Người nghệ sĩ tài ba lấy cảm hứng sáng tác từ đức tin, đưa thư pháp truyền thống trở lại
Anh Jake Weidmann đang hồi sinh nghệ thuật thư pháp và một cách tiếp cận nghệ thuật mang âm hưởng truyền thống, dựa trên nền tảng đức tin
Trước khi đặt ngòi bút lên trang giấy, anh Jake Weidmann thưởng thức âm nhạc cổ điển để làm dịu cảm xúc và gột sạch tâm trí. Cảm giác căng thẳng thoáng qua nhất cũng có thể cản trở vũ điệu uyển chuyển của ngòi bút đó. Sự rung rinh nhỏ nhất cũng sẽ tạo thành một chỗ khiếm khuyết trong chất mực lỏng của những nét bút hoa mỹ.
Thư pháp khi đạt đến hình thức cao nhất chính là một môn nghệ thuật, và anh Weidmann là một trong số ít những người trên toàn thế giới thành thạo về lĩnh vực này. Anh là một bậc thầy viết chữ thư pháp, là một trong 16 người được Hiệp hội International Association of Master Penmen, Engrossers, and Teachers of Handwriting (IAMPETH) chứng nhận. Anh chia sẻ rằng, “Bạn không luyện tập cho đến khi mình viết đúng; mà bạn luyện tập cho đến khi mình không còn viết sai nữa.” Mỗi nét chữ đều phải hoàn hảo, hoặc là toàn bộ tác phẩm đó sẽ bị phá hỏng. “Tôi luôn có một tình yêu sâu sắc dành cho thư pháp — và kỳ thực nói rộng hơn là nghệ thuật viết chữ đẹp,” anh Weidmann nói. “Tôi lớn lên với lòng ngưỡng mộ dành cho những dòng chữ nét nghiêng [của mẹ tôi]: những ký tự cuộn vào nhau thật đẹp, các dòng chữ nghiêng nghiêng chạy dọc theo trang giấy trông như mưa rơi.”
Một nghệ sĩ triển vọng
Anh Weidmann đã bắt đầu nhìn nhận bản thân là một nghệ sĩ khi anh lên 6 tuổi, sau một trận cháy nhà để lại cho anh không gì hơn ngoài giấy, bút chì, và trí tưởng tượng. Anh Weidmann chia sẻ, “Việc có thể sáng tạo những thế giới mới khi thế giới của tôi rơi vào tình cảnh hỗn độn chính là một món quà tuyệt vời từ Chúa.”
Kể từ đó, anh đã cống hiến cuộc đời mình cho cái đẹp dưới mọi hình thức: thư pháp, hội họa, điêu khắc, và các chất liệu nghệ thuật khác, tại đây chỉ nêu ra một số ví dụ. Anh cũng từng học qua diễn xuất, để truyền tải được nghệ thuật diễn thuyết và nghệ thuật biểu đạt; và tâm lý học, để tôn vinh sắc thái của các cảm xúc con người, điều tạo cho người ta cá tính. Môn tập thể hình, điều rèn giũa cho anh có được vóc dáng cân đối, cũng là một điều mà anh theo đuổi. Anh ấy là một nghệ sĩ thực thụ.
Với cách tiếp cận nghệ thuật toàn vẹn này, đầu tiên anh Weidmann bắt đầu luyện kỹ năng viết chữ sao cho ngay cả chữ viết hàng ngày của anh cũng phải đẹp. Một người bạn cùng lớp đại học của anh đã chú ý đến điểm này, và cô ấy đã nhờ anh viết những tấm thiệp cưới cho cô. Nhờ đó, anh Weidmann đã bắt đầu học viết thư pháp vào thời gian rảnh. Để luyện tập, anh đã làm các bài tập ở trường bằng chữ thư pháp. Do không vừa ý với các dụng cụ bán sẵn ngoài cửa hàng mỹ thuật tại địa phương của anh, nên anh đã học cách dùng một máy tiện (một loại máy dùng để tạo hình các vật liệu) và tự thiết kế những cán bút riêng cho mình (anh cũng có bằng sáng chế cho mẫu thiết kế Weidmann’s Ergonomic Oblique Penholder mà hiện nay anh đang kinh doanh).
Chính vào năm 2011 là lúc anh trở thành một trong 11 bậc thầy viết chữ thư pháp trên thế giới được Hiệp hội IAMPETH chứng nhận. Hiện nay, con số này đã là 16 người, và niềm hứng thú dành cho loại hình nghệ thuật này dường như cũng tăng lên. Anh Weidmann chia sẻ rằng, “Khi tôi tham gia Hiệp hội IAMPETH này, chỉ có một số ít người cảm thấy hứng thú với thư pháp.” Anh cho biết, thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật viết thư pháp là khoảng từ cuối những năm 1800 cho đến những năm 1930, khi những người viết tay rất được săn đón để viết những giấy chứng nhận, các danh thiếp thiết kế, và những nghệ nhân này thực hiện được mọi công việc liên quan đến kinh doanh. [Sự ra đời của] máy đánh chữ đã khiến phần lớn công việc của họ bị lỗi thời. Ngày nay, khi không còn chức năng thuần túy của nó nữa, thì nghề này được bảo tồn trong lĩnh vực nghệ thuật.
