5 sao cho những kẻ nghiệp dư: Từ nghệ thuật, niềm vui và tình yêu
Nhà văn G.K. Chesterton, bậc thầy của những câu châm ngôn, đã viết trong cuốn “What’s Wrong With the World” (tạm dịch: “Thế giới có gì sai”) vào năm 1910 như sau, “Nếu một điều đáng được làm, nó đáng được làm thật tệ”.
Một số độc giả giải nghĩa câu ngạn ngữ của Chesterton như một lời cổ súy cho những tác phẩm kém chất lượng hoặc việc thực thi công việc ở một hiệu suất thấp, nhưng cách phân tích này đã cách điểm mấu chốt một khoảng cách rất xa. Trong chương mà câu văn này xuất hiện, Chesterton đang muốn bảo vệ những người nghiệp dư trước những tay chuyên nghiệp, đặc biệt là bảo vệ những người chưa thành thục trong việc nuôi dạy con trẻ – trong trường hợp này chính là những bà mẹ – những người mà so với những nhân viên chăm sóc trẻ hiện đại, lại có phần đối nghịch.
“Người nghiệp dư” (hay “người không chuyên”) có nguồn gốc từ chữ “amare” trong tiếng Latin, nghĩa là yêu thích, và người nghiệp dư khi thực hiện một việc nào đó – như chơi đàn guitar, cầm lấy một cây cọ và điểm màu lên tấm vải canvas, và, dĩ nhiên rồi, nuôi một đứa trẻ – vì tình yêu, sự yêu thích nhiều hơn là vì kiếm tiền.
Nền văn hoá của chúng ta là nền văn hoá của những chuyên gia và những người chuyên nghiệp. Những người đã chỉ cho chúng ta biết cách chống lại virus, cứu vãn cuộc hôn nhân, dạy dỗ con trẻ, và thực tế là, [họ đã chỉ cho chúng ta] cách làm gần như tất cả mọi thứ.
Trong một nền văn hoá phụ thuộc nặng nề vào những chuyên gia, liệu có khoảng trống nào cho những kẻ nghiệp dư không? Liệu chúng ta có lý do nào để thực hiện những thứ đáng để đánh đổi công sức “một cách tệ hại” không?
Hãy suy ngẫm một chút.
Nghiệp dư hay chuyên nghiệp?
Một buổi sáng, bạn thức dậy [với một cơ thể] lạnh toát, mồ hôi rịn trên da, và [cảm thấy] nặng ở lồng ngực trái. Bạn sẽ đi đến nhà người hàng xóm – cô này làm việc tại phòng quy hoạch của thành phố – nhờ cô ấy đo mạch và nhiệt độ của bạn, và nhờ cô ấy đưa ra ý kiến về y khoa, hoặc là cuốc bộ đến nhà một người bạn và yêu cầu cô ấy lái xe đưa bạn đến Trung tâm săn sóc khẩn cấp?
Hầu hết chúng ta chắc chắn sẽ lựa chọn phương án 2.
Các chuyên gia ở mọi lĩnh vực đều có đóng vai trò quá quan trọng đối với sức khỏe và thậm chí là mạng sống của chúng ta. Chẳng ai trong chúng ta muốn Alex, một nhân viên nhồi bông thú, phẫu thuật cắt đại tràng cho mình, hay Barbara, một nhân viên kế toán, nói với ta rằng “Hãy há miệng to ra” và dùng chiếc kềm giật phăng chiếc răng hàm đang sưng đau của ta.
Ngược lại, chúng ta thường phó mặc cho những “người chuyên nghiệp” thực hiện những công việc mà chúng ta nên tự mình làm lấy. Đơn cử, những tổ phụ lập quốc đã kiến thiết quốc gia của chúng ta thành một nơi có thể được điều hành bởi nhân dân, mà không phải bởi những chính trị gia hay những viên chức chuyên nghiệp. Ảnh hưởng của trận đại dịch đã khiến những trường học phải đóng cửa, điều này đã tách những giáo viên khỏi rất nhiều bậc phụ huynh, và rất nhiều trong số họ đã khám phá ra sự vui thích khi hướng dẫn cho con của mình tại nhà. Một phụ nữ trong độ tuổi 30, cũng là một người thân của tôi, đã tính dùng tiền thuê dịch vụ trang trí nội thất để tôn tạo ngôi nhà của cô thành căn hộ dịch vụ Airbnb, nhưng đã quyết định tự mình nhận lãnh công việc này, và đã cô đã thực hiện điều này một cách rất tuyệt vời, từ việc chọn màu sắc đến nội thất cho công việc kinh doanh của mình.
Khi chúng ta, những kẻ nghiệp dư, hành động xuất phát từ tình yêu, niềm yêu thích và sự cam kết, chúng ta có thể nhận được những kết quả đáng ngạc nhiên.
