Vẻ đẹp thanh nhã của gốm sứ Tống triều
Qua con mắt của Robert Mowry, một học giả nghệ thuật Á Châu
Gốm sứ Trung Quốc nhà Tống tinh xảo, mộc mạc nhưng đầy tính sáng tạo, thường được coi là đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ trên thế giới. Ít cầu kỳ hơn so với những kiểu đồ gốm của các thời đại trước và sau này, gốm sứ nhà Tống được biết đến với hình dáng chân phương và lớp men bóng mờ tinh tế.
Trong số các học giả nghệ thuật Á Châu hàng đầu, Robert Mowry là một chuyên gia về gốm sứ thời Tống, vừa nghỉ hưu sau hơn 25 năm làm giám tuyển cao cấp tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Harvard. Ông cũng là trưởng khoa Nghệ Thuật Á Châu tại Harvard, và là Giám Tuyển Alan J. Dworsky về Nghệ thuật Trung Hoa của trường.
Cống hiến suốt đời trong sự nghiệp của ông Mowry đối với gốm sứ nhà Tống là kết quả của một hành trình đặc biệt. Cuộc hành trình ấy trải dài từ nước Pháp thời trung cổ đến với Cao Ly triều, và cuối cùng là đến với Tống triều Trung Hoa được đánh dấu bằng sự cống hiến không ngừng nghỉ và đôi khi là những dấu ấn tình cờ.
Khởi đầu
Thật đáng ngạc nhiên, nghiên cứu nghệ thuật không phải lúc nào cũng là lựa chọn trong hành trình của Mowry. Ông không có ý định theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật khi vào đại học. Ông đã bắt đầu học hóa học và sinh học tại Đại học Kansas và dự định vào trường y.
Vào năm đại học thứ nhất, chàng sinh viên Mowry quyết định đăng ký tham gia một khóa học khảo sát về lịch sử nghệ thuật châu Âu “vì tò mò”. Trong thời gian học đại học ở Paris, mong muốn nghiên cứu nghệ thuật của anh ấy trở nên rõ rệt hơn. Sau một năm đắm mình giữa các bảo tàng tuyệt đẹp và các di tích kiến trúc tráng lệ, Mowry đã quyết định chuyển ngành. Ông đã theo học cử nhân về lịch sử nghệ thuật, khoa học nhân văn thời trung cổ và tiếng Pháp.
Ban đầu, Mowry dự định hoàn thành khóa học cao học về nghệ thuật Trung Cổ. Tuy nhiên, thời gian sống tại Nam Hàn đã thay đổi điều đó.
Khi tổng thống John F. Kennedy thành lập Đoàn Hòa Bình (2) vào năm 1961, Mowry đang là học sinh năm hai trung học. Ông ngay lập tức bị thu hút. “Ý tưởng táo bạo đó đã thu hút trí tưởng tượng của tôi, dẫn tôi đến quyết định rằng ngay sau khi tốt nghiệp đại học tôi sẽ gia nhập Đoàn Hòa Bình, và thực sự tôi đã làm vậy”, ông nói.
Với mong muốn được cử đến Châu Phi, hoặc có thể là Nam Mỹ, Mowry đã rất ngạc nhiên khi ông được cử đến Nam Hàn. Khi đó ông biết rất ít nhưng “ảnh hưởng sâu sắc của hai năm ở Nam Hàn đã đưa tôi vào lĩnh vực nghệ thuật Á Châu”.
Ở Nam Hàn, Mowry dạy tiếng Anh tại Đại Học Quốc Gia Seoul và dành thời gian rảnh rỗi khám phá sự phong phú rộng lớn của nghệ thuật Nam Hàn. Ông dành các kỳ nghỉ để đi du lịch khắp đất nước, khám phá các ngôi chùa Phật giáo cổ kính, nghiên cứu các ngôi chùa hoàng gia nổi tiếng từ thế kỷ thứ 8, chẳng hạn như Phật Quốc Tự và Thạch Quật Am ở Khánh Châu.
“Thông qua việc tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp trong hai năm ở Nam Hàn, tôi đã được mở rộng tầm mắt về vẻ đẹp của nghệ thuật Nam Hàn và khơi gợi trí tò mò của tôi về lịch sử nghệ thuật Á Châu nói chung”, ông Mowry chia sẻ. “Những tác phẩm này quá đẹp đẽ, cảm thụ quá cao, và quá vượt trội về kỹ thuật khéo léo đến nỗi tôi chỉ đơn giản là cần phải biết nhiều hơn về chúng và nền văn hóa sản sinh ra chúng”.
Tìm kiếm hướng đi
Khi trở về từ Nam Hàn, ông Mowry bắt đầu công việc hậu tốt nghiệp là nghiên cứu nghệ thuật Âu châu thời Trung cổ, nhưng ông nhanh chóng nhận ra sở thích thực sự của mình là ở nghệ thuật Á Đông.
