Ông Kevin McCarthy: Nên đối xử với giới hạn nợ ‘như cách chúng ta đối xử trong chính gia đình mình’
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã tiết lộ trước chiến lược của Đảng Cộng Hòa về cách giải quyết vấn đề giới hạn nợ của Hoa Kỳ sau khi Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cảnh báo rằng nợ liên bang sẽ chạm mức giới hạn đó trong tuần này (16-22/01).
Các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến trần nợ sẽ biến thành một cuộc đọ sức chính trị, với việc một số thành viên Đảng Cộng Hòa gắn việc tăng trần nợ với các điều khoản luật khác. Một số người nói rằng một thỏa thuận giới hạn nợ nên bao gồm cắt giảm chi tiêu.
“Những gì tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta sẽ làm là đối xử với điều này như cách chúng ta đối xử trong chính gia đình mình. Nếu quý vị có một đứa con, quý vị đưa cho con một thẻ tín dụng và con quý vị liên tục chạm đến giới hạn, thì quý vị sẽ không tiếp tục tăng mức giới hạn đó lên. Trước tiên, quý vị sẽ xem mình đang chi tiền vào việc gì. Làm thế nào chúng ta có thể cắt các khoản mục ra?” ông McCarthy nói với chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News. “Mọi chính phủ đều phải làm điều này. Mỗi tiểu bang đều phải cân bằng ngân sách, quận, thành phố của họ. Khi mà Tòa Bạch Ốc nói rằng họ thậm chí sẽ không xem xét điều đó, rằng họ không thể tìm thấy một xu nào trong 1 dollar để loại bỏ lãng phí, thì tôi nghĩ là họ chỉ đang cố đẩy chúng ta vào tình trạng phá sản.”
Trong cuộc phỏng vấn đó, ông McCarthy dường như đứng về phía một số nghị sĩ nói rằng họ muốn hạn chế chi tiêu. Trước khi được bầu làm chủ tịch Hạ viện sau 15 vòng bỏ phiếu, ông McCarthy được cho là đã nhượng bộ các nhóm nghị sĩ Đảng Cộng Hòa khác nhau.
“Đây không phải là tiền của chúng ta. Đây là tiền của những người nộp thuế làm việc chăm chỉ. Chúng ta nên bắt đầu mỗi ngày với việc làm thế nào để chúng ta có thể trở nên hữu hiệu hơn. Làm thế nào chúng ta có thể hoàn thành công việc hiệu quả hơn cho công chúng Mỹ. Và làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó theo cách bảo đảm hơn mà không phải chi tiêu quá nhiều?” Chủ tịch Hạ viện cho biết. “Tại sao chúng ta lại khoanh tay đứng nhìn và tự mãn nói rằng ‘không, làm gì có chuyện lãng phí trong chính phủ’? Tại sao chúng ta không xem xét tất cả số tiền đã bỏ ra trong dịch COVID? Bao nhiêu tiền trong số đó chưa được chi ra? Tại sao chính phủ vẫn chưa thu hồi lại khoản dư thừa này?”
Những bình luận của ông được đưa ra sau khi bà Yellen gửi một lá thư cho các nhà lãnh đạo Quốc hội, cảnh báo rằng nợ sẽ chạm mức giới hạn. Trích dẫn các dự báo, bà Yellen cho biết nợ sẽ chạm mức giới hạn vào ngày 19/01, khiến chính phủ liên bang phải thực hiện “một số biện pháp đặc biệt”, chẳng hạn như đình chỉ các khoản đầu tư mới của Quỹ Phúc lợi Y tế cho Người về hưu của Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USCP) và Quỹ Dịch vụ Dân sự, Hưu trí, và Người khuyết tật, cũng như như các chương trình tương tự khác.
“Việc không đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, sinh kế của tất cả người Mỹ, và sự ổn định tài chính toàn cầu,” bà Yellen viết. Bà cho biết thêm, không rõ những biện pháp đó sẽ cho phép chính phủ thanh toán các nghĩa vụ của mình trong bao lâu nhưng có nói rằng, “tiền mặt và các biện pháp đặc biệt có khả năng sẽ không cạn kiệt trước đầu tháng Sáu.”
Tính đến hôm thứ Tư (11/01), dữ liệu của Bộ Ngân khố cho thấy nợ liên bang của Hoa Kỳ đang ở mức 78 tỷ USD dưới mức giới hạn, với số dư tiền mặt mà Bộ Ngân khố đang điều hành là 346.4 tỷ USD. Hôm thứ Năm (12/01) bộ đã báo cáo mức thâm hụt 85 tỷ USD trong tháng Mười Hai khi doanh thu giảm và chi tiêu tăng lên, đặc biệt là chi phí lãi vay.
“Do đó, điều quan trọng là Quốc hội phải hành động kịp thời để tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Việc không đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, sinh kế của tất cả người Mỹ, và sự ổn định tài chính toàn cầu,” bà Yellen cũng viết cho ông McCarthy như vậy. Những bức thư tương tự đã được gửi đến các nhà lãnh đạo hàng đầu của Thượng viện và Hạ viện.
Một số nhà phân tích đã đề nghị rằng Bộ Ngân khố có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này bằng cách đúc một đồng xu bạch kim trị giá hàng ngàn tỷ dollar và đưa nó vào tài khoản của chính phủ, một ý tưởng được nhiều người coi là một mánh lới kỳ quặc. Những người khác cho rằng tự thân mức giới hạn nợ đã là vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nếu chính phủ Tổng thống Biden viện dẫn lập luận đó, thì sẽ có một thách thức pháp lý diễn ra sau đó.
Dự liệu về trận chiến
Trong một cuộc đối đầu năm 2011, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã sử dụng thành công mức giới hạn nợ để đề ra các giới hạn mạnh mẽ đối với chi tiêu tùy ý của Tổng thống Barack Obama. Các mức giới hạn chi tiêu đã được giữ nguyên trong phần lớn thời gian còn lại của thập niên đó.
Dự liệu được về một cuộc chiến có thể xảy ra với Đảng Cộng Hòa, tuần trước Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết không nên đàm phán về việc tăng giới hạn nợ.
“Đây không phải là trò chơi chính trị,” bà nói với các phóng viên hôm 13/01, đồng thời nói thêm rằng việc nâng giới hạn nợ “nên được thực hiện vô điều kiện.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times