Nhà phân tích: Hoa Thịnh Đốn có thể cắt giảm chi tiêu để hạn chế mở rộng IRS, nhưng khó cải tổ
Bất chấp quan điểm chính trị từ cả hai đảng và những lời kêu gọi “thực sự cải tổ cấu trúc chi tiêu để giảm thâm hụt chi tiêu và mang lại sự lành mạnh về tài chính cho Hoa Thịnh Đốn” từ 24 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, thì một sự thay đổi như vậy từ phía Hoa Thịnh Đốn khó có thể xảy ra vào lúc này, ông Ryan Yonk giải thích trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên chương trình Newsmakers của NTD và The Epoch Times hôm 01/02.
Tuy nhiên, ông Yonk nói thêm, một lĩnh vực mà Đảng Cộng Hòa có thể tác động đáng kể đến các cuộc đàm phán ngân sách gần đây của Hoa Thịnh Đốn là thúc đẩy giảm tài trợ cho việc mở rộng đội đặc nhiệm của IRS. Ông Yonk là Nhà nghiên cứu Cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER).
“Tôi nghĩ, cuộc tranh luận xung quanh IRS là một trong những chủ đề mà Đảng Cộng Hòa có thể thực sự can thiệp vào việc ra quyết định,” ông nói. “Tức là, quý vị sẽ khó có thể tìm được ai thích thú với việc có nhân viên IRS khu phố đến kiểm toán họ.”
“80 tỷ USD dành cho việc mở rộng số lượng đặc nhiệm để tiến hành nhiều cuộc kiểm toán hơn sẽ không giúp [các chính trị gia] có nhiều bạn bè. Đặc biệt là khi rõ ràng là điều đó sẽ đẩy hoạt động kiểm toán ngày càng tiến gần hơn tới những người có thu nhập trung bình.”
Ông Yonk giải thích, lập luận rằng việc mở rộng lực lượng đặc nhiệm IRS sẽ chỉ tăng số lượng các cuộc kiểm toán cho các triệu phú và tỷ phú chứ không phải cho tầng lớp trung lưu là lố bịch.
“Làm như thế sẽ tăng số lượng các cuộc kiểm toán [đối với tầng lớp trung lưu],” ông Yonk nói. “Quý vị có thể nói đi nói lại về việc theo đuổi các tỷ phú. Nhưng nếu quý vị thêm nhiều đặc nhiệm như vậy, sẽ không có nhiều tỷ phú mà những đặc nhiệm đó sẽ dành toàn bộ thời gian của họ để nhắm đến. [Việc mở rộng số lượng đặc nhiệm IRS] có khả năng tăng số lượng các cuộc kiểm toán và đẩy ngưỡng thu nhập [bị kiểm toán] xuống.”
Quan điểm chính trị về vấn đề chi tiêu
Đảng Dân Chủ kiểm soát Thượng viện, nhưng Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện. Do đó, Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã yêu cầu Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) dẫn đầu trong việc đàm phán với Tổng thống Joe Biden về ngân sách quốc gia.
Trước cuộc gặp đầu tiên hôm 01/02, ông McConnell và Tổng thống Biden đều đã đưa ra các bản ghi nhớ và tuyên bố về quan điểm ngân sách của họ.
Bản ghi nhớ của Tổng thống Biden, được phát hành hôm 31/01, tuyên bố rằng ông Biden muốn ông McCarthy “cam kết với nguyên tắc nền tảng rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ vỡ nợ.”
Tuyên bố của ông McCarthy, được đưa ra qua Twitter, cho biết, “Ngài Tổng thống: Tôi đã nhận được bản ghi nhớ từ nhân viên của ông. Tôi không quan tâm đến các trò chơi chính trị. Tôi đến để đàm phán cho người dân Mỹ.”
