Đồng minh của TT Putin nói sẽ trang bị ‘vũ khí hạt nhân cho nước nào’ gia nhập liên minh Nga-Belarus
Tổng thống (TT) Belarus Alexander Lukashenko đã hứa sẽ cung cấp vũ khí hạt nhân cho bất kỳ quốc gia nào khác muốn gia nhập Nhà nước Liên minh Nga-Belarus.
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước của Điện Kremlin hôm Chủ Nhật (28/05), ông Lukashenko, một đồng minh trung thành của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đưa ra nhận xét, nói rằng phải “hiểu một cách chiến lược” rằng Minsk và Moscow đang có một cơ hội phối hợp độc nhất.
“Không quốc gia nào chống lại Kazakhstan và các nước khác có mối liên hệ thân thiết như chúng tôi với Liên bang Nga,” ông Lukashenko nói. “Nếu có quốc gia nào cảm thấy lo lắng … [thì] rất đơn giản: hãy gia nhập Nhà nước Liên minh Belarus và Nga,” ông nói, đồng thời cho biết thêm, “sẽ có vũ khí hạt nhân cho tất cả mọi người.”
Tuy nhiên, ông Lukashenko đã nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn này rằng đó là quan điểm của riêng ông — chứ không nhất thiết là quan điểm của ông Putin.
Belarus và Nga là một phần của một Nhà nước Liên minh, một thỏa thuận siêu quốc gia giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã được ký kết vào năm 1999 với mục đích tăng cường liên kết kinh tế và quốc phòng giữa hai quốc gia lân bang này.
Bình luận của ông Lukashenko được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Belarus tiến hành một kế hoạch chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga sang đất nước của mình, một hành động đã bị chính phủ Tổng thống Joe Biden và Liên minh Âu Châu (EU) lên án.
Trong một bài đăng hôm 26/05 trên Twitter, người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU Josep Borrell Fontelles cho biết: “Đây là một bước đi sẽ dẫn đến sự leo thang ngày càng nguy hiểm hơn nữa.”
Tuần trước (22/05-28/05), ông Lukashenko nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik rằng việc khai triển hạt nhân chiến thuật của Moscow tới Minsk đã bắt đầu, nhưng ông không nói rõ liệu các đầu đạn đó đã đến lãnh thổ Belarus hay chưa.
Việc khai triển này đánh dấu lần đầu tiên các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được khai triển bên ngoài nước Nga kể từ năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã.
Hồi cuối tháng Ba, lần đầu tiên ông Putin mô tả kế hoạch chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus. Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái, các quan chức hàng đầu của Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo về khả năng leo thang hạt nhân. Mối bang giao giữa Nga và Hoa Kỳ đã xấu đi kể từ khi Moscow xâm lược Kyiv.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được mô tả như một loại phương tiện mang lại sức mạnh hủy diệt của vũ khí hạt nhân trong một không gian chiến trường tương đối hạn chế. Những vũ khí này thường có năng suất nhỏ hơn so với vũ khí hạt nhân chiến lược được thiết kế để phá hủy toàn bộ các thành phố trong thời Chiến Tranh Lạnh.
Kazakhstan từ chối đề nghị
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, quốc gia có 20 triệu dân có mối liên hệ lịch sử chặt chẽ với Moscow, đã từ chối đề nghị của ông Lukashenko về việc gia nhập Nhà nước Liên minh Nga-Belarus, đồng thời gọi lời đề nghị này là một “trò đùa.”
“Tôi cảm kích câu nói đùa của ông ấy,” văn phòng của ông Tokayev dẫn lời ông nói trên Telegram, đồng thời cho biết thêm rằng Kazakhstan đã là một thành viên của một khối thương mại rộng lớn hơn do Nga dẫn đầu, Liên minh Kinh tế Á-Âu, vì vậy không cần phải hội nhập thêm nữa.
“Đối với vũ khí hạt nhân, chúng tôi không cần chúng vì chúng tôi đã tham gia Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) và Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện,” ông nói trong một nhận xét có thể được hiểu như là một sự châm chích đối với Moscow và Minsk.
Trong khi đó, tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong một cuộc họp báo hồi tuần trước rằng chính phủ ông Biden biết về thỏa thuận Nga-Belarus này và “chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi những tác động ở đây.”
“Đây là một ví dụ khác về việc [ông Putin] đưa ra những lựa chọn vô trách nhiệm và mang tính khiêu khích,” bà nói. “Chúng tôi vẫn cam kết vào khối quốc phòng chung của liên minh NATO, và tôi sẽ không nói thêm điều gì về vấn đề đó.”
Bà Jean-Pierre cho biết phía Hoa Kỳ chưa nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng một vũ khí hạt nhân và do đó, Hoa Kỳ sẽ không thay đổi thế trận hạt nhân của mình.
Leo thang hành động ăn miếng trả miếng
Các quan chức Nga đã gắn việc khai triển hạt nhân chiến thuật ở Belarus với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và NATO dành cho chính phủ Ukraine.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, trong một cuộc gặp với người đồng cấp Belarus ở Minsk, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: “Về căn bản, tập thể phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố chống lại các quốc gia của chúng tôi.”
Hoa Kỳ và NATO đã dần dần tăng cường chi viện cho quân đội Ukraine, bắt đầu bằng việc gửi các bệ phóng chống tăng và phòng không xách tay khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 02/2022. Theo thời gian, các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho lực lượng Ukraine các phi cơ không người lái tự hủy, Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao (HIMAR) tân tiến, thiết vận xa chiến đấu, và xe tăng.
Nga đã sử dụng lãnh thổ Belarus như là một bệ phóng cho cuộc xâm lược Ukraine. Kể từ đó, hợp tác quân sự giữa hai nước này đã tăng lên, với các cuộc tập trận chung trên đất Belarus.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và phóng viên Ryan Morgan của NTD
Do NTD News thực hiện
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times