Nghệ nhân chạm khắc gỗ Đài Loan: Nghệ thuật thể hiện đức hạnh
‘Nghệ thuật tươi sáng có thể đánh thức mặt thiện lương của con người …vì thiện lương có thể thay đổi tâm trí con người.’
Với những mảnh gỗ có sắc màu độc đáo, chất liệu và hình dáng lạ mắt, một nghệ nhân điêu khắc người Đài Loan đã chế tác hàng trăm tác phẩm chạm khắc mà tất cả đều ẩn chứa một câu chuyện kể thú vị.
Ông Sái Minh Phong, 49 tuổi, đã dày công tạo ra những tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt vời trong suốt 30 năm qua. Ông đã đục đẽo một cách cẩn trọng để cố gắng biểu hiện những nguyên lý chân chính của chân, thiện, nhẫn trong mỗi tác phẩm nghệ thuật của mình.
Ông Sái tin rằng nghệ thuật có tác động mạnh mẽ đến con người, và để làm được như vậy, nghệ thuật phải biểu đạt bản thân và kết nối với mọi người theo một cách thuần khiết. Người nghệ sĩ lưu ý rằng nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại đã mất đi bản chất truyền thống vốn có và thay vào đó, đã nhuốm màu những ý tưởng tiêu cực.
Ông chia sẻ với The Epoch Times rằng, “Nghệ thuật không có nghĩa là những điều gì đó khó hiểu, và không cần phải giải thích. Tìm thấy tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời giống như tình cờ gặp một người bạn tâm giao, và tất cả mọi người từ trẻ nhỏ đến người già sẽ cảm thấy thấu hiểu, cảm động hoặc hạnh phúc khi được thưởng lãm.” Minh Phong đã vinh dự nhận một số giải thưởng trong lĩnh vực này, và ông cho biết rằng đức tin của mình đã dẫn lối ông trong mỗi tác phẩm điêu khắc.
Niềm tin truyền cảm hứng sáng tạo
Trong quá trình trưởng thành, ông Minh Phong từng là một đứa trẻ nóng nảy, có quan điểm mạnh mẽ về mọi thứ. Ông muốn trở nên khác biệt với mọi người chung quanh và trở thành kẻ cô độc. Ông đã rời quê nhà ở Sanchong năm 15 tuổi để theo học nghề điêu khắc gỗ trong một nhà máy ở thành phố Tân Trúc, nơi ông cũng tham gia các buổi học ban đêm tại một trường nghệ thuật địa phương.
Khoảng một năm sau, ông đã bỏ giữa chừng vì không học được nhiều phương pháp chạm khắc. Gần hai năm sau, ông Minh Phong đã gặp Hoàng Hoằng Ngạn, một nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng ở địa phương, và nhanh chóng trở thành một trong những học trò cưng của ông.
Theo ông, mỗi tác phẩm nghệ thuật là một [ý tưởng] sáng tạo mới mẻ. Ông không muốn sáng tác những thứ giống nhau hết lần này đến lần khác, và chính thử thách này đã khiến công việc của ông trở nên khó khăn hơn.
Chia sẻ bí quyết tạo nên nguồn cảm hứng vô tận của mình, Minh Phong cho biết phần lớn kỹ năng chạm khắc và ý tưởng sáng tạo mới mẻ của ông đều đến từ môn tự tu luyện Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Một môn khí công bao gồm năm bài tập nhẹ nhàng cũng như các bài giảng nâng cao đạo đức, tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, nhẫn.
“Tôi đã nảy ra nhiều ý tưởng mới trong khi thiền định,” ông chia sẻ với The Epoch Times.
Vào mùa mưa năm 2004, ông Minh Phong lúc đó ngoài 30 tuổi, đã xem một đoạn quảng cáo trên truyền hình về một liệu pháp giúp cho cả thân và tâm khỏe mạnh. Sau khi nhận ra rằng Pháp Luân Công đã được hàng triệu người tại hơn 100 quốc gia trên thế giới tập luyện, ông đã quyết định học môn khí công này. Sau khi đọc những bài giảng, ông nhận ra rằng đó chính xác là những gì ông mà đã tìm kiếm trong suốt cuộc đời mình.
