NATO củng cố lực lượng tại Kosovo sau cuộc bầu cử dẫn đến xung đột với người dân tộc Serb
Những ngày gần đây đã chứng kiến một sự bùng nổ xung đột chính trị khác ở Đông Âu — lần này là ở Kosovo, nơi mà gần đây người sắc tộc Serbia ở phía bắc nước này đã đụng độ với lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO.
Kể từ đó, quân đội Serbia đã được khai triển ở gần biên giới với Kosovo, còn về phía NATO, họ cũng công bố các kế hoạch nhằm củng cố lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo (KFOR).
Năm 2008, Kosovo — với sự ủng hộ của Hoa Kỳ — đã tuyên bố độc lập khỏi Serbia, nước có chung đường biên giới dài 236 dặm (379 km). Tuy nhiên, hàng chục quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và năm quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu (EU), chưa bao giờ công nhận hành động này.
Người dân tộc Serb ở phía bắc Kosovo cũng phản đối nền độc lập của đất nước này và vẫn xem Belgrade là thủ đô của quốc gia.
Moscow, nước có chung mối liên hệ về văn hóa, sắc tộc, và tôn giáo với Belgrade, vẫn xem Kosovo là một phần của Serbia. Không giống như hầu hết các thủ đô Âu Châu, Belgrade phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine của họ.
“Chúng tôi ủng hộ Serbia vô điều kiện,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 31/05. “Chúng tôi tin rằng tất cả các quyền và lợi ích hợp pháp của người Serbia ở Kosovo phải được tôn trọng và bảo đảm.”
Năm 1999, Belgrade đã rút quân khỏi Kosovo sau một chiến dịch ném bom kéo dài 78 ngày của NATO nhằm vào Nam Tư, khi đó là một phần của Serbia.
Các cuộc bầu cử địa phương gây ra các cuộc xung đột
Hồi tháng Tư, các cuộc bầu cử địa phương đã được tổ chức ở miền bắc Kosovo, nơi người Serbia đang chiếm đa số.
Người dân tộc Serb đã tẩy chay các cuộc bầu cử này như một cách để đòi quyền tự trị lớn hơn cho khu vực này, kết quả là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ có 3.5%.
Kết quả là, các ứng cử viên người Albania đã giành được đa số phiếu và chiến thắng trong các cuộc bầu cử.
Về phần mình, cộng đồng Serbia ở địa phương đã bác bỏ tính hợp pháp của các cuộc bỏ phiếu này, cho rằng tỷ lệ cử tri tham gia là quá thấp.
Tuy nhiên, hôm 26/05, Pristina — thủ đô của Kosovo — đã điều động lực lượng an ninh tới khu vực này để bảo đảm rằng các quan chức mới đắc cử có thể nhậm chức.
Hành động này đã vấp phải sự chỉ trích hiếm hoi từ Hoa Thịnh Đốn, vốn kêu gọi Pristina giảm leo thang tình hình.
Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Đức — đều là những quốc gia ủng hộ vững chắc của Kosovo — cũng lên án hành động của Pristina.
Ba ngày sau, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra của người dân tộc Serb, lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR đã bao vây các tòa nhà hành chính địa phương để cho phép các quan chức được bầu vào nhậm chức.
Hành động này đã gây ra các cuộc đụng độ dữ dội giữa những người biểu tình Serbia và nhân viên KFOR, dẫn đến hàng chục người bị thương ở cả hai bên.
Sau những bất ổn này, Serbia đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao, và các đơn vị quân đội đã được khai triển đến gần biên giới Kosovo. Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, ông Milos Vucevic, đã cảnh báo rằng quân đội sẽ không dung thứ cho các hành động bạo lực đối với người dân tộc Serb trong khu vực này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án “các hành động khiêu khích” của Pristina, mà theo họ là “đã đe dọa đến an ninh của toàn bộ khu vực Balkan.”
Khi căng thẳng trong khu vực tiếp tục gia tăng, NATO đã công bố các kế hoạch điều động thêm 700 binh sĩ để củng cố lực lượng KFOR gồm 4,000 quân của mình.
Hôm 01/06, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg đã nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi sẽ ở đó để bảo đảm một môi trường an toàn và an ninh, đồng thời làm dịu và giảm bớt căng thẳng.”
Ngày hôm sau (02/06), Thủ tướng Kosovo Albin Kurti đã nhắc lại quan điểm của mình, nhấn mạnh rằng các quan chức được bầu sẽ được phép nhậm chức ở các khu vực người Serbia chiếm đa số.
“Các thị trưởng nên đến và làm việc tại văn phòng của họ,” ông Kurti nói với hãng thông tấn địa phương. “Nếu những tòa nhà công cộng là để cho quan chức nhà nước sử dụng mà giờ họ lại không được bước vào thì xây dựng ra để làm gì?”
