Hoa Kỳ và EU tìm cách kiềm chế sức mạnh về thép của Trung Quốc bằng các mức thuế mới
Trung Quốc đang là mục tiêu của các mức thuế mới do Hoa Kỳ, EU đề nghị nhắm vào các quốc gia sản xuất nhiều thép hơn nhu cầu thị trường.
Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU) đang đàm phán một thỏa thuận áp đặt mức thuế mới nhắm vào sản xuất thép dư thừa.
Theo một bản tin ngày 06/09 của Bloomberg, các biện pháp thuế quan mới sẽ chủ yếu nhắm vào thép nhập cảng từ Trung Quốc. Các biện pháp này nhằm mục đích ổn định lại thị trường thép toàn cầu và chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn do tình trạng dư thừa công suất và việc bán phá giá thép trên thị trường toàn cầu của Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã trở thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng đặc trưng bởi tình trạng dư thừa thép toàn cầu nghiêm trọng và kéo dài — sự mất cân bằng xảy ra khi sản lượng vượt quá nhu cầu của thị trường đối với kim loại này.
Chuyên gia tài chính Paul Chiou cho biết, việc tăng ngưỡng thuế có thể cản trở việc bán phá giá thép của Bắc Kinh, đồng thời cho phép các quốc gia phương Tây cải tổ chuỗi cung ứng thép của họ.
Ông Chiou là giáo sư tài chính tại Đại học Northeastern University của Boston và là nhà bình luận thường xuyên về các vấn đề thị trường tài chính. Ông đã nói chuyện với The Epoch Times hôm 12/09 về điều mà ông gọi là thái độ ngày càng “cảnh giác” của EU và Hoa Kỳ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Chiou cho biết, “Tất nhiên, việc xây dựng lại chuỗi cung ứng thép của họ sẽ dẫn đến giá cao hơn, nhưng từ góc độ an ninh quốc gia, các quốc gia phương Tây đã nhận ra sự cần thiết của việc từ bỏ những lợi ích kinh tế tạm thời và chấp nhận ‘nỗi đau tạm thời’ để giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.”
Thuế quan nhằm mục đích kìm hãm Trung Quốc thời ông Trump
Hồi tháng 03/2018, để thực hiện một lời hứa trong chiến dịch tranh cử, chính phủ ông Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với thép nhập cảng và 10% đối với nhôm nhập cảng, nhằm hạn chế tác động của tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc.
Cựu Tổng thống Trump đã đề ra biện pháp này dựa trên một đạo luật thời Chiến Tranh Lạnh — Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại — cho phép tổng thống Hoa Kỳ có quyền lực rộng rãi để hạn chế các mặt hàng nhập cảng được xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Hồi tháng 01/2018, một báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã kết luận rằng nhập cảng thép của Hoa Kỳ từ ngoại quốc đã dẫn đến việc đóng cửa hoặc ngừng hoạt động của hơn một nửa số nhà máy thép sử dụng lò thổi oxy cơ bản của Hoa Kỳ kể từ năm 2000. Báo cáo cũng liệt kê việc đóng cửa đáng kể trong số các cơ sở lò đốt hồ quang điện.
Báo cáo cho thấy, từ năm 1998 đến năm 2016, ngành thép Hoa Kỳ đã chứng kiến số lượng việc làm trong ngành giảm 35%, mất hơn 14,000 việc làm chỉ riêng trong năm 2015 và 2016.
Ngành này cho biết, nhập cảng từ Trung Quốc đã đóng một vai trò rất lớn, ước tính rằng hơn một nửa lượng thép dư thừa trên toàn cầu nằm ở Trung Quốc.
Tranh chấp thương mại với EU
Hành động của ông Trump đã gây ra tranh chấp thương mại lớn khi EU đáp lại bằng đợt áp thuế riêng đối với một loạt hàng hóa của Hoa Kỳ.
