Cuộc chiến ngầm: Những người bất đồng chính kiến Trung Quốc lọt vào tầm ngắm các hoạt động hải ngoại của ĐCSTQ
FBI chuyển sang phản công các chiến dịch toàn cầu của Bắc Kinh
Đó là một buổi tối yên tĩnh và mát mẻ — cũng ôn hòa như mùa đông ở Nam Phi. Chín người vừa bước ra khỏi cổng Phi trường Quốc tế Johannesburg. Họ thuê hai chiếc xe hơi để bắt đầu hành trình đến thủ đô Pretoria gần đó. Họ đến đây với một sứ mệnh: đệ đơn kiện hai quan chức Trung Quốc đang công du ở đó vì vai trò của họ trong việc dàn dựng một chiến dịch đàn áp sâu rộng đối với các học viên môn tu luyện thiền định Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Nhiệm vụ lái một trong những chiếc xe thuê này đã tự nhiên thuộc về anh Lương Đại Vệ (David Liang), một tài xế taxi khi đó đang sống ở Úc.
Đi được chừng 30 dặm (khoảng 48 km), anh Lương thấy có một chiếc xe sáng màu hơn từ phía sau tiến đến. Khi chiếc xe này sắp vượt lên, anh nghe thấy một tiếng động. Đột nhiên, anh cảm thấy hai chân đau nhói. Cùng lúc đó, lốp xe hơi nổ tung. Anh nhận ra lốp đã bị bắn. Anh cũng bị trúng đạn. Những viên đạn xuyên thẳng qua cả hai bàn chân anh và làm gãy xương bàn chân phải, để lại một cái lỗ to bằng quả bóng golf. Cơn đau tột độ gần như làm anh mất ý thức. Quá đau nên anh không thể đạp phanh. Chiếc xe mất kiểm soát lao trên đường với tốc độ khoảng 75 dặm/giờ (120.7 km/giờ) và lệch hướng, ngày càng sát vào dòng xe ngược chiều. Tuy nhiên, vô cùng kỳ diệu là chiếc xe không bị lật hay đụng phải xe khác. Nó dần dần chậm lại và dừng hẳn bên lề đường. Anh Lương không thể mở cửa. Anh dần dần mất đi tri giác và anh nhớ ai đó đã giúp đưa anh đến một bệnh viện gần đó.
Tin tức về vụ nổ súng tháng 06/2004 này đã lan truyền ra khắp thế giới, nhưng đó không phải là lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng những người bất đồng chính kiến gốc Hoa bị tấn công ở ngoại quốc. Các vụ việc như vậy đã được đưa tin trên khắp toàn cầu, như ở châu Á, châu Âu, và nhiều lần ở châu Mỹ.
Năm 2001, ba người đàn ông Á Châu bước xuống một chiếc SUV (xe thể thao đa dụng) màu đen trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago. Họ bắt đầu đưa ra những bình luận và cử chỉ xúc phạm đối với một nhóm học viên Pháp Luân Công đang phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ đối diện với lãnh sự quán. Anh Phương Lâm (Fang Lin), một người trong nhóm biểu tình, đã lấy máy quay phim ra để bắt đầu ghi hình những người này. Họ ngay lập tức lao về phía anh.
Anh Lâm bật người và bắt đầu bỏ chạy trong khi hai người đuổi theo sau. Họ đuổi kịp anh cách đó khoảng một dãy nhà. Họ đẩy anh vào một hàng rào lưới thép, giật lấy chiếc máy quay và đập xuống vỉa hè. Sau đó, họ đấm liên hồi vào đầu anh. Cuối cùng cũng có ba người qua đường đến giúp đỡ và khiến cuộc tấn công dữ dội này phải dừng lại. Hai kẻ hành hung chạy trở về xe và tẩu thoát.
