Tổng thống Putin ký dự luật đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng với Hoa Kỳ
Hôm thứ Ba (28/02), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật chính thức đình chỉ hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do cuộc chiến ở Ukraine.
Theo dự luật mà ông đã ký được Điện Kremlin công bố, Nga sẽ không còn tham gia hiệp ước New START. Văn kiện này cho biết việc quyết định liệu Moscow có thể quay trở lại hiệp ước này hay không, đều phụ thuộc vào tổng thống Putin.
Ông Putin đã tuyên bố một tuần trước trong bài Thông điệp Liên bang rằng Moscow đang tạm ngừng tham gia vào hiệp ước New START được ký kết vào năm 2010. Ông đã cáo buộc rằng Nga không thể chấp nhận việc Hoa Kỳ thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này theo hiệp ước vào thời điểm mà Hoa Thịnh Đốn và các nước đồng minh NATO của họ đã công khai tuyên bố rằng thất bại của Nga ở Ukraine là mục tiêu của họ.
Cả hai viện của quốc hội đã nhanh chóng phê chuẩn dự luật của ông Putin về việc đình chỉ hiệp ước hồi tuần trước (20-26/02). Hôm 28/02, ông Putin đã ký thành luật dự luật này, và sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Ông Putin đã nhấn mạnh rằng Moscow không hoàn toàn rút khỏi hiệp ước và Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ tôn trọng giới hạn về các loại vũ khí hạt nhân được quy định trong hiệp ước cũng như vẫn duy trì việc thông báo cho Hoa Kỳ về các vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo.
“Kể từ hôm nay, Nga sẽ đình chỉ việc tham gia vào hiệp ước vũ khí tấn công chiến lược này,” ông Putin cho biết trong bài Thông điệp Liên bang hồi tuần trước. “Chúng ta sẽ không rút khỏi thỏa thuận này,” ông nói thêm. “Chúng ta chỉ là đang tạm dừng [sự tham gia của chúng ta trong] thỏa thuận này.”
Hôm thứ Hai (27/02), một quan chức liên bang đảm trách việc kiểm soát vũ khí đã chỉ trích Nga không phải là một đối tác hạt nhân có trách nhiệm sau bài diễn văn của ông Putin.
“Chỉ vài ngày trước, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng Nga đang đơn phương đình chỉ việc thực thi hiệp ước New START. Nga một lần nữa cho thế giới thấy rằng họ không phải là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm,” ông Bonnie Jenkins, Thứ trưởng Hoa Kỳ đảm trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, trình bày tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, theo hãng thông tấn Reuters.
Mục đích của Hiệp ước này là gì?
Được ký kết bởi hai tổng thống đương thời là Barack Obama và Dmitry Medvedev hồi năm 2010, hiệp ước này giới hạn mỗi quốc gia không được phép sở hữu vượt quá 1,550 đầu đạn hạt nhân được khai triển cũng như 700 hỏa tiễn và oanh tạc cơ được khai triển, trong khi thỏa thuận này dự kiến tiến hành các cuộc thanh sát sâu rộng tại chỗ để xác nhận xem hai nước có tuân thủ hay không. Hồi đầu năm 2021, Tổng thống Joe Biden đồng ý gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm.
Những cuộc thanh sát này đã không được tiến hành kể từ năm 2020 vì đại dịch COVID-19. Các cuộc thảo luận về việc nối lại hoạt động này lẽ ra sẽ được tổ chức hồi tháng 11 năm ngoái (2022), nhưng Nga đã đột ngột hủy bỏ các cuộc thương thuyết này.
Trung tâm Kiểm soát và Không Phổ biến Vũ khí ước tính rằng kho vũ khí của Nga hiện sở hữu khoảng 5,977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Hoa Kỳ hiện sở hữu khoảng 5,550 đầu đạn.
Vài tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trình bày với Quốc hội trong một báo cáo rằng Moscow đã ngừng tham gia hiệp ước New START kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.
Bộ Ngoại giao cho biết trong một báo cáo hôm 31/01 (pdf): “Nga từ chối tạo thuận tiện cho các hoạt động thanh sát, ngăn không cho Hoa Kỳ thực hiện các quyền quan trọng theo hiệp ước này và đe dọa tính khả thi của hoạt động kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Hoa Kỳ–Nga.”
Bất chấp những hành động gần đây của Nga, báo cáo của cơ quan này lưu ý rằng Hoa Kỳ “tiếp tục đánh giá rằng không có sự mất cân bằng chiến lược giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga gây nguy hiểm cho lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”
“Hoa Kỳ duy trì một kho vũ khí hạt nhân an toàn, bảo đảm, và hiệu quả, đủ để ngăn chặn cuộc tấn công chiến lược, trấn an các đồng minh và đối tác, đồng thời đáp trả trong trường hợp bị kẻ thù tấn công,” báo cáo nêu rõ, và cho biết thêm rằng hiệp ước hiện đang bị đình chỉ này “vẫn sẽ hạn chế các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và cung cấp thông tin chi tiết về các lực lượng của Nga.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times