Người giàu Trung Quốc có ít lựa chọn nhập cư hơn khi kỷ nguyên thị thực vàng của châu Âu kết thúc
Những người giàu có của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thị thực vàng của Liên minh Âu Châu (EU) đã và đang lần lượt bị hủy bỏ hoặc thắt chặt. Tuy nhiên, trong khi đó, Nga và một số nước Phi Châu hiện đang cung cấp thị thực vàng.
Bắt đầu từ hôm 16/03, chính phủ Bồ Đào Nha đã ngừng cấp thị thực vàng. Thông báo về quyết định này hồi tháng trước, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết hành động này là để “chống đầu cơ giá địa ốc.”
Trong số các thị thực vàng của nhiều nước Âu Châu, thị thực vàng của Bồ Đào Nha là tiết kiệm chi phí nhất. Ngoài ngưỡng mua nhà trị giá 500,000 euro (khoảng 540,000 USD), một người có thể trở thành một công dân nhập tịch bằng thị thực vàng trong 5 năm và chỉ cần ở lại 35 ngày trong khoảng thời gian đó.
Theo Cơ quan Biên giới và Người ngoại quốc của Bồ Đào Nha, kể từ khi ra mắt vào năm 2012, chương trình này đã thu hút gần 6.8 tỷ euro (7.3 tỷ USD) đầu tư, phần lớn đều đầu tư vào lĩnh vực địa ốc.
Hai ngày trước khi Bồ Đào Nha công bố quyết định đình chỉ thị thực vàng, chính phủ Ireland đã đóng Chương trình Nhà đầu tư Nhập cư (Immigrant Investor Program) mà không có thông báo trước. Hôm 14/02, Bộ trưởng Tư pháp Ireland Simon Harris đột ngột tuyên bố rằng các đơn ghi danh sẽ không còn được chấp nhận vào ngày hôm sau.
Theo chương trình của chính phủ Ireland, cũng được giới thiệu vào năm 2012, người nộp đơn phải có một tài sản cá nhân ít nhất 2 triệu euro (khoảng 2.14 triệu USD) và đóng góp từ thiện một phần số tiền theo yêu cầu này. Theo Bộ Tư pháp Ireland, gần 1.252 tỷ euro (khoảng 1.34 tỷ USD) khoản đầu tư đã được phê chuẩn theo chương trình này kể từ khi chương trình được thiết lập.
Ngoài ra, chính phủ liên minh của Latvia đã quyết định hôm 28/03/2022, về việc chấm dứt chương trình thị thực vàng, vốn cho phép người ngoại quốc có được giấy phép cư trú bằng cách mua các căn hộ và biệt thự đắt tiền.
Hôm 17/02/2022, chính phủ Anh đã tuyên bố đóng cửa ngay lập tức kênh đầu tư nhập cư T1 tại Vương quốc Anh.
Theo Chương trình Đầu tư Nhập cư (Immigration Investment Program) của Irelands, sáu quốc gia Âu Châu — Bồ Đào Nha, Ireland, Latvia, Vương quốc Anh, Hy Lạp, và Tây Ban Nha — đã thu hút hơn 1 tỷ euro (1.1 tỷ USD) đầu tư thông qua thị thực vàng vào cuối năm 2021.
Bốn trong số sáu quốc gia này đã bãi bỏ thị thực vàng, mặc dù Hy Lạp và Tây Ban Nha hiện đang thay đổi chính sách của họ.
Hy Lạp đã thông báo sẽ nâng ngưỡng thị thực vàng từ 250,000 euro (khoảng 270,000 USD) lên 500,000 euro (khoảng 540,000 USD) ở một số khu vực từ tháng Năm tới.
Mas Pais, đảng cánh tả ở Tây Ban Nha, đã đưa ra một dự luật hồi giữa tháng Hai sẽ bãi bỏ thông lệ xin giấy phép cư trú bằng cách chỉ cần mua địa ốc trị giá hơn 500,000 euro (khoảng 540,000 USD).
Kỷ nguyên thị thực vàng sắp kết thúc
Thị thực vàng là một loại chương trình nhập cư dành cho nhà đầu tư, trong đó các cá nhân giàu có xin được giấy phép cư trú hoặc quyền công dân bằng cách đầu tư vào địa ốc, khởi nghiệp, hoặc đầu tư vốn.
