài chính yếu kém của BOJ có thể kích hoạt những lo lắng trên thị trường tài chính, làm ảnh hưởng đến đồng yên và lãi suất.
Các nhà kinh tế của Fitch Ratings nói rằng những khoản lỗ này sẽ không làm thay đổi chính sách tiền tệ của Tokyo, nhưng rủi ro tổn thất tài chính có thể khiến sổ sách của chính phủ trở nên tệ hơn.
Công ty xếp hạng này cho biết trong một báo cáo: “Ngay cả một tác động tương đối khiêm tốn đối với thâm hụt tài khóa cũng có thể có ý nghĩa quan trọng đối với xếp hạng quốc gia trước thực tế về con đường tài khóa và động lực nợ của Nhật Bản, đặc biệt là khi tác động đó xảy ra vào thời điểm chi phí lãi suất của chính phủ cũng đang tăng lên.”
Mùa hè vừa qua, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, cho phép lợi suất trái phiếu dài hạn tăng lên cao tới 1%.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times