Những quyển sách tuyệt mỹ của thế kỷ 18: Nghệ thuật tinh tế từ Pháp quốc
Triển lãm: ‘Bound for Versailles: Bộ sưu tập sách của Jayne Wrightsman’ tại Bảo tàng và Thư viện The Morgan
Vào năm 1966, Cecil Beaton, nhiếp ảnh gia của tạp chí Vogue đã chụp được bức ảnh chân dung của nhà sưu tập nghệ thuật, nhà từ thiện nổi tiếng Jayne Wrightsman. Chỉ một năm trước đó, 1965, bà Wrightsman đã được thêm vào danh sách “Những nhân vật mặc đẹp nhất thế giới” của Tạp chí Hall of Fame. Vừa hay, bức ảnh này đã bắt được khoảnh khắc bà Wrightsman thanh lịch và đĩnh đạc trên chiếc ghế trường kỷ tại căn hộ Versailles-esque ở New York của bà.
Đó là vào năm 1950. Vì ngưỡng mộ nghệ thuật và nội thất của nước Pháp thế kỷ 18, bà Wrightsman và chồng, ngài Charles đã quyết định trang hoàng ngôi nhà của họ theo phong cách lịch lãm của Pháp. Họ đã phủ đầy ngôi nhà bằng những bức tranh và tác phẩm điêu khắc tinh tế của Pháp, đồ nội thất mạ vàng và những vật phẩm nghệ thuật khác – nhiều món trong số đó từng thuộc sở hữu của các vị vua, nữ hoàng, nam công tước và nữ công tước.
Trong số những báu vật được trưng bày, nhà Wrightsman đã lưu giữ những quyển sách cực phẩm với các tác phẩm nghệ thuật bên trong và những chứng tích xác thực về kỹ nghệ đóng sách, minh họa và in ấn tinh tế của Pháp quốc. Thậm chí, bà Wrightsman còn được nhận vào The Roxburghe Club, một hiệp hội sách và xuất bản độc quyền chỉ có 40 thành viên quốc tế.
Ông John T. McQuillen, người phụ trách Hiệp hội Sách và Kỹ nghệ đóng sách của Bảo tàng và Thư viện The Morgan phát biểu trong một video rằng nhà Wrightsman giao tiếp với bộ sưu tập sách và nghệ thuật của họ bằng một cách độc đáo. “Họ thật sự sống cùng với bộ sưu tập theo cách mà hầu như không một nhà sưu tập nào làm”.
Ông McQuillen và các cộng sự đã tổ chức chương trình triển lãm của The Morgan “Bound For Versailles: Bộ sưu tập sách của Jayne Wrightsman” để tôn vinh bộ di sản sách của nhà Wrightsman vốn được chế tác dành riêng cho giới tinh hoa quyền lực nhất trong xã hội Pháp thế kỷ 18. Cuộc triển lãm nhấn mạnh tầm quan trọng của sách trong triều đình Pháp, đồng thời giới thiệu trình độ điêu luyện của các họa sĩ và nghệ nhân đã tạo tác nên những quyển sách tinh mỹ này, từ bìa sách đến bảng khắc bên trong. Khách thưởng lãm có thể dạo bước qua những căn phòng được trang hoàng bằng những quyển sách quý giá của nhà Wrightsman và đồ nội thất tương tự như được thấy trong nhà của họ.
“Nhìn chung, bộ sưu tập tôn vinh những nghệ nhân đóng sách xuất sắc nhất thời đại. Không chỉ bản thân cuốn sách và bìa sách mà cả kỹ nghệ trang trí cũng đều được tôn vinh. Và đây là những ví dụ xuất sắc nhất về tài nghệ chuyên biệt, đặc trưng xuất chúng này”. Lydia Aikenhead, hội viên hội bảo tồn sách Pine Tree phát biểu trong một video.
Bộ sưu tập sách
Vào thế kỳ 18 tại Pháp quốc, những quyển sách trang trí tinh xảo được dùng để đọc, còn những quyển sách tinh mỹ này được đóng gáy tỉ mỉ và cầu kỳ này thì được dùng để trưng bày trên kệ. Hoa văn trang trí trên đường viền của bìa sách thậm chí còn được phản ánh trong các họa tiết trên các bức tường gỗ của cung điện.
Những quyển sách trác tuyệt này trong bộ sưu tập của nhà Wrightsman là sự kết hợp giữa nghệ thuật văn học và kỹ nghệ in khắc được đánh giá cao cùng với kỹ nghệ đóng bìa sang trọng. Nhiều quyển sách trong số này đã từng được sử dụng để tạo dựng danh tiếng và bày tỏ lòng cảm kích. Giới quý tộc tặng những quyển sách này cho những người ủng hộ và thuộc hạ của họ; còn các tác giả muốn có được sự ưu ái của triều đình thường tặng sách của mình cho giới quý tộc.
