Ngoại trưởng Đức: ĐCSTQ khó đoán, mờ ám, và không đáng tin cậy
Hôm 22/08, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã có bài diễn văn, trình bày về mối uy hiếp mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới từ nhiều khía cạnh. Bà cho biết Trung Quốc không có “tính khả đoán, minh bạch, và độ tin cậy,” vốn là những yếu tố cần thiết để xây dựng mối quan hệ kinh tế ổn định. Bà cũng nhấn mạnh Đức đã học được một bài học sâu sắc từ việc quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nên giờ đây Đức không được lặp lại những sai lầm tương tự và nên giảm bớt sự phụ thuộc vào ĐCSTQ.
Trong bài diễn văn qua video trước Viện Lowy, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại của Úc, bà Baerbock cho biết kinh nghiệm của Úc đối với các lệnh cấm thương mại của Trung Quốc đã thúc đẩy sự thay đổi chính sách của Đức đối với Bắc Kinh.
Bà nói với Viện Lowy: “Trung Quốc đã thay đổi, và đó là lý do tại sao chính sách của chúng tôi đối với Trung Quốc cũng cần phải thay đổi.”
Bà Baerbock cho biết mặc dù Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong mối quan hệ kinh tế của Đức với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng tất cả các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác cộng lại thực sự chiếm tỷ trọng lớn hơn.
Ngoại trưởng Đức: ĐCSTQ không có tố chất để thiết lập mối quan hệ kinh tế ổn định
Bà Baerbock nói rằng, cho đến nay, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.
“Nhưng Trung Quốc (ĐCSTQ) không phải lúc nào cũng có thể dự đoán, minh bạch và đáng tin cậy, vốn là những đặc điểm cần thiết cho một mối quan hệ kinh tế ổn định. Người Úc biết điều này có ý nghĩa gì,” bà nói.
Bà lấy ví dụ, Úc đã có những kinh nghiệm đau đớn về việc ĐCSTQ sử dụng biện pháp cưỡng chế kinh tế để áp đặt các hạn chế đối với các mặt hàng xuất cảng quan trọng như rượu, thịt và than đá, nhằm mục đích gây áp lực chính trị đối với Úc.
“Đó là lý do tại sao chính sách thương mại của EU không chỉ cam kết giúp đỡ người Âu Châu chúng ta đa dạng hóa thương mại mà còn giúp các đối tác của chúng ta đa dạng hóa thương mại,” bà nói. “Bởi vì điều đó làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn.”
Bà cho biết, tại EU, Lithuania cũng đã phải chịu sự cưỡng bức kinh tế từ ĐCSTQ, “Để có thể đối phó với áp lực này, sự đoàn kết của châu Âu là chìa khóa, bởi vì Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng chia rẽ các quốc gia ở châu Âu theo cách này.”
Bà cho biết EU đã phát triển các công cụ chống cưỡng bức. Thông qua đó, EU có thể bảo vệ các công ty Âu Châu khỏi các nỗ lực tống tiền của các nước thứ ba, bằng các biện pháp như đối thoại, thuế quan, hoặc hạn chế thương mại nếu cần thiết.
Bà nói thêm rằng Đức cũng đang xem xét kỹ hơn các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Đức (cảng, giao thông hoặc mạng viễn thông). Đây là lý do tại sao Đức sẽ tăng cường các tiêu chí chính sách đối ngoại và an ninh trong quá trình sàng lọc đầu tư. Đức đã học được rất nhiều từ Úc về vấn đề này và đang theo sát cuộc tranh luận của Úc về việc cho các công ty Trung Quốc thuê cảng chiến lược.
Đức hy vọng thay đổi hiện trạng lệ thuộc vào ĐCSTQ
Bà Baerbock cho biết, nhiều quốc gia đã chuyển sang Trung Quốc vì thiếu sự lựa chọn thay thế, và Đức muốn thay đổi điều đó. Bà kêu gọi chuỗi cung ứng đa dạng hóa và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng Đức đã học được bài học đắt giá về sự phụ thuộc quá mức.
Bà nói: “Ở Đức, chúng tôi đau đớn nhận ra rằng sự phụ thuộc một chiều vào năng lượng nhập cảng của Nga đã khiến chúng tôi dễ bị tổn thương như thế nào. Chúng tôi không muốn lặp lại những sai lầm tương tự.”
Bà cho biết Đức muốn thiết lập nguồn cung ứng trực tiếp tinh khoáng hỗn hợp và lithium được khai thác tại Úc. Hơn 90% lượng lithium chưa qua chế biến khai thác ở Úc được xuất cảng sang Trung Quốc, trong khi hơn 90% nhu cầu lithium đã qua chế biến của EU lại được nhập cảng từ Trung Quốc.
Bà nói: “Làm thế nào chúng ta có thể giảm bớt con đường vòng nguy hiểm này? Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ chính trị cho doanh nghiệp để khai thác tiềm năng này? Úc đã dự trù cho các mỏ quặng và cơ sở chế biến mới. Khai thác và chế biến là các vấn đề địa chính trị.”
Úc sản xuất một nửa số lượng lithium của thế giới và đang tìm kiếm đầu tư từ ngoại quốc để xây dựng các nhà máy chế biến tại địa phương. Trong năm nay, Úc cũng đã chặn hai khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty tinh khoáng hỗn hợp.
Bà Baerbock: Bảo đảm hòa bình trên Eo biển Đài Loan là rất quan trọng đối với Đức
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với nền kinh tế Âu Châu, bà Baerbock cho biết một nửa số tàu container đều phải đi qua Eo biển Đài Loan.
“Bất kể là ai vi phạm các quy tắc chung của chúng tôi, chúng tôi sẽ không chấp nhận,” bà nói. “Bất kỳ hành vi nào đơn phương thay đổi hiện trạng trên Eo biển Đài Loan, đều không thể chấp nhận được, thậm chí càng không thể chấp nhận nếu hành vi đó bao gồm các biện pháp cưỡng chế hoặc quân sự.”
Bà tuyên bố: “Liên Hiệp Quốc cùng các quy tắc và thể chế của tổ chức này được thành lập để ngăn chặn điều đó xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ các quy tắc – tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phán quyết trọng tài Biển Đông.”
Bà cũng cho biết Trung Quốc là đối tác về biến đổi khí hậu, thương mại và đầu tư, nhưng “khi nói đến những nguyên tắc cơ bản về cách chúng ta chung sống trên thế giới này – các nguyên tắc của chúng ta về trật tự quốc tế và tôn trọng nhân quyền – thì họ [ĐCSTQ] là đối thủ.”
Bà nói: “Chúng tôi thấy một thế giới cạnh tranh về thể chế ngày càng gia tăng, với việc một số chế độ độc tài không chỉ sử dụng sức mạnh quân sự mà còn cả sức mạnh kinh tế, ý đồ thay đổi trật tự quốc tế để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ.”
Bà nói: “Điều này đặc biệt đúng đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – một khu vực không chỉ liên quan đến an ninh của quý vị mà còn là an ninh của chúng tôi ở Đức và châu Âu, bởi vì chúng ta có chung lợi ích về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình.”
Bà cho hay đó là lý do tại sao Đức thường xuyên tham gia các cuộc tập trận quân sự chung ở Úc. Năm ngoái, Đức đã cử một lực lượng không quân tham gia cuộc tập trận quốc tế Pitch Black (Exercise Pitch Black) do Úc đăng cai. Cách đây vài tuần, quân đội và hải quân Đức đã tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre gồm 13 quốc gia tại Úc.
Trương Đình thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