“Sau khi rèn giũa nội tâm và sống theo các nguyên lý đạo đức của Pháp Luân Đại Pháp, thế giới quan của tôi về mọi việc đã hoàn toàn thay đổi,” ông nói. “Tôi không còn giận dữ, không còn tham lam, ganh đua hay toan tính nữa; những thay đổi tích cực trong tôi cũng khiến mọi người xung quanh cảm thấy vui vẻ thoải mái.”
Phong thái điềm tĩnh và bình hòa của Minh Phong là điểm cải thiện rõ ràng nhất trong tính cách của ông. Trước đây, ông hay cãi nhau với người khác vì tính cách hiếu thắng của mình. Ngoài việc nuôi dưỡng một tâm hồn thiện lương, ông còn thấy mình ít quan tâm đến tư lợi hơn và ngày càng trở nên khiêm tốn. Ông bộc bạch rằng vì việc này, ông đã không còn mải mê theo đuổi những tham vọng hão huyền trong cuộc sống nữa.
Ông giãi bày, “Gánh nặng mà tôi từng trải qua giờ đã biến mất, và tôi cảm nhận một cảm giác thăng hoa yên bình, cả về mặt tinh thần và thể chất.”
Tài năng khởi nguồn từ đạo đức
Thuận theo những thay đổi trong tính tình của mình, ông đã có bước đột phá trong sự nghiệp chạm khắc gỗ.
Năm 2013, Minh Phong thành lập một nhà máy tại thành phố Tân Đài Bắc. Với công ty của riêng mình, ông có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc chú tâm sáng tác nghệ thuật.
Ông Sái không chỉ chế tác từ những mảnh gỗ mà còn từ cả rễ cây. Ông nói rằng việc chạm khắc trên rễ cây mang lại cho ông sự hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống. Rễ cây hình thành nền tảng của cây, rễ khỏe mạnh sẽ giúp cây phát triển tốt hơn. Ông chia sẻ rằng ai cũng không bao giờ được lãng quên cội nguồn của mình, và làm việc cần mẫn là một phần tất yếu để thành tựu trong cuộc sống.
Bên cạnh việc tạo ra bước đột phá cho sự nghiệp chạm khắc của mình, Pháp Luân Đại Pháp đã khai mở trí huệ cho ông. Điều đó đã giúp ông thâm nhập sâu vào kỹ thuật chạm khắc gỗ của mình. Ông tin rằng cách mà những nghệ sĩ hành xử trong cuộc sống hàng ngày có ảnh hưởng đến những tác phẩm của họ. “Khi tính cách của tôi được cải thiện, kỹ năng chạm khắc gỗ của tôi cũng từng bước cải thiện theo,” ông bộc bạch.
Ví dụ, lúc ông đang chạm khắc hình dáng của vị Tướng quân Quan Vũ, ông đã bị bế tắc và không thể tìm ra cách khắc họa một đôi mắt biểu hiện công lý và uy vũ. Tương tự, khi đang sáng tạo một tác phẩm có ba chú lợn, ông phải đối mặt với thách thức làm sao để khắc ra cho được những nét đáng yêu của khuôn mặt chúng. Minh Phong nói rằng chính vào lúc thiền định, ông đã có cảm hứng cho những ý tưởng điêu khắc của mình.
‘Sử dụng trí tuệ để tạo ra ảnh hưởng chân chính’
Người nghệ sĩ tài năng này đặc biệt vượt trội trong lãnh vực chạm khắc về động vật. Ông nói rằng người Đài Loan rất yêu thích những bức tượng chạm khắc gỗ hình chú lợn vì chúng tượng trưng cho sự may mắn.
Ông Sái tin rằng với tư cách là một nghệ nhân, ông cần có trách nhiệm đóng góp một cách tích cực cho xã hội và hiểu rằng các tác phẩm nghệ thuật phải mang lại ảnh hưởng chân chính với mọi người. Ông cảm thấy rằng mình không nên mất kiên nhẫn khi thực hiện các tác phẩm điêu khắc bởi vì những cảm xúc tiêu cực của người nghệ sĩ có thể “gây ra tác dụng phản diện và phá hủy năng lượng bình hòa.”
