Hành trình vượt qua căn bệnh chấn thương sọ não của một cựu chiến binh Hải Quân
Phía sau những thành tựu tuyệt vời của cô Amanda Burrill là cả một thập kỷ chống chọi với căn bệnh chấn thương sọ não.
Cô Amanda Burrill đã thực sự sống nhiều cuộc đời. Cô làm việc với vai trò là nhân viên cứu hộ bơi lội của Hải Quân, người mẫu, diễn viên, đầu bếp được đào tạo bởi Cordon Bleu*, biên tập viên nội dung thể thao cho Thời báo New York Post, người dẫn chương trình trực tuyến cho kênh Travel Channel, và là vận động viên ba môn phối hợp và chạy marathon được tài trợ. Cô còn là vận động viên leo núi, hiện tại đã hoàn thành hơn một nửa kế hoạch chinh phục The Seven Summits – Bảy đỉnh núi cao nhất trên các châu lục – trước mùa xuân năm 2023.
Cô Burrill 42 tuổi cho biết “Tôi đạt được tất cả những thành công này là nhờ việc trở thành một người phụ nữ thời Phục Hưng yêu thích phiêu lưu mạo hiểm. Tuy nhiên, bản thân tôi biết rõ câu chuyện chân thật đó là gì.” Trong hầu hết mọi nỗ lực của cô, “ở đó không hề có bất kỳ dự định nào cả, chỉ là vấn đề sinh tồn. Nhưng đó là sự sinh tồn đầy khí chất.”
Trong nhiều năm, cô liên tục thay đổi từ công việc này sang công việc khác để che giấu các triệu chứng của căn bệnh chấn thương sọ não. Khi biết mình sắp xuất hiện triệu chứng bệnh tật, cô sẽ lặng lẽ chuyển việc thay vì để mình trượt ngã.
Cô không biết mình bị chấn thương não, mà chỉ biết rằng mình bị mất các chức năng nhận thức quan trọng. Cô bắt đầu thấy khó đọc và giải quyết thông tin. Khả năng phối hợp giữa tay và mắt suy yếu. Cảm giác của cô đối với chồng mình cũng đột nhiên thay đổi. “Thật tệ khi phải nói rằng, ‘tôi không còn yêu chồng mình nữa.’ Nhưng tôi thực sự cảm thấy như vậy và không thể hiểu tại sao, nhưng rõ ràng phải có nguyên nhân. Tôi cảm thấy rất tệ, và thấy thật xấu hổ,” cô Burrill chia sẻ.
Khi trở về nhà sau kỳ khai triển quân sự vào tháng 07/2003, cô đã ly hôn, mặc dù cô nói rằng chồng mình chính là người duy nhất “có khả năng quan sát tôi và nhận biết có điều gì đó rất nghiêm trọng đã thay đổi.”
Burrill đã không liên kết các triệu chứng này với một lần chấn thương do ngã trên một chiếc tàu giam giữ tù nhân vào năm 2003. Sự việc diễn ra trong chuyến đi đến Iraq, lúc đó không có ai ở gần để chứng kiến việc cô bị ngã. Sau đó, cô được tìm thấy đang nằm bất tỉnh ở boong tàu. Bác sĩ cũng không chẩn đoán được. Bộ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ thậm chí đã ghi nhận các triệu chứng của cô thành nhiều vấn đề khác nhau, có cả chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và chứng đau cơ xơ hóa.
“Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là một chẩn đoán tổng hợp thuận tiện để giải thích cho tất cả các triệu chứng của tôi,” cô Burrill nói. Mặc dù cô không hề cảm thấy tổn thương sâu sắc bởi các trải nghiệm thời chiến của mình. Các biện pháp trị liệu và thuốc men mà bác sĩ đưa ra không hề cải thiện tình trạng của cô. Có rất nhiều triệu chứng bệnh của Burrill không thể giải thích được nếu cho rằng cô chỉ mắc chứng PTSD. “Có rất nhiều thứ đã diễn ra ở đây và ở kia, các vấn đề huyền bí, và tôi không thể liên kết các điểm ấy lại với nhau được,” cô chia sẻ.