Hồi tháng 10/2021, hai bên đã đạt được thỏa thuận duy trì mức thuế “Mục 232” của Hoa Kỳ đồng thời cho phép miễn thuế một lượng hạn chế kim loại do EU sản xuất vào Hoa Kỳ.
Khi tạm dừng tranh chấp thương mại, Hoa Kỳ và EU đã đồng ý hợp tác cùng nhau hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững, cho phép hai bên đàm phán kế hoạch này trong hai năm. Họ phải đối mặt với thời hạn là ngày 31/10.
Các mức thuế mới sẽ là một phần của thỏa thuận đó, nhằm mục đích xây dựng các rào cản thương mại chống lại hàng nhập cảng từ các nhà máy có lượng khí thải carbon cao, nhưng đáng chú ý là chống lại các quốc gia sản xuất nhiều thép hơn mức bảo đảm nhu cầu thị trường.
Tác động toàn cầu của tình trạng dư thừa nguồn cung thép từ Trung Quốc
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới có trụ sở tại Bỉ, Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, với sản lượng thép thô lên tới 1,018 triệu tấn vào năm 2022, chiếm khoảng 54% tổng sản lượng của thế giới.
Để so sánh, sản lượng thép thô kết hợp của 27 quốc gia châu Âu là 136.7 triệu tấn, trong khi sản lượng thép thô của Hoa Kỳ là 80.5 triệu tấn, tương ứng chưa bằng 1/7 và 1/12 sản lượng của Trung Quốc.
Theo bài viết của ký giả tài chính Wolf Richter trên blog Wolf Street của ông hồi tháng Sáu, sản lượng thép thô toàn cầu đã tăng 122% kể từ năm 2000. Sản lượng thép thô của Trung Quốc đã tăng 735%, trong khi phần còn lại của thế giới, ngoại trừ khu vực Bắc Mỹ, có mức tăng trưởng trung bình dưới 30%.
Một báo cáo năm 2016 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã lưu ý rằng năm 2005, Trung Quốc chiếm 31% sản lượng thép thế giới. Đến năm 2015, con số đó đã tăng lên 50%. Trong thập niên đó, sản lượng của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, chiếm gần như toàn bộ mức tăng 475 triệu tấn trong sản lượng toàn cầu.
Tình trạng dư thừa công suất và bán phá giá xuất cảng các sản phẩm thép đã tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.
Từ năm 2011 đến năm 2015, nguồn cung thép Trung Quốc tăng vọt đã khiến giá thép toàn cầu giảm 57% và khiến hàng chục ngàn người làm việc trong ngành này trên toàn thế giới mất việc, theo một bản tin năm 2018 của Wall Street Journal có tựa đề “Cách Trung Quốc Đã Xây Nên Một Đại Bản Doanh Thép Và Làm Chấn Động Thương Mại Thế Giới” (How China Built a Steel Behemoth and Convulsed World Trade).
Trong một tuyên bố chung hồi tháng 06/2015, các tập đoàn công nghiệp thép trên khắp thế giới đã cáo buộc Trung Quốc “dư thừa công suất rất nhiều và ngày càng gia tăng trong thời kỳ tăng trưởng chậm lại.” Báo cáo cho biết tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc đã khiến tất cả các khu vực phải hứng chịu “sự gia tăng nhanh chóng về tình trạng nhập cảng không công bằng.”
Tuyên bố kêu gọi các chính phủ xem xét chính sách thép của Trung Quốc khi xem xét liệu Trung Quốc này có nên được Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) công nhận là nền kinh tế thị trường hay không.
Hồi tháng 05/2016, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc chống lại việc trao cho Trung Quốc quy chế “nền kinh tế thị trường.”
Báo cáo cho biết tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và dẫn đến xuất cảng giá rẻ đã gây ra “những hậu quả nghiêm trọng về xã hội, kinh tế, và môi trường ở EU.”
Nguồn lực nhà nước trợ cấp cho việc tiếp quản thép toàn cầu
Sự tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc trong ngành thép có thể bắt nguồn trực tiếp từ các chính sách khuyến khích dài hạn của ĐCSTQ. Bản tin của Wall Street Journal năm 2018 lưu ý, trong nhiều thập niên, rằng “các nhà máy thép của Trung Quốc không thể phân biệt được với nhà nước.”
