BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Kết thúc chiến tranh Ukraine có nghĩa là tăng cường kế hoạch dài hạn của Hoa Kỳ-NATO chống lại Nga
Sau khi Ukraine giành lại lãnh thổ vào mùa thu và giữ được những vùng đất đó trong suốt mùa đông vừa qua, thế giới đang chờ đợi cuộc phản công của Ukraine vào mùa xuân này nhằm tống khứ quân xâm lược Nga ra khỏi các tỉnh phía đông.
Mặc dù tình hình trở nên khả quan như vậy, nhưng phần lớn các chuyên gia phân tích tại châu Âu và Hoa Kỳ không kỳ vọng cuộc tấn công sẽ mang lại một chiến thắng mang tính quyết định để chấm dứt ảo tưởng của ông Vladimir Putin về “một nước Nga trong thế kỷ 21 với những tham vọng của thế kỷ 19,” theo ông Luke Coffey, thành viên cao cấp của Viện Hudson trong bài thuyết trình “Reaching an Endgame in Ukraine” (Tiếp cận Hồi kết ở Ukraine) được viện tư vấn bảo thủ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn này tổ chức vào hôm 04/05.
Ông Coffey cho biết nếu Hoa Kỳ và Tây Âu muốn bảo vệ Ukraine cũng như ngăn chặn sự xâm lược của Nga, thì sẽ cần một kế hoạch dài hạn mà hiện nay ít người nghĩ đến.
“Thay vì nhìn nhận chiến tranh Ukraine là một sự kiện riêng lẻ trong chuỗi đa sự kiện thì chúng ta cần phải coi đây là một chiến dịch đang tiếp diễn, mà Hoa Kỳ chuẩn bị cho Ukraine một cuộc phản công sau khi đặt cơ sở giúp Ukraine trụ được qua mùa đông tới và chuẩn bị cho cuộc phản công năm sau,” ông Coffey nói.
Nếu cuộc phản công dự kiến không thể đẩy lui quân Nga khỏi Ukraine cũng như khiến cuộc chiến sa lầy vào rơi vào tình trạng tiêu hao lực lượng thì “cách tiếp cận xa rời thực tế” sẽ có thể dẫn đến Ukraine mất đi liên kết với các đồng minh, ông Coffey cho hay.
Theo ông Coffey, “Cuộc phản công này được kỳ vọng cao đến mức một số người gợi ý rằng sự trợ giúp trong tương lai cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào sự thành công của chiến dịch này.” Ông tiếp tục: “Chúng ta không thể viện trợ cho Ukraine chỉ dựa trên một sự kiện. Chúng ta phải nhìn vào toàn cảnh chiến lược. [Chúng ta cần] thêm một chút sự lãnh đạo từ phía Tòa Bạch Ốc để giải thích về lý do tại sao Ukraine lại quan trọng, giải thích cho Capitol Hill tại sao chúng ta cần quan tâm đến việc trợ giúp cho Ukraine.”
Ông Coffey cho biết tổng thống cùng các quan chức chính phủ đã thất bại trong việc đưa ra một lập luận chắc chắn cho người dân Mỹ về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ Nga và những gì đang có nguy cơ bị mất ở Ukraine.
“Vấn đề là với phát ngôn của chính quyền, khi họ nói Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Ukraine cho dù việc trợ giúp đó tốn bao nhiêu thời gian đi chăng nữa, nhưng chưa ai định nghĩa được từ ‘trợ giúp’ đó là như thế nào,” ông Coffey nói. “Đó có phải là một chiến thắng ngang bằng, hay là một kiểu dàn xếp thương lượng nào đó không? Công bằng mà nói, vấn đề mà Tòa Bạch Ốc gặp phải là, chỉ người Ukraine mới có thể định nghĩa từ ‘trợ giúp’ ấy là gì.”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “đã khẳng định rõ ràng, đối với ông ‘chiến thắng’ nghĩa là khôi phục hoàn toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, khôi phục các đường biên giới năm 1991,” mục tiêu này có nghĩa là bao gồm việc chiếm lại cả bán đảo Crimea, ông Coffey nói.
