Ngoại trưởng Blinken kết thúc chuyến công du Trung Á trước các cuộc đàm phán G-20 ở Ấn Độ
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sắp kết thúc một chuyến công du ngắn đến Trung Á tại Uzbekistan trước khi đến Ấn Độ cho điều được dự kiến là một cuộc họp của các ngoại trưởng trong Nhóm 20 (G-20) chủ yếu là về cuộc xung đột tại Ukraine.
Hôm thứ Tư (01/03), ông Blinken đã gặp gỡ các quan chức cao cấp của Uzbekistan tại Tashkent một ngày sau khi ông cảnh báo các đối tác của mình từ toàn bộ năm quốc gia Trung Á về những mối nguy hiểm mà cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra.
Trình bày trước các cuộc đàm thoại với quyền ngoại trưởng Uzbekistan, ông Blinken cho biết ông tin rằng Hoa Kỳ và Trung Á có chung các mối lo ngại về Ukraine, mặc dù các quốc gia Liên Xô cũ này đã vượt qua một ranh giới tế nhị khi lên án Nga về cuộc chiến này.
Ông Blinken nói khi đề cập đến cuộc họp giữa ông và các ngoại trưởng của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan hôm thứ Ba (28/02) tại thủ đô Astana của Kazakhstan, “Tôi nghĩ rằng đã có một ý nghĩa to lớn về cả thách thức chung và mục đích chung giữa các quốc gia C5+1.”
Trong những cuộc đàm thoại đó, ông Blinken liên tục đề cập đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với “chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, và nền độc lập” của năm quốc gia này với lời cảnh báo không mấy tinh tế về các nước cộng hòa Xô Viết cũ mà giá trị của Nga với tư cách là một đối tác đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi cuộc chiến kéo dài một năm của Nga với Ukraine, một quốc gia Xô Viết cũ khác.
Quyền Ngoại trưởng Uzbekistan Bakhtiyor Saidov đã cảm ơn ông Blinken vì sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho đất nước của ông và các nước láng giềng của Uzbekistan. Ông nói, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta có những ưu tiên chung cho một Trung Á thịnh vượng, ổn định, và hòa bình.”
Không nước nào trong số năm quốc gia Trung Á nói trên, theo truyền thống được xem là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Điện Kremlin, đã công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Nga. Tuy nhiên, cũng không nước nào trong số đó lên án cuộc chiến này. Ngoài ra, tất cả các nước này đã có cơ hội để làm như vậy một lần nữa hồi tuần trước khi họ không bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày cuộc chiến này tròn một năm.
Sau đó, ông Blinken đã gặp Chủ tịch Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev trước khi rời nước này để tới New Delhi, nơi ông sẽ tham dự một cuộc họp kéo dài hai ngày của các ngoại trưởng Nhóm 20 (G-20) gồm các nước đang phát triển và công nghiệp hóa lớn nhất, trong đó có cả Trung Quốc và Nga.
Những cuộc đàm phán G-20 này diễn ra khi các căng thẳng tăng vọt giữa Hoa Kỳ và Nga và giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraine và sự gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tất cả ba quốc gia đang cạnh tranh mãnh liệt để lấn át nhau, đặc biệt là tại các sự kiện như G-20.
Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây của mình trong G-20 sẽ thúc đẩy nhóm này đi theo một lập trường kiên định hơn về cuộc chiến này, trong khi Nga và Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy để nhận được sự ủng hộ rộng rãi cho một đề nghị hòa bình của Trung Quốc về vấn đề Ukraine mà Bắc Kinh đã tiết lộ tuần trước. Kế hoạch đó đa phần đã bị phương Tây bác bỏ.
Một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G-20 ở Ấn Độ hồi tuần trước (20-26/02) đã kết thúc mà không có sự đồng thuận về vấn đề Ukraine.
Lần cuối cùng các ngoại trưởng của nhóm này gặp nhau — ở Bali, Indonesia, hồi năm 2022 — ông Blinken đã tổ chức các cuộc đàm thoại mở rộng với Ngoại trưởng Trung Quốc đương thời Vương Nghị (Wang Yi), vốn đã dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh ở Bali giữa Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2022.
Hồi tháng trước, ông Vương, người sau đó đã được thăng tiến, đã gặp ông Blinken bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Đây là các cuộc đàm thoại cao cấp đầu tiên kể từ khi Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc và ông Blinken đã hoãn một chuyến công du rất được mong đợi đến Bắc Kinh.
Những cuộc thảo luận đó đã kết thúc mà không có dấu hiệu tiến triển trong việc cải thiện mối bang giao, vốn đã căng thẳng hơn nữa khi Hoa Kỳ cáo buộc rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang xem xét cung cấp cho Nga các nguồn tiếp tế quân sự gây thương vong để sử dụng ở Ukraine, cũng như các gợi ý được nhắc lại rằng đại dịch COVID-19 có thể là hậu quả do một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Hôm thứ Ba (28/03), tại Astana, ông Blinken cho biết chính phủ Thống thống Biden “sẽ không ngần ngại” áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc nào trợ giúp cho nỗ lực chiến tranh của Nga.
“Khi nói đến sự xâm lược của Nga ở Ukraine, Trung Quốc không thể nào bắt cá hai tay. Họ không thể một mặt đưa ra các đề nghị hòa bình, còn mặt khác thì kỳ thực đang tiếp sức cho cuộc chiến mà Nga đã phát động.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times