Quan chức hàng đầu của Nga đưa ra cảnh báo mới về nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Cuối tuần qua (29-30/07), cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga có thể phải sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine tham gia vào chiến dịch phản công đang diễn ra và thành công.
Hôm 30/07, ông Medvedev cho biết trong một thông điệp trên các tài khoản mạng xã hội chính thức của mình rằng Nga sẽ buộc phải từ bỏ học thuyết vũ khí hạt nhân của mình nếu một kịch bản như vậy xảy ra. Ông không nói thêm chi tiết.
Ông viết trên Twitter và các trang khác rằng, “Chỉ đơn giản là không còn cách nào khác để thoát khỏi” việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cuộc tấn công của Ukraine thành công và một vùng lãnh thổ nào đó của Nga bị chiếm. “Thử tưởng tượng là cuộc tấn công do NATO hậu thuẫn thành công và họ lấy đi một phần đất đai của chúng ta: vậy thì sau đó chúng ta sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân, theo quyết định ngày 02/06/2020 của Tổng thống (nguyên văn).”
Ông Medvedev nói rằng đó là lý do tại sao “những kẻ thù của chúng ta phải kính trọng các chiến binh của chúng ta” bởi vì theo Điện Kremlin, “họ đang ngăn chặn ngọn lửa hạt nhân bùng lên trên toàn cầu,” đề cập đến những nỗ lực của Nga nhằm ngăn Ukraine chiếm đất của họ.
“Tái bút: Ngư lôi không người lái Poseidon gửi lời chào và nhắn nhủ đến những kẻ thù của đất nước chúng ta là hãy cầu nguyện cho sức khỏe của toàn bộ lực lượng thủy quân lục chiến Nga,” ông viết.
Ông Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đưa ra một số bình luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine vào đầu năm 2022. Ông đã thể hiện bản thân là một trong những tiếng nói hiếu chiến nhất của Moscow và dường như đề cập đến một phần của học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng để đáp trả hành động gây hấn nhắm vào Nga.
Ukraine đã tuyên bố rằng họ đang cố gắng chiếm lại lãnh thổ mà Nga đã đơn phương sáp nhập và tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình, một hành động bị Kyiv và phần lớn các nước phương Tây lên án.
Những người chỉ trích Điện Kremlin trước đây đã cáo buộc ông Medvedev đưa ra những tuyên bố khoa trương nhằm ngăn cản các quốc gia phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Hôm 29/07, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết không có thay đổi chiến trường nghiêm trọng nào để báo cáo trong những ngày gần đây và Ukraine đã tổn thất một lượng lớn thiết bị quân sự kể từ ngày 04/06.
Kyiv cho biết các lực lượng của họ đang đạt được một số tiến bộ trong nỗ lực chiếm lại lãnh thổ, mặc dù với tốc độ chậm hơn mong muốn.
Cảnh báo hạt nhân
Ông Medvedev đã không ngần ngại đưa ra những cảnh báo về vũ khí hạt nhân liên quan đến các vấn đề nội bộ. Trong cuộc tuần hành thất bại của thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin ở Moscow, ông Medvedev nói rằng một cuộc nổi loạn như vậy có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông Medvedev đã nói rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể “kết thúc trong vài ngày” bằng cách sử dụng một chiến thuật tương tự như những gì “người Mỹ đã làm vào năm 1945 khi họ khai triển vũ khí hạt nhân và oanh tạc hai thành phố của Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki.”
Hồi tháng Tư, ông đã cảnh báo về việc mở rộng hạt nhân của Nga nếu Phần Lan hoặc Thụy Điển gia nhập NATO. Phần Lan kể từ đó đã gia nhập khối quân sự này, trong khi tư cách thành viên của Thụy Điển đã được thông qua hồi tháng trước sau khi thành viên sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ rút lại sự phản đối của mình.
Tháng 09/2022, ông Medvedev tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân chiến lược có thể được khai triển để bảo vệ các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập từ Ukraine. Nhiều tháng sau, vào tháng 01/2023, cựu tổng thống nói rằng thất bại của Nga trong cuộc chiến có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân trên toàn thế giới.
“Sự thất bại của một cường quốc hạt nhân trong một cuộc chiến tranh thông thường có thể kích khởi sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân,” ông viết trên ứng dụng Telegram hồi tháng Một. “Các cường quốc hạt nhân không thua trong các cuộc xung đột lớn mà số phận của họ phụ thuộc vào đó. Điều này nên là rõ ràng với bất kỳ ai. Ngay cả với một chính trị gia phương Tây, người đã giữ lại ít nhất một số thông tin tình báo.”
Đáp lại, Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine trong cả các cuộc nói chuyện riêng tư cũng như qua các kênh công khai. Trong kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi năm 2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đề cập đến mối đe dọa hạt nhân này trong một bài diễn văn và tuyên bố rằng những lời cảnh báo đó là “sự xem thường liều lĩnh đối với những trách nhiệm trong quy chế không phổ biến vũ khí hạt nhân.”
Hồi tháng Sáu, ông Putin cho biết Moscow đã chuyển loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên sang quốc gia lân bang Belarus và nói rằng các vũ khí này ở đó để răn đe. Số vũ khí hạt nhân chiến thuật còn lại được ấn định chuyển sang Belarus sẽ được gửi đến đó vào cuối mùa hè này, hoặc có thể là vào cuối năm 2023, ông cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times