Những nghệ sĩ và những kẻ nghiệp dư
Một cách quá thường xuyên, chúng ta thường sống như những khán giả hơn là những người tham gia vào trò chơi của cuộc đời. Chúng ta nghe những ca sĩ và nhạc sĩ chuyên nghiệp trình diễn trên sân khấu, chúng ta xem những vận động viên chơi thể thao trên TV, xem chuyên gia tân trang những ngôi nhà cũ, hay những đầu bếp làm ra những món ăn tuyệt hảo.
Khi thực hiện việc này một cách điều độ, những cách giải trí này thì cũng không có hại gì. Chúng có thể giúp ta trút bỏ những gánh nặng trong cuộc sống hằng ngày, tạo ra một chút hứng khởi, và cũng có khi khiến niềm đam mê của chúng ta khởi lên.
Nhưng liệu chúng ta có đang đánh mất điều gì không?
Hãy cùng tham gia một chuyến du ngoạn ngắn đến với thị trấn nhỏ vô thực Liberty Hill ở North Carolina. Đó là một buổi trưa thứ bảy, tháng 07/1893, và người hàng xóm của bạn, Sam Moxley, người hành nghề cắt tóc, đồng phục chỉnh tề, vừa đi vừa huýt sáo trên đường tham gia một cuộc đấu bóng tại sân bóng chày địa phương. Ở nhà kế bên, bạn có thể nghe thấy tiếng của Dorothy Gillet đang chơi điệu ragtime với chiếc dương cầm của mình cho câu lạc bộ chị em phụ nữ của cô. Cũng trên con đường đấy, “Big Mike” Cox, làm nghề thợ rèn, đang mua vui cho lũ trẻ của anh bằng những câu chuyện và lời đùa cợt hài hước. Cách đó hai căn nhà, Emmaline Johnson đã đặt xong giá vẽ của mình tại hàng hiên, dùng màu nước để vẽ người bạn Jincy của mình trong khi đó, Patrick, chồng của Emmaline, đang khắc một người lính gỗ để dành tặng cho cháu mình nhân dịp sinh nhật sắp tới. Khi bạn đang [ung dung] đung đưa trên chiếc ghế dưới hàng hiên trước nhà, bạn có thể ngửi thấy mùi thơm từ những chiếc bánh táo nướng của nghệ sĩ ẩm thực tài ba Elsa Dyson.
Một bức hoạ có quá bình dị chăng? Có lẽ thế. Nhưng vấn đề là trước khi những trò giải trí đại chúng được tạo ra, những người không chuyên phần lớn đã tự tạo niềm vui cho mình, hoà trộn niềm hân hoan cùng sự thỏa mãn khi làm những việc mình yêu thích và sẻ chia tài năng này cùng người khác.
Những món quà tặng kèm (thêm vào một điều gì đó)
Những nghệ sĩ nghiệp dư ngày nay có thể tích lũy từ những khoản tương đương tiền thưởng và phúc lợi.
Vẽ một bức tranh phong cảnh, tham gia diễn xuất tại một nhà hát cộng đồng, hát bản “Messiah” của Bach cùng dàn hợp xướng, như những gì nghệ thuật đã mang đến cho tổ tiên của chúng ta, sự gắn kết với một trong những môn nghệ thuật có thể khiến chúng ta khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn, và thậm chí là có trí tuệ hơn.
Nhiều người không chuyên nhận ra rằng đắm mình vào những hoạt động sáng tạo [có thể khiến chúng ta] trẻ lại, cũng giống như đang đi du lịch vậy, nhưng chúng ta vẫn là đang ở nhà. Ví dụ như khi vẽ cảnh biển khơi, những nỗi khủng hoảng ngân sách tại sở làm hay những căng thẳng của cuộc sống thường nhật như được cuốn đi, dù chỉ là trong khoảnh khắc. Như việc Winston Churchill tìm thấy sự giải thoát khỏi những nhiệm vụ chính trị [ràng buộc] khi vẽ tranh bằng màu nước, là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này.
Nghệ thuật cũng đồng thời trao những chiếc xích đu và tấm ván trượt cho những người trưởng thành. Khi tôi sống ở Virginia, tôi đã thấy nhiều người lái xe mô-tô, đi câu cá, leo núi, hoặc lướt ca-nô, tất cả đều là vì niềm vui thôi, nhưng tôi cũng biết những người đàn ông và phụ nữ tìm thấy sự thú vị trong công việc viết lách và chơi nhạc, điều phối một vở kịch, và dạy người khác từ khiêu vũ cho đến vẽ tranh. Nghệ thuật lại trở về với sân chơi, nơi chúng ta có thể để trí tưởng tượng và tài năng của mình được tự do bay nhảy.
