Ngân hàng Thế giới cảnh báo nền kinh tế toàn cầu ‘cận kề’ với suy thoái
Trong báo cáo bán niên mới nhất, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ “cận kề” bước vào một cuộc suy thoái trong năm nay .
Tổ chức cho vay quốc tế này đã cắt giảm gần một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 1.7%, do mức tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Âu Châu, và Trung Quốc. Ước tính này giảm so với dự đoán trước đó cách đây sáu tháng là 3%.
Nếu dự đoán này là chính xác, thì đây sẽ là mức tăng trưởng thường niên yếu kém thứ ba trong vòng khoảng 30 năm, chỉ sau cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra và cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009.
Báo cáo này nêu rõ, “Nền kinh tế toàn cầu đã chậm lại đến mức cận kề bước vào suy thoái một cách nguy hiểm — được định nghĩa là một sự thu hẹp trong thu nhập bình quân đầu người thường niên trên toàn cầu — chỉ 3 năm sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái do đại dịch gây ra vào năm 2020.”
Triển vọng này cảnh báo rằng lạm phát trên toàn thế giới có thể không vừa phải hoặc thậm chí có thể tăng cao hơn do sự gián đoạn nguồn cung mới. Báo cáo nêu trên cũng lưu ý rằng điều này sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất chính sách cao hơn và nhanh hơn, làm tăng thêm căng thẳng về tài chính.
Theo Ngân hàng Thế giới, Hoa Kỳ có thể tránh được một cuộc suy thoái vào năm 2023, dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 0.5%, giảm so với dự báo gần đây nhất là 2.2%. Tuy nhiên, nền kinh tế của Liên minh Âu Châu dự kiến sẽ không tăng trưởng, trong khi các chuyên gia đang dự báo mức tăng trưởng 4.3% ở Trung Quốc.
Các tác giả nghiên cứu cảnh báo rằng cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu này sẽ đè nặng lên thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE), vốn đã được dự báo sẽ giảm tốc xuống 2.7% trong bối cảnh lạm phát gia tăng, những điều kiện tài chính thắt chặt hơn, đồng tiền mất giá, và nhiều cơn gió ngược về kinh tế.
“Những rủi ro mà chúng tôi cảnh báo hồi sáu tháng trước đã thành hiện thực và kịch bản xấu nhất hiện nay là kịch bản căn bản của chúng tôi,” ông Ayhan Kose, một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, cho biết. “Nền kinh tế thế giới đang rất bấp bênh và có thể dễ dàng rơi vào suy thoái nếu các điều kiện tài chính thắt chặt.”
Điều này xảy ra ngay sau khi bà Kristalina Georgieva, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo rằng 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào một cuộc suy thoái. Hôm Chủ nhật (08/01), bà nói với đài CBS rằng, ngay cả đối với những quốc gia ngăn chặn được một cuộc suy thoái kinh tế, thì “tình trạng này sẽ giống như suy thoái đối với hàng trăm triệu người.”
“Đối với hầu hết nền kinh tế thế giới, đây sẽ là một năm khó khăn, khó khăn hơn cả năm mà chúng ta vượt qua,” bà Georgieva nói. “Tại sao? Bởi vì ba nền kinh tế lớn — Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc — đều đang giảm tốc đồng thời.”
Hiện tại, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2.7% trong năm nay, giảm từ mức 3.2% vào năm 2022.
Thời kỳ ảm đạm phía trước đối với nền kinh tế thế giới?
Nhiều cơ quan, tổ chức tài chính, và nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế thế giới có thể bị đình trệ trong năm nay, hoặc là suy thoái hoặc là tăng trưởng chậm chạp.
S&P Global xem các cuộc suy thoái nhẹ ở Hoa Kỳ và Âu Châu là trường hợp căn bản, nhưng sự mở rộng vừa phải ở Trung Đông, Á Châu Thái Bình Dương, và Phi Châu sẽ giúp ích cho nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Trong một báo cáo triển vọng mới đây cho năm tới, công ty này cho biết: “Tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại từ mức gần 3% vào năm 2022 xuống còn một nửa tốc độ đó vào năm 2023.”
JPMorgan Chase không cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một “nguy cơ sắp xảy ra” là rơi vào suy thoái, với mức tăng trưởng dự kiến sẽ đạt khoảng 1.6%. Tuy nhiên, quan điểm căn bản của họ là một cuộc suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ có thể xảy ra trước cuối năm 2023.
“Với việc mùa đông có thể khiến cho các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở Âu Châu trầm trọng thêm, triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn ảm đạm, nhưng chúng tôi không nhận thấy nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ sắp rơi vào suy thoái vào đầu năm 2023. Ông Bruce Kasman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế và chính sách tại JPMorgan, cho rằng, một cuộc suy giảm chuỗi cung ứng và những tác động giá cả hàng hóa sẽ giảm thiểu lực cản về điều kiện tài chính. Ông nói: “Những hoàn cảnh yêu cầu xem xét một loạt các kịch bản. Sự kiện nổi bật trong các kịch bản khác nhau được đưa ra là một cuộc suy thoái của Hoa Kỳ … nhưng thời điểm xảy ra biến cố này, đường hướng chính sách của Fed và những tác động đối với phần còn lại của thế giới là khác nhau.”
Theo Morgan Stanley, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ đạt 2.2%, và nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ giữ ổn định ở mức chỉ 0.5%.
“12 tháng qua đã chứng kiến mức tăng nhanh nhất của lãi suất quỹ Liên bang kể từ năm 1981, và mức tăng nhanh nhất của lãi suất Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) kể từ khi thành lập Khu vực đồng tiền chung Âu Châu,” ông Seth B. Carpenter, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Morgan Stanley, viết trong một lưu ý. “Nhưng khi chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng phục hồi và thị trường lao động bớt xung đột hơn, thì chúng ta có thể thấy lạm phát giảm mạnh hơn và rộng hơn, mà điều này có nghĩa là một con đường dễ dàng hơn đối với chính sách và tăng trưởng cao hơn trên toàn cầu.”
Ông Lei Wang, nhà quản lý danh mục đầu tư vốn cổ phần quốc tế tại Thornburg Investment Management, cho rằng đó sẽ là một hiệu ứng dây chuyền đối với ba nền kinh tế lớn này.
“Tất cả chúng ta đều nhận ra rằng tăng trưởng ở Hoa Kỳ hoặc Âu Châu đang chậm lại và người tiêu dùng có thể sẽ bị ràng buộc với ngân sách trong những năm tới,” ông Wang cho biết. “Nhu cầu xuất cảng của Trung Quốc sẽ chậm lại. Thay vì là lực đẩy hay kích thích nền kinh tế Trung Quốc, đây sẽ là lực cản đối với nền kinh tế [của quốc gia này].”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times