Sau cuộc khủng hoảng nợ Âu Châu vào cuối năm 2009, nhiều nước Âu Châu đã giới thiệu các chương trình thị thực vàng để thu hút đầu tư. Sau khi có một hộ chiếu EU, chủ sở hữu có thể đi lại tự do trong khu vực Schengen, sống và làm việc ở tất cả các quốc gia thành viên EU, cũng như được hưởng các lợi ích về chăm sóc sức khỏe và thuế trong phạm vi quyền hạn của quốc gia đó.
Tuy nhiên, khi thị thực này đã trở nên phổ biến thì tranh cãi xuất hiện. Với sự nhấn mạnh vào đầu tư và kiểm tra lý lịch thường lỏng lẻo đối với người nộp đơn, các chương trình thị thực vàng gây ra những rủi ro về an ninh và tạo lợi thế cho hoạt động rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng, tài trợ cho khủng bố, và sự xâm nhập của tội phạm có tổ chức.
Hơn nữa, một số công dân của các quốc gia đã ghi danh thị thực vàng không hài lòng bởi vì người ngoại quốc đẩy giá cả địa ốc địa phương lên cao.
Vào ngày 09/03/2022, Nghị viện Âu Châu đã bỏ phiếu áp đảo để chấm dứt cái gọi là chương trình giấy thông hành vàng, đồng thời kêu gọi chấm dứt hành vi bán quốc tịch của các nước EU và thúc giục cấm hoàn toàn vào năm 2025.
Người giàu Trung Quốc có ít lựa chọn hơn
Những người giàu có của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất sau sự kết thúc của kỷ nguyên thị thực vàng. Trong những năm thị thực vàng được áp dụng ở các nước EU, người mua Trung Quốc đã chiếm đại đa số.
Công dân Trung Quốc chiếm 97% số người xin thị thực vàng của Ireland hồi năm ngoái.
Kể từ khi Hy Lạp tung ra thị thực vàng vào năm 2014, công dân Trung Quốc đã chiếm 63% tổng số người nộp đơn.
Trong số khoảng 12,000 thị thực vàng do Bồ Đào Nha cấp kể từ năm 2012, hơn 5,000 thị thực vàng đã được cấp cho công dân Trung Quốc.
Mặc dù chỉ có 28% thị thực vàng của Tây Ban Nha là do công dân Trung Quốc nắm giữ, nhưng họ vẫn đứng đầu so với các quốc gia khác.
Ông Lê Dịch Minh (Li Yiming), một chuyên gia và nhà bình luận về Trung Quốc tại Nhật Bản, nói với The Epoch Times hôm 25/03 rằng những người giàu có của Trung Quốc đang mua hộ chiếu ngoại quốc và chuyển tài sản của họ ra khỏi Trung Quốc bởi vì “chính Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu như một tên cướp, cướp tiền của mọi người để biến số tiền đó thành của riêng họ. Mặc dù ĐCSTQ hiện đang tồn tại dưới hình thức một ‘chính quyền,’ nhưng chế độ đó vẫn đang làm điều này.”
Nga, châu Phi thu hút đầu tư Trung Quốc
Mặc dù châu Âu đang đóng chương trình thị thực vàng, nhưng Nga và một số quốc gia Phi Châu đang cố gắng thu hút đầu tư ngoại quốc thông qua thị thực vàng.
Bắt đầu từ hôm 01/01, Nga đã chính thức mở chương trình thị thực vàng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật phê chuẩn chương trình này vào tháng 07/2022. Người ngoại quốc nào đầu tư 30 triệu rúp (khoảng 390,000 USD) trở lên vào địa ốc, công khố phiếu, hoặc doanh nghiệp đều sẽ có thể nhận được một giấy phép cư trú tại Nga trong vòng sáu tháng.
Quốc gia Phi Châu Kenya được cho là đang trong giai đoạn cuối của việc giới thiệu quyền công dân thông qua đầu tư. Uganda cũng đang thực hiện một dự án tương tự.
Ông Lê tin rằng những người giàu có của Trung Quốc khó có thể đến Nga hoặc châu Phi.
Bản tin có sự đóng góp của Vương Giai Nghi
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times