Khuynh hướng đầu tiên của ông nghiêng về nghệ thuật Nam Hàn, môn nghệ thuật mà ông luôn yêu thích cho đến ngày nay. Tuy nhiên, thời điểm đó rất khó để tìm thấy một trường đại học Hoa Kỳ cung cấp các khóa học cơ bản về ngôn ngữ và lịch sử Nam Hàn, chứ chưa nói đến một chương trình đầy đủ về nghệ thuật. Do đó, Mowry đã quyết định theo học nghệ thuật Trung Hoa.
Ông Mowry nói, “Không chỉ lịch sử lâu đời cũng như trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật đỉnh cao trên nhiều phương diện đã thu hút tôi, mà chính văn hóa, trí huệ và nghệ thuật truyền thống Trung Hoa đã ảnh hưởng đến Nam Hàn. Vì vậy, nghiên cứu nghệ thuật Trung Hoa sẽ cung cấp nền tảng cần thiết để tôi nghiên cứu về nghệ thuật Nam Hàn”.
Trong những năm đầu làm giám tuyển, việc tiếp xúc với đồ gốm tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Harvard và Bảo Tàng Mỹ Thuật Boston đã đưa Mowry đến với hành trình mà ông có được hôm nay. Ông bị gốm sứ Trung Hoa cuốn hút, đặc biệt là gốm sứ thời Tống và đồ gốm sứ tráng men sắc nâu và đen.
Tiếng gọi đích thực
“Gốm sứ là một trong những tác phẩm nghệ thuật phức tạp nhất”, ông Mowry cho biết. Đằng sau một chiếc bát tưởng chừng như đơn giản là cả một quá trình công phu và phức tạp. Nghệ nhân đã phải cân nhắc cẩn thận đến vô số yếu tố trong quá trình sáng tạo, từ các loại đất sét và men khác nhau, cho đến loại lò nung và nhiệt độ nung.
Tại Tuần Lễ Á Châu năm 2018 tại thành phố New York, các mẫu vật đã được bán từ Bộ sưu tập Linyushanren, một trong những bộ sưu tập gốm sứ thời Tống tinh xảo nhất và toàn diện nhất trên thế giới. Mẫu vật giá trị nhất của bộ sưu tập là một chiếc bát hình nón tráng men đen nổi bật từ lò nung gốm Định. “Các lò nung gốm Định chủ yếu sản xuất đồ gốm trắng. Đây là những món đồ hiếm hoi nhất trong các loại gốm sứ Trung Quốc vì nước men đen của nó” ông Mowry giải thích khi được hỏi điều gì đã làm cho món đồ trở nên có giá trị như vậy. Mẫu vật này được bán với giá 4,212,500 USD.
Với gốm sứ tráng men tối màu, các trang trí thường mang tính trừu tượng. Như có thể thấy với chiếc bát hình nón, những mẫu vật tốt nhất có thiết kế “lông gà gô”, những đốm nâu đơn giản rải rác và hài hòa trên bề mặt men. Ông Mowry nói: “Tôi nghĩ rằng đó là sự mộc mạc, chân phương và trong nhiều trường hợp là sự tinh tế của đồ gia dụng mang lại cho chúng ta một cảm giác rất đương đại”.
Gốm sứ triều Tống bao hàm khả năng sáng tạo hoàn hảo với tính thẩm mỹ tinh tế, đưa chúng trở thành một trong những đồ gốm sứ tinh xảo và phức tạp nhất trên thế giới. “Đây là những thành tựu tối cao” ông Mowry nói, “và chúng vẫn là nguồn cảm hứng cho những người thợ gốm ngày nay”. Tương tự như vậy, hành trình đáng kinh ngạc của Mowry và sự nghiệp cống hiến không ngừng của ông cho gốm sứ triều Tống có thể là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta.
Tái bản với sự cho phép của Elite Lifestyle Magazine.
Chú thích của người dịch:
- Đồ gốm Định hay Định Diêu (定窑) là một loại đồ gốm Trung Quốc, chủ yếu là đồ sứ, được sản xuất tại khu vực Định Châu (ngày nay nằm trong huyện Khúc Dương, địa cấp thị Bảo Định, miền trung tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc; không thuộc phó địa cấp thị Định Châu cùng tỉnh) trong giai đoạn từ thời nhà Đường tới thời nhà Nguyên. (theo wikipedia)
- Đoàn Hòa bình (hay Tổ chức Hòa bình, Peace Corps) là một chương trình tình nguyện do chính phủ Hoa Kỳ điều hành. Sứ mệnh được nêu rõ của Đoàn Hòa bình gồm có cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ người sống bên ngoài Hoa Kỳ hiểu về văn hóa Mỹ, và giúp đỡ người Mỹ hiểu về văn hóa của các quốc gia khác. Công việc của đoàn phần lớn có liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội. Người tham gia chương trình trong tư cách tình nguyện viên của đoàn là công dân Mỹ, thường thường có cấp bằng đại học. Họ sẽ làm việc ở ngoại quốc trong thời hạn là hai năm sau khóa huấn lệnh ba tháng. (theo wikipedia)
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: