Không thấy triển vọng hòa bình sau một năm Nga xâm lược Ukraine
Đã một năm trôi qua kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine, nhưng bối cảnh quốc tế lại ngày càng trở nên phức tạp hơn — và nguy hiểm hơn.
Bất chấp sức mạnh kết hợp của phương Tây, dẫn đầu là liên minh đáng gờm NATO, Nga vẫn đánh chiếm được những vùng lãnh thổ rộng lớn.
Trong khi đó, châu Âu đã và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi một vài thế lực bí ẩn nào đó đã phá hủy các đường ống dẫn khí đốt chiến lược vào năm ngoái.
Khi phương Tây tăng cường hơn nữa sự ủng hộ của họ dành cho Kyiv, những lo ngại về một cuộc xung đột cũng tăng theo — và thậm chí là chiến tranh hạt nhân, mà không có dấu hiệu rõ ràng nào về một giải pháp hòa bình.
Phá hoại đường ống: ‘Không có lằn ranh đỏ’
Khi cuộc xung đột này bước sang năm thứ hai, người ta vẫn chưa biết — ít nhất là đối với công chúng — ai đã phá hủy các đường ống Nord Stream này, vốn thực hiện nhiệm vụ đưa nguồn khí đốt rất cần thiết của Nga đến Bắc Âu.
Tháng Chín năm ngoái (2022), các đường ống này đã bị vỡ ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch, dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng trên diện rộng và áp lực lạm phát kèm theo.
Chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch nhanh chóng kết luận rằng vụ vỡ đường ống này là một hành động phá hoại. Tuy nhiên, các cuộc điều tra đột ngột bị dừng lại vì những lo ngại của chính phủ về vấn đề “an ninh quốc gia.”
Về phần mình, Moscow xem vụ phá vỡ đường ống này là một “hành động khủng bố,” tuyên bố rằng họ có bằng chứng cho thấy Anh đã đồng lõa trong vụ tấn công này.
Kể từ đó, báo chí phương Tây hầu như đều phớt lờ câu hỏi ai là người đứng đằng sau hành động phá hoại hao tiền tốn của nhất trong lịch sử này.
“Làm thế nào mà một dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ dollar, vốn bảo đảm an ninh năng lượng của cả châu Âu, lại có thể bị phá hủy — và các thủ đô Âu Châu lại không nói gì về điều đó?” là câu hỏi mà nhà phân tích chính trị Stanislav Pritchin đã lặp lại với The Epoch Times.
Đầu tháng Hai, ký giả kỳ cựu Seymour Hersh đã phát hành một báo cáo trên Substack ám chỉ về trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với vụ việc này.
Trích dẫn một nguồn ẩn danh, ông Hersh tuyên bố rằng chính phủ Tổng thống Biden đã lên kế hoạch cho cuộc tấn công này trước khi Nga xâm chiếm Ukraine một năm trước.
Khi được hỏi về những tuyên bố hùng hồn này, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã gọi báo cáo của ông Hersh là “hoàn toàn sai sự thật.”
Trong khi Moscow kêu gọi một cuộc điều tra về các cáo buộc đó, thì các thủ đô của phương Tây đã xem nhẹ — hoặc hoàn toàn phớt lờ — vấn đề này.
Ông Pritchin, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Nga, nói rằng “chỉ một số ít quốc gia” có thể đã thực hiện vụ tấn công này.
“Hoa Kỳ vẫn là ứng cử viên có nhiều khả năng nhất,” ông nói. “Bài báo của ông Hersh dường như ủng hộ lý thuyết này.”
Đối với Moscow, việc phá hủy đường ống Nord Stream — và phản ứng thờ ơ của các thủ đô phương Tây — là một tín hiệu cho thấy “chẳng có luật lệ nào cả,” theo ông Pritchin.
“Điều đó có nghĩa là chuyện gì cũng có khả năng xảy ra,” ông nói. “Không còn bất kỳ lằn ranh đỏ nào nữa.”
Transnistria: ‘Nguy hiểm leo thang’
Lễ kỷ niệm đầu tiên của cuộc chiến này cũng đi kèm với những lo ngại gia tăng về cuộc xung đột lan rộng ở châu Âu. Điều này bao gồm một “mặt trận thứ hai” tiềm năng ở Moldova, quốc gia lân bang với Ukraine ở phía tây nam.
Hôm 23/02, Moscow tuyên bố rằng Kyiv đang trù định tấn công vào khu vực Transnistria do Nga kiểm soát ở phía đông Moldova.
Khu vực nhỏ bé này đã tách khỏi Moldova vào năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ. Kể từ đó, Nga đã quản lý khu vực này và nơi đây vẫn là nơi đồn trú của khoảng 1,000 binh sĩ Nga.
Là một dải đất hẹp dọc theo sườn cực đông của Moldova, Transnistria có chung đường biên giới dài khoảng 280 dặm với Ukraine.
Moscow tuyên bố rằng Kyiv đang dự tính mở một cuộc tấn công “cờ giả” trên lãnh thổ Ukraine — vốn là một chiến thuật mà Nga cho rằng Ukraine sẽ lấy đó làm cớ để tấn công quân đội Nga ở Transnistria.
Bộ Quốc phòng Nga đã ra tuyên bố, nhấn mạnh việc sẵn sàng đáp trả “sự khiêu khích sắp diễn ra.”
Chính phủ thân phương Tây của Moldova đã bác bỏ cáo buộc này, cam kết sẽ “thông báo tức thời” cho công chúng “trong trường hợp có các mối đe dọa đối với quốc gia.”
Hồi đầu tháng Hai, Tổng thống Moldova Maia Sandu, người hy vọng đưa quốc gia mình vào Liên minh Âu Châu và NATO, đã cáo buộc Nga lên kế hoạch kích động một cuộc đảo chính với mục đích lật đổ chính phủ của bà.
Bà Sandu đã không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố này, được cho là dựa trên thông tin tình báo do các cơ quan an ninh của Ukraine cung cấp.
Theo ông Pritchin, Transnistria gần đây đã trở thành tâm điểm vì Kyiv và các đồng minh phương Tây của họ “đang tìm kiếm các điểm yếu.”
“Transnistria bị cô lập về mặt địa lý với Nga,” ông cho biết. “Và vì số lượng tương đối ít ỏi, nên các lực lượng của Nga được khai triển trong khu vực này có thể được xem là một mục tiêu dễ dàng.”
Ông Pritchin tin rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở ra một “mặt trận thứ hai” ở Moldova hoặc Transnistria sẽ gây rủi ro nghiêm trọng đến an ninh của châu Âu.
Ông nói: “Đó sẽ là một hành động leo thang cực kỳ nguy hiểm, bởi vì Nga sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả.”
Đàm phán hạt nhân: ‘Không có hy vọng cho các cuộc đàm phán’
Cuộc chiến kéo dài một năm giữa Nga và Ukraine — và nói rộng ra là toàn bộ phương Tây — cũng làm dấy lên lo ngại về xung đột hạt nhân.
Hôm 23/02, Moscow đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước hạt nhân New START với Hoa Kỳ, vốn quy định về việc giới hạn kho vũ khí hạt nhân của cả hai quốc gia.
Các quan chức Hoa Kỳ đã lên án hành động này, trong khi báo chí phương Tây — theo kiểu điển hình — cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng chính sách ngoại giao “bên miệng hố hạt nhân.” (thuật ngữ ngoại giao “bên miệng hố chiến tranh” được sử dụng khá phổ biến để mô tả cách thức hai cường quốc hạt nhân sử dụng trò chơi quyền lực để giải quyết các điểm bế tắc trong mối bang giao của họ, nhưng lại không đẩy bang giao hai nước đến bờ vực, tức phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân).
Một tháng trước đó, Hoa Thịnh Đốn cáo buộc Moscow vi phạm các điều khoản của hiệp ước khi từ chối cho phép thanh sát các cơ sở vũ khí hạt nhân của nước này.
