Sách nạm đá quý: Những tác phẩm hàng trăm năm tuổi được trang trí tuyệt đẹp
“Đừng đánh giá một cuốn sách qua trang bìa của nó.” Câu ngạn ngữ nổi tiếng này có thể có tính thuyết phục trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, triết lý của câu này không chính xác đối với các bìa sách nạm đá quý.
Kỹ nghệ làm bìa sách nạm đá quý hay còn gọi là bìa sách khảm ngọc, là một kiểu đóng sách mà phần bìa được trang trí bằng các vật liệu xa xỉ có thể bao gồm đá quý, bạc, vàng, ngà voi, và lớp tráng men. Phong cách này xuất hiện vào thời Trung Cổ và thông thường dự báo rằng bên trong cuốn sách đó bao hàm nội dung quan trọng và quý giá, cùng với các hình minh họa thu nhỏ tuyệt đẹp. Vì vậy, bìa trang trí bên ngoài thể hiện sự tôn kính phù hợp với nội dung. Những cuốn sách này không được trưng bày bằng phần gáy, mà bằng trang bìa của chúng.
Với sự phát minh ra máy in, các bìa sách nạm đá quý trở nên ít phổ biến hơn mặc dù nghề này vẫn còn tồn tại sau nhiều thế kỷ. Các bìa sách bắt mắt được chế tác cho giới hoàng gia Versailles và các mẫu bìa sách được khảm ngọc tinh mỹ được hồi sinh vào thế kỷ 20, đặc biệt là nhờ hãng đóng sách Sangorski & Sutcliffe của Anh quốc.
‘Sách Lễ Berthold’
Vào thời Trung Cổ, các bìa sách nạm đá quý là biểu tượng thể hiện địa vị và sự giàu có của chủ nhân — ngay cả những cuốn sách trơn cũng là món đồ xa xỉ. Trong thời kỳ này, mỗi phân đoạn của quy trình đóng sách công phu đều được làm thủ công, từ chế tạo các trang giấy vellum cho đến sao chép nội dung cho đến làm bìa sách. Ngày nay, nhiều bản thảo thời trung cổ — vốn mỏng manh — đã không còn tồn tại. Các bìa sách quý hiện còn thậm chí là hiếm hơn nữa, bởi vì các vật liệu quý giá của bìa sách thường đã bị đánh cắp và sử dụng cho mục đích khác.
Cuốn sách “Berthold Sacramentary” (Sách Lễ Berthold) vào thế kỷ 13, thuộc bộ sưu tập bản thảo thời trung cổ có hiệu ứng ánh sáng của Thư viện & Bảo tàng Morgan, là bản thảo lộng lẫy bậc nhất còn sót lại của Đức quốc trong giai đoạn đó, cũng được coi là một trong những kiệt tác nghệ thuật của trường phái Romanesque. Cuốn sách này nổi bật với các nội dung dùng cho người chủ trì Thánh lễ trọng thể và được đặt tên theo vị tu sĩ đã đặt làm nó: Berthold, đức viện phụ của tu viện Weingarten.
Trong nhiệm kỳ của mình, viện phụ Berthold tập trung chế tác những vật phẩm văn hóa đặc sắc để củng cố danh tiếng của tu viện như là một tổ chức tôn giáo nổi tiếng quốc tế. Năm 1215, một trận hỏa hoạn kinh hoàng càng khiến viện phụ Berthold thêm quyết tâm, và ông đã đặt làm một bộ sách Thánh lễ mới được sơn son thiếp vàng, trong đó bao gồm cuốn sách hiện được gọi là “Sách Lễ Berthold.”
Bìa sách, chữ viết hoa mỹ, và các họa tiết sơn son thiếp vàng của cuốn sách thể hiện chuẩn mực nghệ thuật bậc nhất. Bìa trước khảm đá quý có một bức chân dung ở giữa khắc họa Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng ngồi trên ngai vàng. Bức chân dung được mạ bạc và chạm khắc nổi bên trong cây thánh giá. Xung quanh bức chân dung này là mười hai nhân vật được dập nổi (tạo hình bằng cách dùng búa đóng vào mặt sau) mà có thể nhận diện bằng các dòng chữ ghi kèm: Đức viện phụ Berthold, Thánh Martin và Thánh Oswald – các vị thánh bảo trợ của Đan phụ viện Weingarten, bốn Nhà truyền giáo, Tổng lãnh thiên thần Michael và Gabriel, Thánh Nicholas, và các đức hạnh Trinh khiết và Khiêm nhường.
Bộ sưu tập Versailles của nhà sưu tầm nghệ thuật Wrightsman
Vào thế kỷ 18, nghề chế tác bìa sách bằng da Morocco dát vàng (kỹ nghệ dát vàng lá lên tấm da thuộc thảo mộc (vegetable-tanned)) cho các ấn phẩm phát triển rực rỡ trong triều đình Versailles. Mặc dù các bìa sách này không được nạm đá quý như các bìa sách thời trung cổ, nhưng chúng vẫn được xem là biểu tượng cho địa vị và phong cách thẩm mỹ cao cấp của chủ nhân. Các bìa sách quan trọng và đặc sắc được chế tác cho hoàng gia và những người thân cận nhất trong hoàng tộc vẫn có giá trị cao vào thời nay.
Một trong những nhà sưu tập các bìa sách loại này nổi tiếng nhất thời hiện đại là nhà thiện nguyện quá cố Jayne Wrightsman. Như chuyên gia William Strafford từ hãng đấu giá Christie giải thích trên trang podcast The AD Esthete, “Rất nhiều khi, đối với khá nhiều nhà sưu tập vào thế kỷ 18, họ say mê lai lịch [tác phẩm], rằng quyển sách đó được đặt hàng cho người nào … Tôi nghĩ bộ sưu tập sách của bà Jayne Wrightsman là một cách khác để bà bước vào những thế giới như vậy, những thế giới mà bà đã sưu tầm qua các bức tranh và đồ nội thất. … Chúng là những mảnh lịch sử thu nhỏ.”
Niềm hứng thú và sự theo đuổi đối với các vật phẩm có ý nghĩa và quý hiếm góp phần chủ yếu tạo nên bộ sưu tập lừng danh của bà, đây là một lời khẳng định cho tầm quan trọng về mặt lịch sử và nghệ thuật của nghề đóng sách. Bà Wrightsman đã quyên tặng phần lớn bộ sưu tập phụ này cho các viện bảo tàng, trong đó đáng chú ý là Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Trong số những cuốn sách được quyên tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, có những cuốn trước đây từng thuộc về các thư viện của Vua Louis XV, quý bà Madame de Pompadour, và nữ hoàng Marie Antoinette. Lấy ví dụ, một cuốn sách của [thư viện] Vua Louis XV được bọc bằng da Morocco màu đỏ với các hoa văn trang trí dát vàng. Các đường viền chạm trổ hình hoa, bông hoa cách điệu hoặc họa tiết lá cây, trong trường hợp này là lá lan tây và cành ô liu. Các mảnh góc, các mẫu hoa văn trang trí ở góc bìa, có hình hoa bách hợp, một biểu tượng của vương triều Pháp.
Các vị phu nhân trong triều đình cũng là những nhà sưu tập sách quan trọng, và điều này được thể hiện rõ ràng trong các món quà của bà Wrightsman dành tặng Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Phu nhân Madame de Pompadour có hơn 35,000 quyển sách trong thư viện. Tại đây, cả hai cuốn sách — một cuốn từ bộ sưu tập của phu nhân Madame de Pompadour, được trang trí với đường viền hoa văn, và một cuốn từ bộ sưu tập của nữ hoàng Marie Antoinette có họa tiết hoa bách hợp của hoàng gia — đều nổi bật với một hình huy hiệu ở trung tâm, cách trang trí này cho thấy [địa vị] của chủ nhân cuốn sách.
Các họa tiết trang trí bìa sách của thời kỳ này cũng phản ánh các xu hướng và phát kiến đương thời. Vào những năm 1780, anh em nhà Montgolfier người Pháp là những người tiên phong phát triển khinh khí cầu và thực hiện chuyến bay không dây đầu tiên tại Versailles, khiến nhà vua và triều đình vô cùng thích thú. Vì vậy, khinh khí cầu đã trở thành một họa tiết trang trí phổ biến, như hình khinh khí cầu mạ vàng trên bìa của quyển sách tuyệt đẹp này.