Ông Coffey nói: “Chúng ta nên lập kế hoạch viện trợ và trợ giúp cho Ukraine dựa trên những khẳng định đó.”
Ông Putin sẽ tiếp tục tấn công Ukraine
Ông Pavlo Klimkin, cựu Ngoại trưởng Ukraine nhiệm kỳ 2014-2019 và hiện đang lãnh đạo Trung tâm Phát triển và Phục hồi Quốc gia có trụ sở tại Kyiv, đồng ý rằng “kết thúc” ở Ukraine có thể sẽ đòi hỏi các chiến lược dài hạn bởi vì dù cho phản công diễn ra thế nào đi nữa, thì Tổng thống Putin vẫn sẽ không kết thúc cuộc chiến đối với Ukraine và quân đội Nga sẽ lại tấn công.
“Ông Putin sẽ lại viện một cái cớ nào đó” để tấn công Ukraine, và sự kháng cự sẽ là “một vòng xoáy luẩn quẩn” chỉ có thể kết thúc nếu châu Âu và Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ về kinh tế cũng như quân sự cho quốc gia bị bao vây này và thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế (đối với Nga).
“Tất nhiên, chúng tôi tự tin [là chúng tôi sẽ đạt được] những thắng lợi mang tính quyết định trên chiến trường” vào mùa xuân này, ông Klimkin nói. “Tôi tin rằng các cuộc đàm phán với Nga chỉ có thể được thực hiện dựa trên một vị thế sức mạnh rõ ràng. Quý vị chỉ có thể đàm phán hiệu quả với Nga từ vị thế sức mạnh. Một vị thế mà sẽ đạt được bằng sự áp đảo trong quân sự nhưng vị thế đó có thể là, và nên được duy trì bằng áp lực kinh tế … và cô lập nền kinh tế Nga.”
Nhưng trước hết, việc nào quan trọng hơn thì cần cần ưu tiên thực hiện trước, ông Klimkin nói. “Nếu quý vị tin rằng chúng ta cần phải giành chiến thắng — và để chúng ta có thể thảo luận về ‘chiến thắng’ là gì đối với người Ukraine, đối với phương Tây — thì ít nhất phải có một điểm rõ ràng: chúng ta phải giành chiến thắng. Chúng ta không thể chỉ giành chiến thắng bằng quân sự. Chiến thắng là phải toàn diện.”
“Chúng ta cần nắm bắt tâm lý chiến thắng này,” ông Klimkin tiếp tục. “Nếu quý vị muốn giành chiến thắng trước người Nga — và điều này là có thể, thực sự là có thể — thì quý vị phải có sự thay đổi trong tinh thần để có thể thay đổi cuộc chơi, để quý vị có thể giành chiến thắng trong cuộc chơi với Nga và một chính quyền nguy hiểm cho tất cả mọi người, không chỉ đối với người Ukraine.”
Người Âu Châu thức tỉnh trước hiện thực mới
Cố vấn cao cấp của Viện Cộng hòa Quốc tế về Chiến lược xuyên Đại Tây Dương, bà Reka Szemerkenyi, một nhà kinh tế từng là đại sứ Hungary tại Hoa Kỳ giai đoạn 2015-2017, cho biết các quốc gia Trung Âu cũng nhận ra rằng mối đe dọa mà nước Nga của ông Putin gây ra sẽ không biến mất, ngay cả khi quân đội của họ được điều động khỏi Ukraine.
Đối với nhiều người châu Âu, đặc biệt là người Tây Âu, cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã dẫn đến “sự sụp đổ của một số lý thuyết lớn” “dựa trên mối giao hảo với Nga,” cố vấn cao cấp Szemerkenyi nói.
“Ví như mở rộng quan hệ thương mại song phương sẽ tạo ra ổn định và an ninh,” bà Reka Szemerkenyi nói. “Thêm nữa, hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau có thể mang đến hợp tác chiến lược.”
Ít nhất là ở Trung Âu hiện giờ thì không lý thuyết nào trong số đó trụ lại, “Những gì chúng ta có thể đang chứng kiến không chỉ là phản ứng trước một thực tế chính trị mới; đó là hiện thực của việc tạo ra một cách tiếp cận mới đối với Nga,” bà Reka Szemerkenyi nói, khi gọi sáu tháng tới là “thời điểm rất nhạy cảm.”
Kịch bản ‘kết thúc’
Ông Klimkin đã đưa ra ba kịch bản “kết thúc” có thể xảy ra.“Kịch bản thứ nhất, tôi muốn gọi là ‘kịch bản nhím,’” trong đó Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu đang “cung cấp cho Ukraine các biện pháp răn đe Nga, như là cung cấp càng nhiều vũ khí càng tốt cũng như khiến nước này trở nên càng phức tạp càng tốt” tuy nhiên ông cũng bác bỏ kịch bản này với lý do đây “không phải là một lựa chọn bền vững.”
Một kịch bản như vậy về căn bản là sự tiếp tục của tình trạng hiện tại. “Thật không công bằng đối với Ukraine và người dân Ukraine. Kịch bản này sẽ không khả thi. Nó chỉ tạo ra một vòng xoáy không chắc chắn khác” mà cuối cùng sẽ thất bại vì “ảnh hưởng tuyệt đối của Nga. Lựa chọn này về căn bản là sai.”Kịch bản thứ hai mà ông Klimkin gọi là “Pháo đài bảo đảm Ukraine”, có thể bao gồm “một tập hợp các bảo đảm song phương, hoặc một tập hợp các bảo đảm toàn diện, được làm cho khả thi nhờ NATO,” nhằm bảo đảm khả năng phòng thủ của Ukraine trước Nga.
Kịch bản này cũng “khá có vấn đề,” ông Klimkin nói. “Chúng ta có thể hình dung ra một mạng lưới đảm bảo an ninh, nhưng đối với tôi, đó có thể chỉ là một giải pháp chuyển tiếp để trở thành thành viên NATO.”
Lựa chọn thứ ba là NATO và Liên minh Âu Châu chấp thuận cho Ukraine gia nhập cả hai liên minh này, ông Klimkin nói.
Một số quốc gia thành viên NATO lo ngại rằng việc Ukraine trở thành thành viên có nguy cơ tạo ra “xung đột trực tiếp với Nga. Có đủ loại sợ hãi và thiếu ý chí để tăng các nguy cơ và đưa ra các cuộc thảo luận khó khăn về việc Nga sẽ phản ứng ra sao,” ông Klimkin nói.Ông Klimkin cho biết, đơn yêu cầu gia nhập NATO và châu Âu của Ukraine đã khiến ông Putin tức giận và điều này dẫn đến cuộc xâm lược vào tháng 02/2021 sau một thập niên căng thẳng.Ông Klimkin đã làm việc “trong 20 năm” để đưa Ukraine gia nhập NATO và EU. Ông nói: “Tôi tin rằng có một mối liên kết nội tại giữa nỗ lực hướng tới Liên minh Âu Châu của chúng tôi với những nỗ lực của Nga và ông Putin nhằm phá hủy Ukraine.”
Ông Klimkin dự đoán, nếu Ukraine được gia nhập NATO, đặc biệt là sau cuộc xâm lược vụng về và được thực hiện một cách kém cỏi của Nga, thì ông Putin sẽ không thể bình tĩnh khi thấy châu Âu vẫn yên ổn.
“Cảm nhận của tôi, dựa trên học thức của tôi, là ông Putin sẽ không thể phản ứng một cách mạnh mẽ” trước việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng các quốc gia NATO trước tiên cần phải đối mặt với “khoảnh khắc sự thật” và có nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. Theo ông Klimkin, việc lùi bước bảo đảm sẽ dẫn đến xung đột với Nga.
“Bất kỳ kiểu kết thúc nào — và điều này đặc biệt đúng theo quan điểm của tôi — đều không thể thực hiện được nếu không có tham vọng,” ông Klimkin nói. “Chúng ta cần rõ ràng [về tư cách thành viên NATO] này. Nếu thiếu điều đó, thì [cuộc xâm lược của Nga] sẽ quay trở lại.”Cũng theo ông Klimkin, người Ukraine trở thành mục tiêu không phải là vì họ là công dân của một quốc gia, mà còn vì họ là người Ukraine, và điều đó khiến cuộc chiến này mang tính cá nhân — và tính sống còn.
Ông Putin “không thể, về căn bản là không thể, xem Ukraine là Ukraine. Đối với ông ấy, Ukraine hoặc là Nga hoặc là chống Nga,” ông Klimkin nói, khi nhớ lại các bài tiểu luận và diễn văn của ông Putin, trong đó nhà lãnh đạo Nga khẳng định rằng, “Ukraine là giả. Không có ngôn ngữ Ukraine, không có nhà nước, không có lịch sử, về căn bản là không có gì. Và đó là một phần căn bản của hệ tư tưởng Nga, đó là cách ông ấy hiểu về vấn đề này.”
“Toàn bộ đế chế Xô Viết bị sụp đổ vào đầu thập niên 90 đã gây ra cảm giác bị xúc phạm nặng nề đối với Nga,” đây là nguồn gốc cho cuộc xâm lược Ukraine — cuộc xung đột quân sự lớn đầu tiên ở châu Âu kể từ Đệ nhị Thế chiến, ông Klimkin nói. “Đó là cách mọi chuyện bắt đầu.”
Vì vậy, châu Âu lẽ ra không nên ngạc nhiên khi ông Putin đưa quân đội tấn công Ukraine và lẽ ra nên phản ứng sớm hơn khi tình báo Hoa Kỳ cảnh báo về một kế hoạch chiến tranh, ông Klimkin nói.
“Đó không phải là một phản ứng bất ngờ từ phía ông Putin. Ông Putin đã ý thức rằng đây là sứ mệnh để hủy diệt đất nước và bản sắc Ukraine từ hai năm trước, một năm trước, hoặc vào năm 2014, hoặc trước đó nữa,” ông Klimkin nói. “Việc Ukraine trở thành một quốc gia Âu Châu sẽ phá hủy ý thức của ông Putin và ý thức của người Nga rằng Ukraine nên như thế nào.”
Thật không may, nỗ lực phá hủy “bản sắc Ukraine” của ông Putin đã phản tác dụng một cách ngoạn mục kể từ sau cuộc xâm lược, ông Klimkin nói.
“Người Ukraine về căn bản khác với người Nga về mặt trí tuệ,” ông Klimkin nói. “Nhiều người bắt đầu hiểu điều đó chỉ từ năm 2014 [khi Nga chiếm đóng bán đảo Crimea] và họ nhận ra rõ hơn thế nữa khi mà [Nga] tiến hành cuộc xâm lược toàn diện.
Khoảng một thập niên trước, nếu quý vị nói với một người Ukraine, rằng Nga khẳng định người Ukraine là người Nga, thì “câu trả lời luôn là, ‘Vậy thì sao?’”, ông Klimkin nói.Giờ đây, nhờ có ông Putin, người Ukraine tin chắc rằng họ không phải là người Nga và, theo các cuộc thăm dò dư luận thì hơn 90% “phản đối việc tham gia bất kỳ hình thức đàm phán nào với ông Putin,” ông Klimkin nói.
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times