Mười ba năm đã trôi qua trước khi cô được chẩn đoán chấn thương sọ não chính là nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh này. Trong suốt những năm đó, cô đã che giấu các triệu chứng bởi vì xấu hổ trong khi vật lộn với hệ thống y tế để tìm kiếm các bác sĩ có thể xem xét những nguyên nhân thể chất và ngừng nói rằng cô chỉ mắc các vấn đề về tâm lý.
“Một vấn đề lớn trong câu chuyện chấn thương sọ não của tôi chính là việc mọi người không nghe hoặc tin những gì tôi nói,” cô Burrill chia sẻ, và cô cảm thấy tổn thương tại các phòng khám bác sỹ còn nhiều hơn là tại các cuộc chiến.
Kể từ năm 2016, khi cuối cùng cũng đã được chẩn đoán đúng bệnh, cô nỗ lực tiến về phía trước trên hành trình chữa bệnh, tìm kiếm các phương pháp điều trị tiên tiến và cố gắng rất nhiều trong việc phục hồi chức năng của mình. Trong quá trình hồi phục xuất sắc đó, “họ gọi tôi với các biệt danh ‘học sinh ngôi sao’, ‘kỳ tích,’” cô Burrill nói. Cô đã tiến được rất xa, tuy nhiên lại nói rằng “điều đó không có nghĩa là tôi cảm thấy hoàn toàn tốt hơn.” Khi tiếp tục bước trên con đường trị liệu của mình, cô cũng đã trở thành một nhà vận động cho các cựu chiến binh và những người bị chấn thương sọ não khác.
Né tránh, ngay cả với chính mình
Từ khi bị chấn thương não vào năm 2003 cho đến khi kết thúc nghĩa vụ quân sự vào năm 2007, cô Burrill đã không chia sẻ nhiều về các triệu chứng của mình, thậm chí là với các bác sĩ.
“Tôi đã báo cáo những như tai nạn xe đạp và các vấn đề về tiêu hóa, nhưng không phải là vấn đề về cảm xúc. Trước đây, bạn có thể gặp vấn đề về tâm thần và vẫn ở trong quân đội. Tuy nhiên, quân nhân còn bị sa thải vì các vấn đề về sức khỏe tâm thần,” cô Burrill giải thích. Giờ thì mọi chuyện đã tốt hơn, cô nói, nhưng vào thời điểm đó, “Tôi thực sự buồn bã trước những vấn đề cảm xúc của bản thân.”
“Tôi nghĩ rằng thậm chí mình đã từ chối khả năng được chữa trị thật sự, kiểu như, ‘Này, tôi đang gặp vấn đề.’ Điều đó không được phép theo cách mà tôi được nuôi dưỡng và văn hóa quân đội,” cô Burrill nói. Cha cô, người đã phục vụ trong Hải Quân, huấn luyện cô trở nên mạnh mẽ và trở thành một vận động viên xuất sắc. Ông hướng cô tránh xa các lớp học đàn dương cầm và những theo đuổi thiên tính nhẹ nhàng. Phải thừa nhận rằng cô cảm thấy bệnh tật là yếu đuối.
Khi Burrill phát hiện ra rằng mình không còn có thể hoàn thành các cuộc họp giao ban hàng đêm một cách hiệu quả với tư cách là một sĩ quan tình báo, cô đã cố che giấu điều này bằng cách thay đổi công việc. Cân nhắc về những năng khiếu thể thao của mình, cô đã đề nghị tham gia vào khóa huấn luyện nổi tiếng khắc nghiệt dành cho nhân viên bơi cứu hộ của Hải Quân. Chỉ huy của cô cuối cùng đã đồng ý, và cô đã vượt qua khóa huấn luyện đó.
Burrill cũng có kế hoạch theo học trường luật sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Cô biết rằng điều đó không còn khả thi nữa bởi vì các thay đổi bí ẩn đã diễn ra. Burrill xác định bước đi tiếp theo trên con đường sự nghiệp bằng cách sử dụng điều mà cô gọi là “biểu đồ Venn* về cuộc đời trưởng thành của mình: Tôi làm tốt điều gì, tôi yêu thích làm điều gì, và đâu là điểm giao nhau của hai điều đó?” Nấu ăn là câu trả lời đầu tiên của cô. Mẹ của Burrill, một người tị nạn Việt Nam, là người phục vụ ăn uống, và Burrill chủ yếu học nấu ăn từ bà.
