Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới tôn vinh niềm hy vọng và sự kiên định trước cuộc bức hại
Hàng chục quan chức từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra các tuyên bố ủng hộ môn tu luyện này.
NEW YORK—Ở Trung Quốc cộng sản, chỉ cần thốt ra câu “Pháp Luân Đại Pháp hảo” là quý vị có thể bị ngồi tù nhiều năm, bị tra tấn hoặc phải tử mạng.
Tuy nhiên, hôm thứ Hai, một tuyên bố dũng cảm đã được giương cao ra tại thành phố New York khi một chiếc phi cơ kéo theo một biểu ngữ có dòng chữ bằng Anh ngữ và Hoa ngữ bay qua sông Hudson trong nhiều giờ, phát ra tiếng kêu vù vù trước tầm nhìn của lãnh sự quán Trung Quốc.
Đó là một lời tuyên bố về sự kiên định—và niềm hy vọng, để mọi người tìm hiểu sự thật về nhóm tín ngưỡng này cùng các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của họ. Ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người ở Trung Quốc đã tập luyện môn này trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp vào năm 1999, phát đi trên khắp các đài phát thanh và truyền hình những tuyên truyền thù hận và bôi nhọ các nguyên lý phổ quát nhằm cố gắng xóa sổ Pháp Luân Công.
“Mọi thứ đều gói gọn trong năm chữ này,” ông Matthew Lee, người tổ chức sự kiện, nói với The Epoch Times, đề cập đến năm chữ tiếng Hoa tạo nên nhóm từ này.
“Thật đơn giản và dễ hiểu. Các học viên Pháp Luân Công đã phải gánh chịu cuộc bức hại này chẳng phải là vì để chứng minh cho những chữ này sao?”
Ông Lý là một trong hàng chục triệu người đã bước vào tu luyện ở Trung Quốc hồi những năm 1990. Hậu quả là ông đã bị giam cầm hai năm trong một trại lao động ở Bắc Kinh vì niềm tin của mình.
“ĐCSTQ rất sợ những chữ này. Ở Trung Quốc, nói ra những chữ đó có thể khiến quý vị phải vào tù”, ông Lý cho hay.
‘Vận động ôn hòa’
Tấm biểu ngữ bay qua sông Hudson hôm 13/05 là để đánh dấu Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới, được kỷ niệm bằng các cuộc diễn hành và lễ hội ở Manhattan và các nơi khác trong tuần qua.
Hàng chục quan chức tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu đã đưa ra các tuyên bố và thư công nhận ngày này.
Thượng nghị sĩ Ben Cardin (Dân Chủ-Maryland), các Dân biểu David Trone (Dân Chủ-Maryland), Glenn Thompson (Cộng Hòa-Pennsylvania), và Mike Kelly (Cộng Hòa-Pennsylvania), cũng như các thống đốc, thị trưởng, và các nhà lãnh đạo của nhiều địa phương khác nhau ghi nhận rằng môn tu luyện này đã nâng đỡ cộng đồng về mặt tinh thần và lan tỏa sự tích cực.
Ông Kelly đã ban hành một bản chứng nhận đề ngày 13/05 cho thấy sự công nhận đặc biệt của Quốc hội, trong đó cho biết, “sự kiên cường và cống hiến” của các học viên Pháp Luân Công đào thoát khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc đã “làm phong phú thêm cộng đồng của chúng tôi, thúc đẩy một nét văn minh nhân ái và khoan dung.”
Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế Rashad Hussain đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng ông ủng hộ “hàng triệu học viên Pháp Luân Công trên toàn cầu đang kỷ niệm môn tu luyện của họ và một lần nữa khẳng định quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của họ.”
Trong một sự kiện kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới hôm 08/05, phó lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Canada Melissa Lantsman đã ca ngợi các nguyên lý của Pháp Luân Công là những động lực để hướng tới những điều tốt lành.
Bà chia sẻ rằng mọi người “cần nhận thấy lòng trắc ẩn, sự khoan dung, tình yêu thương được Pháp Luân Công chia sẻ mỗi ngày bằng mọi cách ở khắp mọi nơi.”
Bà nói, khi đối mặt với “những kẻ bắt nạt” từ Trung Quốc cộng sản, lòng trắc ẩn “cuối cùng sẽ chiến thắng.”
Tám nhà lập pháp Quốc hội đương nhiệm và đã mãn nhiệm của Thụy Điển đã ký vào một bức thư kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới đồng thời khuyến khích nhóm tín ngưỡng này tiếp tục truyền rộng sự thật về cuộc bức hại ở Trung Quốc đến mọi người.
Họ viết: “Công việc mà quý vị thực hiện một cách kiên trì và bình hòa này rất quan trọng đối với mọi người trên thế giới, đặc biệt là để cứu nguy cho những nhân mạng ở Trung Quốc.”
Ông Andrew Charlton, một nghị sĩ Quốc hội Úc, cho biết ông xem Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới là thời điểm để suy ngẫm về các giá trị chân, thiện, và nhẫn” và “nguyên tắc vận động ôn hòa.”
Thượng nghị sĩ Tiểu bang Pennsylvania Anthony Williams cũng bày tỏ rằng ông đánh giá cao các học viên vì đã lan tỏa “nội tâm bình hòa và lạc quan” của họ trong cộng đồng địa phương thông qua các thông tin y tế, hội thảo trực tuyến, và các điểm luyện công ngoài trời để “giúp nhiều người vượt qua những lúc khó khăn trở ngại.”
Được luyện tập trên khắp thế giới
Mặc dù Pháp Luân Công đang bị đàn áp ở Trung Quốc nhưng môn tu luyện này lại được tập luyện tự do ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Các hội thảo thiền định Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến cả trực tuyến và ngoài đời thực, với ước tính khoảng 10,000 người tham dự qua LearnFalunGong.com, một mạng lưới tình nguyện viên cung cấp các hội thảo trực tuyến miễn phí kéo dài hai giờ bằng hơn 30 ngôn ngữ khác nhau.
Cô Riana Darrow, một bà mẹ nội trợ 31 tuổi, đã tình cờ biết được môn tu luyện này trên Facebook và quyết định tập thử.
Cô nói với The Epoch Times: “Quý vị càng tu tập nhiều thì quý vị càng cảm thấy vững tâm hơn,” đồng thời nói thêm rằng việc luyện tập các bài công pháp có thể “thực sự nâng cao chất lượng cuộc sống.”
Ông Philip Pipitone là giám sát viên bảo trì giao thông công cộng đã về hưu ở thành phố New York. Ông cho biết ông cảm thấy “một khối năng lượng” ở cả hai bàn tay và cánh tay khi tham dự buổi hội thảo Pháp Luân Công kéo dài chín ngày tại Hiệu sách Fa Yuan ở Middletown.
“Tôi ngồi lặng yên, không đứng dậy hay làm gì khác. Tôi không quan tâm những người khác đang làm gì,” ông kể với The Epoch Times.
Khoảng ba năm trước sau khi xem một video trên YouTube về cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, cô Rita Calviello, kỹ sư hệ thống tại một ngân hàng ở New York, đã cảm thấy hiếu kỳ về môn tu luyện này.
“Tại sao Trung Quốc lại sát nhân chỉ vì người ta đọc cuốn sách này?” cô đã lấy làm băn khoăn về “Chuyển Pháp Luân,” cuốn sách chính của Pháp Luân Công.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times