Năm 2006, vài người đàn ông Á Châu đã xông vào căn hộ ở Atlanta của một học viên Pháp Luân Công tên Lý Uyên (Peter Yuan Li). Ông là kỹ sư máy điện toán và lúc đó đang là giám đốc kỹ thuật của The Epoch Times. Những người đó mang theo một con dao và một khẩu súng ngắn. Họ đánh đập ông tàn nhẫn, trói tay chân ông lại, dùng băng keo bịt miệng, tai, và mắt của ông. Sau khi lục soát căn nhà, họ lấy đi hai chiếc máy điện toán nhưng bỏ lại những đồ vật có giá trị khác.
Các vụ việc rắc rối tương tự, như đột nhập và hành hung, cũng đã xảy ra ở New York và San Francisco.
Đôi lúc các cuộc tấn công rõ ràng là có thể truy tra nguồn gốc là từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng trong nhiều vụ khác, mối liên kết này lại khó lần ra hơn. Tuy nhiên, nhìn chung kiểu tấn công này là khá rõ ràng.
Ông Casey Fleming, Giám đốc điều hành của BlackOps Partners đồng thời cũng là một chuyên gia về phản gián cho biết: “Điều đó nằm trong chiến lược thao túng và kiểm soát của ĐCSTQ đối với người Mỹ gốc Hoa.”
“Kiểm soát họ trên đất Mỹ là nhằm kiểm soát tâm lý cũng như hành động của họ.”
Ông và các chuyên gia khác nói với The Epoch Times rằng việc kiểm soát là một trong những phương thức hoạt động ngầm ở hải ngoại của ĐCSTQ, gồm hoạt động gián điệp, đánh cắp các bí mật trong nghiên cứu và thương mại, cũng như các hoạt động tuyên truyền và gây ảnh hưởng sâu rộng.
Các cuộc tấn công những người bất đồng chính kiến, thường là các công dân Mỹ, theo cách thức trắng trợn nhất, là để ĐCSTQ phô trương khả năng truy lùng bất kỳ ai tại bất kỳ đâu của họ.
Dân biểu Dan Newhouse (Cộng Hoà–Washington), thành viên của Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ của Hạ viện được thành lập đầu năm nay, cho biết: “ĐCSTQ … đang làm tất cả những gì có thể để làm suy yếu chủ quyền của chúng ta, bịt miệng tất cả những người bất đồng chính kiến, ngay cả trong chính đất nước của chúng ta.”
Gần đây ông nói với chương trình “Crossroads” của EpochTV, “Hoa Kỳ nên phải là nơi ẩn náu khỏi cuộc đàn áp, chứ không phải là nơi để họ cố gắng biến thành — bãi săn của một chính quyền độc tài.”
Một số tin tức gây chấn động hơn trong năm nay đã tiết lộ rằng ĐCSTQ thậm chí còn điều hành một đồn công an chìm ngay tại thành phố New York với mục đích cụ thể là truy lùng những người bất đồng chính kiến và những người khác bị ĐCSTQ nhắm đến. Nhưng thay vì là một diễn tiến mới, tin tức này chỉ xác nhận cho một vấn đề đã được biết đến từ lâu trong giới phản gián.
Ông Nicholas Eftimiades, một cựu nhân viên của CIA, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tình báo Quốc phòng, đồng thời là một chuyên gia về sách lược và chiến thuật hoạt động ở ngoại quốc của ĐCSTQ, cho biết: “Phần lớn loại hoạt động ngầm này cũng như các hoạt động lén lút nhằm gây ảnh hưởng khác đã được Bắc Kinh tiến hành trong nhiều thập niên.”
“Họ luôn truy lùng những người bất đồng chính kiến, cái mà họ gọi là ‘ngũ độc,’” ông nói, đề cập đến một biệt ngữ được ĐCSTQ dùng cho năm vấn đề mà chế độ này xem là nhạy cảm nhất đối với sự kiểm soát toàn trị của họ: Đài Loan, phong trào dân chủ, Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và Pháp Luân Công.
Ông cho biết các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ trên đất Mỹ không từ thủ đoạn đến mức, bị những người bất đồng chính kiến gốc Hoa xem là chuyện thường nhật, xảy ra ở khắp mọi nơi.
“Về cơ bản, họ cho rằng mọi điều họ nói, làm hoặc dự tính đều bị báo cáo lại, và Bắc Kinh đều biết hết.”