Kosovo hiện không phải là một thành viên của NATO. Tuy nhiên, hồi tháng 12/2022, Bộ trưởng Ngoại giao của Kosovo cho biết rằng bà hy vọng nước này sẽ tham gia chương trình “Đối tác vì Hòa bình” của NATO vào năm 2023.
Hành động này được nhiều người xem là một bước đệm hướng tới tư cách thành viên chính thức của NATO.
Các nhà lãnh đạo tranh luận ở Moldova
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra này đã được thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh hôm 01/06 ở Moldova, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo của 40 quốc gia Âu Châu, bao gồm cả Kosovo và Serbia.
Tại sự kiện này, Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani đã cáo buộc Serbia ủng hộ “các băng đảng vũ trang” ở phía bắc Kosovo với mong muốn khuấy động đất nước này.
“Tình hình này đang trở nên căng thẳng,” bà nói. “Chúng ta cần … khôi phục luật pháp ở Kosovo và hiểu rằng mối đe dọa này đang đến từ việc Serbia phủ nhận sự tồn tại của Kosovo với tư cách là một quốc gia có chủ quyền.”
Về phần mình, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã kêu gọi Pristina rút “các thị trưởng được đề cập,” đồng thời nói thêm rằng lực lượng an ninh Kosovo đã đến khu vực này một cách bất hợp pháp.
Ông nói: “Serbia sẽ cố gắng hết sức để giảm leo thang tình hình, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục người Serbia tiến hành một cách bình tĩnh và hòa bình.”
“Tuy nhiên, họ đang rất cương quyết,” ông Vucic nói thêm.
Hội nghị thượng đỉnh này còn có sự tham dự của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đã tận dụng cơ hội này để thúc giục cả hai bên “thực hiện các bước để giảm leo thang” tình hình.
Ông Blinken nói: “Chúng tôi ủng hộ quá trình hội nhập Châu Âu-Thái Bình Dương cho Kosovo và Serbia, nhưng sự leo thang hiện tại đang cản trở hơn là giúp ích cho những nỗ lực đi theo chiều hướng đó.”
Serbia hiện là một trong tám quốc gia — cùng với Moldova và Ukraine — được hưởng quy chế ứng cử viên chính thức của EU. Kosovo cũng đã được Brussels chỉ định là một ứng cử viên tiềm năng cho việc gia nhập EU.
Sau đó, bà Osmani và ông Vucic đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh sau lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Tại cuộc họp này, bà Osmani được cho là đã bày tỏ sự sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử địa phương mới — với sự tham gia của người Serb ở địa phương — miễn là các cuộc bầu cử này được tiến hành trong một khuôn khổ pháp lý.
‘Đảo chính kiểu Maidan’ ở Belgrade
Cuộc khủng hoảng ở Kosovo trùng hợp với các cuộc biểu tình lớn ở Belgrade hôm 28/05, được tổ chức sau hai vụ xả súng hàng loạt xảy ra hồi đầu tháng này.
Những vụ việc này bao gồm vụ nổ súng hàng loạt đầu tiên ở trường học của người Serbia, khiến chín em học sinh và một nhân viên bảo vệ thiệt mạng hôm 03/05.
Những người biểu tình, tụ tập với khẩu hiệu “Serbia phản đối bạo lực,” đã đổ lỗi cho các sự kiện tang thương trên là do một “nền văn hóa bạo lực” gây ra, điều mà họ cho rằng chính phủ của ông Vucic đã không giải quyết được.
Đám đông biểu tình, được cho là có số lượng lên tới hàng ngàn người, đã yêu cầu ông Vucic và các quan chức chính phủ hàng đầu khác từ chức.
Đây là cuộc biểu tình thứ tư do các đảng đối lập tổ chức trong suốt nhiều tuần qua. Một cuộc biểu tình khác đã được dự trù sẽ xảy ra vào ngày 02/06.
Ông Alexander Botsan-Kharchenko, đại sứ Moscow tại Serbia, đã cáo buộc các đối thủ chính trị của ông Vucic đang cố gắng tổ chức một “cuộc đảo chính kiểu Maidan,” đồng thời ám chỉ đến “Cách mạng Maidan” năm 2014 của Ukraine.
“Đây là một phần của cuộc chiến hỗn hợp,” nhà ngoại giao này nói với hãng thông tấn TASS của Nga hôm 30/05. “Các lực lượng chống Belgrade … đang hoạt động trên hai mặt trận: tình hình ở Kosovo và các âm mưu đảo chính kiểu Maidan tại Belgrade.”
Năm 2014, một cuộc nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn ở Kyiv — được mệnh danh là “Cách mạng Maidan” — đã lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga của Ukraine Viktor Yanukovych khỏi ghế quyền lực. Ông được thay thế bởi ông Petro Poroshenko, người đã đưa Ukraine vào một con đường thân phương Tây hơn.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times