Ngũ Giác Đài: Khinh khí cầu do thám Trung Quốc không thu thập dữ liệu khi bay qua Hoa Kỳ
Hôm 29/06, Ngũ Giác Đài nói với các phóng viên rằng khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua các địa điểm quân sự nhạy cảm của Mỹ hồi đầu năm nay đã không thu thập hoặc truyền bất kỳ thông tin nào trước khi bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Carolina.
Theo các bản tin của truyền thông trích dẫn các kết quả sơ bộ từ một cuộc điều tra do chính phủ dẫn đầu, khinh khí cầu này, đã bay từ Alaska đến Bờ Đông, được trang bị các thiết bị thương mại do Hoa Kỳ sản xuất cho phép vật thể này chụp ảnh, quay video và thu thập các thông tin khác.
Theo tờ Wall Street Journal, hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về cuộc họp báo này, trong vụ việc mà các quan chức nhìn nhận là một nỗ lực giám sát sáng tạo của Bắc Kinh, máy móc của khinh khí cầu được trộn lẫn với một số cảm biến chuyên dụng hơn của Trung Quốc và các thiết bị khác.
Hôm thứ năm (29/06), phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Pat Ryder, không xác nhận liệu các linh kiện Hoa Kỳ có mặt trong quả khinh khí cầu này hay không, nhưng cho biết Bộ Quốc phòng đã biết về các trường hợp trước đây khi quân đội ngoại quốc sử dụng các thiết bị sẵn có của Hoa Kỳ như các drone chẳng hạn.
Ông nói trong một cuộc họp báo, “Vì vậy, bản thân điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.”
Mặc dù khinh khí cầu này có “khả năng thu thập thông tin tình báo” nhưng ông Ryder cho biết Ngũ Giác Đài xác định rằng “vật thể này không thu thập thông tin khi đang quá cảnh hay bay qua Hoa Kỳ.”
Ông Ryder nói trước đây các quan chức quốc phòng cho biết họ đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế khả năng thu thập thông tin nhạy cảm của khinh khí cầu, và “chắc chắn những nỗ lực mà chúng tôi thực hiện đã có tác dụng.”
Sự xâm nhập của khinh khí cầu làm căng thẳng thêm mối bang giao vốn đã lạnh nhạt của Hoa Kỳ và Trung Quốc, khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn một cuộc họp đã được ấn định ở Bắc Kinh mà ông vừa mới hoàn thành. Sau khi khinh khí cầu này bị bắn rơi, Bắc Kinh đã từ chối cuộc gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng như một số yêu cầu của Hoa Kỳ về thông tin liên lạc giữa quân đội hai nước.
Cũng trong hôm thứ Năm, Bộ Ngoại giao cũng từ chối bình luận về khinh khí cầu do thám Trung Quốc, nhưng nói rằng việc ép buộc chuyển giao công nghệ là một chủ đề được đưa ra trong chuyến công du mới đây của ông Blinken tới Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết trong một cuộc họp báo rằng, Ngoại trưởng đã nói rõ với Bắc Kinh “chúng tôi sẽ không cho phép quý vị lấy công nghệ của Hoa Kỳ và sử dụng chúng chống lại chúng tôi; và nếu quý vị ở trong hoàn cảnh của chúng tôi, thì quý vị cũng sẽ làm điều tương tự.”
Về việc liệu Hoa Kỳ có công khai những phát hiện của mình về khinh khí cầu do thám đó hay không, ông Miller cho biết việc này do FBI quyết định.
Chính phủ Hoa Kỳ đã đánh giá khinh khí cầu này nằm trong một chương trình giám sát quy mô lớn của Trung Quốc nhắm vào hơn 40 quốc gia. Các quan chức đã mô tả vật thể này lớn bằng khoảng ba chiếc xe buýt. Lúc trước, Bộ Ngoại giao đã nói với The Epoch Times rằng khinh khí cầu này được trang bị ăng-ten có khả năng chặn thông tin liên lạc và các tấm pin mặt trời để có thể “vận hành nhiều bộ kiểm duyệt thu thập thông tin tình báo chủ động (active intelligence).”
Ông David Stilwell, từng là trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Văn phòng các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, cho biết các bài báo viết về các linh kiện của Hoa Kỳ được sử dụng trên khinh khí cầu đó để do thám nước Mỹ sẽ giúp người Mỹ “hiểu được ý đồ thật sự của ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc].”
Nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, ông cho biết: “Tôi hy vọng rằng qua đó, chúng ta sẽ khiến các công ty Mỹ cân nhắc kỹ về việc xuất cảng các sản phẩm nhạy cảm hoặc bất kỳ công nghệ nào sang CHND Trung Hoa,” sử dụng tên viết tắt chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Họ có thể bảo vệ các công nghệ nhạy cảm “ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc” và tránh đồng lõa với các nỗ lực gián điệp của nước này qua việc “ra các quyết định có lý trí là không thực hiện các giao dịch như vậy” với nước này.
Ông tin rằng “mặt trái của việc kinh doanh với CHND Trung Hoa đang bắt đầu bộc lộ ra, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.”
Hôm thứ Ba (27/06), 10 nhà lập pháp đã viết thư cho ông Blinken kêu gọi Hoa Kỳ không gia hạn một thỏa thuận tạo thuận lợi cho hợp tác khoa học và công nghệ song phương đã có hàng thập niên trước. Họ lập luận rằng quan hệ đối tác được thiết lập theo thỏa thuận này có thể giúp Trung Quốc phát triển các công nghệ có thể được sử dụng để đối phó với Hoa Kỳ về sau này.
Ông Stilwell tin rằng những nhà lập pháp này đã “đi đúng hướng.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times