Điều đã thay đổi trong những năm gần đây là rốt cuộc thì chính phủ Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu phản đối những hành vi này.
Chuyển hướng ưu tiên
Tháng trước (05/2023), FBI và Bộ Tư pháp (DOJ) đã công bố các cáo buộc đối với hai Hoa kiều ở New York — Trần Quân (John Chen) and Lâm Phong (Lin Feng) — vì đã cố gắng hối lộ IRS để điều tra và tước tư cách miễn thuế của một tổ chức do các học viên Pháp Luân Công điều hành và chủ trì.
Bản cáo trạng cho thấy FBI đã vận dụng lượng nguồn lực đáng kể cho vụ án, bao gồm cả việc sử dụng một mật vụ đóng giả làm nhân viên IRS. Dường như vụ việc này rất quan trọng.
Cựu mật vụ FBI Marc Ruskin nhận định: “Các vụ án sử dụng mật vụ hầu như là loại vụ án sử dụng nhiều tài nguyên nhất.”
Thông cáo báo chí công bố các cáo buộc của DOJ có kèm theo các bình luận từ toàn bộ những quan chức cấp cao nhất trong cơ quan chấp pháp liên bang — Tổng Chưởng lý Merrick Garland cùng cấp phó là bà Lisa Monaco, Giám đốc FBI Christopher Wray cùng cấp phó là ông Paul Abbate.
Ông Wray đã nhiều lần nhấn mạnh rằng FBI hiện đang tập trung vào các hoạt động có hại của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ. Hồi tháng 07/2020, ông cho biết cứ trung bình cứ 10 tiếng cơ quan này lại mở một vụ án phản gián mới mà phần lớn là liên quan đến Trung Quốc.
Ông Eftimiades lưu ý rằng, “FBI rõ ràng đã có sự thay đổi trong đối tượng mà họ điều tra.”
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ điều gì đã dẫn đến sự thay đổi này vì dường như FBI đã biết về các hoạt động của ĐCSTQ từ lâu.
“Chính phủ Hoa Kỳ đã không làm gì mãi cho đến gần đây,” ông Eftimiades nhận định.
Anh Phương Lâm cho biết sau khi bị tấn công, anh đã bị các đặc vụ FBI thẩm vấn nhiều lần và đã cung cấp cho họ thông tin về vụ án này cùng những người có liên quan.
“Rõ ràng là họ hiểu những gì ĐCSTQ đang làm, nhưng tôi cảm thấy như họ không được tự do hành động,” anh nói. “Họ tự do thu thập thông tin, họ tự do viết báo cáo, họ biết ai đứng sau tất cả những gì đã xảy ra, nhưng họ đã chọn án binh bất động.”
Ví dụ, có thể FBI đã biết về ông Trần Quân từ lâu trước khi ông ấy bị bắt. Theo nhà bình luận chính trị Trung Quốc Hoành Hà (Heng He), trên thực tế, các hoạt động của ông Trần đã nổi tiếng trong giới bất đồng chính kiến ở Los Angeles và ông ấy đã từng sống ở California nhưng có đến Los Angeles để tham gia các sự kiện vận động nhân quyền.
Ông nói với người dẫn chương trình Philipp: “Mỗi khi chúng tôi có một số hoạt động, một cuộc biểu tình chẳng hạn, thì ông cụ này sẽ xuất hiện để xen vào hoạt động của chúng tôi, tranh cãi hoặc quấy rối chúng tôi.”
Bản cáo trạng này dường như xác nhận vai trò lâu năm của ông Trần. Trong một cuộc gọi được ghi âm, ông Trần cố gắng thuyết phục người mật vụ trong vụ án này “tin tưởng những người bạn” của ông trong ban lãnh đạo chính quyền Trung Quốc.
Theo bản cáo trạng, ông Trần nói, “Họ như anh em ruột thịt. Chúng tôi đã bắt đầu cuộc chiến chống lại [nhà sáng lập Pháp Luân Công] hai mươi, ba mươi năm trước. Họ luôn ở bên chúng tôi.”
Phương thức hoạt động
Bản cáo trạng mang đến một góc nhìn khác về phương thức can thiệp vào ngoại quốc của ĐCSTQ. Bản cáo trạng nêu chi tiết cách ông Trần đề xướng ý tưởng hối lộ IRS rồi được cho là xin chỉ thị từ một quan chức ĐCSTQ ở Trung Quốc để được chấp thuận. FBI còn cáo buộc ông Trần đã mang khoản tiền mặt hối lộ từ Trung Quốc sang — khoản trả trước 5,000 USD và 45,000 USD khác được hứa hẹn sau khi kế hoạch thành công.
“Ban lãnh đạo … rất hào phóng,” ông Trần nói với một người khác trong một cuộc điện thoại được ghi âm.
“Sau khi việc-việc-việc này trót lọt … lúc đó tiền thù lao chắc chắn sẽ đến,” ông nói trong một cuộc gọi khác được ghi âm.
Ông Eftimiades giải thích, các hoạt động kiểu này thường được tiến hành thông qua Phòng 610 của ĐCSTQ, hoặc thông qua Bộ Công an (MPS), Bộ An ninh Quốc gia (MSS), và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.
Bản cáo trạng nêu rõ rằng Phòng 610, được thành lập vào ngày 10/06/1999, là cơ quan “tập trung các nỗ lực đàn áp Pháp Luân Công” của ĐCSTQ. FBI cho biết ông Trần gọi những cấp trên trong ĐCSTQ của mình là “Thiên Tân” — thành phố ở Trung Quốc được biết đến là nơi đặt trụ sở của Phòng 610.
Như The Epoch Times đã đưa tin trước đây, Thiên Tân thực sự có một ý nghĩa đặc biệt trong các hoạt động ở hải ngoại của ĐCSTQ, đặc biệt là những hoạt động đàn áp Pháp Luân Công.
Đôi khi, các đặc vụ của ĐCSTQ đích thân tham gia và trong một số vụ án, các đặc vụ của ĐCSTQ bị bắt khi đang hoạt động trên đất Hoa Kỳ.
Ông Eftimiades nói, “Quý vị có thể thấy có sự tham gia rất, rất tích cực — chúng tôi biết điều đó. Chúng tôi có các vụ án về các sĩ quan MSS, sĩ quan MSS đã về hưu, thành viên lãnh sự quán đang làm việc, tất cả đều đang tuyển dụng và hợp tác với các nguồn tin.”
Tuy nhiên, thông thường, các hoạt động này sẽ do các bên thứ ba thực hiện trên cơ sở giống như một hợp đồng hoặc thuê mướn tự do.
Ông nói: “Họ thực sự biến hoạt động này thành một dự án kinh doanh tư bản, có lẽ là một trong những điều trớ trêu nhất trong lịch sử.”
Cách thức hoạt động giữa tình báo ở hải ngoại của phương Tây và ĐCSTQ có một sự khác biệt.
Ông Eftimiades giải thích: “Các cơ quan phương Tây có truyền thống tuyển dụng gián điệp, và họ thường theo đuổi các cơ quan tình báo của nước khác, đồng thời họ tin rằng có thể nắm được thông tin nhiều nhất từ các cơ quan này.”
Ông cho biết ĐCSTQ cũng làm tương tự, “nhưng họ còn làm nhiều hơn rất nhiều.”
“Họ săn lùng các công ty, họ săn lùng các tổ chức bất đồng chính kiến, họ săn lùng các chính khách. Và để làm được điều đó, họ sử dụng một cách tiếp cận toàn xã hội.”
Ông cho biết, điều đó có nghĩa là “tất cả các thành phần trong xã hội Trung Quốc, cho dù đó là giới học giả hay việc thâm nhập vào các tổ chức bất đồng chính kiến.”
“Họ sử dụng tất cả những cơ chế này để họ có thể tiến hành hoạt động gián điệp và hành động bí mật chống lại các chính phủ và xã hội ngoại quốc. Và những gì quý vị đang thấy ở đây chỉ là một biểu hiện của việc này.”