Cuộc sống hoàng cung, những nhân vật và các sự kiện đáng chú ý chốn hoàng gia đều được ghi nhận lại trong một vài quyển sách. Một ví dụ hiếm hoi trong cuộc triển lãm là bản sao duy nhất còn sót lại “The Princess of Crete”, một bản thảo âm nhạc của nhà soạn nhạc cung đình André Danican Philidor.
Kỹ nghệ in khắc đặc biệt được ưa chuộng. Những quyến sách khổ lớn chỉ dành riêng cho minh họa các sự kiện thời trang, kiến trúc và hoàng gia của Pháp. Những ấn phẩm này minh chứng cho tay nghề điêu luyện của những nghệ nhân chạm khắc, ví như hai cha con Charles-Nicolas Cochin cha và Charles-Nicolas Cochin con. Họ có thể tái tạo các kết cấu và bóng mờ tinh tế của các bức vẽ của những họa sĩ vĩ đại như François Boucher và Jean-Baptiste Oudry.
Chế tác những quyển sách đẹp đẽ
Vào thế kỷ thứ 18, thủ đô Paris có rất nhiều xưởng đóng sách. Ở đó có nhiều nhóm nghệ nhân lành nghề làm việc cùng nhau để chế tác những bìa sách hoa mỹ này. đẹp đẽ. Vì thế, thật khó biết được cụ thể xưởng đóng sách nào là nơi đầu tiên xuất xưởng những sản phẩm đẹp đẽ này. Các nghệ nhân hiếm khi ký tên lên tác phẩm của họ và dụng cụ chế tác bìa sách thường được các thành viên trong gia đình dùng chung.
Theo truyền thống, huy hiệu được trình bày nổi bậc trên bìa trước. Sách dành cho nam được trang trí bằng huy hiệu của họ, còn sách dành cho nữ được trình bày với huy hiệu của gia đình ở bên phải và huy hiệu của người chồng ở bên trái.
Những huy hiệu được chế tác bằng nhiều dụng cụ khác nhau để tạo ra bảng phác thảo hoặc chỉ bằng một dụng cụ duy nhất là một tấm bảng, một tấm bảng chạm khắc. Các nghệ nhân dùng máy ép đóng dấu dát vàng lên tấm bìa chỉ trong một bản đơn. Các huy hiệu cũng có thể được vẽ thay vì in lên da thuộc.
Thông thường, các nghệ nhân đóng sách phủ vàng lá lên bìa sách bằng phương pháp gọi là “dát vàng”. Theo đó, vàng lá được phủ lên bìa và ép lên da thuộc bằng những dụng cụ khác nhau tạo nên vô số hoa văn. Phương pháp dát vàng trông liền mạch, cần tay nghề và kỹ năng cừ khôi. Aikenhead cho biết trong một video.
Các kỹ thuật điểm tô khác cũng khiến cho những quyển sách được chế tác không kém phần xa hoa. Các nghệ nhân chế tác bìa sách khảm với màu sắc tương phản hoặc da hạt được khảm hoặc phủ lên bìa da. Với phương pháp khảm “chìm”, nghệ nhân sẽ cắt bỏ một miếng da của bìa sách và khảm vào một miếng da dày có cùng kích thước. Còn với phương pháp khảm “nổi”, họ sẽ đặt miếng da lên bìa da để tạo hiệu ứng chạm nổi tương tự như các bức phù điêu.
Một số bìa sách còn cải tiến hơn: các miếng da được cắt rời ra, giấy vàng và bạc được khảm vào miếng da trên nền giấy đỏ. Một lớp bảo vệ bằng khoáng chất mica là một loại silica trong được thêm lên giấy phản quang và những họa tiết tô điểm.
Các nghệ nhân trau chuốt tỉ mỉ từng bề mặt của sách, gáy sách, mép trang sách và cả bìa trong. Những lớp lót bìa trong xa hoa được làm bằng vải lụa, giấy da bê, da thuộc, giấy dát vàng hoặc cẩm thạch. Lụa màu xanh dương đặc biệt được ưa chuộng.
Những quyển sách phổ biến
Vào cuối thế kỷ 18 ở Pháp những quyển sách khổ nhỏ trở thành quà tặng và phụ kiện thời trang phổ biến. Một số quyển sách khổ nhỏ thậm chí còn chứa những túi vải hoặc những chiếc gương nhỏ.
Để tái tạo và chế tác hiệu quả những quyển sách nổi tiếng thành khổ nhỏ, các nghệ nhân đóng sách sắp xếp hợp lý quy trình chế tác, tạo tấm bìa sách.
Các bản thiết kế từ đơn giản đến trang trí công phu thường giống với các thiết kế tinh mỹ mà giới quý tộc sở hữu. Những quyển sách nhỏ này được chế tác nhanh chóng và không tốn kém. Và việc sản xuất những quyển lịch niên giám bỏ túi đã thu hút kiểu người tiêu dùng mới ưa chuộng sở hữu những món đồ nhỏ xa xỉ với giá cả phải chăng này.
Triển lãm Bảo tàng và Thư viện The Morgan: “Bound Versailles: Bộ sưu tập sách của Jayne Wrightsman” diễn ra đến ngày 30/1/2022. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập TheMorgan.org