Wall Street Journal cho biết: “Trong nhiều năm, sự thu xếp này đã ít được quan tâm ở nước ngoại quốc.” Tuy nhiên, khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, mức thuế thấp hơn và sự hậu thuẫn của chính quyền đã giúp xuất cảng ròng của Trung Quốc tăng vọt, gây ra nhiều lo ngại.
Hầu hết các nhà máy thép của Trung Quốc là doanh nghiệp nhà nước, cho phép họ tiếp cận với đất đai miễn phí, năng lượng giá rẻ, nguồn tài trợ của chính phủ, các khoản vay lãi suất thấp, và mọi loại nguồn lực của nhà nước và các quỹ ngân hàng.
Các khoản trợ cấp của ĐCSTQ cho phép các nhà sản xuất thép Trung Quốc định giá thấp hơn 20–40% so với ở Hoa Kỳ.
Theo đánh giá của chính phủ Hoa Kỳ, các cuộc điều tra từ năm 2004 đến 2008 của Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) phát hiện ra rằng Trung Quốc đã trợ cấp cho ống thép carbon hàn từ 25–113% giá trị sản phẩm.”
Trong một trường hợp khác, vào tháng 08/2021, tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc đã chuyển nhượng miễn phí 51% cổ phần của Công ty Bản Cương (Bengang Steel) cho Tập đoàn Yên Cương (Ansteel Group) thuộc sở hữu nhà nước, biến Bản Cương trở thành công ty con của Yên Cương. Việc tái cấu trúc do chính quyền tài trợ này đã tạo ra nhà sản xuất thép lớn thứ ba thế giới từ hai công ty từng là đối thủ.
Hành động này phù hợp với một loạt các hoạt động hợp nhất của ĐCSTQ nhằm củng cố ngành công nghiệp sắt thép.
Hồi tháng 09/2016, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố Tập đoàn Bảo Cương (Baosteel Group) có trụ sở tại Thượng Hải và Tập đoàn Gang thép Vũ Hán (Wuhan Iron and Steel Corp.) có trụ sở tại Hồ Bắc sẽ sáp nhập, đổi tên thành Tập đoàn Thép Bảo Vũ Trung Quốc (China Baowu Steel Group) và trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc.
Trong một loạt các hành động tiếp theo, Tập đoàn Thép Bảo Vũ Trung Quốc đã sáp nhập với sáu tập đoàn thép trên khắp Trung Quốc — Tập đoàn Trung Cương (Sinosteel Group) ở Bắc Kinh, Tập đoàn Mã Cương (Masteel Group), Tập đoàn Thái Cương (Taigang Group), Gang Thép Trùng Khánh (Chongqing Iron and Steel), Gang Thép Bát Nhất (Ba Yi Iron and Steel), và Thép Côn Minh (Kunsteel) — để trở thành siêu tập đoàn thép lớn hàng đầu thế giới.
Theo bảng xếp hạng của Hiệp hội Thép Thế giới, sau nhiều thập niên tích lũy, đến năm 2022, Trung Quốc chiếm sáu vị trí trong số 10 công ty thép hàng đầu thế giới.
Ông Chiou đến từ Đại học Northeastern University cho biết, cách tiếp cận quá hung hăng này không tương thích với sự cạnh tranh kinh doanh thông thường.
Tuy nhiên, cách tiếp cận ấy phù hợp với mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ, vốn vượt ra ngoài phạm vi kinh doanh. Ông nói, mục tiêu đó bao gồm việc “loại bỏ các đối thủ cạnh tranh chứ không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận.”
Ông Chiou cho biết, trong khi các hoạt động kinh doanh thông thường thường hướng đến việc giảm chi phí và nâng cao chất lượng để thu được lợi nhuận, thì chiến lược của ĐCSTQ trong nhiều ngành lại là khác.