Ông Fleming lưu ý rằng gần đây, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã kêu gọi tất cả người dân Trung Quốc ở hải ngoại cam kết trung thành với “tổ quốc.”
“Họ muốn đối xử với người Hoa ở hải ngoại như những đặc vụ nằm vùng,” ông nói. “Họ xem người Mỹ gốc Hoa, người Anh gốc Hoa, và người Canada gốc Hoa cũng là người của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoặc ít nhất là phục vụ và có nghĩa vụ phục vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trung Quốc.”
Mặc dù ông Fleming đã nói rõ rằng những nỗ lực như vậy đã nằm trong chiến thuật của ĐCSTQ từ lâu, nhưng gần đây ông thấy rằng ông Tập đã “đẩy mạnh” những nỗ lực này để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Đài Loan.
Ông gợi ý rằng những hành động bịt miệng những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại có liên quan mật thiết với nỗ lực kiểm soát các cộng đồng người Hoa ở hải ngoại nói chung.
“Tất cả đều là thao túng, kiểm soát, và bưng bít sự thật về Đảng Cộng sản, đồng thời ngăn cản bất kỳ nhà bất đồng chính kiến nào bóc trần Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Theo ông Eftimiades, những người tình nguyện làm công việc bẩn thỉu cho ĐCSTQ đều bị lợi dụng, đồng thời phải chịu trách nhiệm pháp lý để đổi lấy những thứ thường là một món tiền thưởng tương đối xoàng xĩnh.
Ông nói: “Tôi sẽ không chịu làm việc này nếu tôi là đặc vụ. … Quý vị đang yêu cầu người ta chấp nhận một rủi ro to lớn và rồi chỉ chi ra vài đồng bạc.”
“Hoạt động tình báo không phải lúc nào cũng được trả giá cao như vậy, đặc biệt là nếu những việc đó không mang lại kết quả, hay nếu kết quả đó không được nhận thấy.”
Cách tiếp cận toàn diện hơn
Mặc dù ông Eftimiades nhận thấy FBI cố gắng đối phó với các hoạt động của ĐCSTQ một cách rõ ràng, nhưng ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ đương đầu các hoạt động của ĐCSTQ một cách toàn diện hơn nhiều.
Ông lập luận rằng chính phủ cần “khai triển tất cả các cơ chế của quyền lực quốc gia hoặc thậm chí là quyền lực xã hội … để cố gắng ngăn chặn loại hành vi này.”
Chính phủ nên xác định xem họ muốn có mối quan hệ nào với Trung Quốc trong 10 năm tới, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, và làm thế nào để đo lường tiến độ đạt được mục tiêu. Kế hoạch này nên liên quan đến tất cả các cơ quan liên bang và thậm chí cả các cơ quan tiểu bang và không nên chỉ giới hạn ở các cơ quan chấp pháp. Kế hoạch này nên bao gồm các lĩnh vực như việc Trung Quốc tiếp cận thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, và liên doanh giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù cả chính phủ cựu Tổng thống Trump và chính phủ Tổng thống Biden đều đã có một số nỗ lực nhằm ngăn chặn những liên đới nhạy cảm với Trung Quốc, nhưng ông cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa làm được.
Nhiều công ty, tổ chức nghiên cứu, và cá nhân Trung Quốc vốn đang giúp đỡ cho các chương trình quân sự của ĐCSTQ nhưng vẫn được phép kinh doanh với Hoa Kỳ, đồng thời người Mỹ được phép đầu tư vào những tổ chức, doanh nghiệp này. Theo ông Eftimiades, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ cấm các tổ chức này mua các công nghệ nhạy cảm của Mỹ, nhưng họ vẫn có thể hợp tác với các nhà nghiên cứu Mỹ để phát triển các công nghệ đó.
Ông nói: “Hãy cho tôi biết tại sao quý vị có thể nói rằng quý vị không thể xuất cảng công nghệ cho công ty này vì họ đang hợp tác với quân đội Trung Quốc, nhưng quý vị lại có thể thực hiện một dự án nghiên cứu để phát triển các công nghệ tân tiến.”
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times