Hãng đóng sách Sangorski & Sutcliffe
Các bìa sách gần giống với bìa sách thời trung cổ được khảm đá quý đã trải qua một đợt hồi sinh trong phong trào Nghệ thuật và Thủ công mỹ nghệ. Phong trào nghệ thuật này lấy cảm hứng từ thời kỳ Trung Cổ, khước từ việc sản xuất và in ấn hàng loạt giá rẻ. Một hãng đóng sách nổi trội đã tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc về kỹ nghệ thủ công, thẩm mỹ, và tính sáng tạo này là Sangorski & Sutcliffe, được thành lập ở London vào năm 1901 và hiện vẫn còn hoạt động.
Thời nay, các bìa sách nạm đá quý của hãng Sangorski & Sutcliffe cũng được các tổ chức nổi tiếng và nhà sưu tập tư nhân sưu tầm, tương tự như các bìa sách cổ trong lịch sử. Bìa sách của tác phẩm “Wine, Women, and Song” (Rượu, Phụ Nữ, và Bài Hát) hiện là một phần của Bảo tàng Cooper Hewitt, Smithsonian Design Library, là ví dụ hiếm hoi về sản phẩm đầu tay của hãng này. Bìa sách nổi bật bằng da Morocco với kỹ nghệ vẽ chấm vàng (trên bề mặt có in vô số chấm nhỏ li ti), các họa tiết hình lá tinh xảo, và các viên đá thạch anh tím (amethyst) được đính chìm tượng trưng cho những quả nho, phù hợp với chủ đề của cuốn sách.
Tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của hãng Sangorski & Sutcliffe ra đời vào năm 1909, khi hãng này được đặt hàng chế tác bìa sách độc nhất vô nhị cho cuốn “Rubáiyát of Omar Khayyám,” một tập thơ nổi tiếng của Ba Tư được chuyển sang Anh ngữ. Bìa sách này, được gọi là “The Great Omar” (Omar Vĩ Đại), mất đến hai năm để hoàn thành. Bìa trước được trang trí hình ba con công mạ vàng với những chiếc lông khảm đá quý nằm bên trong khung viền rập hoa văn kiểu dây nho. Toàn bộ cuốn sách được trang trí 1,050 viên đá quý, bao gồm hoàng ngọc (topaz), ngọc lục bảo (emerald), hồng ngọc (ruby) và một lượng lớn vàng lá. Bìa sách lộng lẫy này đã đáp ứng kỳ vọng của nhà thiết kế và nhà bảo trợ rằng đây là bìa sách hiện đại tinh xảo bậc nhất.
Đáng tiếc là, bìa sách này chỉ còn được biết đến qua những bức ảnh. Vào tháng 04/1912, cuốn sách trên hành trình đến châu Mỹ và đã bỏ lỡ chuyến tàu như dự kiến. Thay vào đó, cuốn sách đã được lên chuyến tàu tiếp theo, tàu Titanic. Có vẻ cuốn sách đã chìm xuống biển cùng con tàu và được cho là nằm bên trong xác tàu đắm. Vào những năm 1930, hãng Sangorski & Sutcliffe chế tác phiên bản thứ nhì cho bìa sách này. Khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra, bìa sách được cất trong một căn hầm ở London để bảo quản trong Trận chiến Blitz. Tuy nhiên, địa điểm cất giữ này bị ném bom dữ dội và mặc dù có lớp phủ bảo vệ, cuốn sách vẫn bị hư hại nặng nề: lớp da bị tan chảy và các trang sách bị cháy xém. Năm 1945, hãng này bắt đầu chế tác phiên bản thứ ba, bằng cách tận dụng một số đồ trang trí còn nguyên vẹn từ phiên bản thứ hai bị hư hại, và công việc này kéo dài đến những năm 1980. Bản sao này hiện nằm ở Thư viện Anh quốc. Cuốn sách bị hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt, và hy vọng rằng, nó sẽ được an toàn mãi mãi.
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times