“Tôi phải sử dụng trí huệ để sáng tạo ra những tác phẩm mang ảnh hưởng chính diện,” ông nói.
“Khi suy nghĩ của một người nghệ sĩ càng chú ý đến danh tiếng và sự giàu có, thì sự thể hiện nghệ thuật của họ càng trở nên biến chất.” Đạo đức của thời đại suy bại này đang xuống cấp nhanh chóng, và các tác phẩm nghệ thuật đang trở nên ngày càng đen tối hơn. Nghệ thuật nên tươi sáng để đánh thức mặt thiện lương của mọi người. Tôi hy vọng rằng nghệ thuật của mình có thể biểu đạt sự tử tế, bởi vì tử tế có thể thay đổi tâm trí của mọi người.”
Năm 2021, Minh Phong và người thầy hướng dẫn Hoàng Hoằng Ngạn của ông đã tham gia một cuộc triển lãm giữa giáo viên và học trò của Sở Văn hóa Đào Viên.
“Cá nhân tôi tin rằng việc các giáo sư và sinh viên trưng bày tác phẩm cùng nhau là một điều vô cùng ý nghĩa,” ông nói. “Việc này không chỉ đại diện cho sự kế thừa mà còn thể hiện sự tôn trọng của học sinh đối dành cho người thầy của mình.Thành công lớn nhất của một đời người không phải là công danh và của cải, mà là biết trân trọng và nuôi dưỡng những khả năng của mình.”
Cái ác không thể chiến thắng
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Sái đã tạo ra nhiều tác phẩm chạm khắc minh họa cuộc đàn áp mà các học viên Pháp Luân Công đang phải đối mặt ở Trung Quốc. Những tác phẩm được trưng bày với các chủ đề khác nhau như như “tự do”, “khát vọng” và “cái ác không thể chiến thắng.”
Lần đầu tiên Pháp Luân Công được ra mắt công chúng Trung Quốc vào năm 1992, và đến cuối những 90, ước tính có 70 triệu đến 100 triệu người Trung Quốc đang tập luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, vào tháng 07/1999, Giang Trạch Dân là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ, đã phát động một chiến dịch tuyên truyền và đàn áp môn tu luyện tinh thần trên toàn quốc. Trong suốt gần 23 năm bị bức hại, vô số học viên Pháp Luân Công đã bị giam cầm, bỏ tù, tra tấn, và thậm chí bị giết để lấy nội tạng.
Ông Sái giải bày rằng khi chứng kiến tội ác chống lại loài người như vậy, trái tim của ông vô cùng đau đớn.
“Người dân Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả trực tiếp nhất của cuộc đàn áp đức tin và vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ,” Ông nói “Những con người thiện lương tay không tấc sắt đã bị bức hại đến chết, và điều này khiến tim tôi đau nhói.”
Nghệ nhân Minh Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đứng về phía cái thiện và công lý và cái ác không thể chiến thắng chính nghĩa.
Người nghệ nhân nói rằng ông muốn trau dồi thêm các kỹ năng của mình bằng cách vận dụng trí huệ mà ông được khai mở từ việc tuân theo các nguyên lý chân, thiện và nhẫn. “Nếu cuộc sống là một tuyệt tác nghệ thuật, thì tu dưỡng bản thân là yếu tố quan trọng nhất,” ông bộc bạch. “Tu luyện bản thân tương tự như đục đẽo búa vào khúc gỗ trước khi có hình dạng cuối cùng mà mình mong muốn. Nếu không rèn giũa, cuộc sống của chúng ta sẽ trống rỗng và chúng ta sẽ không bao giờ có thể đạt được lý tưởng thật sự của mình.”
Jocelyn Neo và Arshdeep Sarao đã đóng góp vào bài viết này.
Daksha Devnani viết những câu chuyện về cuộc sống, truyền thống và những con người với lòng dũng cảm kiên cường, truyền cảm hứng về niềm hy vọng và lòng tốt giữa nhân loại