Ông Putin đáp trả bằng cách nhấn mạnh rằng cả Hoa Kỳ lẫn NATO đều nói rằng thất bại của Nga ở Ukraine là một “mục tiêu chiến lược.”
“Và họ nghĩ rằng chúng ta sẽ để họ kiểm tra các cơ sở vũ khí hạt nhân của chúng ta ư?” ông nghi vấn, mô tả yêu sách của phương Tây là “phi lý.”
Ông Putin tiếp tục khẳng định rằng các đồng minh NATO đang “tích cực giúp đỡ” Kyiv nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân của Nga, nơi có các oanh tạc cơ tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Theo ông Pritchin, quyết định tạm ngừng hiệp ước hạt nhân của ông Putin cho thấy Moscow đã “không còn hy vọng trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa với phương Tây.”
Hồi cuối năm 2021, Moscow đã cố gắng đạt được cam kết từ Hoa Kỳ và NATO rằng Ukraine sẽ không gia nhập liên minh phương Tây. Điều đó cũng tìm kiếm những bảo đảm rằng NATO sẽ kiềm chế không tiến hành hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
Nhưng theo ông Pritchin, các đề xướng của Nga đã “hoàn toàn bị giới chính trị phương Tây phớt lờ.”
“Kể từ đó,” ông nói, “Moscow cảm thấy không có cách nào hiệu quả để trao đổi, hợp tác — hoặc thậm chí tổ chức đối thoại — với phương Tây.”
“Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Hoa Kỳ,” ông nói thêm, “quốc gia đã viện trợ cho Kyiv vô điều kiện nào là tiền bạc, vũ khí, và sự ủng hộ chính trị.”
Moscow: Chiến tranh bắt đầu từ năm 2014
Khi mà các nhà quan sát phương Tây đánh dấu là cuộc chiến này đã tròn một năm, thì điều đáng chú ý ở đây là, theo quan điểm của Moscow, cuộc xung đột với Kyiv đã bắt đầu từ năm 2014.
Năm đó chứng kiến sự bùng nổ của “Cách mạng Maidan” ở Ukraine, một cuộc nổi dậy do Hoa Thịnh Đốn hậu thuẫn đã lật đổ tổng thống thân Nga của quốc gia này, ông Viktor Yanukovych, khỏi ghế tổng thống.
Ông Yanukovych nhanh chóng bị ông Petro Poroshenko thân phương Tây thay thế, người đã bắt đầu quá trình đưa Ukraine vào EU.
Quá trình chuyển giao quyền lực đột ngột mà Moscow xem là một cuộc “đảo chính” này đã dẫn đến một cuộc nổi dậy của quần chúng ở khu vực Donbas thuộc miền đông Ukraine.
Vùng Donbas nói tiếng Nga, bao gồm Donetsk và Luhansk, chia sẻ những điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa với Nga.
Theo các nguồn tin người Nga và người Ukraine thân Nga, tân chính phủ thân phương Tây của Kyiv đã đáp trả cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bằng cách pháo kích hung bạo vào khu vực Donbas.
Với mục đích bề ngoài là đạt được một lệnh ngừng bắn giữa các bên tham chiến, thỏa thuận Minsk do Pháp và Đức làm trung gian đã được ký kết hồi cuối năm 2014.
Tuy nhiên, hồi tháng Mười Hai năm ngoái, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thừa nhận rằng nghị định thư Minsk chỉ nhằm mục đích “cho Kyiv thời gian” để tự vũ trang trước một cuộc đụng độ được tiên liệu với Nga.
Ông Pritchin nói: “Đối với giới chính trị phương Tây, các cuộc đàm phán Minsk không gì khác hơn là một công cụ để đạt được các mục tiêu địa chính trị của họ.”
Ông tiếp tục mô tả sự ủng hộ không giới hạn của phương Tây dành cho Kyiv là “một chiến lược sai lầm” đã đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times