“Nghệ thuật viết chữ khẳng định là đang chứng kiến [một quá trình] đại loại như một sự phục hưng,” anh Weidmann cho biết. “Có rất nhiều người trên toàn thế giới đang học viết chữ thư pháp … dưới mọi hình thức, dù đó là một số hình thức khác theo kiểu Anh như chữ Old English, hay là các hình thức theo kiểu Đức như chữ Fraktur. Và rồi có rất nhiều người đã nảy sinh một tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật viết chữ trang trí, phong cách viết chữ kiểu Mỹ đích thực. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, có một hiệp hội lớn hiện đang nghiên cứu di sản nghệ thuật viết tay của Mỹ quốc.”
Mặc dù anh Weidmann sử dụng cả hai phong cách Âu Châu và Mỹ, nhưng anh lấy nguồn cảm hứng đặc biệt từ một trong những người khai sinh của nghệ thuật viết chữ trang trí Mỹ quốc.
Một loại hình nghệ thuật thuần chất Mỹ, dựa trên nền tảng đức tin
Ông Platt Rogers Spencer đã sáng tạo kiểu chữ Spencerian, là một phong cách viết chữ nghiêng rất phổ biến vào thế kỷ 19. Anh Weidmann giải thích rằng, kiểu chữ này lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của vùng Trung Tây Mỹ quốc, đặc biệt là khu vực lân cận Hồ Geneva ở Wisconsin, nơi ông Spencer sống. “[Ông ấy] đã lấy cảm hứng từ những bông lúa mì nghiêng nghiêng trong gió,” anh Weidmann chia sẻ. “Ông ấy đã tìm thấy nguồn cảm hứng dạt dào từ những gợn sóng trên Hồ Geneva, từ dòng chảy mà ông nhìn thấy bên những con suối cạnh nhà, hoặc từ những viên đá tròn mà ông tìm thấy trên những bờ hồ. Những viên đá tròn đó đã hóa thành những hình dáng bầu dục mà ông đã đưa vào chữ viết [của mình].” Chữ viết của ông Spencer nhẹ nhàng và mềm mại hơn so với các kiểu chữ Old World phổ biến thời bấy giờ. Ví dụ, kiểu chữ này ít hao mực hơn so với kiểu chữ English Roundhand (kiểu chữ được dùng trong Bản Tuyên Ngôn Độc lập Mỹ).
“Về bản chất, kiểu chữ này mang [ý nghĩa] thần học tuyệt đẹp và sâu sắc,” anh Weidmann chia sẻ. “Ông Spencer tin rằng Thiên Chúa, là đấng sáng tạo của mọi vẻ đẹp, đã truyền tải vẻ đẹp đó vào tự nhiên. Và vì vậy, nếu ông lấy nguồn cảm hứng cho chữ viết của mình từ tự nhiên, thì ông sẽ có được vẻ đẹp của Thiên Chúa trong tầm tay.” Triết lý của anh Weidmann cũng giống như vậy. “Đức tin của tôi là phần không thể tách rời trong tất cả những việc mà tôi làm với tư cách một người nghệ sĩ, và tôi tin rằng một trong những trách nhiệm căn bản của người nghệ sĩ không phải là tạo ra các thế giới mới, mà là làm mới thế giới này — để thực sự mở rộng tầm mắt của người chiêm ngưỡng trước vẻ đẹp của Thiên Chúa luôn hiện hữu xung quanh chúng ta,” anh chia sẻ.
Ngược lại, anh Weidmann cho biết, nghệ thuật hiện đại không hướng đến bất kỳ điều gì siêu thường, bất kỳ điều gì cao cả hơn. Tuy nhiên, anh vẫn tin rằng sức mạnh vĩ đại nhất của nghệ thuật là khả năng hướng đến những điều cao cả hơn, những điều thiêng liêng. Anh chia sẻ, nghệ thuật hiện đại đã đánh mất tính biểu hiện. Nghệ thuật hiện đại nói với chúng ta chỉ xem hình vẽ trên mảnh vải canvas: nghệ thuật vị nghệ thuật. Thay vì trở thành một ngôn ngữ phổ quát về cái đẹp, anh Weidmann cảm thấy nghệ thuật hiện đại thật vô nghĩa và khó lý giải — và đã bị những thủ thuật kích động [tâm can] làm cho ô uế.
Bài viết nguyên gốc được đăng tải trên tạp chí American Essence.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times