Dân biểu Đảng Cộng Hòa kêu gọi kiểm toán Cục Dự trữ Liên bang
Hôm 10/01, Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) đã giới thiệu lại Đạo luật Minh bạch Cục Dự trữ Liên bang của ông tại Hạ viện, một truyền thống hàng năm của nghị sĩ này. Được mệnh danh là dự luật “Kiểm toán Fed”, luật này là sự lặp lại đã qua điều chỉnh của dự luật do cựu nghị sĩ Ron Paul (Cộng Hòa-Texas) đưa ra hồi năm 1983.
“Việc này là chính thức rồi!” ông Massi viết trong một tweet chiều hôm thứ Ba (10/01). “Tôi vừa giới thiệu lại dự luật lưỡng đảng của mình để kiểm toán Cục Dự trữ Liên bang, HR 24.”
Dự luật của ông Massie sẽ “yêu cầu một cuộc kiểm toán đầy đủ đối với hội đồng thống đốc của hệ thống Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang.”
Dự luật ban đầu của ông Paul, mặc dù được đưa ra vào đầu những năm 1980, nhưng đã không nhận được phiếu bầu tại Hạ viện cho đến năm 2012, nơi luật được thông qua với tỷ lệ 337–98 với sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng. Cựu Lãnh đạo Đa số Thượng viện Harry Reid (Dân Chủ-Nevada) từ chối tổ chức một cuộc bỏ phiếu cấp Thượng viện về đạo luật này mặc dù đã ủng hộ việc kiểm toán Cục Dự trữ Liên bang trước đó trong sự nghiệp của mình.
Lý do đằng sau sáng kiến này, vốn nhận được sự ủng hộ từ những người truyền thống theo thị trường tự do như ông Paul và ông Massie — những người đổ lỗi cho ngân hàng trung ương Hoa Kỳ về vai trò của ngân hàng này trong sự bất ổn kinh tế của đất nước — là tính minh bạch sẽ cho phép công chúng chuẩn bị và tránh các cuộc khủng hoảng tài chính tốt hơn.
“Tôi đã nói về điều này trong nhiều thập niên và lập luận rằng chúng ta có một hệ thống tài chính rất lỏng lẻo, rất dễ bị tổn thương, và chính Fed đã tạo ra bong bóng,” ông Paul nói trong một bài diễn văn tại Viện CATO năm 2009. “Vì vậy, chúng ta nên xem xét và ngăn chặn những vấn đề này hơn là chờ đợi một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng xảy ra.”
Dân biểu Massie cũng đã có quan điểm tương tự trong thời gian gần đây và đưa ra những lời chỉ trích của riêng ông về lý do tại sao công chúng xứng đáng có cái nhìn sâu sắc hơn về ngân hàng trung ương.
“Một mặt, Cục Dự trữ Liên bang có nhiều đặc quyền của các cơ quan chính phủ trong khi vẫn giữ lại lợi ích của các tổ chức tư nhân, chẳng hạn như phần lớn được cách ly khỏi các yêu cầu của Đạo luật Tự do Thông tin,” ông Massie nói trong một bài diễn văn tại Hạ viện năm 2014. “Cục Dự trữ Liên bang có thể ký kết các thỏa thuận với các ngân hàng trung ương ngoại quốc và chính phủ ngoại quốc, và Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) bị cấm kiểm tra các thỏa thuận này.”
GAO định kỳ tiến hành đánh giá Cục Dự trữ Liên bang, nhưng đây không phải là các cuộc kiểm toán toàn diện và không bao gồm các thỏa thuận được thực hiện với các đối tác nước ngoài. Dự luật của ông Massie sẽ yêu cầu tổng kiểm toán chính phủ, người đứng đầu GAO, tiến hành kiểm toán toàn bộ Fed.
Cũng trong hôm thứ Ba, Quyền Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch tại một hội nghị chuyên đề ở Stockholm, Thụy Điển.
“Sự độc lập đi kèm với trách nhiệm cung cấp sự minh bạch cho phép Quốc hội giám sát hiệu quả, từ đó hỗ trợ tính hợp pháp dân chủ của Fed,” chủ tịch ngân hàng trung ương cho biết, đồng thời nói thêm rằng Cục Dự trữ Liên bang đã đạt được tiến bộ đáng kể trên phương diện này. “Trong vài thập niên qua, chúng tôi đã liên tục mở rộng cố gắng của mình để cung cấp sự minh bạch có ý nghĩa.”
Tuy nhiên, ông Powell đã cảnh báo chống lại phong trào “kiểm toán Fed” trong những năm trước, nói rằng phong trào này có thể gây áp lực chính trị quá mức đối với chính sách tiền tệ.
Những người chỉ trích dự luật này nói rằng các ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã được kiểm toán đầy đủ. Mặc dù không phải là do tổng kiểm toán chính phủ thực hiện, nhưng Fed vẫn được kiểm toán hàng năm bởi một công ty kế toán công độc lập do Văn phòng Tổng Thanh tra (OIG) lựa chọn.
Theo ông Joseph Wang, một cựu giao dịch viên trên Bàn Giao dịch Thị trường Mở của Cục Dự trữ Liên bang, gần như tất cả các hoạt động tài chính của ngân hàng trung ương đều được tiết lộ cho công chúng, mặc dù thường có độ trễ. Điều đó nói lên rằng, ông Wang thừa nhận có một số lĩnh vực khó hiểu.
“Một điều mà công chúng có thể quan tâm là cơ sở repo Cục Quản lý Bảo hiểm và Giảm thiểu Liên bang (FIMA) mới của Fed, nơi cơ quan này cho các ngân hàng trung ương và chính phủ ngoại quốc vay tiền dựa trên tài sản thế chấp là công khố phiếu,” ông nói với The Epoch Times. “Những người vay của cơ sở đó không được tiết lộ, nhưng ngay cả những chính phủ không nhất thiết thân thiện với Hoa Kỳ cũng có thể vay thông qua đó.”
Ông Massie không phải là thành viên duy nhất của Quốc hội mang theo ngọn đuốc truyền lại từ ông Ron Paul. Con trai của ông Paul, ông Rand, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến từ Kentucky, cũng tiếp tục thúc đẩy ngân hàng trung ương minh bạch hơn, khi giới thiệu các dự luật tương tự như dự luật của ông Massie tại Thượng viện trong những năm gần đây.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times