Và như việc chơi những trò chơi có thể khiến tư duy của chúng ta sắc sảo, nhạy bén hơn, như cờ vua chẳng hạn, nghệ thuật cũng giống hệt như vậy. Một nhân viên ngân hàng đánh những bản nhạc của Mozart trong nửa giờ mỗi buổi tối, người thợ mộc gảy [những nốt nhạc] bằng cây guitar của mình dưới hàng hiên khi chiều buông, hay cả một phụ nữ e lệ, trong không gian riêng tư của căn nhà mình, cô đọc và diễn vai Ophelia trong vở “Hamlet” của Shakespeare, tất cả họ đều đang thực hành những năng lực tâm thức của mình.
Những niềm vui không ngờ đến
Vào năm 2004, tôi đã yêu cầu những sinh viên trong Lớp nâng cao Văn học Anh do mình đứng lớp viết một bài thơ thể sonnet. Để xoa dịu những lời ca thán trước thông báo của mình, tôi đã hứa mình cũng sẽ viết một bài thơ sonnet.
Và tôi đã phải lòng với thơ ca mất rồi.
Trong nhiều năm sau khi tôi viết bài sonnet ấy, làm thơ đã cho tôi tìm thấy sự thoả mãn sâu sắc và mãnh liệt. Đối với thơ, mỗi từ đều được cân đếm, nhiều quy tắc [đặt ra] cho những vế thơ, cho độ dài và nhịp điệu, và tôi rất thích thú khi có thể nhẩm trong đầu những cụm từ và dòng thơ ngày này sang ngày khác, luôn luôn tìm cách để khiến chúng trở nên sáng rõ và trôi chảy hơn. Mặc dù cuối cùng thì những dòng thơ của tôi phải nhường chỗ cho những bài viết khác, nhưng tôi [vẫn] cảm thấy vui khi nhớ đến những cảm giác nhẹ nhõm và hạnh phúc mà thơ ca đã mang đến cho tôi trong khoảng thời gian ấy.
Một ví dụ khác nhé: Khi tôi 11 tuổi, cha tôi, một bác sĩ, đã tặng tôi một mô hình “Visible Man” vào dịp Giáng sinh, [đó là] một mô hình bằng nhựa mô phỏng các cơ quan và mạch máu của chúng ta. Những bộ phận cần phải được tô màu, và tôi nhớ rõ là tôi đã ngồi với cha mình trên một chiếc bàn chơi bài trong phòng khách với từng bộ phận được trải khắp trước mặt chúng tôi. Cha tôi đã tô màu phần lớn trong số ấy, và ông đã thích thú đến mức [sau đó], ông đã bắt đầu vẽ tranh trên vải canvas, trước tiên là với màu nước và sau đó chuyển sang sơn dầu. Những gì đã bắt đầu ở bàn chơi bài hôm ấy đã trở thành niềm đam mê suốt đời của cha tôi.
Niềm đam mê chính là một từ khóa cho những kẻ nghiệp dư.
Hãy đến đây nào, nước rất êm thôi !
Trong một cuộc phỏng vấn [được thực hiện] nhiều năm về trước, nhà văn Ray Bradbury đã được hỏi liệu việc viết lách có phải là nỗi vất vả của ông không. Tôi đã từng nghe những nhà văn kể về những ngón tay rỉ máu của họ, hay việc viết lách khó nhằn như thế nào, và tôi đã rất bất ngờ khi Bradbury trả lời rằng, “Công việc viết lách hẳn là thú vị rồi. Nếu không thú vị, tại sao lại viết làm gì?”
G.K. Chesterton dường như đã tái khẳng định [lời nói của] Bradbury bằng một câu nói nổi tiếng, “Sở dĩ thiên thần có thể bay lên, là vì họ không đặt nặng bản thân mình.”
Xem nhẹ bản ngã của mình, tận hưởng niềm vui thú – những điều này nên đóng vai trò định hướng cho những nghệ sĩ không chuyên. Như tôi đã đề cập ở trên, những sáng tạo của chúng ta, những thú vui chúng ta theo đuổi, nên mang lại cho chúng ta niềm hân hoan, giải thoát chúng ta khỏi những căng thẳng, đưa chúng ta đến với hành trình thẩm ngộ sâu hơn về bản ngã, và về xúc cảm đến từ sự vui đùa và sáng tạo.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, người láng giềng của tôi thường hát những bản opera của Ý bằng thứ làn hơi không chuyên nghiệp khi đang ngồi trên máy cắt cỏ, và tôi cùng anh trai mình thường chế giễu ông ấy.
Nhưng ông ấy đã làm đúng.
Đối với những kẻ nghiệp dư, việc ươm mầm nghệ thuật, ngay cả khi đang ngồi trên máy cắt cỏ, cũng sẽ khiến cho cả một khu vườn trong tâm thức đâm chồi nảy lộc.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các chương trình dạy học tại nhà ở Asheville, North Carolina. Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: