Nhu cầu về cái đẹp của chúng ta: Kiến trúc
Nhân loại có một khát khao mạnh mẽ về cái đẹp, và nếu bạn bỏ qua khát khao đó trong kiến trúc, các tòa nhà của bạn sẽ không tồn tại dài lâu, vì mọi người sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái khi ở trong đó. — Roger Scruton
Hãy bắt đầu bằng một chuyến viếng thăm đến Vương cung thánh đường Thánh Lawrence ở trung tâm thành phố Asheville, North Carolina.
Khi bước vào nhà thờ theo phong cách Phục Hưng Tây Ban Nha do kiến trúc sư Rafael Guastavino thiết kế này, ngay lập tức chúng tôi biết rằng mình đang ở một nơi linh thiêng. Thông thường, các du khách mới vừa nãy còn cười to và tranh luận về các nhà hàng cho bữa trưa sẽ thinh lặng khi họ bước từ vỉa hè nhộn nhịp vào vương cung thánh đường này. Nơi đây, trong bóng tối yên tĩnh, các ngọn nến chiếu lung linh. Từ những bức tường, các bức tượng của các vị thánh nhìn vào cõi vĩnh hằng, trong khi ở phía trước nhà thờ là những bức tượng của Mẹ Maria và Thánh John đang than khóc về việc Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Bao phủ các bức tường của chỗ tụng niệm là những bức chân dung bằng đất nung nhiều màu của Bốn Thánh Viết Phúc Âm (the Four Evangelists) và các thiên thần Raphael và Michael. Phía trên gian cung thánh là mái vòm hình elip, biệt lập, lớn nhất ở Bắc Mỹ. Không gian này đã loan báo mục đích của mình: thờ phượng và cầu nguyện.
Rời vương cung thánh đường và lang thang xuống đồi, chúng tôi băng qua cây cầu bắc qua đường cao tốc, và tản bộ dọc Đường Flint. Ở đây, chúng tôi tìm thấy những ngôi nhà có niên đại từ một thế kỷ trở lên: những cấu trúc lập dị với các phần hiên có mái vòm (porch) bao quanh, các đỉnh tháp cao trên mái vòm (cupola), các vọng lâu, và những bãi cỏ rộng được những cây sồi và cây thích cao lớn phủ bóng mát. Rõ ràng là những người thiết kế những ngôi nhà này mong muốn cải thiện cuộc sống của các gia đình cư ngụ trong đó.
Bây giờ chúng ta sẽ đảo ngược hướng và đi đến khu vực trung tâm thành phố. Vào năm 1929, Asheville là một thị trấn đang ăn nên làm ra, là nơi thu hút những người giàu có và nổi tiếng, đồng thời là một nơi tụ tập của các nhà xây dựng, thợ thủ công, và kiến trúc sư. Cuộc Đại Khủng Hoảng đã chấm dứt sự phát triển bùng nổ này. Thành phố đã dành 50 năm tiếp theo để trả nợ và không thể trợ giúp tài chính cho các tòa cao ốc hoặc các công trình kiến trúc hiện đại khác. Kết quả là, gần 200 tòa nhà theo phong cách art deco đã thoát khỏi tình cảnh bị phá hủy.
Ở đây, chúng tôi tìm thấy những kho báu như Tòa nhà Flatiron, một bản sao của tòa nhà Flatiron ở New York; Quán cà phê S&W với sự kết hợp xa hoa của đồ trang trí màu xanh lam, vàng, và bạc; và trung tâm thương mại Grove Arcade với những bức tượng gargoyles (những máng xối được chạm khắc vào kiến trúc của các nhà thờ cổ, thường ở dạng một loài vật hoặc con người kỳ dị) và những chú sư tử chạm khắc, tầng trệt gồm các cửa hàng và nhà hàng, bên trên là các căn hộ và chung cư tràn ngập hoa treo và lan can lưới sắt. Động lực kiến trúc thúc đẩy đằng sau những tòa nhà này và các tòa nhà lân cận khác là độ thích dụng và tính thẩm mỹ.
Cách đó không xa, chúng tôi tìm thấy Ngôi nhà Biltmore, ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất Mỹ quốc, với nhiều bức tranh, tác phẩm điêu khắc, và thảm trang trí có giá trị. Gần đó là công viên Grove Park Inn. Công viên này được 400 người đàn ông làm việc theo ca 10 giờ sáu ngày một tuần xây dựng vào đầu thế kỷ 20 trong vòng chưa đầy một năm. Như cựu Ngoai trưởng William Jennings Bryan đã nói trong bài diễn văn khánh thành của ông tại Inn, không nghi ngờ gì khi nhìn vào những bức tường đá to lớn, “Công trình này được xây dựng để tồn tại lâu dài.” Vâng, và vì [để tôn vinh] cái đẹp nữa.
Không phải tất cả các công trình công cộng đều phải đồ sộ để làm hài lòng các tri giác thẩm mỹ. Chẳng hạn, gần nhà con gái tôi ở Front Royal, Virginia, là một nhà thờ Giám lý bằng ván gỗ màu trắng có một gác chuông cao trên đỉnh. Được bao quanh bởi những ngọn núi và cánh đồng, nhà thờ này sẽ gây ấn tượng với hầu hết những vị khách qua đường như một công trình đáng được tán dương. Quán Cà phê Happy Creek ở Front Royal, nơi mà tôi đang viết những dòng chữ này, được xây dựng để làm một chuồng ngựa vào năm 1885, và sự tinh xảo của những công trình gạch cổ cùng những thanh dầm và thanh giằng của công trình này vẫn thu hút được sự thán phục của các du khách.
Sự tàn lụi hiện đại
Có lẽ xu hướng sử dụng thủy tinh và nhựa bắt nguồn từ việc áp dụng sai nguyên tắc “Hình dáng theo sau chức năng” của kiến trúc sư Louis Sullivan. Có lẽ các triết lý về chủ nghĩa vị lợi và thuyết tương đối chính là lý do của sự vắng mặt của tính thẩm mỹ và sức quyến rũ trong rất nhiều công trình của chúng ta.
Dù thế nào đi chăng nữa, sự xấu xí này thậm chí còn khiến một số thợ xây kinh hoàng. Trong tác phẩm “From Bauhaus to Our House” (Từ Bauhaus Đến Ngôi Nhà Của Chúng Ta), lần công kích nổi tiếng của tác giả Tom Wolfe vào kiến trúc hiện đại, ông Wolfe viết rằng nhiều kiến trúc sư “tuyên bố rằng chính họ cũng cảm thấy kinh hoàng. Không cần đỏ mặt, họ sẽ nói với bạn rằng kiến trúc hiện đại đã cạn kiệt, đã thoái trào. Chính họ cũng nói đùa về những chiếc hộp thủy tinh.”
Trong vài thập niên qua, các nhà phê bình nổi bật khác, trong đó có Vương tử Charles của Vương quốc Anh, cũng chỉ trích kiến trúc hiện đại. Một trong số những người gièm pha như vậy là triết gia Roger Scruton. Trong bài viết luận của mình cho The Epoch Times vào ngày 10/04/2017, “Tôn Vinh Vị Triết Gia Của Cái Đẹp,” tác giả Milene Fernandez thuật lại rằng triết gia Scruton “gọi kiến trúc là một ‘lĩnh vực quan trọng nhất của thực hành nghệ thuật’ và chỉ trích kiến trúc sư hiện đại Le Corbusier vì đã phá hủy tính nghệ thuật của ngành kiến trúc. Kiến trúc chú trọng công năng bằng bê tông và kính đã vượt qua các thành phố trên khắp thế giới là một phong cách quen thuộc với mọi người. “Đó như là những lớp khay bếp nằm ngang xếp chồng lên nhau cho đến khi bạn đạt đến giới hạn ngân sách,” anh ấy nói, trong khi khán giả cười phá lên.”
Và chưa hết …
Có lý do để hy vọng.
Các tổ chức như Viện Kiến trúc Truyền thống và Hiệp hội Nghệ thuật Công giáo, cả hai đều thúc đẩy các hình thức xây dựng nhân văn hơn, đang nổi lên. Trang web New Traditional Architecture cung cấp một loạt các hình ảnh đẹp. Các hình ảnh này trưng bày [cho chúng ta] thấy cách pha trộn các hình thức kiến trúc cũ hơn với những ý tưởng hiện đại, rõ ràng hơn những gì mà từ ngữ có thể miêu tả.
Cách quán cà phê Happy Creek vài dặm là trường Đại học Christendom, một trường Công giáo nhỏ nơi các thầy cô và học sinh xem trọng ba điều tiên nghiệm — chân, mỹ, và thiện. Trường đại học này rất xem trọng cái đẹp. Điều này có thể nhìn thấy trong các tòa nhà của trường, hầu hết được xây dựng theo một “phong cách Virginia truyền thống.” Thư viện đặc biệt đẹp, với “hình thức căn bản lấy cảm hứng từ các nguyên tắc soi dẫn của trường đại học này: Sảnh vào hình bát giác, có hình vòm như một phép ẩn dụ cho Đức tin, trong khi giếng trời hai tầng ở trung tâm của thư viện là hiện thân của Luân lý,” theo trang web thư viện của trường đại học này.
Năm nay trường này đã bắt đầu xây dựng một nhà nguyện hình chữ thập, với sức chứa 750 chỗ ngồi và một tháp Gothic cao 130 feet. Giống như triết gia Roger Scruton và những người khác, những người xây dựng nhà nguyện này nhận ra tầm quan trọng của vẻ đẹp của một tòa nhà. Họ hiểu rằng nếu muốn dạy về cái đẹp, họ phải đưa ra những ví dụ về vẻ đẹp đó cho các sinh viên của mình.
Những người tin vào truyền thống và sức mạnh cứu rỗi của chân, mỹ, và thiện bị mất tinh thần khi hằng ngày phải đối mặt với một nền văn hóa thấm đẫm sự thô bỉ và tầm thường — không chỉ trong kiến trúc mà còn trong tất cả các loại hình nghệ thuật và quảng trường công cộng. Đôi khi, nền văn hóa đó dường như không có bất kỳ khả năng cứu chuộc nào; nền văn hóa đó giống như một bãi đậu xe rộng lớn, trống rỗng với một vài mẩu giấy vụn bay trên đường nhựa.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể quan sát thấy các vết nứt trên mặt đường ảm đạm đó.
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times