Burrill theo học tại Viện nghệ thuật ẩm thực Le Cordon Bleu nổi tiếng ở thành phố Los Angeles. Những thành công của cô một lần nữa bị che lấp bởi những thiếu sót bí ẩn. “Tại sao tôi lại quá tệ trong việc cắt những món nguyên liệu này?” Cô tự hỏi chính mình. Sự phối hợp giữa tay và mắt của cô bị ảnh hưởng bởi chứng chấn thương sọ não. Dù sao thì cô cũng đã vượt qua và đạt được một vị trí đáng mơ ước trong chương trình Test Kitchen của Thời báo Los Angeles Times. Điều này đã đưa cô đến với bước ngoặt tiếp theo, làm một phóng viên báo chí.
Burrill cảm giác rằng đó chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi cô không thể nào vượt qua được các giới hạn của chính mình. Vì vậy, cô đã theo học Cao học khoa báo chí của trường Đại học Columbia và nhận bằng thạc sĩ. Tập trung vào các chủ đề thể thao và du lịch giúp cô tránh khỏi các hoạt động nghiên cứu nhiều nhất có thể và viết bài dựa theo những kiến thức vốn có của mình.
Cô là người phụ nữ đầu tiên nhận được công việc biên tập các hạng mục thể thao cho Thời báo New York Post. Tuy nhiên, cô đã phải vật lộn với nhiều khía cạnh khác nhau trong công việc, thậm chí gặp phải khó khăn khi điền vào bảng chấm công để được trả lương. “Tôi luôn có cảm giác mình sắp bị phát hiện,” cô Burrill cho hay.
Chạy bộ là một việc phù hợp và đồng thời cũng đem lại nguồn thu nhập cho cô. Cô đã hoàn thành 25 cuộc đua marathon và ba môn phối hợp, bao gồm cuộc đua Ironman* Các ưu điểm về thể thao và thể hình cũng đã đưa cô đến với thế giới người mẫu thể hình, và cô đã xuất hiện hai lần trên trang bìa của tạp chí Runner’s World.
Căn bệnh bí ẩn đã làm lu mờ tất cả các thành tích sáng chói, bám chặt và đè bẹp tinh thần thể thao của cô. “Tôi đã cố gắng để tiếp tục làm một vận động viên ba môn phối hợp và marathon bất chấp tất cả những điều này, và căn bệnh ấy thật sự đã gây ra những thương tổn to lớn cho thân thể tôi,” Burrill nói. Chấn thương sọ não đã tác động đến việc lưu thông máu, tổn thương thần kinh và mất cơ bắp. Cô cũng tin rằng các loại thuốc mình đang dùng, nhằm điều trị những tình trạng mà cô không có, có thể đã ảnh hưởng đến tính toàn vẹn cấu trúc của cơ thể cô.
Burrill đã phải chịu nhiều chấn thương, tệ nhất trong đó là lần cô bị gãy vòm bàn chân trong cuộc đua Marathon ở Chicago vào năm 2015. “Bản thân tôi về cơ bản là luôn ở trong đôi bốt hoặc bó bột hoặc là đôi nạng trong suốt 17 tháng liền,” cô nói. Cô đã trải qua cuộc phẫu thuật để lắp một tấm kim loại vào bàn chân, và đó cũng chính là thời điểm kết thúc sự nghiệp chạy bộ của cô.
Vào tháng hai năm nay, cô đã làm phẫu thuật đầu gối – là cuộc phẫu thuật gần nhất trong số 20 lần cô đã trải qua. Trước khi bị chấn thương sọ não, cô gần như không có hoặc rất ít cần đến sự trợ giúp y tế.
Chấn thương não lần thứ hai
Vài tháng trước khi gặp chấn thương trong cuộc đua Marathon ở Chicago, Burrill đã bị ngã cầu thang trong tòa nhà chung cư của mình ở thành phố New York, đầu bị va đập vào bức tường đá cẩm thạch. Cô đã đến gặp một y tá thực tập tại phòng khám của Bộ Cựu Chiến Binh (VA) địa phương. “Anh ấy chỉ nói thế này, ‘bụng của cô đã bị va đập mạnh,’” cô chia sẻ. Việc té ngã xem ra không có gì nghiêm trọng.