Ông Yonk tuyên bố rằng những tuyên bố công khai của cả ông McConnell và Tổng thống Biden không gì khác hơn là thể hiện quan điểm chính trị và “công việc như thường lệ” liên quan đến các cuộc đàm phán ngân sách của Hoa Thịnh Đốn.
Ông Yonk nói, “Tôi không nghĩ có khả năng cao là Hoa Kỳ sẽ vỡ nợ. Chúng ta đã rơi vào tình trạng này nhiều, rất nhiều lần. Tôi gọi đây vừa là ngày tận thế vừa hoàn toàn là công việc bình thường ở Hoa Thịnh Đốn.”
Ông Yonk giải thích rằng nguy cơ Hoa Kỳ vỡ nợ — mà các chính trị gia đang vận động hành lang qua lại — sẽ là rất tệ đối với nền kinh tế và có tác động lan tỏa. Tuy nhiên, các tuyên bố chính trị công khai của cả hai bên là những gì mà các chính trị gia đã sử dụng trong nhiều năm.
Ông Yonk nói, “Nếu chúng ta vỡ nợ, thì đủ mọi điều khủng khiếp sẽ xảy ra. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có những cuộc thảo luận kiểu này.”
“Tôi hoàn toàn mong đợi rằng bất chấp việc tổng thống khẳng định rằng ông sẽ không đàm phán vì bất cứ điều gì khác ngoài việc tăng trần nợ một cách rõ ràng dứt khoát, và ông McCarthy hứa sẽ không sử dụng [trần nợ] như một đòn bẩy chính trị, thì năm tháng tới sẽ chính xác là như vậy: một cuộc đàm phán chủ yếu liên quan đến chính trị, về việc chi tiêu bao nhiêu, cắt giảm như thế nào, loại hành động nào sẽ được thực hiện.”
Ông nói, “Cuối cùng, tôi hoàn toàn mong đợi rằng chúng ta sẽ đi đến cùng một nơi mà chúng ta đã đến khoảng 100 lần khác kể từ khi trần nợ được đưa ra. Đó là tất cả mọi người sẽ phàn nàn về việc chúng ta đang chi tiêu quá nhiều tiền, và sau đó họ sẽ tăng trần nợ một lần nữa.”
Nợ ngày càng tăng
Ông Yonk giải thích rằng Hoa Kỳ đã rơi vào tình cảnh nợ 31.45 ngàn tỷ USD vì cả hai đảng không thực sự cam kết về trách nhiệm tài chính.
“Vấn đề thực sự trong hầu hết các cuộc thảo luận này là, chúng ta nghe về các vấn đề chi tiêu khi quý vị thuộc đảng thiểu số,” ông Yonk nói. “Chúng ta không nghe nhiều đến vậy khi quý vị thuộc đảng đa số.”
“Và đó thực sự là cách thức mà chúng ta đã rơi vào hoàn cảnh hiện tại. Khi quý vị nắm quyền, thì quý vị thích chi tiêu. Khi quý vị không nắm quyền, thì quý vị có xu hướng không thích cách chi tiêu của đối phương và vì vậy quý vị phản đối. Và do đó, chúng ta gặp phải chu kỳ mà chúng ta đang có.”
Ông Yonk kết luận rằng ông tin điều duy nhất sẽ buộc Hoa Thịnh Đốn phải nghiêm túc trong việc cải tổ chi tiêu là chi phí trả nợ. Ông đã giải thích rằng khi thâm hụt tăng lên và Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, giá của mỗi USD đã vay cũng tăng theo.
“Một trong những tình trạng siết chặt kép xảy ra khi quý vị đạt đến mức thâm hụt chi tiêu lớn — làm tăng nợ quốc gia — [và] đồng thời Fed tăng lãi suất, thì số tiền quý vị phải trả cho những trái phiếu đó sẽ tăng lên, làm tăng chi phí của mỗi USD đã vay.”
Ông Yonk nói: “Và việc tiếp tục thực hiện các khoản thanh toán đó mà không ảnh hưởng đến các dịch vụ của chính phủ sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times