“Các vấn đề của tôi ngày càng trở nên tồi tệ hơn, giống như những gì đã từng xảy ra, nhưng cũng giống các vấn đề mà tôi gặp phải với các chất nội tiết tố,” cô Burrill nói. Trong lần đến khám tại bệnh viện VA, cô phát hiện ra tại mỗi phòng khám đều có một nhân viên công tác xã hội để trả lời các cựu chiến binh cho những câu hỏi và những vấn đề khác nhau. “Bạn sẽ không biết những điều này cho đến khi bạn hầu như không thể đọc hoặc nhìn vào màn hình,” cô chia sẻ thêm.
Cô lập tức tiến đến văn phòng của nhân viên công tác xã hội. Anh là người đầu tiên yêu cầu cô chụp ảnh để khám chấn thương sọ não (TBI). Tình trạng TBI mà các cựu chiến binh gặp phải đã được hiểu rõ hơn trong những năm vừa qua. Bộ Quốc Phòng và Trung tâm chấn thương sọ não cựu chiến binh đã báo cáo hơn 400,000 trường hợp mắc TBI trong tổng số các thành viên đã phục vụ quân đội Hoa Kỳ từ năm 2000 đến cuối năm 2019.
Việc chụp chiếu đó đã dẫn đến nhiều đợt kiểm tra khác, và cuối cùng, đến năm 2016, cô đã được chẩn đoán. Các bác sĩ xác định cú ngã vào năm 2003 – cùng với nhiều đợt ngã sau đó và một số lần có khả năng ngã trên xe đạp – là nguyên nhân chính của căn bệnh chấn thương sọ não của cô.
Trong quá trình kiểm tra, cô được phát hiện là có khả năng hoạt động đặc biệt cao trong nhiều lĩnh vực, nhưng lại nằm trong nhóm 5% kém nhất đối với sáu lĩnh vực, bao gồm định hướng thị giác và trí nhớ làm việc.
Việc tìm ra và xác định đúng nguyên nhân căn bệnh đã giúp điều trị các triệu chứng của Burrill, như tiêu hóa kém, thận yếu, và các vấn đề nội tiết tố. Bộ não ảnh hưởng rất nhiều đối với cơ thể, và TBI có ảnh hưởng khác nhau ở những người khác nhau, điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán bệnh, và có nhiều cựu chiến binh đã bị chẩn đoán sai tương tự.
Đạt một tầm cao mới
Cô Burrill cho rằng một số các liệu trình đã thật sự giúp cho cô lấy lại được nhiều điều đã mất. “Nghe có vẻ giống như các trò chơi ở trường mẫu giáo. Tại Trung tâm điều trị chấn động Cognitive FX, ở tiểu bang Utah, tôi phải làm một số việc như dậm chân và giữ đúng nhịp, trong khi đó một người phụ nữ đứng cạnh tôi sẽ rút ra một tấm thẻ – ví dụ như tấm thẻ có ghi chữ R – và tôi phải đọc 10 từ bắt đầu bằng chữ R. Về cơ bản, bạn thực hiện nhiều hành động cùng lúc để giúp máu lưu thông đến khu vực của não đang thiếu hụt máu. Không nhất định là khu vực đó vẫn đang bị tổn thương, não có thể được chữa lành, tuy nhiên việc đó sẽ giúp máu lưu thông tốt.”
Thùy chẩm trái [Thùy chẩm là trung tâm xử lý thị giác của não động vật có vú, chứa hầu hết các vùng giải phẫu của vỏ thị giác] là phần bị tổn thương trong não bộ của cô, ảnh hưởng đến thị giác. Cô đã nhận được một cặp kính đặc biệt từ Học Viện Mind-Eye, gần thành phố Chicago. Chiếc kính này bẻ cong ánh sáng để chạm vào võng mạc của cô theo một cách khác biệt giúp truyền thông tin đến một khu vực không bị tổn thương khác của bộ não.
Khi nhìn lại khoảng thời gian đã qua, cô Burrill cho biết, việc cô chuyển từ công việc này sang công việc khác cũng phần nào giúp ích cho bản thân trước khi cô biết mình bị chấn thương sọ não. “Bộ não thích sự mới lạ,” cô chia sẻ – ví dụ như làm một ký giả về du lịch. “Bạn hãy nghĩ thử xem. Khi bạn đi đến một địa phương mới, thậm chí chỉ là để tìm hiểu hệ thống tàu điện ngầm hoạt động ra sao – thì đó cũng là một lần luyện tập trí não.”
Khi Burrill hồi phục sau vụ chấn thương bàn chân nghiêm trọng, cô nói “Tôi đã suy nghĩ về sự ẩn dụ này, ‘Nếu tôi không thể chạy, hãy đi bộ; Nếu không thể đi bộ, thì hãy bò.’” Cô không thể tiếp tục làm một vận động viên điền kinh, vì vậy cô nghĩ “Tại sao lại không chọn đi bộ?” Và sau đó, cô chú ý đến việc đi bộ đường dài, mặc dù cô chưa bao giờ yêu thích môn này.
“Tôi không thích làm những điều nhỏ bé,” Burrill cho biết. Cô nghĩ rằng “Sẽ thật tuyệt vời nếu tôi đến Tanzania và thực hiện chuyến đi bộ đường dài đầu tiên của mình đến Đỉnh núi Kilimanjaro.” Là đỉnh núi cao nhất ở Phi châu, Núi Kilimanjaro là một trong bảy đỉnh núi cao nhất trên toàn thế giới.
“Tôi đã có những kinh nghiệm đầy sâu sắc trong hơn bảy ngày leo lên Đỉnh Kilimanjaro. Tôi không có các thiết bị, và không xao lãng. Việc của tôi chỉ là đặt chân này lên phía trước chân kia, chịu đựng cái lạnh và luôn chú tâm vào giây phút hiện tại.”
Cô đã leo lên Núi Denali [Denali, từng có tên chính thức là núi McKinley từ 1917 đến 2015, là đỉnh núi cao nhất ở Bắc Mỹ có độ cao 6.190 mét trên mực nước biển] – một trong Bảy Đỉnh Núi cao nhất thế giới. Thành công trong việc tự mình định hướng leo lên ngọn núi đó đã khiến cô nhận ra rằng, “Tôi không chỉ làm tốt việc này như một người khuyết tật hoặc ‘một vận động viên có khả năng thích nghi’, như hay được gọi vậy. Tôi luôn gắng làm tốt mọi việc ở thời khắc hiện tại.”
Cô đặt mục tiêu hoàn thành việc chinh phục toàn bộ Bảy Đỉnh Núi trước mùa xuân năm 2023. Đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, sẽ là đích đến cuối cùng trong hành trình chinh phục này. Thậm chí hiện tại dù cô đang ngồi với bịch đá trên đầu gối, đang phục hồi sau cuộc phẫu thuật, Burrill vẫn nói một cách tự tin về kế hoạch leo núi sắp tới.
“Trong một đoạn thời gian, tôi đã sử dụng việc leo núi như một bằng chứng cho thấy tình trạng của mình đang trở nên tốt hơn. Giờ đây, tôi không cần phải làm vậy nữa. Tôi leo núi vì niềm yêu thích. Tôi mong muốn được đi đến các địa phương mới và chinh phục những điều khó khăn, và trong khoảng thời gian đó tôi cảm thấy thật yên bình. Đó là một liệu pháp tự nhiên.”
Chú thích của dịch giả:
* Le Cordon Bleu là một trường đa quốc gia chuyên đào tạo ngành kinh doanh và ẩm thực. Trường được thành lập tại Paris vào năm 1895 và sớm được xem là mạng lưới ẩm thực và khách sạn lớn nhất thế giới với hơn 35 viện ở 20 quốc gia và 20.000 sinh viên của hơn 100 quốc tịch được đào tạo hàng năm.
* Sơ đồ Venn là một sơ đồ cho thấy tất cả các mối quan hệ logic có thể có giữa một số lượng hữu hạn các tập hợp. Sơ đồ Venn đã được John Venn xây dựng vào khoảng năm 1880.
* Ironman Triathlon là một trong chuỗi các cuộc đua ba môn phối hợp đường dài do World Triathlon Corporation tổ chức, bao gồm bơi 2,4 dặm, đạp xe 112 dặm và chạy marathon 26,22 dặm được hoàn thành theo thứ tự đó. Nó được coi là một trong những sự kiện thể thao được thực hiện trong một ngày khó khăn nhất trên thế giới.